HIỆU ỨNG DUNNING–KRUGER - P1 - Trải Nghiệm Sống

Phần 1: Dunning–Kruger ef-Fake

Có thể thấy trên mạng có những bài viết về hiệu ứng Dunning-Kruger với nội dung đại khái là giải thích hiện tượng nhiều người “ngu mà không biết mình ngu”, ngu lại tưởng mình giỏi. Nếu tìm kiếm với từ khóa “hiệu ứng dunning-kruger” (hoặc “dunning-kruger effect”) chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các bài viết với một đồ thị (có hai dạng khác nhau, loại phía trên thỉnh thoảng được người ta đem ra để show cho đối phương nếu cuộc khẩu chiến đi đến bế tắc) được chú thích với ngôn ngữ gây ấn tượng (xem hình). Một số bài viết sẽ giải thích chi tiết đồ thị. Đại khái là thế này:

1. Thủa ban đầu không có kiến thức thì tự tin bằng 0, nghe cũng tự nhiên.

2. Giai đoạn đầu của việc tìm hiểu, có một chút kiến thức thì lập tức sự tự tin tăng cao vọt, tưởng đã biết hết . Giai đoạn này kiến thức tuy ít nhưng đối tượng thường nghĩ mình là chuyên gia. Đạt đến là đỉnh cao ngu dốt.

3. Tuy nhiên, nếu tiếp tìm hiểu thêm thì đối tượng thấy rằng kiến thức là vô bờ, những điều mình biết như hạt cát trong sa mạc nên sự tự tin sụt giảm nghiêm trọng. Rơi vào hố sâu tuyệt vọng.

4. Nếu đối tượng vượt qua được hố sâu tuyệt vọng và tiếp tục nghiên cứu thì sẽ tiến tiếp trên con dốc khai sáng, sự tự tin tăng một cách từ từ cùng với sự hiểu biết.

5. Kiên trì học hành vượt hết con dốc khai sáng, đối tượng sẽ đạt đến cấp chuyên gia, sự tự tin lúc này gần tương đương với giai đoạn đỉnh cao ngu dốt, nhưng có kiến thức thật.

Đọc có vẻ rất hợp lý, có thể nhiều người (mình là một ví dụ) đã từng sử dụng kỹ năng anh hùng bàn phím để làm mưa làm gió trên Google search và sau vài ngày, hoặc có khi chỉ một buổi, đọc vài bài báo tổng hợp không đầu không cuối, bỗng thấy mình như một chuyên gia trong lĩnh vực này lĩnh vực nọ, sẵn sàng lên mạng chia sẻ hoặc khẩu nghiệp với những đứa “ngu mà ko biết mình ngu.” Sau khi bị bật lại bởi các chuyên gia, cay cú Google thêm thì mới ngỡ ngàng “hóa ra mình mới là thằng ngu, lĩnh vực này kiến thức quá nhiều, thôi bỏ.” Mấy giai đoạn sau thì tự thấy hợp lý bằng logic rồi.

Rất tiếc, dù có vẻ hợp lý và phù hợp với kinh nghiệm của nhiều người, lại không hề có công trình nghiên cứu nào liên quan đến đồ thị và diễn giải của đồ thị này, càng không phải là công trình nghiên cứu đã đoạt giải Ig Nobel năm 2000 của Dunning và Kruger (dù cũng có điểm tương đồng).

(Còn tiếp)

Post Views: 1,765

Từ khóa » đỉnh Cao Của Sự Ngu Dốt Là Gì