Thủ Tướng: 'Không Hình Sự Hoá Các Quan Hệ Dân Sự Kinh Tế'
Có thể bạn quan tâm
Thị trường vốn (bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) được xem là nguồn huy động tài chính quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, vừa qua, thị trường này đã xuất hiện nhiều sai phạm mà điển hình là vụ việc ở Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh hay mới nhất là Louis Holding.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, thị trường tài chính đang có những hạn chế, bất cập về cấu trúc, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực. Cá biệt, còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường.
Dù vậy, ông khẳng định "những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính". Mặt khác, việc xử lý sai phạm cũng là bước đi cần thiết để làm trong sạch, giúp thị trường tốt, lành mạnh, an toàn, bền vững hơn.
Nói rõ hơn về các sai phạm, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, một trong những hành vi phổ biến là chấp hành không đúng quy định về công bố thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Dẫn số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông nói, đã có 471 quyết định xử phạt hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng.
"Các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự", Thứ trưởng Công an nhận xét.
Trong đó, ông đặc biệt chỉ ra hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cô đông lớn, cổ đông nội bộ... Ngoài ra, thị trường cũng phổ biến tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch, thất thiệt trên các mạng xã hội; lôi kéo các nhóm đầu tư, tư vấn mua bán gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Phản hồi lại nhận định của lãnh đạo Bộ Công An, Thủ tướng nhấn mạnh: "Quan trọng là chúng ta không hình sự hoá các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế".
Là đại diện doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) cho biết, rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng. Dù vậy, bà nhận định, "những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý".
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội nhìn nhận, việc ngăn chặn lũng đoạn thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng đặt ngược vấn đề về vai trò của cơ quan quản lý vì "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
"Trong việc xảy ra lũng đoạn thị trường đáng ra các cơ quan quản lý Nhà nước phải biết trước và thực hiện vai trò của mình. Do đó cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan giao trách nhiệm kiểm soát thị trường", ông nói.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các sai phạm xảy ra vừa qua là cá biệt, do vậy, việc thắt chặt thị trường là chưa cần thiết.
Ông Zafer Mustafaeglu đến từ World Bank nhận xét, thị trường vốn của Việt Nam còn tương đối non trẻ nên sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra. "Quan trọng hơn là cách chúng ta học hỏi từ sai sót chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn", ông nói.
Tương tự, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đánh giá, việc thắt chặt huy động vốn, tín dụng trên thị trường chứng khoán, trái phiếu là chưa cần thiết. Ông cho rằng xử lý doanh nghiệp sai phạm là quan trọng nhưng không nên để đổ vỡ thị trường, thay đổi chính sách đột ngột.
Kết luận hội nghị, một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ, ngành là tiếp tục ổn định môi trường đầu tư, đặc biệt là sự nhất quán về chính sách để nhà đầu tư yên tâm. Theo đó, Bộ Tài chính và các Bộ ngành được giao xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, trái phiếu. Trong đó, quy định phù hợp việc công khai, minh bạch thông tin thị trường, hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán. Các cơ quan này cũng cần tăng cường thanh tra, giám sát các hoạt động phát hành, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp...
Thủ tướng cũng tái khẳng định: "Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng".
Đức Minh
Từ khóa » Hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự Là Gì
-
Dân Sự Hóa Quan Hệ Hình Sự - WIKI LUẬT
-
Hình Sự Hóa Là Gì? Quy định Về Hình Sự Hóa Quan Hệ, Giao Dịch Dân ...
-
Không Hình Sự Hóa Các Quan Hệ Dân Sự Kinh Tế - Tuổi Trẻ Online
-
Vấn đề 'hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự' Trong Bối Cảnh Dịch Bệnh ...
-
Hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự: Làm Sao Hạn Chế? - PLO
-
Hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự - Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn - Saigon Times
-
Không Hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự, Kinh Tế: Góp Phần ổn định Tâm ...
-
Không Hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự, Kinh Tế: Tạo điều Kiện Khắc ...
-
Hình Sự Hóa Là Gì ? Khái Niệm Về Hình Sự Hóa được Hiểu Như Thế Nào ?
-
KHI NÀO THÌ HÌNH SỰ HÓA MỐI QUAN HỆ DÂN SỰ?
-
Không Hình Sự Hóa Quan Hệ Dân Sự, Kinh Tế, Khuyến Khích Làm Giàu ...
-
[PDF] MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ HOÁ, PHI HÌNH SỰ HOÁ CÁC
-
Không Hình Sự Hoá Quan Hệ Dân Sự-kinh Tế Nhưng Kiên Quyết Xử Lý ...
-
Không Hình Sự Hoá Các Quan Hệ Dân Sự, Kinh Tế - Tạp Chí Pháp Lý