Nôn Trớ ở Trẻ Sơ Sinh: Nguyên Nhân Và Cách Giảm đi Tình Trạng Này

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bác sĩ Trần Thị Hương Lan

Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN

Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Đặt lịch

Trẻ sơ sinh rất hay bị nôn trớ, nhưng không phải bậc làm cha mẹ nào cũng biết rõ nguyên nhân cũng như cách xử lí để có thể giảm đi tình trạng này. Thông thường, nôn trớ sẽ giảm dần và kết thúc khi trẻ qua giai đoạn sơ sinh.

nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là một trong những vấn đề làm nhiều cha mẹ lo lắng nhưng lại không biết cách xử trí.

I- Hiểu về nôn trớ ở trẻ sơ sinh và nguyên nhân gây nôn trớ

1- Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là như thế nào?

Đầu tiên, bạn cần phân biệt 2 hiện tượng “nôn trớ” và “nhả sữa” vì cả 2 đều xuất hiện khá thường xuyên ở trẻ sơ sinh. Nếu như nhả sữa là chỉ thói quen ngậm sữa trong miệng (chưa nuốt vào) sau đó nhả ra của trẻ, thì nôn trớ liên quan đến dạ dày.

Nói một cách cụ thể hơn, “nôn” chỉ tình trạng các chất trong dạ dày (bao gồm cả dịch vị và thức ăn) bị đẩy lên hầu do sự co bóp của dạ dày kết hợp với hoạt động co thắt của các cơ ở thành bụng. Trong khi đó, “trớ” là sự di chuyển của những thứ ở dạ dày từ hầu lên miệng với số lượng ít. Nguyên nhân của “trớ” đơn thuần chỉ là sự co bóp của dạ dày. Nôn trớ chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh, giai đoạn hệ tiêu hóa vẫn chưa được hoàn chỉnh.

2- Những nguyên nhân gây nôn trớ

Không giống như người trưởng thành, trẻ sơ sinh có thể nôn thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần có thể nôn một ít sữa hoặc phần lớn lượng sữa vừa được bú. Một số trẻ sẽ nôn trớ nhiều hơn các trẻ khác, vì các nguyên nhân sau:

– Sai lầm trong việc cho trẻ bú sữa và chăm sóc

  • Không ít những người làm mẹ vẫn quan niệm rằng, cho trẻ bú sữa càng nhiều thì càng tốt nên đôi khi ép trẻ bú quá no. Việc này không chỉ khiến cho trẻ cảm thấy no tức khó chịu mà còn tăng cao nguy cơ trẻ bị nôn trớ nhiều lần trong ngày.
  • Cho trẻ bú mẹ không đúng tư thế hoặc bú bình không đúng cách dẫn đến việc trẻ phải nuốt hơi nhiều vào khi bú, sau đó là đầy hơi và nôn ra ngoài.
  • Thói quen đặt trẻ nằm ngay sau khi bú cũng là một nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Nhiều người cho biết, nếu sau khi cho bú đặt trẻ dựa vào ngực mẹ và vỗ lưng cho trẻ ợ thì sẽ không bị nôn trớ.
  • Việc quấn tã lót, băng quấn quá chặt cũng khiến cho trẻ bị khó chịu, tức bụng và nôn trớ.

– Trẻ bị mắc một số bệnh về nội khoa

  • Các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn (chậm) nhu động ruột.
  • Bệnh viêm đường hô hấp trên.
  • Nhiễm trùng thần kinh (viêm màng não mủ).
  • Chứng tăng áp lực nội sọ do giảm tỷ lệ Prothrombin gây xuất huyết não.
  • Trẻ bị mắc hội chứng sinh dục thượng thận.
  • Rối loạn thần kinh hoặc co thắt môn vị.

– Trẻ bị mắc một số bệnh về ngoại khoa

  • Nôn trớ do trẻ bị các dị tật về đường tiêu hóa như: Hẹp phì đại môn vị, hẹp tá tràng bẩm sinh, teo thực quản, thoát vị hoành…Trong trường hợp này, trẻ sẽ bị nôn trớ thường xuyên ngay sau khi chào đời.
  • Trẻ bị nôn trớ do tắc ruột hoặc xoắn ruột, thường được biểu hiện bởi việc nhiễm trùng toàn thân, bụng chướng, bí tiểu, bí đại tiện, đi cầu ra máu và dịch dạ dày có màu nâu đen.
nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nôn trớ
Trẻ sơ sinh có thể bị nôn trớ do cơ năng hoặc do bệnh lý.

II- Xử trí khi trẻ sơ sinh bị nôn trớ

1- Những việc cần làm ngay sau khi trẻ nôn trớ

Nôn trớ không chỉ khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lí mà còn mang đến nhiều hậu quả không mong muốn nếu như cha mẹ không biết cách xử trí. Dưới đây là một số việc bạn cần ghi nhớ khi thấy con mình bị nôn trớ:

– Để trẻ nôn cho hết cơn, tuyệt đối không dùng tay bụm miệng hoặc bịt mũi để ngăn cản cơn nôn, hành động này rất nguy hiểm vì có thể khiến trẻ bị ngạt thở. Việc bạn cần làm là đặt trẻ nghiêng đầu sang một bên để không bị sặc phải chất nôn.

– Làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay để thấm hết chất nôn còn đọng trong miệng.

– Chụm bàn tay lại và vỗ nhẹ 2 bên lưng để có thể trấn an, đồng thời giúp trẻ ho bật ra ngoài dịch nôn còn sót lại ra ngoài. Sau đó, bạn cởi bỏ quần áo cho bé và dùng khăn thấm nước ấm lau cổ và người.

– Khi cơ thể trẻ đã sạch sẽ và qua đi cơn nôn, cha/mẹ có thể cho con uống từng thìa  nhỏ nước ấm hoặc nước biển khô.

– Giúp bé có một giấc ngủ ngon sau khi nôn cũng là một việc rất cần thiết.

– Tuyệt đối không dùng thuốc chống nôn khi chưa có sự cho phép của bác sĩ và tiếp tục theo dõi tình trạng nôn trớ của trẻ.

Xem thêm: Các loại thuốc chống nôn trớ cho trẻ sơ sinh và lưu ý khi dùng

2- Xử trí trường hợp trẻ bị nôn trớ do sặc di vật

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất hiếu kì, chúng có thể cho bất cứ thứ gì vừa tầm tay vào trong miệng. Và nếu không nhận được sự bảo vệ tốt của phụ huynh, trẻ sẽ rất dễ bị sặc dị vật gây khó thở, nôn trớ. Vậy, nếu không may bé của bạn rơi vào tình trạng này thì bạn cần làm gì?

Hãy thực hiện ngay phương pháp Heimlich để loại bỏ dị vật và tránh trường hợp bé bị khó thở. Đây là một phương pháp mà những ai đang có bé nhỏ cũng đều cần biết, nó giúp trẻ tống dị vật ra bên ngoài một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Phương pháp Heimlich được tiến hành theo 2 cách: vỗ lưng và ấn ngực.

– Phương pháp Heimlich vỗ lưng

  • Bế em bé lên tay với bàn 1 bàn tay đỡ dưới ngực bé, 1 tay đặt lên trên lưng bé.
  • Dùng bàn tay đang đỡ ngực bé nâng đầu và cổ của bé thấp hơn thân mình (trẻ được bế theo tư thế sấp và đầu hơi chúc xuống).
  • Vỗ nhẹ lên lưng trẻ ở khoảng cách giữa 2 xương bả vai bằng bàn tay còn lại, vỗ liên tục 5 cái sau đó nhưng vài giây rồi tiếp tục vỗ cho đến khi trẻ nôn ra dị vật.

– Phương pháp Heimlich ấn ngực

  • Bế trẻ lên, đỡ nằm ngửa lên cánh tay của bạn (nên để trẻ lên đùi với đầu chúc xuống dưới).
  • Bàn tay đỡ đầu bé giữ lấy cổ để bé không bị tổn thương hoặc ngọ nguậy dẫn đến té ngã.
  • Dùng máy hút hút sữa trong mũi trẻ ra nếu bạn cảm thấy trẻ bị trào sữa lên mũi sau nôn trớ.
  • Sử dụng 2 ngón tay của bàn tay còn lại ấn mạnh vào vùng giữa dưới ức của bé 5 lần.

Bạn có thể kết hợp cả vỗ lưng và ấn ngực. Sau khi thực hiện xong phương pháp Heimlich, cho dù trẻ có tống được dị vật ra thì bạn cũng cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ có thể kiểm tra một cách tổng quát.

xử trí khi trẻ bị nôn trớ
Bạn nên hiểu về các biện pháp vỗ lưng, vỗ ngực đúng kỹ thuật để xử lí khi trẻ bị nôn trớ.

3- Đánh giá trẻ sơ sinh khi bị nôn trớ

Do cấu tạo dạ dày còn nằm ngang thay vì nằm dọc như người trưởng thành, cũng như tâm vị chưa đóng mở linh hoạt nên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị nôn trớ. Khi nhận thấy tình trạng này, bạn cần biết cách đánh giá nôn trớ theo các lưu ý sau:

  • Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao để có thể xác định được trẻ có đang phát triển một cách bình thường hay không, có tương ứng với độ tuổi hay không.
  • Quan sát kỹ các dấu hiệu mỗi khi trẻ nôn trớ: nôn thốc tháo, nôn vọt ra, nôn khan…nếu nôn ra sữa thì đó là sữa mới hay sữa vón lại, màu sắc dịch nôn là vàng nâu hay xanh vàng v.v…
  • Bé hay nôn vào thời điểm nào, có liên quan đến các bữa ăn hay không.
  • Màu da, niêm mạc, nhịp thở, nhiệt độ, tinh thần của trẻ trước khi nôn và ở những lúc bình thường có khác nhau nhiều hay không.
  • Theo dõi kĩ nếu trẻ có những biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp của trẻ như chảy nước mũi màu xanh, ngạt mũi thường xuyên, ho đờm…
  • Các biểu hiện bất thường của đường tiêu hóa (chậm nhu động ruột, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi v.v…) và ở hệ thần kinh (hay quấy khóc, hốt hoảng, co giật…).

Mẹ cần biết: Trẻ nôn trớ và đi ngoài kèm sốt là dấu hiệu của bệnh gì?

III- Chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị nôn trớ

Dựa vào nguyên nhân gây ra nôn trớ mà chúng ta có cách chăm sóc khác nhau, cụ thể như sau:

  • Nôn trớ do sai sót trong ăn uống, chăm sóc trẻ (còn gọi là nôn trớ cơ năng): Có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống và các biện pháp chăm sóc, theo dõi tại nhà.
  • Nôn trớ do bệnh lý: Cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ khoa Nhi để có thể được chẩn đoán và điều trị sớm.

→ Chăm sóc trẻ bị nôn trớ cơ năng tại nhà

Đối với nôn trớ do những sai lầm của cha/mẹ, cách xử trí sẽ đơn giản hơn nhiều so với do bệnh lí. Tham khảo các biện pháp chăm sóc dưới đây để có thể giúp bé hạn chế tình trạng nôn trớ:

  • Trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa bình thì cũng cần được cho bú đúng cách, đặc biệt là với trẻ bú sữa mẹ. Bú sai cách sẽ dễ khiến cho trẻ bị hút sữa lên mũi gây sặc sữa.
  • Không để bé bú đến quá no vì cũng như người lớn, trẻ sơ sinh chỉ cần một lượng thức ăn vừa đủ cho các hoạt động trong ngày. Sự dư thừa sẽ gây áp lực lên dạ dày và cản trở tiêu hóa, gây nôn trớ.
  • Sau khi cho bé bú sữa, bạn hãy học cách cho bé ợ. Bế bé sao cho lồng ngực của bé áp nhẹ vào lồng ngực của bạn, mặt bé tựa lên vai. Nhẹ nhàng vỗ lên lưng bé cho đến khi ợ.
  • Không bế xốc hoặc chơi đùa khi trẻ mới vừa ăn xong, đồng thời phải đợi đến khi trẻ ợ xong thì mới cho nằm.
  • Massage đúng kỹ thuật quanh rốn để làm giảm sự co bóp dạ dày ở bé, hạn chế sự nôn trớ. Có thể kết hợp với massage bụng mạnh và sâu đi theo khung của đại tràng nhằm giúp tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch, giúp trẻ bài tiết phân đều đặn từ đó giảm chướng bụng và nôn trớ.
  • Theo dõi cẩn thận tình hình sức khỏe của trẻ.

Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là một tình trạng xảy ra khá phổ biến, vì vậy bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để có thể ngăn ngừa và xử trí sớm nhất. Những thông tin ở trên chỉ mang tính tham khảo, thuocdantoc.vn không đưa ra lời khuyên thay thế cho tư vấn của bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bé bị nôn trớ liên tục bụng chướng to mẹ đừng xem thường!
  • Bé nôn trớ ra dịch vàng có nguy hiểm không?

Từ khóa » Trớ Nhiều ở Trẻ Sơ Sinh