HIỆU ỨNG BẦY ĐÀN | Tương Tri

hangon

Luật lệ trong xã hội được tao ra do quy ước hoặc bất quy ước. Dù muốn dù không, con người sống trong xã hội bị chi phối bởi những luật lệ đặt ra để bảo vệ trật tự, và đồng thời bị ảnh hưởng bởi những “luật lệ” bất quy ước. Đó là những “luật lệ” phát sinh từ thói quen, tập tục, và truyền thống. Luật (tục) lệ theo kiểu này nên viết trong ngoặc kép, vì nó không hẳn là luật lệ do con người đặt ra kèm theo hình phạt. Chẳng hạn như chuyện dựng vợ gả chồng, phải có trầu cau, có lễ gia tiên, có rước dâu…v..v.. trong quan hôn tang tế. Luật pháp chẳng bắt buộc nhưng ai cũng phải làm chỉ vì tập tục. Ngoài luật lệ và tục lệ, đời sống của con người cũng bị ảnh hưởng bởi tình huống xã hội, tạo ra do sự va chạm trong cuộc sống, hoặc do nếp sống kết hợp thành nhóm. Tuy không ý thức được nhưng con người vẫn bị ràng buộc; đôi khi nó chặt chẽ như một định luật. Nói khác đi, con người bị ràng buộc một cách vô ý thức. Môn Tâm lý Xã hội được hình thành là để tìm hiểu bản chất và nguyên nhân tạo ra phản ứng cá nhân trong những tình huống xã hội như thế (theo Baron, Byrne & Suls). Môn khoa học này đào sâu những hiện tượng tâm lý xã hội như quan niệm về bản thân, nhận thức, ảnh hưởng, và phản ứng xã hội, thành kiến và kỳ thị, định kiến…v..v.

Một trong những trạng thái tâm lý xã hội là Hiệu Ứng Bầy Đàn (HƯBĐ). Nói nôm na, hiệu ứng bầy đàn là phản ứng của một cá nhân bị chi phối bởi đám đông. Đám đông không cần nhiều, chỉ cần hai người là đủ áp đặt ảnh hưởng lên người kia. Phản ứng của cá nhân đều phù thuộc vào lối suy nghĩ và hành động của đám đông. Mỗi cá nhân đều mong muốn trở thành một phần tử trong tập thể. Vì nếu hành động khác đi, cá nhân đó có thể bị loại trừ khỏi đám đông, trở thành một phần tử lẻ loi. Nhu cầu bầy đàn mãnh liệt nằm trong tiềm thức, và chính tiềm thức hướng dẫn hành động tương ứng của mỗi cá nhân.

Một triết gia cổ Hy-lạp, kể lại một câu chuyện rất lý thú. Một người sinh ra có cái sừng mọc ngay giữa trán. Từ khi lớn lên, anh xấu hổ vì không giống ai. Nỗi đau khổ vì sự khác biệt với mọi người chung quanh dằn vặt anh suốt một thời gian dài. Một buổi sáng kia, anh thức dậy và chợt nhận ra cái sừng mọc giữa trán của anh… biến mất. Anh sững người không tin khi nhìn hình mình trong gương. Sự sung sướng làm anh ngạt thở không thốt nên lời. Một lúc sau, anh hoàn hồn, mở cửa chạy ra ngoài hét lên sung sướng. Anh muốn chia sẻ niềm hạnh phúc mất sừng vì từ đây anh có thể sống bình thường như mọi người. Ra ngoài đường, anh bàng hoàng khi thấy mọi người bây giờ lại có một cái sừng mọc ngay giữa trán. Anh đau khổ. Cuối cùng, anh vẫn là một cá nhân lẻ loi giữa đám đông, vì một lẽ anh vẫn khác biệt với mọi người.

Xã hội Hy-lạp phát triển có hệ thống, mang màu sắc dân chủ kể từ năm 500 BC. Các triết gia nổi tiếng như Socrate, Aristotle, Plato, Diogenes… sống trong thời đại phát triển dân chủ cực thịnh đó nhưng không hiểu người đặt ra câu chuyện này có hiểu gì về hiệu ứng bầy đàn không. Nhưng rõ ràng câu chuyện biểu hiện nhu cầu kết đàn, sự cần thiết đồng hóa của một cá nhân khi sống trong xã hội. Từ đó, ta có thể hiểu HƯBĐ là nhu cầu tâm lý của con người muốn đồng hóa với mọi người, từ đó phản ứng và hành động rập khuôn như những người chung quanh. Bản năng đã thôi thúc con người thích nghi vào môi trường và hoàn cảnh đang sống.

Cần phân biệt sự thích nghi vào môi sinh tạo ra sự biến đổi về thể lý và sự thích nghi vào hoàn cảnh sống của con người do tác động tâm lý.

1. Sự thích nghi (adaptation) là một tiến trình thay đổi thể lý của động vật nhằm thích nghi với môi trường sống. Gấu bắc cực phát triển bộ lông dày hơn gấu ở miền nhiệt đới để giữ thân nhiệt. Sinh vật ở dưới nước chân có màng giúp cho bợi lội dễ dàng. Những động vật ăn thịt lại có móng sắc để giết mồi, răng nhọn để xé thịt… những biến đổi này một phần được giải thích qua thuyết Tiến hóa của Darwin. Tục ngữ ta có câu, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Sự thích nghi của thực vật trong nông nghiệp cũng tạo ra những hoa quả có hình dáng lạ mắt. Ngày nay, các nông gia ở Nhật và ở Việtnam đã trồng được những quả dưa hấu hình vuông, bưởi hồ lô, dưa thỏi vàng (http://www.instructables.com/id/Grow-a-square-watermelon/; http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/221386/nua-ty-dong-khong-mua-duoc-150-cap-dua-hau-thoi-vang.html)

2. Sự thích ứng (conformity) là kết quả của một phản ứng tâm lý của con người trước áp lực của đám đông. Dưới áp lực này – đôi khi cụ thể qua sự khuyến khích bằng lời nói trực tiếp – mỗi cá nhân có khuynh hướng hành động rập khuôn theo đám đông; nhưng đôi khi áp lực của đám đông diễn ra âm thầm, gián tiếp nhưng vẫn dẫn đến một kết quả giống nhau. Tục ngữ ta có câu, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nhằm khuyến cáo con người về HƯBĐ.

Một thí nghiệm phổ biến của Solomon Asch (1907-1996), một tâm lý gia đi tiên phong về ngành tâm lý xã hội minh chứng HƯBĐ của con người dưới áp lực của đám đông (peer pressure, or group pressure). Trong thí nghiệm này, Asch gom một nhóm gồm 8-10 người, trong đó tất cả (all accomplices, tạm gọi là X) – trừ một người là nhân vật thí nghiệm (subject of the experiment, tạm gọi là Y) – đều cố ý trả lời sai hay đúng theo yêu cầu của Asch. Dĩ nhiên, nhân vật chính của cuộc thí nghiệm không hề biết những người kia (X) làm việc cho Asch. Cuộc thí nghiệm rất đơn giản, Asch đưa ra một bảng gồm 4 đường thẳng đứng, một bên (Exibit 1) là một đường thẳng mẫu, bên phải gồm 3 đường dài ngắn khác nhau có tên A, B, và C (Exibit 2), trong đó có một đường dài bằng đường bên trái. Câu hỏi cũng đơn giản, đường A, B, hay C dài bằng đường bên trái? Cả cuộc thí nghiệm gồm 18 bảng khác nhau, và 3 đường thẳng A, B, và C cũng được thay đổi thứ tự và độ dài 18 lần khác nhau. Điều kiện đặt ra là nhóm X luôn trả lời trước, và thường Y xếp ngồi ở gần cuối.

Screen Shot 2016-03-08 at 12.57.27 AM

Hai lần đầu, X trả lời đúng câu hỏi, và Y cũng trả lời đúng. Những lần sau (16 lần) X cố ý trả lời sai, và Y cũng trả lời sai. Đoạn phim ghi lại cuộc thí nghiệm cho thấy Y lưỡng lự trước khi trả lời vì Y biết câu trả lời của nhóm là sai, nhưng cuối cùng cũng trả lời (sai) giống như X (https://www.youtube.com/watch?v=NyDDyT1lDhA). Thí nghiệm này được lập đi lập lại với nhiều Y khác nhau và kết quả thật bất ngờ.

Trong 50 lần thí nghiệm với 18 câu hỏi cho mỗi lần và với 50 nhân vật thí nghiệm Y khác nhau, 37 lần Y trả lời sai theo X ít nhất là 1 lần và 14 Y trả lời sai theo X hơn 6 lần. Sau cuộc thí nghiệm, một số Y tiết lộ rằng họ biết X sai nhưng vì đa số nên (đành) phải trả lời theo; một số Y khác nghĩ rằng đa số (X) chắc chắn phải đúng nên đành hy sinh nhận xét riêng mình. Một tình huống ta thường gặp nhằm giải thích hiện tượng này. Khi vào một bữa tiệc, ta thấy muỗng nĩa hai ba loại đặt cạnh đĩa. Món ăn dọn ra, và người không biết phải dùng muỗng hay nĩa nào thích hợp với món ăn, thường nhìn các thực khách và bắt chước để dùng đúng loại muỗng (nĩa). Nhiều người làm giống nhau, ta làm theo đám đông thì chắc chắn đúng.

– Thêm một điểm quan trọng nữa là số người của nhóm càng tăng, HƯBĐ tác dụng càng cao. Nếu nhóm chỉ có 2 người (một X và một Y), nhân vật thí nghiệm sai chỉ có 3.6%; nhóm 3 người, sai 13.6%; nhóm 4 người, sai nhảy vọt lên 31.8%; nhóm 5 người, sai 35.1%; nhóm 7 người, sai 35.2%; nhóm 8 người, 37.1%; nhóm 10 người, 35.1%; và nhóm 15 người, 31.2%.

– Chỉ cần một trong số người X trả lời khác với nhóm, thì nhân vật thí nghiệm Y lại trung thành với nhận xét của mình. Nói khác đi số câu sai giảm thiểu đáng kể. Như thế, HƯBĐ gây hiệu quả lớn nhất khi tuyệt đại đa số đứng về một phía, một người còn lại sẽ cảm thấy áp lực nặng nề và nhu cầu muốn được đồng hóa càng mãnh liệt.

Các nhà tâm lý xã hội rút ra những lý do tại sao mỗi cá nhân (cần) phải đồng hóa với cả nhóm:

1. đạt được sự chấp nhận là một thành viên trong nhóm 2. đạt được mục tiêu mà nhóm theo đuổi 3. đạt được mục tiêu cá nhân khi theo đuổi mục tiêu của nhóm 4. thụ hưởng sự tham gia vào các sinh hoạt nhóm và muốn bảo đảm sự tiếp nối của nhóm

Như thế HƯBĐ là một hiện tượng tâm lý xảy ra hằng ngày do sự chung đụng với đám đông. Nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của mỗi cá nhân sống trong xã hội và chính hiện tượng tâm lý này đã hướng dẫn mọi hành động và quyết định của cá nhân đó.

Hãy cùng nhau tìm hiểu HƯBĐ gây ảnh hưởng thế nào trong một vài lãnh vực sau đây và từ đó chúng ta rút tỉa được những bài học gì:

I. Giáo dục. Ông bà ta chẳng hiểu gì về HƯBĐ nhưng răn đe con cháu thật rõ ràng, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” hoặc “Chọn bạn mà chơi.” Ngạn ngữ có câu, “Hãy cho tôi biết bạn của anh, và tôi sẽ cho biết anh là người thế nào. Show me your friends, and I’ll tell you who you are.” Trong Kinh thánh cũng nói đến HƯBĐ, “Đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn, chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy hoạ.” (Châm ngôn 13:20).

Sự ảnh hưởng của bạn bè ở thời niên thiếu rất lớn. HƯBĐ có lẽ đã ảnh hưởng từ khi biết kết bạn ngay từ thời tiểu học, nghĩa là khoảng 9-10 tuổi. Những con số thống kê cho ta thấy sự nguy hiểm của HƯBĐ. Tại Hoa kỳ, theo một nghiên cứu của National Center on Addiction and Substance Abuse tại ĐH Columbia, 75% thiếu niên có dính đến ma túy và rượu tuổi từ 12 đến 17 thú nhận rằng chính áp lực của bạn bè là nguyên nhân đưa đến tình trạng nghiện ngập hiện tại. Một cuộc khảo cứu khác từ National Drug Agency tại Mã lai cho thấy trong số 26,841 thiếu niên nghiện ngập, 55% bắt đầu nếm thử là do bạn bè. Tại Đại hàn, con số nhảy vọt lên 95% theo báo Korea Times.

Sự nguy hiểm của áp lực bạn bè, hay nói khác đi HƯBĐ tác động lên con trẻ ngay từ thuở thiếu thời. Bởi thế, cha mẹ phải để ý đến bạn bè của con cái, đưa chúng vào những môi trường lành mạnh như Hướng đạo, hoặc đoàn thể tôn giáo vì từ những môi trường này số bạn bè xấu rất ít và cơ may đứa trẻ lớn lên thành người hữu dụng cho xã hội sẽ cao hơn nhiều.

II. Kinh tế. Cuộc khủng hoảng dotcom năm 2000 làm tiêu tán tài sản của một số người không nhỏ cũng phát xuất từ HƯBĐ. Để đầu tư vững chắc trên thị trường chứng khoán, sự hiểu biết về thị trường, về kinh tế, và nhất là thu nhập và chi tiêu của công ty đó. Khi thị trường chứng khoán bị thổi phồng, mọi người đổ xô bỏ tiền vào đầu tư mà chẳng có một chút kiến thức gì cả. Thấy mọi người bỏ tiền mua trăm cổ phần, ngày hôm sau kiếm được vài ngàn. Dễ đến thế thì tại sao không làm. Mà lời thật, chỉ trong vòng vài tháng, trương mục cổ phần tăng vọt 100%. Thế là mọi người như con thiêu thân, lấy hết tiền lời của căn nhà bỏ hết vào canh bạc… bịp. Kết quả thì ai cũng biết rồi, giữa năm 2000, cơn sốt chứng khoán xì hơi và rất nhiều người mất hết của cải, trở thành trắng tay chỉ sau một năm đầu tư theo HƯBĐ.

Chưa hết, thị trường địa ốc làm bùng nổ cơn khủng hoảng tài chánh năm 2008. Bài học chỉ sau 8 năm vẫn chưa có người học thuộc. Họ lấy tiền lời của căn nhà đang ở và mua thêm vài căn nữa. Một cặp vợ chồng với thu nhập dưới 100K, thế mà “cả gan” làm chủ một lúc 5 căn nhà. Chuyện tưởng như thần thoại, thế mà nó lại xảy ra nhan nhản vào những năm đó. Một lần nữa, HƯBĐ tác động mạnh lên tâm lý của con người. Lòng tham là một nhân tố, nhưng HƯBĐ đã đóng một vai trò quan trọng trong 2 cuộc khủng hoảng xảy ra chỉ cách nhau 8 năm.

Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay ở xã hội Tàu & Việt nam là thức ăn độc hại. Kiếm được một món ăn tinh sạch thật hiếm. Dĩ nhiên, vấn đề chính phát xuất từ lòng tham nhưng HƯBĐ vẫn có tác dụng trên những kẻ buôn bán. Mới đây, tôi được dịp nói chuyện với một linh mục ở VN. Ngài kể rằng khi đi mua rau cho nhà dòng, đến một cửa tiệm của một người công giáo. Anh ta nói thẳng, “tiệm con không bán rau sạch, vì giá quá cao không thể cạnh tranh với những tiệm bên cạnh…” Anh ta thêm, “tuy biết bán rau tẩm thuốc là không tốt nhưng mọi người chung quanh đều làm nên con cũng phải làm theo để kiếm sống.” Vị linh mục này kết luận, “những người công giáo đã được khuyến cáo mỗi tuần qua lời khuyên của các cha trên tòa giảng, thế mà họ vẫn phải làm. Thế thì những người khác, chưa bao giờ nghe một lời khuyên nào thì họ sẽ không từ nan bất cứ phương tiện nào để kiếm lợi nhuận cao nhất.” Đó là một thực tại đau lòng cho xã hội VN bây giờ.

Ngay cả chúng ta, đôi khi cũng tự biện hộ, “mình không làm thì người khác cũng làm.” chỉ vì cái lợi vật chất trước mắt. Nói đơn giản đi, vì nhiều người làm nên tôi làm, cho dù sai. Biết bao vụ lừa đảo về tiền trợ cấp được phanh phui tại Hoa kỳ cũng từ câu nói ngụy biện này. Năm ngoái, trong một bữa giỗ, tôi nói chuyện với một anh tầm tầm 60. Anh ta vừa được con bảo lãnh sang Mỹ được chừng vài tháng. Ở VN, anh giữ chức Phó phòng Mặt trận Tổ quốc của phường. Nói chuyện lan man một lúc, sang đến chuyện hối lộ, anh thẳng thừng, “Hối lộ là chuyện bình thường. Một chút tiền khôn đi trước để công việc suôn sẻ không thể gọi là hối lộ.” Anh còn bồi thêm, “Phường nào cũng làm thế, có phường nào hay cơ quan nào mà không làm.” Khi tôi hỏi, “anh có biết hối lộ ở Mỹ là một trọng tội không?” Anh trả lời, “Ở Mỹ thì tôi không biết, nhưng ở VN ai cũng dùng tiền để chạy việc nên tôi nghĩ chẳng sai.” Hóa ra một việc sai nhưng nhiều người làm nên trở thành đúng. Hành động của đám đông cuốn hút những người khác làm theo, như thí nghiệm của Asch ở trên. Nguy hiểm là ở chỗ đó. Ý thức về sự sai trái (về tội) không còn nữa. Não trạng của họ không còn phân biệt được đâu là đúng và đâu là sai. Đức Giáo hoàng Piô XII khuyến cáo, “Cái đau khổ lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ 20 không phải ở chỗ phạm những tội tày trời, nhưng ở chỗ con người đang đánh mất dần ý thức về tội.” Khi con người mất hẳn khái niệm căn bản về đạo đức (đúng và sai) thì không còn gì kiềm chế được hành động của họ nữa. Họ không còn phân biệt được trắng hay đen nhưng não trạng họ chỉ còn là một màu xám tro nhợt nhạt.

III. Chính trị. Năm 1953, Stalin chết và cả triệu người túa ra đường bày tỏ lòng thương tiếc. Có người khóc, có kẻ chẳng nhỏ một giọt nước mắt nhưng khuôn mặt người nào cũng lộ vẻ buồn sầu (https://www.youtube.com/watch?v=2ze0gzwZQJY). Không thể chối cãi một sự thật là có hàng triệu người khóc nhưng trong số đó chắc chắn một số khóc theo vì HƯBĐ. Một số người khác không khóc được nên phải dùng một vài thủ thuật trông giống như đang khóc. Năm 2013, trang mạng “Russia Beyond the Headlines” phỏng vấn một số người sống vào thời điểm Stalin chết và ghi lại một vài trường hợp đáng chú ý. Viktor Yerkovich, 74 tuổi thú nhận dùng nước miếng bôi lên mặt cho ươn ướt. Felix Kvasha, 79 tuổi, thú nhận không thể khóc. Dalila Avanesova, 73 tuổi, kể lại cả nhà vui hẳn lên nhưng phải kín miệng. Đây là một số nhỏ trong hàng triệu người khóc lóc về cái chết của một “người cha”, “người thầy”, “vị anh hùng”.

Mao chết năm 1976, cũng hàng triệu triệu người khóc lóc. Khóc trong nhà, khóc ngoài đường, khóc nơi công sở. Cả nước chìm trong màu tang. Yu Hua viết một cuốn sách khá nổi tiếng, “China in Ten Words” gồm 10 chương, mỗi chương là một chữ tiêu biểu cho xã hội Tàu. Chương thứ hai ông viết về “Lãnh tụ”, và dĩ nhiên nói đến cái ngày Mao lìa cõi đời. Năm đó, Yu Hua đang học trung học và tất cả học sinh được lệnh phải có mặt tại hội trường lúc 9 giờ. Hơn nghìn học sinh lục đục đứng dậy mang ghế đến hội trường. Ngay sau khi báo tin Mao chủ tịch vừa chết, cả hội trường chìm trong tiếng rền rĩ và than van. Yu cũng nước mắt đoanh tròng. Cả một đám đông chìm trong nước mắt. Nhưng khi tiếng khóc bùng lên, tiếng than van gào lớn khắp hội trường, tiếng kể lể xen lẫn với tiếng ho sùng sục, tiếng thở hổn hển khi nuốt hơi lấy sức để tiếp tục than vãn thì Yu ngưng tiếng khóc và cảm thấy buồn cười. Yu viết, “nếu chỉ chừng vài ba người khóc thì còn hiểu được, đằng này cả một hội trường lớn bé từng ấy người khóc lóc thảm thiết như phường chèo (cacophony) nên tôi cảm thấy buồn cười. Vì buồn cười, tôi bật ra tiếng cười nhưng tôi cố mím chặt môi. Cười trong lúc này chắc chắn bị quy tội phản cách mạng và rất dễ mất mạng. Tôi càng cố, áp lực của sức cười dồn ứ trong phổi khiến tôi khó chịu. Cuối cùng tôi phải chồm người tới trước, ôm chặt thành ghế, gục đầu vào 2 cánh tay mà cười rung người. Sau này bạn bè bảo tôi khóc thương Mao chủ tịch một cách đặc biệt, không giống một đứa nào.”

Năm 1969, tình cờ tôi cầm được tờ báo Time của ông cậu, trên đó chụp hình một người đàn bà trẻ khóc sướt mướt, nước mắt nước mũi ràn rụa, phía trên chạy hàng chữ Ho chi Minh Died. Năm đó tôi đủ lớn để biết thương, biết nhớ, biết buồn, biết khổ nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao chị ta khóc đau đớn đến thế. Nhà tôi chưa bao giờ có tang nhưng tôi đã chứng kiến nhiều đám ma của những người lính và thấy thân nhân họ hàng khóc lóc thảm thiết. Khi lớn lên tìm hiểu và tôi nhận ra đó là những giọt nước mắt chân thành. Chị khóc thương ông Hồ thật tình, thật lòng. Ở đây tôi không bàn đến cả một hệ thống tinh vi đánh bóng thân thế và sự nghiệp của ông, và tạo cho ông một huyền thoại có một không hai trong lịch sử Việt nhưng tôi chỉ muốn nói đến cảm xúc của những người khác khi nghe tin ông Hồ chết. Ngoài chị ra, chắc chắn có một số không thể khóc, cố bật ra tiếng khóc mà không được. Một số người khác thấy đám đông khóc và họ khóc theo. Áp lực của đám đông đã làm những giọt nước mắt rơi.

Riêng cái chết của cha con nhà họ Kim ở Bắc Hàn là những trường hợp hết sức dị thường, vượt quá tầm hiểu biết của con người. Nó trái ngược với sự suy nghĩ bình thường. Hành động của dân Bắc Hàn không nằm trong tự điển của loài người. Nó tách biệt, lạ lẫm, xa cách như nếp sống ẩn dật của một bộ lạc hiếm hoi trong rừng rậm Amazon.

Mỗi cái chết của họ Kim là nước mắt của cả nước, đủ nam phụ lão ấu, trừ con nít chưa biết nói. Như trường hợp khóc thương các lãnh tụ khác, vẫn có những giọt nước mắt chân thành. Thế còn áp lực của đám đông? Không, không thể gọi là HƯBĐ bình thường nữa, mà là sự kích động cuồng loạn của đám đông (mass hysteria). Darcie Sims, một chuyên viên nghiên cứu về sự chế ngự buồn sầu và giám đốc của American Grief Academy tại Seattle, cho biết. “Sự kích động của đám đông lây lan rất nhanh như nạn cháy rừng. Chỉ cần vài ba người thôi là đủ gây ảnh hưởng đến số người còn lại.” Nhân tố cuối cùng vắt hết nước mắt của dân Bắc hàn là sự sợ hãi. Đám đông sợ cái gì? Thưa họ sợ khóc chưa đủ và nếu bị kết tội, hình phạt 6 tháng ở các trại khổ sai đang chờ đợi họ. “Khóc chưa đủ” là một hình tội. Tất cả đua nhau khóc, giống như vào một cuộc đua chạy việt dã. Ai cũng phải cố chạy thật nhanh để đến đích trước mọi người. Thi đua nhau khóc (competetive crying) là một hiện tượng tâm lý quái đản còn tồn tại đến tận ngày nay và chỉ hiện diện tại mỗi Bắc Hàn, theo Anthony Daniels, một nhà tâm lý.

Một điểm son không có nước mắt về HƯBĐ trong lãnh vực chính trị là sức ép của đám đông trên các mạng xã hội. Năm 2012, công nghệ điện thoại thông minh chế là một ứng dụng nhằm khuyến khích mọi người đi bầu và được các ứng cử viên Cộng hòa & Dân chủ sử dụng triệt để. Mỗi khi bầu xong, một người có thể khoe thành tích của mình ngay trên mạng Facebook, Twitter, hoặc Instegram. Những người đã bầu khuyến khích và thúc dục bạn bè trong cùng mạng lưới đi bầu. Một số người không muốn đi bầu nhưng vì áp lực của đám đông trên mạng lưới, họ đi bầu. TT Obama chiếm 60% số phiếu của giới trẻ cũng nhờ ứng dụng này. Năm nay, 2016, là năm bầu cử và chắc chắn bà Hillary và ông Trump sẽ dùng ứng dụng này triệt để, (tôi đoán họ sẽ là 2 ứng viên Tổng thống của 2 đảng chứ chưa hẳn đúng).

IV. Tôn giáo. Với chủ trương tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, và vô tôn giáo chủ nghĩa cộng sản luôn tìm cách tiêu diệt tôn giáo và hủy hoại giá trị gia đình, riềng mối chòm xóm láng giềng, vã dĩ nhiên cả những giá trị căn bản của xã hội nữa. Vô gia đình vì tất cả cho đảng, và đảng chính là đại gia đình. Vô tổ quốc vì họ tin tưởng chủ nghĩa cộng sản sẽ toàn thắng và thế giới trở thành đại đồng. Một khi đại đồng thì biên giới nước này nước nọ sẽ không còn nữa. Tại sao họ chủ trương vô tôn giáo? Theo thuyết duy vật biện chứng của Marx thì bất cứ một sự kiện nào đều có mâu thuẫn nội tại. Chính sự xung đột của mâu thuẫn nội tại nảy sinh một cái mới, tiến bộ hơn (ví dụ con gà và quả trứng nhằm biện minh cho mâu thuẫn này). Rồi chính cái mới lại có mâu thuẫn nội tại nữa. Cứ thế sự vật biến đổi không ngừng. Cái mới sẽ tiếp tục nảy sinh từ cái cũ và khi đạt được chủ nghĩa cộng sản thì ngưng, vì chủ nghĩa này là đích điểm cuối cùng (không còn mâu thuẫn nữa). Tinh hoa của con người, của lịch sử nhân loại là chủ nghĩa cộng sản. Vì thế phải đấu tranh, phải dùng bạo lực để tiếp tục tạo ra cái mới. Còn giáo lý tôn giáo dạy dỗ sống đời này là “nhân” để gặt “quả” ở đời sau. Công giáo cũng tin có thiên đàng sau khi chết. Giáo hữu được dạy dỗ đời này chỉ là tạm bợ, đời sống đích thực là sau khi chết đi. Marx không chấp nhận vì ông kêu gọi đấu tranh để bột phát cái mới. Nếu chủ trương đời này tạm bợ thì lấy ai đấu tranh. Nếu có thiên đàng thì thiên đàng là ở đời này. Chủ nghĩa cộng sản chính là thiên đàng hạ giới của nhân loại. Do đó, Marx kết luận tôn giáo là thuốc phiện nhằm ru ngủ (sự đấu tranh) của quần chúng.

Khi đặt nền móng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc từ 1954 đến 1975, nhà nước đã cô lập và tìm cách tiêu diệt tôn giáo một cách có hệ thống. Nhưng sau 21 năm, nhà nước đã thất bại vì những làng công giáo ngoài Bắc dứt khoát không hợp tác với chính quyền, nhất là vùng đất Nghệ Tĩnh Bình, vùng Thái bình, Phát diệm (khu tự trị cũ của ĐC Lê Hữu Từ). Họ chấp nhận con cái dốt chữ chứ không thể dốt giáo lý. Họ giữ đạo thầm lặng như thế trong suốt 21 năm.

Một cơ quan của nhà nước được thành lập năm 1955 lấy tên Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc do linh mục Vũ Xuân Kỷ làm chủ tịch. Ngoài một vài linh mục tham gia Ủy ban, còn hầu hết tất cả giáo dân bất hợp tác. Họ khốn khổ, khốn nạn với tổ chức phá đạo này nhưng đồng thời họ tỏ thái độ dè bỉu, nếu không nói là khinh bỉ. Trong thời kỳ đó, tổ chức này sinh hoạt lèo tèo, có dăm ba linh mục, vài giáo dân xách cặp đi họp thường xuyên với cán bộ Ủy ban. Mãi đến năm 1983, tổ chức phá đạo này được đổi thành Ủy ban Đoàn kết Công giáo mà giáo dân thường gọi chệch đi là Ủy ban Đàn két. Trong cuốn hồi ký “Chứng Từ Của Một Giám mục” của cố GM. Lê Đắc Trọng, Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà nội, ngài nói đáng lẽ Ủy ban này chết rồi nhưng biến cố 30/4 đã giúp nó sống lại. Ngài cho rằng, khi du nhập Ủy ban này vào miền Nam, các giám mục và linh mục trong Nam với mặc cảm thua trận (tr. 261, sđd) nên vồ vập lấy Ủy ban này xem như lẽ sống, cái kiểu đem đạo vào đời. Thật vậy, các ngài không có một kinh nghiệm gì về chủ trương của cộng sản, chứ giáo dân miền Bắc đã rõ mục đích của Ủy ban này từ lâu.

Nhà nước cộng sản rất khôn ngoan trong việc lũng đoạn các tổ chức. Cấm đạo không được vì giáo dân sẵn sàng chết. Trà trộn để phá đạo cũng không xong vì giáo dân biết rõ mặt từng người. Cách duy nhất là dùng người công giáo để phá công giáo, kiểu dùng “gậy ông đập lưng ông”. Cách này rất hiệu quả vì trong giáo hội vẫn có những linh mục không đạo đức (tr. 261, sđd), vụng tu sẵn sàng “hiến thân” làm thân trâu ngựa cho đảng. Linh mục có tòa giảng, mỗi tuần giảng lời Chúa mươi lăm phút, đồng thời truyền đạt tư tưởng của nhà nước luôn thể. Những cán bộ tuyên huấn rất thèm tòa giảng này. Họ có lần hỏi các cha rằng các cụ chỉ có 15 phút mỗi tuần mà nói gì giáo dân cũng nghe, chúng tôi tổ chức học tập ngày này qua tháng nọ mà dân vẫn không nghe. Lời nói của linh mục ở nhà thờ rất quan trọng. Nắm được linh mục là nắm được cả giáo xứ nhưng tốt nhất vẫn là nắm cho bằng được giám mục vì giám mục cai quản cả trăm họ đạo.

Giáo dân gọi những linh mục gia nhập Ủy ban Đoàn kết, một đơn vị thuộc Mặt trận Tổ quốc, là linh mục quốc doanh. Phần lớn những linh mục này là đảng viên. Họ thường được đề cử vào chức vụ đại biểu trong các khóa của Quốc hội, khiến cuộc đời linh mục càng lún sâu vào con đường tục hóa. Theo trang mạng Wiki, tính đến năm 2007, Ủy ban Đoàn kết thành lập được 39 ban trên toàn quốc và quy tụ được 470 linh mục quồc doanh. Cũng năm 2007, tổng số linh mục là 3721 vị. Như thế, tỷ lệ các linh mục quốc doanh mến Chúa yêu… đảng là 12.6%. Một tỷ lệ đáng sợ.

Những công tác mục vụ của những linh mục này tất nhiên giảm sút vì họ dành thì giờ để họp hành, học thuộc nghị định, nghị quyết, và vạch kế hoạch để thực thi đường lối của đảng. Và cái đáng sợ nhất là khi gia nhập cái Ủy ban Đoàn kết để phá đạo, các linh mục quốc doanh ngày càng thoái hóa, tha hóa, biến chất, ngang nhiên lỗi các lời thề của thiên chức linh mục gồm Vâng lời, Khó nghèo, và Khiết tịnh. Hiệu Ứng Bầy Đàn đã đưa đến một hậu quả thật đau lòng.

Một số linh mục quốc doanh lạc quan (tếu) cho rằng phải mang đạo vào đời, phải hợp tác với nhà nước để truyền đạo, trước để cảm hóa và sau là đồng hóa họ theo đường lối Tin mừng. Sự thật là trước khi họ mon men cảm hóa các cán bộ, chính họ đã bị đồng hóa. Ông bà ta bảo,“Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.” Họ, những linh mục quốc doanh, định khoác mảnh áo cà sa lên người cộng sản thì chính họ đã mặc áo giấy từ lâu. Họ “mặc áo giấy” vì suy nghĩ và hành động như một người cộng sản. Cái tệ nhất là nếp sống tha hóa của họ mới là gương mù gương xấu không những cho giáo dân, mà còn cả lương dân nữa. Chính môi trường đã đồng hóa các linh mục không đạo đức này (chữ của cố GM Lê Đắc Trọng). HƯBĐ tác dụng lên họ một cách dễ dàng. Dễ thế nào? Thưa chỉ cần vướng vào một trong những tệ đoan như rượu, tiền, và sắc. Ban bố một chút chức danh, và chụp thêm vài tấm hình lưu trữ ở thư khố thì họ – các linh mục quốc doanh – sẵn sàng làm nô bộc cho đảng và nhà nước đến suốt đời.

Một trường hợp điển hình về HƯBĐ của những linh mục biến chất là ông Phan khắc Từ, chánh xứ Vườn Xoài. Trước 75 ông có hỗn danh là linh mục hốt rác, vì tự nguyện làm công nhân hốt rác ở Sở Vệ sinh SG; tham gia đấu tranh quyền lợi cho công nhân hãng pin Con Ó. Ông xuống đường hốt rác, nhưng ông cũng thường xuyên xuống đường chống chính phủ. Năm 75, ông lộ nguyên hình là một đảng viên cộng sản. Ông ngang nhiên có vợ là bà Ngô Thanh Thủy, một sinh viên (Luật?) chuyên đấu tranh trước 75. Ông và bà Thủy có 2 con gái hiện đang học và sống ở Pháp. Ngày ăn thôi nôi con đầu lòng, ông mời toàn bộ cán bộ thuộc Thành ủy HCM đến ăn mừng. Mọi người đến mừng mà không biết con của ai, cứ nghĩ con của một cán bộ nào đó trong thành ủy. Mãi đến khi ra về mới ngã ngữa ra đó là con của ông PKTừ. Chân Tín, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế, cũng nằm trong hàng ngũ đấu tranh với ông Từ trước 75 đã thẳng thắn đề nghị ông nên hoàn tục để sống đời sống gia đình. Nhưng đến nay ông vẫn ngày làm linh mục, tối làm giáo dân ngang nhiên thách thức quyền bính của giáo hội. Tổng giáo phận SG không thể kỷ luật ông Từ được vì ông Tổng quản của Tòa Giám mục lại là một ông quốc doanh khác, quyền thế hơn, uy lực hơn. Đó là ông Huỳnh công Minh, một đảng viên gộc.

Screen Shot 2016-03-08 at 1.03.30 AM

Ngày 28/6/2010, nhân ngày lễ Gia đình Việt nam tại giáo xứ Vườn Xoài, bà Thủy (bí danh Tư Liên) công khai tuyên bố bà là vợ ông Từ. Bà nói, “Tôi là vợ chính thức, có hôn thú với ông Phan Khắc Từ. Tôi đã có 2 con với ông ấy. Chúng tôi sống rất hạnh phúc…” Khi được hỏi ông Từ có ý định cởi áo dòng để chính thức sống với bà không thì bà trả lời:

– Chuyện gia đình tôi là chuyện riêng tư. Quý vị nên nhớ, trong đạo anh Từ là linh mục nhưng ngoài đời anh ấy là một đảng viên… Anh ấy giúp đạo thì phải có bổn phận phục vụ đảng chứ… Bà Tư Liên còn hãnh diện:

– Tôi xin hỏi quý vị… Ngày hôm nay là ngày gì? Có phải chủ trương 1 vợ 1 chồng để gia đình hạnh phúc không? Nếu thế thì chúng tôi (anh Từ và tôi) đã đạt được mục đích của phong trào… Còn những ông giám mục, linh mục đang sờ sờ trước mắt kia, đang thậm thụt vợ nọ con kia, gái bao đủ thứ chuyện. Tôi hỏi ai phải ai trái?

Lại được hỏi: “Bà có can đảm chỉ đích danh các vi giám mục, linh mục ấy không?” Bà nói: “Tôi sợ gì mà không nói, nhưng bây giờ chưa phải lúc!” Có phải bà Thủy thổi phồng sự kiện để bêu xấu giáo hội? Thưa không, bà nói đúng lắm. Theo tìm hiểu riêng của tôi và qua chuyện trò với một vài linh mục từ VN cho biết danh sách các linh mục lăng nhăng, con rơi, rượu chè be bét… khá dài.

Đơn cử một trường hợp khác ở hạt Phú Yên, linh mục Nguyễn Cấp là người nát rượu, suốt ngày say xỉn, kể cả lúc cử hành thánh lễ. Từ nát rượu đến con rơi là một bước ngắn. Một bạn học cũ của tôi có con chịu chức linh mục, hớn hở đến gặp thầy cũ để báo tin vui. Đến nơi chỉ thấy một ông già say sưa, ngồi nhậu với các cán bộ ở nhà xứ. Bạn tôi ra về lòng buồn rười rượi. Đọc vi-thư của người bạn, tôi không ngạc nhiên lắm vì hơn 10 năm trước, tôi đã gặp ông khi ông qua Mỹ để xin tiền xây nhà thờ. Vì là thầy dạy cũ, tôi đến gặp để đóng góp và thấy tay ông đang cầm chai bia, giọng lè nhè (không biết đã uống mấy chai rồi) và nghe ông mở miệng chưởi tục không thua gì một tay anh chị. Tôi lẳng lặng ký ngân phiếu và ra về ngay. Ít nhất có 2 linh mục khác có mặt với tôi lần đó và lên tiếng chỉ trích cách ăn nói của ông Cấp. Dĩ nhiên, quý vị nhắm mắt đoán mò cũng biết ngay ông Cấp là linh mục quốc doanh. Ở Giáo phận Vinh lại có linh mục Nguyễn thái Từ, ông này chối có đạo. Ngày xưa, các giáo hữu chỉ cần nói tôi bỏ đạo đã được tha nhưng rồi họ can đảm nhận cái chết chứ không chối, cho dù chỉ là một lời nói suông. Ngày nay có linh mục thẳng thắn chối đạo. Một lần nữa, quý vị cũng đoán ra ông này là linh mục quốc doanh.

Screen Shot 2016-03-08 at 1.04.42 AM

Có thể ông PKTừ muốn hoàn tục để tránh lời thị phi. Có thể những linh mục quốc doanh khác cũng muốn trả áo dòng hầu bảo vệ thanh danh giáo hội. Mục đích của nhà nước là muốn bêu xấu giáo hội nên chắc chắn không cho phép họ hoàn tục. Phải có một ông linh mục sống sượng có vợ, trắng trợn đi ngược lại đường lối của giáo hội, như thế mới tỏ được quyền lực của nhà nước; đồng thời cũng là bài học răn đe những tu sĩ khác, kể cả giám mục. Thuận tôi thì sống, nghịch tôi thì chết. Giữa đường lối của nhà nước và đường lối của giáo hội, đường lối của giáo hội bị xem nhẹ. Giữa thần quyền và thế quyền, thế quyền hơn hẳn. Thật ra, nếu những ông này cứ can đảm, trả áo dòng hoàn tục thì nhà nước cũng chẳng làm được gì. Nhưng vì những lợi lộc vật chất đi kèm (tiền bạc, bổng lộc, chức tước), hoặc những tội lỡ phạm (sắc dục) mà nhà nước có bằng chứng trong tay, tất cả những thứ này là vòng kim cô siết chặt cổ họ đến nghẹt thở. Bởi vậy cố GM. Lê đắc Trọng mới bảo họ là những linh mục không đạo đức (không, chứ chẳng phải kém; nghĩa là zêrô, vô đạo đức). Ngài báo trước hậu quả, “Nhưng một khi đã trót rồi, không thể rút ra được nữa. Kinh nghiệm xưa là thế, nay vẫn thế. Nào là mất quyền lợi, nào nguy cơ tưởng tượng, nào sĩ diện…”, (tr. 262, sđd). Những lầm lỡ trong quá khứ có bằng chứng, những lợi lộc vật chất như cái ách đè lên cổ con trâu, và khi nghe tiếng roi vun vút sau lưng, con trâu lầm lũi bước tới, cày xới tung mảnh đất hoa màu chưa gặt hái mà giáo hội ươm trồng và gìn giữ qua suốt bao nhiêu thế kỷ. Những linh mục này mãi mãi làm tôi tớ cho ma quỷ cho đến ngày bị vắt kiệt nước. Lúc đó, họ như một múi chanh bị ném vào sọt rác.

Nói cho cùng, một linh mục sa ngã cũng là chuyện thường tình. Nhưng phải dứt khoát với lòng mình. Hoàn tục để lập gia đình chẳng có gì sai cả, vì tu trì là một ơn gọi, hôn nhân cũng là một ơn gọi khác. Cả hai đều là Bí tích và được xem cao trọng ngang nhau. Đời sống mục vụ của linh mục là dành trọn thì giờ lo cho giáo dân, không thể dính dáng đến chính trị, càng không thể là đại biểu quốc hội. Linh mục Jean-Bertrand Aristide thuộc dòng Don Bosco chuyên tranh đấu cho người nghèo tại Haiti đã hoàn tục để ra tranh cử và đắc cử chức vị Tổng thống đến 3 lần. Ông này phân biệt rõ rệt trắng đen chứ không như số linh mục quốc doanh phá đạo kia.

Từ 1945 đến nay, lịch sử của Giáo hội Công giáo VN chưa ghi nhận được một linh mục nào cảm hóa được một cán bộ cộng sản mà chỉ thấy chủ nghĩa cộng sản đã cảm hóa được rất nhiều linh mục, (cần mở một ngoặc kép ở đây, là tôi có thể sai… nếu ai biết được một trường hợp nào cụ thể, xin cho tôi biết để củng cố đức tin). Trừ một người. Đó là Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận (cháu của TT Ngô đình Diệm, gọi bằng ông cậu). Suốt 13 năm ngài còn là Giám mục và bị giam lỏng tại làng Giang xá, thuộc ngoại ô Hà-nội, đời sống đạo đức của ngài đã cảm hóa được rất nhiều anh công an có nhiệm vụ canh gác ngài. Chính ngài đã rửa tội cho những cán bộ cộng sản trung kiên này. Mãi rồi nhà nước không dám đưa một cán bộ nào đến canh gác nữa. Cuốn sách “Đường Hy Vọng” ngài lén lút viết trong tù trên những tờ giấy lịch và được bí mật chuyển ra ngoài đã được dịch ra trên 15 ngôn ngữ. Đây là cuốn sách viết lại hành trình đức tin của ngài trong suốt những năm tù đày và giam lỏng. Rõ ràng ngài đã cảm hóa đám đông, chứ đám đông không hề cảm hóa được ngài. HƯBĐ của đám đông đã có tác dụng ngược, và chỉ mỗi trường hợp đặc biệt này.

HƯBĐ có tác dụng hai chiều: cá nhân đồng hóa môi trường hoặc môi trường đồng hóa cá nhân. Tưởng rằng cảm hóa được những người cộng sản nhưng không, họ đã đồng hóa các linh mục quốc doanh trước. Môi trường đã làm những linh mục quốc doanh sa đọa, biến chất, không còn tinh tuyền như thân thể của Đức Kitô. Bà Brigitte Gabriel, Chủ tịch Phong trào Act for America, đưa ra một nhận xét hết sức chí lý: “Không phải tất cả những người Hồi giáo đều là khủng bố, nhưng tất cả những kẻ khủng bố đều là Hồi giáo.” Tôi cũng xin nói, “Không phải tất cả các linh mục đều biến chất nhưng tất cả các linh mục biến chất đều là linh mục quốc doanh.”

Tôi có bi quan với số lượng 460 linh mục quốc doanh (con số này còn nhiều hơn tính đến năm 2016) không? Thưa không. Cho dù là 12.6% tổng số linh mục là quốc doanh, cho dù con số lên đến 50%, tôi vẫn vững tin vào ơn Chúa Thánh thần chỉ vì Đức Giêsu đã nói với vị Giáo hoàng tiên khởi, “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực Satan không thể nào thắng nổi,” (Matthêu 16:18). Chủ nghĩa cộng sản đồng hành với Satan nhưng họ không thể mạnh hơn Satan. Bằng chứng là Satan vẫn còn quấy nhiễu nhưng chủ nghĩa cộng sản đã chết từ lâu rồi. Tuy vậy, Hội thánh cần kinh qua những thử thách để hun đúc đức tin và tôi luyện giáo dân. Giáo hội tiên khởi đã bị bách hại từ thời hoàng đế La mã Nêron (năm 64) đến Sắc lệnh của vua Costantine (năm 313) tính ra kéo dài gần 3 thế kỷ. Giáo hội hoàn vũ cũng đang bị đau khổ khắp nơi, đặc biệt tại các nước Hồi giáo. Riêng Giáo hội Công giáo bị các vua chúa bách hại trong hơn 4 thế kỷ, nhưng sứ điệp Tin Mừng vẫn được loan truyền, đức tin của giáo dân vẫn triển nở như hoa quả đầu mùa, vẫn được củng cố mãi cho đến bây giờ, và còn tiếp tục cho đến khi nước Cha trị đến. Cho dù cuộc bách hại có tinh vi hơn, hệ thống hơn vì có những linh mục biến chất, phá đạo từ bên trong, nhưng chủ nghĩa cộng sản (đã biến thái) không thể nào tiêu diệt tôn giáo được. Họ có thể thắng một hai trận chiến nhỏ trong vài giai đoạn nhất thời, nhưng trường kỳ họ sẽ bị Thiên Chúa khuất phục.

Bài học rút tỉa được qua sự kiện này là gì? Xin thưa đừng đánh giá mình quá cao, và cũng đừng đánh giá kẻ khác quá thấp. Quan sát và đánh giá môi trường thật kỹ. Nên tự lượng sức mình, nhận ra khả năng của chính mình. Biết chỗ đứng và nên chu toàn nhiệm vụ theo lý tưởng mình đã chọn. Đừng mập mờ nhưng hãy phân biệt rõ trắng đen.

Lời cuối. Phần kết của HƯBĐ, tôi xin bàn đến sự tiến trình đồng hóa của môi trường. Thường thì ai cũng đánh hơi được sự nguy hiểm khi nó hiện rõ nét. Nhưng có sự nguy hiểm đến từ từ để cho nạn nhân quen dần, để cuối cùng khi nó hiện nguyên hình là một con quái vật thì lúc đó đã muộn. Môi trường nuốt chửng lấy nạn nhân, và khi nó mửa ra, nạn nhân đã hoàn toàn lột xác từ hình dáng đến suy nghĩ, từ hành động đến cư xử, tất cả đều bị biến thái rập khuôn theo đám đông. Những người cộng sản rất quỷ quyệt trong tiến trình đồng hóa môi trường.

Năm 1869, nhà sinh lý học Đức, Friedrich Goltz thực hiện một cuộc thí nghiệm về khả năng tiếp nhận môi trường của loài ếch (The Boiling Frog). Ông bỏ một con ếch vào nồi nước rồi đun sôi dần. Đến 25 độ C thì nó cảm thấy nóng và nhảy ra ngoài. Edward W. Scripture, y sĩ và tâm lý gia tại ĐH Yale, lập lại thí nghiệm này vào năm 1897. Ông tăng nhiệt độ từ từ, cứ 0.002 độ C mỗi giây và sau 2 tiếng rưỡi, con ếch vẫn nằm yên cho đến khi bị luộc chín. Nhiệt độ lúc đó là 82 độ C.

Gần đây, tiến sĩ Karl S. Kruszelnicki, nhà khoa học Úc, bác bỏ kết quả của thí nghiệm này. Ông chứng minh khi độ nóng tăng lên một điểm nào đó, chất đạm ở 4 chân ếch bị chín cứng tạo thành một màng trắng cột chặt con ếch vào đáy nồi. Nó giống như khi ta thả lòng trắng trứng (đầy chất đạm) vào nước sôi, lập tức lòng trắng chín cứng lại. Vì thế, dù muốn hay không, con ếch vẫn không thể nhảy ra ngoài được. Lập luận này được tiến sĩ George R. Zug, thuộc American Museum of Natural History, và giáo sư Doug Melton tại ĐH Harvard tán thành.

Như thế, về phương diện sinh học, thí nghiệm “The Boiling Frog” không thích dụng. Nhưng về phương diện tâm lý thì sao. Các nhà tâm lý xã hội học nhận xét “The Boiling Frog” qua một lăng kính khác. Họ nhận xét rằng đôi khi chúng ta cũng bị môi trường luộc chín từ từ mà không nhận ra. Nó thay đổi từ từ để chúng ta thích ứng, làm quen dần để đến một lúc nào đó, khi cả môi trường sôi bỏng thì không kịp trở tay nữa. Nạn nhân sẽ bị luộc chín. Các linh mục quốc doanh đang bị môi trường chính trị (ỦB Đoàn kết) luộc chín dần mà không nhận ra.

Riêng chúng ta, hãy tỉnh thức với môi trường chung quanh. Nên tập nhạy bén với tình hình. Mở mắt to, mở tai lớn và dè chừng môi trường. Nó có thể như một viên thuốc độc bọc đường. Nó có thể là một bàn tay sắt bọc nhung. Cứ hòa đồng với đám đông nhưng đừng để bị đồng hóa với cái xấu.

HƯBĐ là một hiện tượng tâm lý đáng để chúng ta suy nghĩ và nên luôn luôn cảnh giác. HẠ NGÔN

_________________________

Tài liệu tham khảo http://www.age-of-the-sage.org/psychology/social/asch_conformity.html http://www.correntewire.com/basic_sociology_group_behavior https://www.uky.edu/~drlane/teams/pavitt/ch6.htm http://www.simplypsychology.org/social-psychology.html http://www.koreatimes.co.kr/www/news/nation/2011/04/117_63695.html https://www.elementsbehavioralhealth.com/addiction/study-examines-peer-pressure-and-addiction/ http://www.narconon.org/blog/narconon/a-new-kind-of-peer-pressure-that-is-fueling-addiction/ http://www.digitaltrends.com/social-media/forget-social-media-this-was-the-peer-pressure-election/ http://www.danchimviet.info/archives/71021/thuc-trang-giao-hoi-thien-chua-giao-mien-bac-tu-1945-1975/2012/12 http://chemgiocatuan.blogspot.com/2014/04/hot-hot-linh-muc-phan-khac-tu-co-vo.html http://chungnhan.org/giaoxu/event/Viet-Nam/Thu-ngo-cua-Linh-muc-Chan-Tin-gui-anh-Phan-Khac-Tu-230/ https://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BB%A6y_ban_%C4%90o%C3%A0n_k%E1%BA%BFt_C%C3%B4ng_gi%C3%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam http://hdgmvietnam.org/thong-ke-linh-muc-cong-giao-tren-the-gioi-va-tai-viet-nam/448.43.13.aspx https://yeumensuthat.wordpress.com/2011/07/04/%E1%BB%A7y-ban-doan-k%E1%BA%BFt-cong-giao-bao-gi%E1%BB%9D-d%E1%BA%BFn-h%E1%BB%93i-k%E1%BA%BFt/ http://www.britannica.com/biography/Jean-Bertrand-Aristide http://www.nguyenvanthuan.com/hiswritings.html http://conservationmagazine.org/2011/03/frog-fable-brought-to-boil/ China in Ten Words, Yu Hua. Pantheon Books of Random House Inc., New York, 2011 Chứng Từ Của Một Giám mục, cố GM Lê Đắc Trọng. Diễn đàn Giáo dân

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Hiệu ứng Bầy đàn Là Gì