Hồ Chí Minh Với Tư Tưởng Ngoại Giao Vì Hoà Bình Hữu Nghị Và Hợp ...

TS. Trần Minh Trưởng

Học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh

Xuất phát từ truyền thống ngoại giao hòa bình hữu nghị của ông cha ta, và từ những bài học kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã chắt lọc và hình thành tư tưởng ngoại giao hòa bình, hữu nghị trong điều kiện mới. Tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực vào việc tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới đối với việc công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Hồ Chí Minh đã thành công trong việc phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh tổng hợp, làm gia tăng sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam trên tất cả các phương diện: gìn giữ chính quyền cách mạng, huy động mọi lực lượng vào cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi; thúc đẩy công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, bảo vệ hậu phương miền Bắc; đặc biệt, ngoại giao đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sự chỉ đạo xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại và những hoạt động ngoại giao trực tiếp của Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Có thể thấy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn truyền thống ngoại giao của dân tộc, đó là tư tưởng ngoại giao hòa bình, hữu nghị.

Từ khi mới thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng ''làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai''l. Đồng thời, trên cương vị Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư, công hàm đến chính phủ một số nước Á - Phi, cho các tổ chức Liên đoàn Ảrập, Hội nghị liên Phi v.v.. Trong Lời kêu gọi Liên hợpquốc, (12-1946) Hồ Chí Minh nêu rõ: ''Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực''2.

Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn luôn sử dụng chính sách ngoại giao ''nhu viễn'', mềm dẻo, nhún nhường. Với tư tưởng: Đất nước vẹn toàn là thượng sách; Cốt sao cho dân được an ninh, Hồ Chí Minh đã nhân nhượng, mềm dẻo mong sao đất nước được độc lập, dân ta được hưởng hòa bình, Người đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946. Đây là những văn bản thể hiện sự nhân nhượng, thiện chí và mong muốn hòa bình một cách rõ ràng nhất trong chính sách ngoại giao của Hồ Chí Minh và của dân tộc ta.

Tuy nhiên, ''cây muốn lặng, mà gió chẳng đừng'', trong Lời kêu gọi Tổ quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh viết: ''Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa''3. Vì vậy, cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dù gặp nhiều khó khăn, Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo nhân dân ta kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, vận động nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, xây dựng mặt trận đoàn kết chặt chẽ với nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung; tăng cường quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc và vận động các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới tham gia vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tháng 1-1950, trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng chính phủ các nước trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ''Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới''4. Tôn trọng lẫn nhau, nêu cao nhân nghĩa và đạo lý trong quan hệ quốc tế, đó cũng là tư tuởng ngoại giao hiện đại mà Hồ Chí Minh chủ trương và thực hiện. Đây là tư tưởng ngoại giao hoàn toàn đúng đắn, không chỉ bởi nó bắt nguồn từ truyền thống ngoại giao hòa bình, hữu nghị của dân tộc, mà còn là xu thế phát triển trong quan hệ quốc tế hiện đại. Đường lối ngoại giao ấy đã tạo ra sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau khi hòa bình lập lại, tình hình quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp. Sự chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và Chiến tranh lạnh giữa hai phe ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ chính thức thay chân Pháp, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mời của Mỹ. Một lần nữa, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại chủ trương: ''Xây dựng và phát triển quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng lãnh thổ, chủ quyền của nhau''5.

Tiếp tục mở rộng quan hệ với tất cả các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng đường lối ngoại giao hòa bình, rộng mở, tăng cường đoàn kết với các tổ chức dân chủ và tiến bộ: Tổ chức nhân dân Á - Phi ủng hộ Việt Nam. Phong trào không liên kết v.v..

Tháng 6-1955, trong lời phát biểu khi thăm Trung Quốc, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: ''Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình''6.

Trước những biến động về tình hình quốc tế mới, đặc biệt là hành động hiếu chiến của đế quốc Mỹ cùng các âm mưu thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân mới, Hồ Chí Minh vẫn luôn kiên định lập trường trước sau như một: ''Về quan hệ quốc tế, chúng tôi luôn luôn trung thành với chính sách hòa bình và hợp tác giữa các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình''7.

Theo Hồ Chí Minh, hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, ''giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí''8,

Thể hiện truyền thống yêu hòa bình của dân tộc: ''Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo'', Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chủ động gửi thư cho các Tổng thống Mỹ, nhắc nhở họ hãy tỉnh ngộ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, để hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương. Điều đáng tiếc là những đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không được các đời Tổng thống Mỹ G.Kennơđi và người kế nhiệm Tổng thống L.Giônxơn xem xét nghiêm túc. Ngay sau khi lên thay G.Kerulơđi, Tổng thống L.Giônxon đã tuyên bố: ''Mỹ tiếp tục viện trợ, tiếp tục duy trì nhân viên quân sự tại miền Nam Việt Nam''9.

Mặc cho thái độ hiếu chiến của những người đứng đầu Nhà trắng, chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì vận động, tìm kiếm một giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Việt Nam. Người nói: ''Từ trước.đến nay, chứng ta luôn luôn chủ trương rằng: giải pháp duy nhất đứng đắn về vấn đề miền Nam là phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản cơ bản của Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương''10.

Xuất phát từ tư tưởng mong muốn hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng bằng nhiều con đường, hy vọng làm thức tỉnh lương tri của những người trong bộ máy điều hành nước Mỹ. Người trực tiếp viết thư gửi các chính giới Mỹ, kêu gọi nhân dân tộc bộ Mỹ hãy cùng với nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với nhân dân Mỹ - những người cũng đang là nạn nhân đau khổ của cuộc chiến tranh này. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: nhân dân Việt Nam không bao giờ nhầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam''11.

Tiếng nói chính nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ đồng tình và chính họ đã tạo nên những làn sóng đấu tranh liên tục chống chính quyền Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, khiến ''phe diều hâu'' ở Nhà trắng rất bị động và lúng túng đối phó.

Trong bức điện gửi các vị đứng đầu chính phủ các nước Á - Phi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ''Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng quyết không bao giờ lùi bước trước bất kỳ một sự đe dọa nào của bọn đế quốc. Hơn 30 triệu nhân dân Việt Nam, đoàn kết muôn người như một, quyết tâm đánh bại bọn xâm lược Mỹ cho đến thắng lợi cuối cùng để bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mình''12.

Từ bài học kinh nghiệm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Quang Trung), ''để sĩ diện cho các nước lớn'', Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cuộc chiến tranh sẽ rất tàn khốc, do đó tư tưởng chỉ đạo của người là: ''Lúc nào nó muốn đi ra, tạo điều kiện cho nó ra đi, đứng làm nhục nó''13. Tư tưởng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo trong suốt cuộc chiến tranh.

Sau này trong lần tiếp giáo sư George La Pira, phái viên của Chính phủ Italia là trung gian vận động đàm phán Việt Nam và Mỹ, Người lại nói: ''Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút lui. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi''14. Việc dự tính trước sự cần thiết phải tìm cho Mỹ một lối thoát danh dự đã cho thấy thiện chí của Hồ Chí Minh. Tư tưởng chỉ đạo của người là ''nếu Mỹ xin ra thì ta còn tặng hoa cho nó nữả''15.

Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo truyền thống ngoại giao hòa bình hữu nghị của dân tộc trong điều kiện hoàn cảnh mới. Người chỉ đạo xây dựng đường lối ngoại giao theo tinh thần giương cao ngọn cờ độc lập và hòa bình, tập hợp các lực lượng tiến bộ thành một mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam. Đó là những chủ trương đường lối đúng đắn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, góp phần phá vỡ âm mưu của Mỹ muốn biến chiến tranh xâm lược Việt Nam thành cuộc xung đột giữa hai hệ tư tưởng. Qua đó vạch trần thủ đoạn tàn bạo và những luận điệu xuyên tạc của đế quốc Mỹ.

Giới cầm quyền Mỹ đã nhiều lần nhận được thông báo về thiện chí hòa bình của Hồ Chí Minh, nhưng họ đã đáp lại bằng việc tăng cường và mở rộng diện đánh phá miền Bắc, đưa thêm quân vào chiến trường miền Nam. Để đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của chính quyền L.Giônxơn, ngày 1-1-1966, trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quý trọng tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ; hoan nghênh và cảm ơn nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Người viết: ''Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thật sự. Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và giữ gìn hòa bình. Nhà cầm quyền Mỹ nói hòa bình nhưng thật sự là họ đang tăng cường chiến tranh''l6. Người chỉ rõ con đường dẫn tới hòa bình là Mỹ chấm dứt xâm lược, rút quân Mỹ về nước để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình.

Với cách xử lý cao thượng, Người nói: ''Chúng tôi không muốn làm gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích; nhưng, ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: qu'ils foutent campt'' (Thì họ hãy cút đi)17.

Ngày 12-l-1967, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp hai nhà báo Mỹ: H.S. Axmôrơ, chủ bút tờ Acansát nhật báo, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ (CDS) và W.C. Bach, nhà báo, chủ bút tờ Tin tức Maiami, một thành viên là CDS. Nói chuyện với những người khách Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật những bài học cơ bản của lịch sử Việt Nam và giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do. Người nói: ''Lịch sử nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã dạy chúng tôi phải là người yêu nước. Nhân dân chúng tôi là người có lý trí, biết suy nghĩ, yêu hòa bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này, nhưng nền độc lập tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa. Mỹ đã đưa vào miền Nam gần 400.000 quân. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và đưa họ ra; phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc. Nếu điều kiện đó được đáp ứng thì sẽ không còn trở ngại nào cho cuộc thương lượng có thể đi tới hòa bình.

Chính phủ các ông phải hiểu điều đó. Chúng tôi không đánh nước Mỹ. Chúng tôi không phạm một hành động đối địch nào vào lãnh thổ của các ông. Còn khi Mỹ vẫn tiến hành chiến tranh mà lại thương lượng, thì đó là đi xin hòa bình, là đầu hàng. Đó là điều chúng tôi không bao giờ làm''18.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng kính trọng của mình đối với nhân dân Mỹ, đó là những người thông minh, yêu hòa bình và dân chủ. Nhưng lính Mỹ lại bị đưa đến Việt Nam để giết người và để bị giết. Người tỏ lòng thông cảm với nỗi đau buồn của cha mẹ họ và nhắc lại rằng nhân dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh những người Mỹ, không phải như hiện nay họ đến với tư cách những người lính mang vũ khí mà là trong tương lai họ đến để giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước. Hồ Chí Minh nói: ''Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận - Việt Nam là một nước tự do và độc lập''19.

Có thể khẳng định rằng, tư tưởng ngoại giao hòa bình luôn thường trực trong con người Hồ Chí Minh. Ngay cả khi phải tiến hành cuộc đấu tranh một mạt mọt còn với bọn đế quốc thực dân để giành độc lập dân tộc, Người cũng luôn luôn tìm kiếm mọi cơ hội đối thoại, đàm phán nếu có thể để né tránh một cuộc chiến bạo lực, phi nghĩa.

Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, dù đang lâm bệnh nặng, trong lá thư viết trả lời Tổng thống Mỹ R.Níchxơn ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: ''Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thực sự''20.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ. Tư tưởng đó bắt nguồn từ truyền thống dân tộc Việt Nam, đã và đang trở thanh xu hướng phát triển của thế giới, và là cống hiến có nghĩa lớn lao của người đối với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại trong thời đại ngày nay.

__________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.220.

2. Sđd, t.4, tr.470.

3. Sđd, t.4, tr.480.

4. Sđd, t.6, tr.8.

5. Biên bản Bộ Chính trị, tháng 9-1954 (bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh).

6. Sđd, t.8, tr.5.

7. Sđd, t.9, tr.52.

8. Sđd, t.7, tr.228.

9. Viện Quan hệ quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb.Sự thật, H.1990, tr.182.

10. Sđd, tr.183.

11,12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.271-272, 421.

13. Biên bản họp Bộ Chính trị (12-1965 và 1-1966), phông Ban Chấp hành Trung ương, ĐVBQ 173, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng.

14. Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, H.1991, tr.103.

15. Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12 khóa III, ĐVBQ 61, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tr.56.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.3.

17. Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Khoa kỳ trước Hội nghị Paris, Viện Quan hệ quốc tế, H.1990, tr.158.

18, 19. Sđd, tr.198-199, 199.

20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.488.

Từ khóa » Hòa Bình Hữu Nghị Hợp Tác Là Gì