Hình Thức Tổ Chức Hành Nghề Luật Sư ? - Luật Hoàng Anh

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Vậy, tổ chức hành nghề luật sư theo những hình thức nào ?

Các hình thức hành nghề luật sư

Căn cứ theo Điều 32 của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), quy định Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

a) Văn phòng luật sư;

b) Công ty luật.

Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Do đó, có thể thấy tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam bao gồm 2 loại hình: Văn phòng luật sư và Công ty luật. So với doanh nghiệp được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp, Văn phòng luật sư có địa vị pháp lý giống như loại hình doanh nghiệp tư nhân; Công ty luật gồm Công ty luật trách nhiệm hữu hạn và Công ty luật hợp danh; Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có loại hình Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên và Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên. Trong các loại hình tổ chức hành nghề luật sư thì Văn phòng luật sư và Công ty luật hợp danh có chế độ trách nhiệm vô hạn về tài sản. Các tổ chức hành nghề luật sư còn lại có chế độ trách nhiệm hữu hạn về tài sản.

Như vậy, tổ chức hành nghề luật sư là tổ chức kinh tế có tên gọi, có tài sản riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư nhằm mục đích thực hiện hoạt động cung cấp các loại dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi là khách hàng) theo quy định của pháp luật và đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư là Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.

Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

Ngoài hai loại hình tổ chức hành nghề luật sư là Văn phòng luật sư và Công ty luật trên đây, luật sư có thể lựa chọn loại hình thứ ba là hành nghề với tư cách cá nhân. Đây là hình thức hành nghề mà pháp luật quy định luật sư đã đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không muốn thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề mà muốn cung cấp dịch vụ pháp lý theo cách làm công ăn lương cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác. Chính vì không thành lập tổ chức hành nghề nên không đặt vấn đề nghiên cứu quản trị tổ chức hành nghề luật sư đối với luật sự hành nghề với tư cách cá nhân.

Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư

Căn cứ theo Khoản 3, Điều 32 của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), quy định điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư như sau:

a) Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Luật sư;

b) Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 20 của Luật Luật sư.

“Điều 20. Gia nhập Đoàn luật sư

1. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư.

Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở.

2. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư gồm có:

a) Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành;

b) Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá sáu tháng, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, ra quyết định về việc gia nhập Đoàn luật sư; nếu người nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư từ chối việc gia nhập và thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 87 của Luật này

4. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho người gia nhập Đoàn luật sư. Thời hạn cấp Thẻ luật sư không quá hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Đoàn luật sư.

Thẻ luật sư có giá trị không thời hạn, được đổi khi luật sư chuyển Đoàn luật sư hoặc khi bị mất, hỏng.

5. Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày được cấp Thẻ luật sư, luật sư không làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc không thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở hoặc luật sư không hành nghề luật sư trong thời hạn năm năm liên tục sau khi được cấp Thẻ luật sư thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xóa tên luật sư đó khỏi danh sách luật sư và đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư.

6. Luật sư chuyển Đoàn luật sư phải gửi đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư mà mình đang là thành viên giấy đề nghị rút tên ra khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy đề nghị, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư ra quyết định xóa tên đối với luật sư rút khỏi danh sách luật sư của Đoàn, đồng thời gửi giấy giới thiệu của Đoàn kèm theo hồ sơ của luật sư đó đến Đoàn luật sư nơi luật sư dự định gia nhập.

Thủ tục gia nhập Đoàn luật sư và đổi Thẻ luật sư được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Trong thời gian chờ đổi Thẻ luật sư, luật sư tiếp tục dùng Thẻ luật sư đang sử dụng để hành nghề và phải nộp lại ngay khi được đổi Thẻ luật sư.”

Từ khóa » Hình Thức Hành Nghề Luật Sư Cá Nhân