Hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự: Làm Sao Hạn Chế? - PLO

Hình sự hóa quan hệ dân sự không phải là hiện tượng mới trong xã hội. Vì vậy, vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm nhất tại buổi tọa đàm do Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn phối hợp với Pháp Luật TP.HCM tổ chức chiều 2-7 vẫn là làm sao hạn chế chuyện này…

20 năm trước, tôi từng viết về hiện tượng này trên báo chí nhưng đến nay nó vẫn còn xảy ra. Thật đáng buồn vì vẫn còn những vụ việc mà hình phạt, nhà tù được vận dụng như một biện pháp đòi nợ, đòi tài sản thay vì để tòa án phân xử theo thủ tục tố tụng dân sự. Tòa án chưa thật sự tạo được niềm tin cho người dân để họ lựa chọn giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự khi vẫn còn có những bản án không phải là công lý” - GS Phạm Duy Nghĩa (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ.

Hy vọng hình sự hóa để nhanh thu hồi nợ

Ý kiến của GS Nghĩa làm không khí buổi tọa đàm sôi động hẳn. Theo luật sư Lương Văn Lý (Công ty Luật TNHH Việt Long Thăng), trên thực tế khi phát sinh tranh chấp kinh tế, dân sự, nhất là trong các tranh chấp đòi nợ, đòi tài sản, nhiều chủ nợ đã không chọn con đường khởi kiện ra tòa vì quá trình giải quyết của tòa thường chậm chạp, kéo dài, không biết khi nào mới lấy lại được tài sản. Vì vậy, họ tìm con đường ngắn nhất là tố giác tới cơ quan công an với hy vọng nếu vụ việc “được” hình sự hóa thì họ sẽ nhanh chóng thu hồi lại tài sản. “Họ cố tình muốn hình sự hóa. Tôi nói thẳng có những vụ mà đằng sau có “bóng dáng tư vấn” của các luật sư! Trong khi đó, thay vì xác minh đơn thư tố giác một cách cẩn trọng để xử lý đúng đắn, nhiều trường hợp cơ quan thực thi pháp luật lại không làm hết trách nhiệm”...

Hình sự hóa quan hệ dân sự: Làm sao hạn chế? ảnh 1

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích (Công ty Luật OVB) thì cho rằng một nguyên nhân khác nữa dẫn tới hiện tượng này là pháp luật hình sự của nước ta vẫn còn chung chung. Tuy nhiên, theo luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM), nguyên nhân lớn nhất vẫn thuộc về trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, cơ quan tố tụng. “Tôi cho rằng nhận thức chủ quan và thái độ thượng tôn pháp luật của các cơ quan thực thi pháp luật mới là quan trọng nhất” - luật sư Hoài khẳng định.

Làm sao để tránh bị “rủi ro”?

“Vậy làm sao để các cá nhân, doanh nghiệp tránh được việc bị hình sự hóa?” - nhà báo Nguyễn Vạn Phú (Tổng Thư ký tòa soạn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn) đặt câu hỏi.

Ông Phú vừa dứt lời, luật sư Nguyễn Ngọc Bích đáp ngay: “Theo tôi, khi làm hợp đồng, các bên nên viết rõ nội dung rằng đây là giao dịch dân sự, khi có tranh chấp gì thì cam kết không yêu cầu xử lý hình sự”. Tuy nhiên, GS Phạm Duy Nghĩa không tán đồng bởi theo ông, việc có xử lý hình sự hay không không phụ thuộc vào ý chí của các bên đương sự mà phụ thuộc vào cơ quan tố tụng. Theo GS Nghĩa, trong các giao dịch hợp tác, làm ăn, trước hết các cá nhân và doanh nhân đều cần phải tìm hiểu rõ luật, biết rõ giới hạn cho phép để không vi phạm.

Luật sư Lương Văn Trung (Công ty Luật Bross & Partners) cũng cho rằng các doanh nhân phải hiểu luật và nên có luật sư tư vấn mỗi khi ký hợp đồng hợp tác làm ăn hay xảy ra tranh chấp. Gặp trường hợp nợ nần bị tranh chấp thì nên có thái độ thiện chí hợp tác giải quyết sự việc với đối tác và cơ quan chức năng để tránh bị quy kết là bỏ trốn hay cố tình chiếm đoạt tài sản...

Luật hóa quá trình “tiền tố tụng”?

Theo luật sư Phan Trung Hoài, hiện nay BLTTHS chưa có quy định điều chỉnh cụ thể về quá trình xác minh đơn thư tố giác tội phạm của người dân, hay còn gọi là quá trình “tiền tố tụng”. Mặc dù chưa khởi tố vụ án nhưng nhiều khi, cơ quan điều tra vẫn áp dụng các biện pháp như phong tỏa, cấm xuất nhập cảnh, thậm chí “mời ở lại để hợp tác điều tra”...

Để tránh việc này bị tùy tiện lạm dụng nhằm gây sức ép cho các cá nhân, doanh nghiệp, luật sư Hoài đề nghị tới đây khi sửa đổi BLTTHS, các nhà làm luật cần luật hóa quá trình “tiền tố tụng” này bởi càng rõ ràng về trình tự, thủ tục... thì càng hạn chế được việc làm oan, làm sai. Song song đó, luật sư Hoài cũng đề cập đến vai trò của luật sư: “Có những vụ tôi đi theo thân chủ đến làm việc với cơ quan điều tra thì bị mời ngay ra ngoài với lý do “đã khởi tố đâu mà luật sư tham gia”. Cần cho luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn này”.

Còn theo GS Phạm Duy Nghĩa, tòa án cũng cần giải quyết án dân sự, kinh tế... nhanh chóng hơn, có phán quyết công bằng để tạo được niềm tin cho người dân.

Nặng về hình luật

Từ thời xưa khi xuất hiện hệ thống luật thành văn, xã hội nước ta đã rất coi trọng hình luật, dùng hình luật để giải quyết các tranh chấp. Cứ có chuyện là dân tố lên quan. Trong tay có sẵn gậy gộc, thế là quan tra khảo, định tội. Cái truyền thống dùng hình luật để can thiệp vào tranh chấp dân sự này, đáng buồn là ngày nay vẫn chưa bị xóa sổ hẳn. Chưa kể, có khi nó còn được tạo điều kiện bởi những kiểu làm ăn buôn bán nhập nhằng, “sáng tối” không rõ ràng, minh bạch bởi chính các cá nhân, doanh nghiệp.

GS PHẠM DUY NGHĨA, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Hai xu hướng sai luật

Việc lạm dụng quy định, chế tài hình sự để giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế, hành chính... là một thực tế nhưng hiện nay cũng đang xảy ra chiều ngược lại là dân sự hóa, kinh tế hóa, hành chính hóa quan hệ hình sự. Cả hai chiều hướng này đều là áp dụng sai pháp luật hình sự.

ThS PHAN ANH TUẤN, khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

THANH TÙNG - HỒNG TÚ

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự Là Gì