Hình ảnh ông Giáo Nghèo Trong Truyện Ngắn Lão Hạc

Thấp thoáng sau nhân vật là hình bóng nhà văn Nam Cao với trái tim nặng trĩu tình người, tình đời.

Nghèo khổ cũng như ai

Hầu hết nhân vật người trí thức trong các văn phẩm của Nam Cao trước cách mạng đều chung một cảnh nghèo. Hộ trong “Đời thừa”, Điền trong “Giăng sáng” hay những Thứ, San trong “Sống mòn” đều lắt lay với cuộc sống nghèo, gánh nặng áo cơm ghì sát đất.

Ông giáo trong truyện “Lão Hạc” không phải là trường hợp ngoại lệ. Hăm hở, lặn lội vào tận Sài Gòn những mong theo đuổi “say mê và cao vọng”, sau một trận ốm, quần áo bán gần hết, ông giáo bị ném về làng quê đeo đẳng cái nghèo. Những quyển sách ông giáo rất mực nâng niu “nguyện giữ chúng suốt đời” cũng đành phải bán “Mỗi lần cùng đường đất sinh nhai”. Sau cùng chỉ còn năm quyển quý nhất, định bụng “dù có phải chết cũng không chịu bán”, thế mà một bận con ốm, ông giáo cũng phải bán nốt. Ngẫm vừa xót, vừa thương cho cái số nghèo của ông giáo nhà quê.

Vì nghèo, ông giáo bán đi “đứa con tinh thần” là những cuốn sách quý, tội nghiệp hơn, cũng bởi cái khổ, cái nghèo mà người vợ đáng thương của ông trở nên ích kỉ, hẹp hòi. “Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói...”. Câu nói của người đàn bà tội nghiệp ấy sao nghe nhoi nhói trong lòng. Ngỡ vô tình mà rất đáng cảm thương. Chỉ bởi nghèo quá mà thị thành ra như vậy. Chính ông giáo cũng thấu tỏ, cảm thông: “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận”. Dường như, ẩn sau cái nghèo của ông giáo là bi kịch của người trí thức trong xã hội cũ. Gánh nặng mưu sinh lấy đi ước mơ, hoài bão con người, thật chua xót, tội nghiệp.

Lần dở trang truyện của Nam Cao, người đời không khỏi thương cảm, xót xa. Cuộc sống khó khăn đang bủa vây nơi làng quê bé nhỏ. Sự nghèo đói đâu chỉ hiển hiện với những người nông dân mà còn đè xuống cả những người trí thức “nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận, người ta kiêng nể” như ông giáo. Ngòi bút Nam Cao có cả thương người và hơn hết là nỗi thương mình.

Truyện ngắn “Lão Hạc”.
Truyện ngắn “Lão Hạc”.

Nhân hậu yêu thương

Đọc truyện “Lão Hạc”, nhân gian nhói đau cho một người cha khổ, tuổi già quay quắt, một mình chịu đói, chịu chết trong vật vã, đớn đau bao nhiêu thì lại cảm phục tấm lòng đôn hậu yêu thương của ông giáo nghèo bấy nhiêu.

Kể từ ngày cậu con trai phẫn chí bỏ đi làm đồn điền, ngoài cậu Vàng, ông giáo trở thành nơi trao gửi tâm tư của ông lão đáng thương. Vợ mất, con trai đi biệt xứ, ông giáo là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho lão Hạc, nơi lão sẻ chia những nỗi buồn giữa ngày tháng cô đơn. Những bức thư con lão gửi về, ông giáo là người đọc giúp lão vơi bớt nỗi nhớ con. Khi bán cậu Vàng, lão day dứt, đau đớn ông giáo thấu hiểu, an ủi động viên. Khác với người vợ, dù nghèo khổ, túng quẫn ông giáo vẫn vẹn nguyên cái phẩm chất, lòng thương người. Tấm lòng ấy in đậm trong việc làm và ý định đậm chất nhà quê. “Tôi nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo: Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: Bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng”. Thảo thơm một tấm ân tình của ông giáo nghèo với người bạn già tội nghiệp. Củ khoai, điếu thuốc quê mà sâu đậm yêu thương, mang hương vị tình người. Chỉ tiếc, lão Hạc khước từ tất cả tấm chân tình, ông giáo vừa buồn lại vừa thương. Buồn vì thiện tâm bị từ chối bởi sĩ diện của người nghèo “dễ tủi thân hay chạnh lòng”, thương lão già “có tiền mà chịu khổ” không muốn lụy phiền.

Tấm lòng nhân từ của ông giáo nghèo với lão già tội nghiệp đâu chỉ dừng lại ở sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia. Giữa bóng tối cuộc đời cùng quẫn, bất công, ông giáo vừa là điểm tựa tinh thần, vừa trở thành điểm tựa pháp lí cho lão Hạc trao gửi những điều thiêng liêng. Ba sào vườn giữ lại cho con, ba mươi đồng bạc lo hậu sự sau khi lão già yếu. Hai việc hệ trọng phần ông giáo gánh vác. Vậy là, hàng xóm láng giềng mà nghĩa nặng tình sâu. Sau cái chết vật vã, dữ dội của lão Hạc, trong giọt lệ là lời hứa của một nhân cách cao đẹp: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt ! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào...”. Giữa cái khổ, cái nghèo ánh sáng tâm hồn nhân hậu, chan chứa yêu thương của ông giáo thật đáng quý, đáng trọng vô cùng.

Đọc truyện, người ta nghĩ rằng lão Hạc đích thực là kẻ đáng thương nhất, côi cút, chết đau, chết khổ. Nhưng ngẫm cho kĩ, ông giáo cũng đâu có hơn gì, thậm chí đáng thương không kém. Người trí thức “nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận” mà mòn mỏi, bế tắc mang nỗi đau khổ, dày vò về tinh thần. Thương người mà chẳng thể cứu giúp người. Nhà vẫn nghèo, vợ con vẫn khổ, ông lão hàng xóm phải chết vật vã đớn đau. Với ông giáo “cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Những biết sao được giữa thói đời cùng quẫn. Ông giáo đáng thương mà cũng đáng quý vô cùng. Trăn trở, đau đáu cho số kiếp nhân sinh. Sống cùng những con người khổ, ông giáo vẫn thấy được ở họ ánh sáng thiên lương. Với lão Hạc là người cha thăm thẳm tình thương con, với bà vợ vì khổ mà hẹp hòi chỉ “buồn mà không nỡ giận”.

Trong truyện “Lão Hạc”, ông giáo là một nhân vật giữ vai trò đặc biệt là người kể chuyện, bày tỏ những trăn trở suy tư của nhà văn về cuộc sống, con người. Ông giáo nghèo vừa đáng kính vừa đáng thương mang hình bóng nhà văn Nam Cao với tấm lòng đôn hậu chan chứa yêu thương. Hình tượng ông giáo nghèo mà đôn hậu nhân từ trong trang văn Nam Cao chắc hẳn sẽ lưu giữ mãi trong những trái tim, những cuộc đời.

Từ khóa » Hình ảnh ông Giáo Làng