[ToMo] 4 Ví Dụ Của Tâm Lý Bầy Đàn (Và Cách Đối Phó Với Nó)
Có thể bạn quan tâm
Hiệu ứng bầy đàn không phải hoàn toàn tiêu cực. Hãy nhìn vào 4 ví dụ của hành vi này và tìm hiểu xem bạn nên phản ứng thế nào khi gặp hoàn cảnh ấy.
Có lẽ bạn đã từng bị cha mẹ hay giáo viên hỏi “Nếu các bạn của con cùng nhảy xuống một cái vực thẳm, con có làm tương tự không?” Tất nhiên là không! Thật điên rồ. Bạn là một người có lý trí độc lập và mạnh mẽ. Sao bạn có thể làm vậy được?
...Nhưng nếu các bạn của bạn không nhảy xuống vực thì sao? Thay vào đó, nếu họ mua mẫu iPhone mới nhất thì sao? Hàng ngày bạn thấy họ nghịch những ứng dụng hay ho, chụp những bức ảnh sắc nét và bàn tán về chuyện cái điện thoại đó tuyệt vời như thế nào. Sau một thời gian, câu hỏi không còn là bạn có định mua cái iPhone ấy không, mà là khi nào bạn định mua nó.
Đây là tâm lý bầy đàn - và bạn chắc hẳn đã từng gặp trường hợp như vậy rồi:
- Những nhà đầu tư vội vàng mua một loại cổ phiếu vì nó được cho là đang “hot”.
- Những bậc phụ huynh điên cuồng tìm mua món đồ chơi Tickle Me Elmos cho con trẻ sau khi họ thấy tất cả cha mẹ khác đều làm thế.
- Con quay fidget spinner. Ôi trời, chúng ở khắp mọi nơi.
Khi nói đến vấn đề tài chính cá nhân, hiệu ứng bầy đàn có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc bị cuốn trôi theo cơn khủng hoảng và giữ sự lý trí. Hãy tìm hiểu sâu hơn về tâm lý bầy đàn và phân tích nó có thể gây hại và giúp ích ta ra sao.
1. Tâm lý bầy đàn là gì?
Tâm lý bầy đàn diễn tả hành vi mà con người cư xử hay bắt chước giống như những người xung quanh - và trong quá trình ấy thì thường không để ý đến cảm xúc của chính mình.
Hãy nghĩ về một con cừu mặc nhiên đi theo đàn mà chẳng hề biết mình đi đâu, chỉ vì đàn của mình đang làm vậy. Đâu không phải là giả khoa học: Đã có những nghiên cứu tâm lý học về chủ đề này.
Vào năm 2008, Giáo sư Jens Krause và Tiến sĩ John Dyer của Đại học Leeds đã thực hiện một thí nghiệm, tại đó các nhóm đối tượng được ra lệnh đi vào một lối ngẫu nhiên trong sảnh lớn mà không giao tiếp với những đối tượng còn lại. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nói trước với một số đối tượng đường mà họ nên đi. Và đoán xem chuyện gì xảy ra? Họ phát hiện ra rằng những người được bảo sẽ đi “ngẫu nhiên” lại đi theo những người đã được sắp xếp sẵn. Giáo sư Krause cho rằng: “Chúng ta đều đã ở trong những tình huống mà mình bị cuốn theo đám đông. Nhưng điều thú vị về nghiên cứu này là những người tham gia cuối cùng đều đưa ra một quyết định đồng nhất mặc cho sự thật là họ không được nói chuyện hay làm cử chỉ với nhau. Trong hầu hết mọi trường hợp, người tham gia không nhận ra là họ đang bị dẫn dụ bởi người khác.” Khi kết thúc thí nghiệm, chúng tôi tìm thấy rằng chỉ cần 5% số người chọn đi một con đường một cách tự tin thì 95% còn lại sẽ bị tác động và đi theo họ. Nhìn quanh bạn sẽ thấy ví dụ cho hiện tượng này ở khắp mọi nơi.
2. Điển hình A cho tâm lý bầy đàn: Sự mua sắm điên cuồng vào Black Friday (Thứ Sáu Đen)
Sau Lễ Tạ ơn là một trong những ngày mua sắm lớn nhất năm. Nó cũng là ngày mà bạn có thể thấy những người bình thường và ổn định nhất trở thành những con khỉ hoang dã với đôi mắt rồ dại sẵn sàng dẫm đạp lên người khác để giành lấy một chiếc TV màn hình phẳng. Tại sao ư? Tại sao mọi người lại hy sinh một ngày nghỉ ngơi thư giãn với bạn bè và gia đình để bị đấm vào mặt chỉ vì tranh giành một cái máy xay sinh tố giảm 30%?
Một nghiên cứu của Đại học Auburn cho thấy việc mua sắm có thể được nâng tầm nếu có một đám đông xung quanh bạn, biến một trải nghiệm tồi tệ thành vui vẻ. Những gì có vẻ là một ý kiến tồi về mặt khách quan sẽ trở thành một ý kiến hay với nhiều người quanh ta. Thế nhưng, dù là Black Friday hay một bữa tiệc sinh nhật 21 tuổi, những thứ vui vẻ có thể nhanh chóng biến thành một bãi ồn ào đầy tiếng thét, dứt tóc và khóc than nếu ta tư duy theo bản năng của động vật.
3. Điển hình B cho tâm lý bầy đàn: Bong bóng “chấm-com”
Hãy đưa tâm trí bạn về khoảng thời gian giản dị hơn. Hồi còn có những chiếc áo khoác Starter, Jonathan Taylor Thomas, và nhạc Jamaica. Tôi đang nói về thập niên 90. Ngoài bộ sưu tập Pog siêu ngầu, những năm 90 còn là sự khởi đầu của một công nghệ thú vị mang tên Internet. Từ khi người ta nhận ra có thể kiếm tiền từ Internet, các nhà đầu tư từ đủ lĩnh vực bắt đầu rót hàng triệu đô vào những “công ty chấm-com” khác nhau (những doanh nghiệp chỉ hoạt động trực tuyến).
Tuy nhiên, nhiều khoản đầu tư trong số này cuối cùng chỉ là sự đầu cơ - góp phần tạo nên bong bóng chấm-com đầy tai tiếng. Vậy nên sau hàng năm trời đầu tư vào những tập đoàn công nghệ mờ ám mà thường không bắt đầu từ sản phẩm cụ thể nào cả, bong bóng đó đã vỡ vào đầu những năm 2000. Những doanh nghiệp công nghệ thất bại hoàn toàn và còn nhiều nhà đầu tư hơn nữa mất hàng triệu đô. Một ví dụ nổi tiếng? Pets.com. Một số người có thể quá trẻ để biết đến cái này, nhưng những người đã biết có thể đang hồi tưởng lại những quảng cáo có một chú chó làm bằng tất nói chuyện với mọi người. Pets.com - một công ty trực tuyến bán đồ dùng cho vật nuôi.
Khi công ty đó công khai vào đầu thế kỉ XXI, cổ phiếu của họ tăng lên $14. Tuy nhiên, bong bóng chấm-com vỡ quá sớm và trị giá thị trường của họ sụt xuống xấp xỉ $1/cổ phiếu. Hàng trăm người rơi vào tình trạng thất nghiệp khi công ty bỏ bớt nhân sự nửa cuối năm sau đó. Giờ đây, trang web của họ dẫn tới web của PetSmart và công ty chỉ còn tồn tại như một ví dụ đáng buồn của hiệu ứng bầy đàn.
4. Điển hình C cho tâm lý bầy đàn: Những cuộc trình diễn pháo hoa tại các Công viên Chủ đề Disney
Đó là nơi hạnh phúc nhất trên Trái Đất. Một vùng đất diệu kỳ nơi bạn có thể gặp gỡ công chúa Disney yêu thích của mình, ăn đùi gà tây và nghe những bài hát sẽ ám ảnh bạn trong nhiều năm sau này. Đó cũng là nơi bạn có thể chứng kiến hiệu ứng bầy đàn cả 365 ngày quanh năm. Disney đã sử dụng hiệu ứng này để lôi kéo thêm nhiều người đến công viên của họ và khiến người ta phải quay lại năm này qua năm khác kể từ khi công viên đầu tiên mở cửa vào năm 1955.
Một trong những cách sử dụng thông minh nhất của tâm lý bầy đàn là các màn trình diễn pháo hoa hàng đêm. Vào những năm đầu tiên sau khi mở cửa, Walt Disney gặp một rắc rối: Các gia đình từ khắp mọi nơi trên nước Mỹ đều gào ầm lên rằng họ muốn tới Disneyland… và rồi bỏ đi ngay khi vừa chơi xong mấy trò tàu lượn mà họ thích. Nói chung, đây là những ngày đầu tiên của công viên chủ đề mà thôi. Mọi người không có sự gợi ý nào cả và không biết phải mong đợi gì khi đến Disneyland. Vậy nên khi các gia đình tới đó, họ chỉ đi theo những gia đình khác - ở lại đủ lâu để đi những chuyến tàu lượn nhất định rồi ra về.
Walt cần tìm cách nào đó để giữ họ lại, hoặc không ông ấy sẽ phải chịu tổn thất nặng nề về phí cơ hội. Đó là khi những người phụ trách tổ chức công viên có được ý tưởng tổ chức một chương trình bắn pháo hoa để các gia đình có gì đấy để trông chờ vào cuối ngày. Ngay sau đó, các gia đình bắt đầu ở lại công viên lâu hơn vì những lời truyền miệng về màn trình diễn pháo hoa buổi tối. Kế hoạch đã có tác dụng. Mọi người ở lại tới cuối ngày, và hơn 50 năm sau bạn vẫn có thể thấy ví dụ của hiệu ứng bầy đàn tại các công viên Disney trên toàn thế giới.
5. Điển hình D cho tâm lý bầy đàn: Sự sụp đổ của thị trường nhà đất
Đã một thập kỉ từ khi thị trường nhà đất sụp đổ vào năm 2008, nhưng trong nhiều mặt, ta vẫn cảm thấy ảnh hưởng của nó ngày hôm nay. Và mặc dù nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ vô cùng đa đạng và phức tạp, tất cả đều bắt nguồn từ chiếc bong bóng chứa một lượng lớn các chủ hộ không đủ khả năng chi trả khoản thế chấp của mình. Hậu quả của sự sụp đổ này dẫn đến hàng triệu người mất việc, mất nhà, và lượng chi tiêu của người tiêu dùng giảm 8%.
Có rất nhiều yếu tố khiến cho thị trường ấy sụp đổ, nhưng tôi muốn nói về việc hiệu ứng bầy đàn đã tràn lan như thế nào sau đó. Bởi vì bong bóng nhà đất vỡ, những nhà đầu tư trở nên lo sợ. Họ quá run sợ đến nỗi họ rơi vào cái bẫy của hành vi tâm lý bầy đàn mang tên “bán trong khủng hoảng”, khi mọi người bán cổ phần và cổ phiếu vì cơn hoảng loạn và sợ hãi, khiến cho giá cổ phiếu giảm đột ngột. Các nhà đầu tư sợ rằng nếu họ tiếp tục giữ tiền trong thị trường, họ sẽ mất nó. Điều này làm cho họ bỗng nhiên rút hết tiền ra khỏi thị trường. Sau đó dẫn tới giá cả đi xuống và… bạn biết việc này kết thúc thế nào rồi đấy.
6. Tâm lý bầy đàn có khi nào là tốt không?
Mặc dù rất nhiều ví dụ về tâm lý bầy đàn có thể khá đáng sợ, nó không hẳn là tiêu cực. Nếu bạn cứ để nó tự nhiên, nó có thể là một thứ tuyệt vời.
Michael Bond, tác giả của cuốn “Sức Mạnh Của Những Người Khác: Áp Lực, Suy Nghĩ Theo Nhóm Và Cách Mọi Người Xung Quanh Ảnh Hưởng Tới Mọi Thứ Ta Làm” đã viết rằng hiệu ứng bầy đàn có thể thực sự “thay đổi lịch sử”. Bond viết: “Cách mạng Ai Cập vào cuối tháng Một, đầu tháng Hai năm 2011 là một ví dụ tuyệt hảo về sức mạnh của sự hợp tác (dù những thành tựu của nó đã bị hoang phí một phần). Hơn thế nữa, những người đã tập trung ở Quảng trường Tahrir yêu cầu sự phế truất Hosni Mubarak đã có được sự huy hoàng của cuộc đời họ. Một thương gia đã nghỉ hưu đã đi từ Alexandria, Ai Cập đến để tham gia vào nhóm biểu tình và nói với tôi rằng: “Tôi thấy một thứ rất đáng yêu. Có đủ loại người ở đây. Từ đại học, trung học đến tiểu học. Những người vô gia cư. Người với mọi tôn giáo. Mọi sự phân cách đều biến mất. Tất cả đều chung một mục đích. Tôi đã khóc, vì đây là lần đầu tôi thấy người Ai Cập không hề nao núng bởi bất kỳ điều gì.”
Ngoài việc thay đổi bối cảnh chính trị, hiệu ứng bầy đàn còn có thể được dùng làm đòn bẩy với các khoản đầu tư của bạn - hay ít nhất là Warren Buffett nghĩ thế. Ông nói “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người ta sợ hãi.” Điều ông muốn nói là bạn nên luôn luôn sẵn lòng chống lại bầy đàn khi việc đó liên quan đến khoản đầu tư của bạn. Người sẽ trở về lành lặn sau một vụ bong bóng vỡ hay sụp đổ thị trường là người giữ được một cái đầu tỉnh táo và không vứt hết cổ phiếu đi ngay lập tức.
Và điều này mang chúng ta đến với…
7. Những gì bạn nên làm để tận dụng tâm lý bầy đàn làm lợi thế
Về bản chất, ta khó mà nhận ra hiệu ứng bầy đàn ngay lúc đó. Sau cùng, một bông tuyết cũng chẳng thể nhận ra nó là một phần của bão tuyết đâu. Cũng tương tự như khi bạn bị cuốn đi theo những xu hướng thị trường. Nhưng nếu bạn thấy mình đang ở giữa một đàn, hãy nhớ rằng có cả nguy hiểm lẫn lợi ích. Và hãy nhớ lấy câu nói của Warren Buffett lúc trước: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người ta sợ hãi.”
----------
Tác giả: Tony Tran
Link bài gốc: 4 examples of herd mentality (and what to do about it)
Dịch giả: Bùi Hương Mai - ToMo: Learn Something New
(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Bùi Hương Mai - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!
Từ khóa » Hiệu ứng Bầy đàn Là Gì
-
Tâm Lý Bầy đàn – Wikipedia Tiếng Việt
-
“Hiệu ứng Bầy đàn” Hay “tâm Lý đám đông?” - Phòng Khám Quốc Nam
-
ỨNG DỤNG HIỆU ỨNG BẦY ĐÀN TRONG QUẢN TRỊ THƯƠNG ...
-
Herd Mentality / Hiệu Ứng Đàn Bầy
-
Giải Thích Thuật Ngữ: Hiệu ứng Bầy Cừu - 24HMoney
-
[Quy Tắc đầu Tư Vàng] Hiệu ứng Bầy đàn Henri Fabre Và Bài Học để ...
-
I. Hiệu ứng đám đông Là Gì?“Hiệu ứng Bầy đàn ... - Tôi Yêu Bản Dịch
-
Hiệu ứng đám đông - In Bài Viết
-
Tâm Lý đám đông, đừng để “hiệu ứng Bầy đàn” Khiến Bạn đổi ý
-
HERD BEHAVIOR - BẠN CÓ PHẢI LÀ CỪU NON ? - Spiderum
-
Hiệu ứng đám đông – Câu Chuyện Không Của Riêng Lĩnh Vực đầu Tư ...
-
HIỆU ỨNG BẦY ĐÀN | Tương Tri
-
Hiệu ứng Bầy đàn Henri Fabre Và Bài Học để đời Trong đầu Tư Chứng ...