Hiệu Quả Chữa Giun Và độc Tính Từ Cây Keo Giậu - YouMed

Nội dung bài viết

  • Keo giậu là cây gì?
  • Công dụng của Keo giậu
  • Sử dụng keo giậu như thế nào?
  • Lưu ý khi dùng Keo giậu

Cùng với hạt cau và sử quân tử, keo giậu là cây thuốc thiên nhiên được dùng để xổ giun sán rất có hiệu quả. Tuy nhiên đây cũng là một cây có độc. Nhiều nghiên cứu dược lý hiện đại cũng đưa ra những bằng chứng từ thành phần hóa học của cây. Hãy cùng Youmed tìm hiểu về cây thuốc Keo giậu và độc tính của nó.

Keo giậu là cây gì?

Tên gọi

Tên khoa học: Leucaena glauca Benth. Họ Trinh nữ (Mimosaceae).

Keo giậu còn được gọi là cây bồ kết dại, cây muồng hoặc có nơi còn gọi là táo nhân, keo giun, bình linh, bọ chét.

Nhận biết cây Keo giậu trong tự nhiên

Keo giậu là một loại cây nhỡ không có gai, cao từ 2-5m, vỏ thân màu nâu nhạt. Lá kép lông chim hai lần; cuống chung dài 12-20mm; phía dưới phình lên và có một hạch ở dưới đuôi cuống phụ đầu tiên. Có khoảng 11-18 đôi lá chét, không cuống , hình liềm.

Cụm hoa hình cầu gồm nhiều hoa trắng.. Quả giáp màu nâu, dài 13-14cm, rộng 15mm, đầu có mỏ nhọn cứng. Có khoảng 15-20 hạt dẹt,hơi phồng, hình bầu dụ, có màu nâu nhạt, phẳng nhẵn. Mùa hoa tháng 4-6; mùa quả vào tháng 7-9.

Keo giậu hay còn gọi là Bình linh
Keo giậu hay còn gọi là Bình linh

Cây Keo giậu phân bố ở đâu

Cây Keo giậu có nguồn gốc ở các vùng thuộc Trung Mỹ sau được thuần hóa ở nhiều nước Đông Nam Á.

Ở nước ta, keo giậu mọc ở khắp nơi và thường được trồng để làm hàng rào. Keo gIậu sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, ít chua, có thể thích ứng với đất mặn vừa, ven biển. Keo giậu có thể chịu khô hạn rất tốt nhưng không chịu được ngập úng đặc biệt là khi cây còn non.

Bộ phận dùng

Quả chín thường được thu hoạch vào mùa hè – thu, rồi đập lấy hạt, đem phơi hay sấy khô và dùng làm thuốc

Hạt keo giậu
Hạt keo giậu

Thành phần hóa học

Hạt không chứa tinh bột, chứa 12-14% chất nhầy, đường, dầu béo, trong đó có các acid béo (palmitic, stearic, behenic, lignoceric, oleic và linoleic). Lá chứa  tanin, quercitrin .

Trong lá và hạt còn chứa khoảng 3% leucenin- một loại alkaloid độc tương tự như mimosin. Chất này tan được trong nước, cồn etylic, metylic và hầu như không tan trong các dung môi hữu cơ khác.

Tính vị, quy kinh

Hạt sao vàng thì có vị hơi đắng nhạt, mùi thơm bùi. Hạt để sống thì mát, tính bình.

Chưa có ghi nhận về quy kinh của hạt này

Công dụng của Keo giậu

Chữa giun

Hạt trong dân gian thường được dùng để xổ giun ở trẻ em. Những báo cáo khoa học trước đây cũng ghi nhận hiệu quả chữa giun (giun đũa) từ hạt cây với liều lượng 50g/ngày mà không ghi nhận bất kì độc tính gì.

Thức ăn cho gia súc

Ngoài ra, do hàm lượng protein trong lá cây cao nên keo giậu còn được dùng làm thức ăn cho các loài gia súc, nhất là các loài nhai lại (trâu, bò). Nó cung cấp nguồn thức ăn nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và giúp tăng sản lượng sữa. Tuy nhiên cần chú ý thành phần leucenin trong lá và hạt cây có khả năng gây giảm cân và độc tính  cho các loài ăn cỏ khác như ngựa, lợn, thỏ, gà nếu cho ăn trên mức 7,5% (khối lượng khô) của khẩu phần

  • Đối với gà con, thỏ có thể gây chết
  • Đối với lợn gây vô sinh một thời gian
  • Đối với các loại ăn cỏ không nhai lại như ngựa, lừa sẽ bị rụng lông, rụng bờm.

Sử dụng keo giậu như thế nào?

Chế biến, bào chế

Để trị giun, thường dùng hạt tươi ăn hoặc dùng hạt khô rang lên cho nở rồi tán bột uống. Cũng có thể thêm đường làm thành bánh.

Liều lượng

  • Trẻ em dùng liều 10-15g mỗi ngày
  • Người lớn dùng liều 25-50g mỗi ngày

Cách uống thuốc

Nên uống vào buổi sáng sớm, lúc bụng đói. Uống trong 3 buổi sáng liên tiếp để đẩy được giun ra ngoài.

Lưu ý khi dùng Keo giậu

Độc tính của Mimosine

Thành phần gây nên độc tính của keo giậu được ghi nhận là một alkaloid có tên leucenin hay leucenol . Nó gây ra độc tính với đặc điểm tương tự như độc tố mimosine.

Người dân ở các nước Trung Mỹ, Indonesia, Thái Lan sử dụng loại cây này như một dạng thực phẩm. Tuy nhiên do mimosine có thể gây rụng tóc ở động vật có vú không nhai lại, nên nó cũng có thể có một số tác dụng phụ đối với con người. Vì thế keo giậu không được khuyến cáo sử dụng rộng rãi cho người.

Một báo cáo ở Thái Lan cho biết việc tiêu thụ thường xuyên Keo giậu trong bữa ăn hằng ngày (ít nhất 1 lần 1 tuần) có khả năng làm giảm hấp thu sắt. Tiêu thụ 20 g keo giậu sẽ dẫn đến giảm hấp thụ sắt gần 90%, tiêu thụ 5 g đã ức chế 75% sự hấp thu sắt.

Cơ chế gây độc

Cơ chế gây độc của mimosine thông qua ngăn chặn các con đường trao đổi chất của axit amin thơm và tryptophan dẫn đễn nồng độ tyrosine huyết thanh giảm. Ngoài ra một cơ chế khác là do khả năng chelat hóa kim loại trong mimosine  có thể làm rối loạn hoạt động của các enzym chứa kim loại đặc biệt là những enzym chứa cation sắt.

Ngâm, luộc, sấy khô và lên men hạt trong quá trình chế biến keo giậu đã làm giảm đáng kể mức độ độc hại của mimosine và chất ức chế hấp thu sắt.

Tóm lại, ngoài tác dụng dùng để chữa giun, keo dậu còn được xem là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào cho động vật ăn cỏ nhai lại. Không khuyến cáo con người sử dụng loại cây này như một nguồn thực phẩm hằng ngày. Khi sử dụng cần cẩn trọng với độc tố gây rụng tóc và ức chế hấp thu sắt từ cây này. Tốt nhất hãy tham vấn ý kiến chuyên khoa nếu bạn cần tư vấn sử dụng cây keo giậu.

Từ khóa » Trái Bình Linh