Hình Tượng Con Khỉ Trong Văn Học Dân Gian - Báo Bình Phước
Có thể bạn quan tâm
BP - Trong 12 con giáp, Thân là con khỉ đứng hạng thứ 9. Ai cũng biết khỉ là con vật tinh nghịch, láu lỉnh, nhanh nhẹn... Vì vậy, từ bao đời nay, con khỉ và những con vật thuộc họ nhà khỉ đã rất gần gũi, thân quen với đời sống của người Việt. Chính vì thế, hình tượng con khỉ đã được người Việt nhân cách hóa thông qua phương pháp ẩn dụ và tu từ rất tinh tế, sâu sắc để diễn đạt thái độ, tình cảm, cách ứng xử của mình trước những sự vật, hiện tượng cũng như tính cách và những thói hư, tật xấu của con người. Nhân năm Bính Thân 2016, năm cầm tinh con khỉ, xin giới thiệu cùng bạn đọc những câu tục ngữ, ca dao và thành ngữ có liên quan đến khỉ. Có thể với kiến thức còn hạn hẹp nên việc tổng hợp khó tránh khỏi thiếu sót nên người viết rất mong nhận được sự góp ý chân tình của độc giả.
Hình tượng con khỉ trong tục ngữ
Hứa hươu hứa vượn: Hươu với vượn là loài thú hoang dã rất nhanh nhẹn thoắt ẩn, thoắt hiện, muốn theo dấu vết của chúng là việc hết sức khó khăn. Vậy nên ý của cụm từ “hứa hươu hứa vượn” là nói về những người thường hay hứa suông, hứa cho qua chuyện không đảm bảo được gì, rất dễ “xù”, dễ bội hứa “chạy làng”!
Tán hươu tán vượn: Ý chỉ người thường nói những chuyện linh tinh, chẳng có mục đích và cũng không bổ ích gì.
Khỉ ho cò gáy: Ám chỉ nơi hoang dã vừa vắng vẻ hoang liêu vừa xa xôi hẻo lánh, không có người lui tới ra vào. Thường dùng để chỉ những vùng khô cằn, sỏi đá, không có đủ điều kiện để con người sinh sống.
Khinh khỉ mắc độc già: Độc cũng là một loài khỉ có kích thước to lớn và thường sống một mình. Ý câu này muốn nói là đã tránh né được con khỉ vì những trò láu lỉnh, lí lắc của nó nhưng gặp lại thứ khỉ độc, hung dữ, phá phách hơn. Câu này tương tự như câu “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, chê bai thứ này lại gặp thứ khác tồi tệ hơn. Ngụ ý khuyên ta trong cuộc sống hằng ngày đừng nên “kén cá chọn canh” quá, mà hãy bằng lòng với những gì ta đang có được, vậy mà yên thân!
Cha hươu mẹ khỉ: Là câu nói mỉa mai, ám chỉ một người nào đó cứ nhận ẩu người ngoài trong hoàn cảnh nhất thời nào đó để làm cha, làm mẹ hoặc làm con cái hay người thân của mình.
Chai như đít khỉ: Nghĩa là nói về một ai đó không biết đến liêm sỉ, sĩ diện là gì. Ở câu này còn có nghĩa bóng với ý muốn nói về một người nào đó ngồi chờ chực quá lâu.
Chỉ hươu chỉ vượn: Là chỉ bừa, chỉ không đúng chỗ người ta muốn hỏi, hay đang cần tìm đến.
Đầu trâu, trán khỉ: Câu này có ý ám chỉ đến bọn côn đồ hung dữ. Hoặc ám chỉ nơi có môi trường bất lợi, nhiều thú hoang thường qua lại hoặc đến quấy phá ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng con người.
Đười ươi giữ ống: Ý nói những kẻ ngu ngốc thường bị mắc lừa, tưởng thắng lớn nhưng thực tế chẳng được gì.
Đuôi nai cái, dái khỉ già: Ý nói những món ăn quý hiếm, bổ dưỡng và theo quan niệm của người Á Đông thì đây là vị thuốc quý, chữa được nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh yếu sinh lý ở đàn ông.
Khỉ bắt chước: Câu này có ý nói về sự học đòi lố bịch, không phải lối của ai đó.
Khỉ chê khỉ đỏ đít: Ý nói về những người không biết điều, mình cũng xấu xa, chẳng ra gì mà còn chê bai người khác.
Khỉ dính mắm tôm: Ý chỉ những người thường hay cau có, tức giận và khiếp sợ khi gặp thứ mình không hợp.
Khỉ già còn đôi khi rơi vách đá: Ý nói rằng người ta dù thành thạo, tài giỏi mấy cũng không thể tránh khỏi có lúc sai sót, nhầm lẫn.
Đồ khỉ gió: Là lời chế giễu, chê bai có phần thân mật hoặc có khi là bực tức, coi thường.
Nhăn như khỉ ăn gừng hoặc nhăn như khỉ ăn ớt: Ý nói mặt mũi nhăn nhó, trông khổ sở, giống như mặt con khỉ khi ăn phải những thứ rất không hợp khẩu vị.
Trò khỉ: Ý chỉ người nào đó có hành động bỉ ổi, đê tiện, thiếu đứng đắn.
Ve kêu vượn hú: Ý nói đến cảnh núi rừng u buồn, vắng vẻ, cô quạnh.
Voi đú, khỉ đú, lợn sề cũng hộc: Câu này có ý nói về sự đua đòi, bắt chước một cách lố bịch, kệch cỡm của ai đó.
Vượn hú chim kêu: Nói về cảnh hoang dã u tịch ở những nơi thâm sơn cùng cốc.
Hình tượng con khỉ trong ca dao
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm!
Chuột chù vốn là con vật rất hôi, vậy mà lại dám mở miệng chê cái hôi ở khỉ, để cho khỉ hỏi “móc” lại một câu phải cứng họng. Ý của câu này là người xưa muốn nhắc nhở mọi người rằng phàm là khi mở miệng chê bai ai về một việc gì đó, thì trước hết ta hãy tự phán xét mình trước, xem thử mình có mắc phải điều đáng bị phê phán như ở người sắp bị mình chê bai hay không. Đồng thời, tốt hơn hết đừng nên chê bai dè bỉu người khác, mà chỉ nên góp ý xây dựng với thiện tâm, thiện chí, chân tình.
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
Câu này nói lên nỗi lòng của người con gái không muốn cha mẹ tham giàu hay vì một lẽ khác mà gả con vào nơi xa xôi cách trở, biền biệt khó về. Đồng thời, qua câu ca dao này, người xưa muốn trực tiếp phê phán hiện tượng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” hay việc ép gả, ép cưới của các bậc cha mẹ, làm cho con cái không được tự do định đoạt hôn nhân đại sự cũng như cuộc sống hạnh phúc lứa đôi của mình.
Lưng đèo vượn hú chim kêu
Nằm trên ngọn súng mơ theo bóng cờ
Câu ca dao này ca tụng sự hào hùng trong gian khổ của các bậc hào kiệt, gợi cho người đọc hình ảnh người chiến binh lấy núi rừng hoang vắng làm nhà và vì bóng cờ thiêng liêng, vì lý tưởng và hạnh phúc của nhân dân mà sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại hy sinh.
Vượn bồng con lên non hái trái
Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi!
Câu này phản ánh về cảnh đoàn tụ rất hạnh phúc của mẹ con nhà vượn. Đồng thời qua đó cũng phản ánh cảnh mồ côi cha mẹ thật đáng thương của người con gái mà người con trai đã dành tình thương yêu và có ngầm ý sẽ cùng người thiếu nữ mồ côi ấy tạo dựng được một tổ ấm gia đình.
Giọt mồ hôi gió đượm
Thiếp thương chồng thiếp phải chạy theo
Con ơi, mẹ dắt lên đèo
Chim kêu bên nọ, vượn trèo bên kia
Hai câu ca dao này đã mượn cảnh chim kêu, vượn trèo để tả cảnh người mẹ dắt con băng đèo vượt núi để đi tìm người chồng, người cha của mình. Và qua hai câu ca dao này, người xưa muốn nói lên tình thương yêu của người phụ nữ đối với người bạn đời đang phải đi xa, đang phải lìa xa tổ ấm...
Vượn lìa cây có ngày vượn rũ
Anh xa nàng mặt ủ mày cau!
Con vượn là một loài thuộc họ nhà khỉ chuyên sống trên cây trong rừng sâu nhưng nếu buộc nó phải xa cây, xa rừng thì chắc chắn có ngày dù là vượn hay khỉ thì cũng sẽ chết. Người xưa mượn câu này để nói nên tình cảm vợ chồng nếu mỗi người một ngả sẽ dẫn đến cảnh “mặt ủ mày cau” vì nỗi nhớ thương.
Trời sinh con khỉ ở lùm
Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông
Ý nghĩa của hai câu ca dao này nói rằng tạo hóa sinh ra là phải sống ở trong rừng, ở trong bụi, trong lùm và trên ngọn cây. Và để sống thì chúng phải đi kiếm ăn từ cây này sang cây kia. Vì thế, cuộc sống leo trèo là bản năng của các loài khỉ. Nhưng không phải lúc nào đồng loại của chúng cũng gặp may, khi bám phải cành cây mục thì chắc chắn sẽ phải rơi xuống sông, suối là cái chắc. Ở đây người xưa muốn nhắc nhở chúng ta rằng đừng bao giờ chủ quan, ỷ lại vào khả năng của mình, mà phải hết sức cẩn trọng trong cuộc sống.
Hình tượng con khỉ trong thành ngữ
Nuôi khỉ dòm nhà hay nuôi khỉ giữ nhà: Dòm nhà tức là giữ nhà. Khỉ thường hay phá phách, ăn vụng, vậy nên nuôi khỉ giữ nhà chẳng khác gì “nuôi ong tay áo”. Làm việc ngược đời là nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu rắp tâm hại mình mà mình không cảnh giác.
Rung cây nhát khỉ: Đặc tính của con khỉ thường sống ở trên cây và rất sợ người. Vì thế, người ta hay rung cây để hù dọa khỉ nhưng càng rung, khỉ càng bám chặt vào cây, không sao rơi xuống đất được. Câu thành ngữ này ngụ ý nói sự hăm dọa của ai đó không có tác dụng.
Cóc đi guốc, khỉ đeo hoa: Ý nghĩa của câu này là chỉ về ai đó thường hay hợm lĩnh, đua đòi, đài các dỏm, không tự biết thân phận mình. Và nghĩa bóng của câu này khẳng định đó là chuyện ngược đời, không bao giờ xảy ra trong thực tế.
Đánh đu với khỉ: Ngụ ý của câu thành ngữ này là nói về những người kém cỏi lại muốn đọ sức với người tài giỏi hơn mình. Đồng thời, câu này còn có ý nhắc nhở ai đó đừng bao giờ quan hệ, kết bạn với những kẻ ranh ma, xảo trá.
Khỉ lại là khỉ, mèo vẫn hoàn mèo: Ý của câu này là ai có bản chất như thế nào thì dù có tìm đủ mọi cách để che đậy nhưng rồi vẫn cứ lộ ra như thế đấy, không thể che giấu được.
Gần rừng lại không biết khỉ đỏ đít: Ý của câu này là người xưa muốn nói ai đó ở gần kẻ xấu lại không biết bản chất thật của họ thì có ngày sẽ tự hại mình.
Dạy khỉ leo cây: Ý nghĩa của câu này là chỉ trích việc ai đó làm những việc thừa là dạy bảo một người đã thực sự thông thạo, sành sỏi hơn mình trong mọi lĩnh vực. Câu này còn có ý nghĩa đã dốt thì dựa cột mà nghe, đừng dạy người những việc mà người ta biết hơn mình, giỏi hơn mình. Và nghĩa bóng của câu này là ở đâu và bất cứ lúc nào, sự khiêm tốn cũng sẽ được mọi người yêu mến và chắc chắn thành công trong công việc.
Khỉ bắt chước người: Ý của câu này là nói về một người nào đó thích bắt chước người khác nhưng sự bắt chước đó lại không phải lối mà là lố bịch, bị người đời chê bai, xem thường.
N.V
Từ khóa » Khỉ Thật Nghĩa Là Gì
-
'Ới Khỉ ơi Là Khỉ' - Loài Khỉ Trong Khẩu Ngữ Tiếng Việt - Giáo Dục
-
Nghĩa Của Từ Khỉ - Từ điển Việt - Tratu Soha
-
Khỉ Thật Trong Tiếng Nga Là Gì? - Từ điển Số
-
Khỉ - Wiktionary Tiếng Việt
-
Khỉ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "trò Khỉ" - Là Gì?
-
Tục Ngữ, Thành Ngữ, Ca Dao Về …Khỉ
-
Ý Nghĩa Của Hình Tượng Khỉ Trong Văn Học Dân Gian Việt Nam
-
Nỗi Oan Của Loài Khỉ Từ Thơ Ca đến đời Sống | .vn
-
Có Oan Cho Khỉ? - Báo Người Lao động