Hiện Tượng Trào Ngược Dạ Dày ở Trẻ Sơ Sinh: Do Sinh Lý Hay Bệnh Lý?

Hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh rất phổ biến. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà bạn lơ là bởi đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nhiều bệnh lý ở trẻ. 

Lần đầu làm cha mẹ, chắc hẳn bạn sẽ đối mặt với vô vàn điều bỡ ngỡ. Có lẽ, một trong những trường hợp khiến bạn “yếu tim”, tái xanh mặt mũi hàng đầu đó là thường xuyên phải chứng cảnh bé bị ọc sữa, nôn trớ. 

Tình trạng trẻ sơ sinh bị trào ngược, dẫn đến ọc sữa rất phổ biến. Đa phần, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các đặc điểm sinh lý của bé chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, cũng có trường hợp là do bệnh lý mà mẹ cần cảnh giác. 

Xem ngay những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Từ đó bạn sẽ phần nào đoán được bé bị ọc sữa do đâu để tránh hoang mang “thái quá” bạn nhé! 

Vì sao trẻ sơ sinh hay bị trào ngược? 

Hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là tình trạng các chất trong dạ dày như axit dạ dày, thức ăn, không khí… từ dạ dày trào ngược lên thực quản, khiến trẻ bị nôn ói, ọc sữa. Hiện tượng này thường bắt đầu khi trẻ được khoảng 2 – 3 tuần tuổi, nhiều nhất là khi trẻ được 4 – 5 tháng, sau đó giảm dần và biến mất khi trẻ được 9 – 12 tháng. 

Ở trẻ sơ sinh, tình trạng trào ngược xảy ra khá thường xuyên và không được xem là bệnh. Nguyên nhân khiến trẻ bị trào ngược chủ yếu do hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định, chưa hoàn thiện và dạ dày nằm ngang hơn người lớn. 

Ngoài ra, cơ vòng thực quản ở trẻ, bộ phận có tác dụng giãn ra để thức ăn đi từ thực quản vào dạ dày và sau đó thắt chặt lại để giữ thức ăn không trào ngược lên vẫn chưa phát triển hoàn thiện.

Cụ thể, khi trẻ bú không đúng tư thế hoặc thay đổi tư thế đột ngột, các chất trong dạ dày (thức ăn trộn với axit trong dạ dày) sẽ ép vào cơ vòng thực quản. Do cơ vòng thực quản còn yếu và xốp nên rất dễ mở ra khiến các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản.

Đa phần, hiện tượng này sẽ biến mất khi hệ tiêu hóa trên trưởng thành về mặt chức năng. Ngoài ra, việc trẻ có thể kiểm soát đầu tốt hơn, có thể ngồi dậy, cũng như có thể ăn thức ăn đặc cũng góp phần giảm trào ngược dạ dày ở trẻ. 

Hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh: Do sinh lý hay bệnh lý? 

trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Bên cạnh nguyên nhân là do các đặc điểm sinh lý kể trên thì hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý như: 

  • Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh (GERD): Khi các triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh nghiêm trọng và kéo dài 
  • Hẹp môn vị: Môn vị là van nằm giữa dạ dày và ruột non. Nếu bị hẹp môn vị, các chất từ dạ dày sẽ khó di chuyển đến ruột non, khiến hệ tiêu hóa gặp nhiều khó khăn 
  • Không dung nạp thực phẩm: Tình trạng cơ thể phản ứng với những loại thức ăn nhất định. 

Để phân biệt trẻ bị trào ngược do sinh lý hay bệnh lý, bạn có thể dựa vào những đặc điểm sau: 

  • Hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh do sinh lý thường xảy ra trong thời gian ngắn với tần suất ít. Dù trẻ dưới 6 tháng ọc sữa thường xuyên nhưng thường không tỏ ra khó chịu, đau đớn, không sút cân, vẫn chơi đùa bình thường. Hiện tượng này sẽ giảm dần theo thời gian. 
  • Còn nếu là do bệnh lý, trẻ ọc sữa, nôn ói sẽ thường xuyên hơn, kéo dài hơn và có thể đi kèm với các triệu chứng như: 
    • Bỏ bú  
    • Khóc và hoặc cong lưng khi bú  
    • Nôn ra máu hoặc dịch màu xanh 
    • Nôn nhiều và mạnh  
    • Bụng bị sưng, căng phồng hoặc căng cứng 
    • Thở khò khè và ho. 

Nếu trẻ có những triệu chứng này, bạn nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời. 

Mẹo hay chữa trào ngược dạ dày cho trẻ 

trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày do sinh lý chỉ là hiện tượng nhất thời ở giai đoạn đầu và sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn nên mẹ không cần quá lo. Tuy nhiên, để trẻ ít bị trào ngược, mẹ có thể thử áp dụng các mẹo sau: 

  • Cho trẻ bú đúng tư thế, tránh tình trạng vừa nằm vừa cho bú. Bạn có thể bế bé, giúp bé nằm nghiêng để bú. Bạn có thể cho bé bú bên trái trước, sau đó mới đổi bên sang phải. Bởi khi dạ dày đã nhiều sữa, việc để bé nằm nghiêng bên trái sẽ giúp sữa dễ đi xuống. 
  • Đối với trẻ bú bình, bạn hãy chọn bình sữa có kích thước núm vú phù hợp với độ tuổi và nhu cầu bú của bé. Không để trẻ nằm bú mà hãy bế bé như khi cho con bú mẹ. Bạn nên nghiêng bình sữa vừa đủ sao cho núm vú luôn đầy sữa để bé dễ bú và nuốt hơn. Không dốc ngược bình vì rất dễ khiến bé bị sặc. 
  • Hỗ trợ bé ợ hơi sau khi bé bú xong bằng cách bế trẻ trong tư thế thẳng đứng từ 15 – 30 phút, kết hợp vỗ lưng nhẹ để bé dễ ợ hơi. Không nên cho bé nằm hoặc nô đùa ngay sau khi bú xong. 
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tăng số lần cho ăn và giảm số lượng thức ăn mỗi cữ. Không nên ép trẻ bú nhiều, ăn nhiều. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú của trẻ là 2 giờ và tối đa là 4 – 5 giờ. 
  • Nâng cao đầu giường, cũi hoặc nôi của bé khoảng 30 độ. 

Còn với tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra là do bệnh lý, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi khám để được chỉ định cách điều trị phù hợp. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng như tăng trưởng kém, sút cân, suy dinh dưỡng, trẻ mắc các biến chứng về hô hấp, viêm thực quản… 

Bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng. Một số trường hợp có thể chỉ định phẫu thuật, tuy nhiên điều này thường rất hiếm xảy ra ở trẻ sơ sinh.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Khi Nào Trẻ Sơ Sinh Hết Trào Ngược Dạ Dày