Hiểu Về Cơn Giận Dỗi ở Trẻ - Vinschool

Hiểu về cơn giận dỗi ở trẻ Thứ Hai, 21/02/2022, 15:02 (GMT+7)

Cảm xúc hờn dỗi, tỏ ra cáu giận khi không vừa ý không hề hiếm gặp ở trẻ Mầm non. Đó là phản ứng tự nhiên của con người với tác động bên ngoài, giúp cân bằng lại những xáo trộn bên trong. Do đó, người lớn và đặc biệt là cha mẹ không nên nhận định những cảm xúc mà trẻ bộc lộ ra ngoài là tốt hay xấu. Đặc biệt, khi trẻ chưa được dạy và luyện tập kỹ năng điều tiết cảm xúc thì những biểu hiện của cơn giận dữ như hờn dỗi, gào khóc... đôi khi là điều dễ hiểu.

Vai trò của người lớn trong việc giúp trẻ biểu đạt cảm xúc

Hành vi của trẻ chính là một phương thức giao tiếp, đặc biệt khi khả năng ngôn ngữ và một số chức năng não bộ chưa được hoàn thiện. Vì vậy, cơn cáu giận chính là dấu hiệu để người lớn nhận biết nhu cầu về tâm-sinh lý của trẻ nhằm hỗ trợ con giải quyết.

Trong mỗi đứa trẻ đều ẩn chứa tiềm năng lớn, tuy nhiên các con rất cần sự đồng hành của người lớn để phát triển đúng hướng. Trẻ không tự nhiên biết cách xử lý cảm xúc của mình. Những cơn hờn dỗi của con thể hiện sự vụng về, chưa biết cách xử lý cảm xúc của bản thân. Khi muốn giải tỏa sự bứt rứt mà chưa được dạy cách điều tiết, con có thể chỉ biết hét lên, gào khóc. Về bản chất, đó chính là những công cụ tự nhiên mà trẻ có. Hướng nhìn nhận như trên có thể giúp cha mẹ có cái nhìn yêu thương, nhẹ nhàng và thấu hiểu hơn với cảm xúc tiêu cực ở trẻ nhỏ.

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

Hiểu về những cơn giận

Trước tiên, hãy đảm bảo những nhu cầu cơ bản của con được đáp ứng như: ăn uống đầy đủ; ngủ đủ giấc; thoải mái trong bộ quần áo con mặc hoặc điều kiện không gian xung quanh như tiếng ồn, mùi hương, nhiệt độ; không cảm thấy đơn độc hay xấu hổ. Ngoài ra, không khí căng thẳng giữa người lớn cũng vô tình khiến con thấy ngột ngạt. Có thể trẻ không chỉ tức giận vì vấn đề trước mắt, mà do những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến tinh thần trẻ.

Chính trẻ cũng không muốn cáu giận nếu biết những cách vừa tích cực vừa hiệu quả để truyền tải mong muốn. Để kiên nhẫn cùng con vượt qua cơn giận, cha mẹ có thể nói thầm với bản thân rằng: không phải trẻ làm khó mình, mà chính trẻ đang gặp khó khăn và cần mình giúp đỡ.

Ngoài ra, những hành vi “gây sự chú ý” thực chất có thể được hiểu là trẻ muốn tìm kiếm sự kết nối. Trẻ muốn kết nối với cha mẹ, muốn được ôm, muốn khoe thành quả, muốn được kể chuyện. Một tình huống phổ biến thường xảy ra đó là, trẻ hay “làm phiền” lúc cha mẹ đang bận với công việc. Cách phản ứng thông thường sẽ là “Cha (Mẹ) đang bận, con ngoan đi!”. Tuy nhiên, vì chưa từng đi làm, chưa từng sống trong thế giới của người lớn, nên trẻ không thể hiểu rõ “bận” là gì. Với trẻ, “bận” có thể sẽ mang ý nghĩa là cha mẹ không cần mình, là không muốn mình ở bên cạnh. Hãy nói với con những thông tin cụ thể như “Cha (Mẹ) cần thêm 10 phút để [hoàn thành việc này], rồi sẽ chơi với con nhé”, và giữ đúng lời hứa.

Hai bên cùng chia sẻ để hiểu nhau hơn là một trong những ứng dụng thực tế của việc làm bạn với con. Nếu con tin rằng cha mẹ cùng phe với mình, trẻ sẽ dễ dàng hợp tác hơn là phải đối đầu, lớn tiếng.

Từ khóa » Con Giận Hay Giận