Hò Giã Gạo: "Ngọc" Trong đất - NetCoDo

Hò giã gạo: "Ngọc" trong đất

Cập nhật 08:41 26/04/13

Hò giã gạo là một loại hình dân ca rất được ưa chuộng tại Huế, phổ biến ở nhiều địa phương miền Trung. Sở dĩ có tên gọi “hò giã gạo” vì được sản sinh từ nhịp điệu lao động: giã gạo.

Cối chày giã gạo kiểu Huế.

Theo dòng lịch sử, hò giã gạo ra đời rất sớm, vào thời văn hóa Đông Sơn mà dấu vết là hình người giã gạo được khắc hoạ trên mặt trống đồng. Tại Huế, hò giã gạo đã hình thành qua nhiều thế kỷ, phổ biến vào đầu thế kỷ XX, nên ổn định và phát triển về làn điệu, thể thức diễn xướng.

Trên địa bàn Huế, hò giã gạo là một hình thức sinh hoạt dân ca rất phổ biến, được trình bày với tiết tấu sôi nổi, điệu hò cuốn hút theo nhịp chày, phần mở đầu gọi là “xướng”. Sau này, do tình hình công nghiệp hoá trong nông nghiệp, về cuối thế kỷ XX, hò giã gạo trở thành một loại hình dân ca sân khấu dân gian, trong những dịp lễ hội ở nông thôn. Theo cụ Ưng Bình: Đã có “Cuộc hò giã gạo có treo giải thưởng tại hội chợ Huế đêm 25 tháng 2 năm Kỷ Mão (14/4/1939).

Trên bình diện diễn xướng, hò giã gạo là một loại hình văn nghệ mà diễn viên là những nông dân, trai gái trong làng, trình diễn lúc giã gạo, cũng như lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi. Đa số họ là những người có năng khiếu văn nghệ, có giọng hò hay, thuộc nhiều câu hát, giỏi tài ứng đối điêu luyện, trong mỗi làng chỉ có chừng năm, ba người. Khi đã nổi tiếng, họ trở thành “danh ca” dân gian, thu hút đám đông khán thính giả là những người cùng lao động, những người trong làng, tụ tập xung quanh cối giã lắng nghe họ trình diễn.

Đạo cụ để trình diễn rất đơn giản. Chiếc cối giã gạo thường làm bằng gỗ cây chắc, bền như căm xe, cà chất, cẩm lai. Những cái chày làm bằng gỗ cây sao, dầu, mù u... dài khoảng từ 1 mét - 1,5 mét. Đôi lúc có trường hợp giã đến khi gạo hết, nhưng cuộc hò vẫn còn hứng thú, “diễn viên” cho trấu vào cối giã, để cuộc hò được tiếp diễn, kéo dài thâu đêm.

Cối chày giã, cối xay cổ trưng bày tại Bảo tàng Nông cụ (Cầu ngói Thanh Toàn - Huế). (Ảnh: Vũ Hảo - TTHCM)

Để tổ chức thành công một cuộc hò giã gạo, một “cối” hò phải có bốn nghệ nhân (2 nam và 2 nữ), hình thành hai đôi hò khác giới tính. Một đôi nam nữ hò trữ tình, một đôi nam nữ hò đối đáp (người Huế gọi là hò đâm bắt). Đôi hò ân tình bám vào chủ đề tình yêu đôi lứa, thổ lộ tình cảm, niềm thương nỗi nhớ. Hò đâm bắt là hò câu đố, trêu ghẹo, khiêu khích lẫn nhau, trong quan hệ tình cảm, xã hội…Làn điệu hò giã gạo cũng ở trong thang âm ngũ cung của âm nhạc truyền thống dân tộc, nhưng giọng hò câu hát mộc mạc, tươi tắn, dồn dập cùng với nhịp điệu của tiếng chày buông lơi.

Người nông dân yêu thích hò giã gạo bởi khía cạnh âm nhạc, văn chương, nghệ thuật trình diễn mộc mạc, nhưng linh động, không đơn điệu, và đến lúc cao trào “cối” hò hết sức sôi nổi. Lời hò giã gạo thường lấy những bài ca dao, dân ca truyền thống hay ứng tác (hát cương), hoặc có thể phỏng theo các truyện xưa, tích cổ: Kiều, Lục Vân Tiên. Tuy trong quá trình diễn xướng không có âm nhạc phụ hoạ, chỉ có tiếng trống chầu và tiếng chày đánh nhịp song vẫn hấp dẫn. Trình tự một buổi hò giã gạo hoàn chỉnh thường diễn tiến theo ba tiết mục liên tục là hò mời chào- hò vào cuộc- hò tạ từ. Lời: Một trăm cái thước, cái thước chi không cây/Một trăm cái cây, cây chi không trái/ Một trăm con gái, gái chi không chồng/ Trai nam nhi giải đặng, gái má hồng xin dâng.

Thông qua hò giã gạo, người nông dân muốn thể hiện tính hợp quần trong lao động, cũng như mối quan hệ làng xóm, xã hội gắn bó mật thiết. Về văn hoá, một buổi hò giã gạo hoàn chỉnh trên sân khấu còn thể hiện sự phát triển văn học- nghệ thuật của cộng đồng nông thôn trên địa bàn.

Từ khi những chiếc máy xay giã gạo xuất hiện, vào cuối thế kỷ XX, hò giã gạo trở thành một loại hình dân ca thuần túy “sân khấu”, trong những dịp lễ hội. Ở nhiều nơi, các nghệ nhân cầm cây thước gõ vào cối thay cho nhịp chày. Chuyện kế thừa cái nghệ thuật hò giã gạo dễ mà khó! Phải có cái chất dân dã, phóng khoáng mà không phải nghệ sĩ được đào tạo chính qui nào cũng tìm được.

Đáng tiếc, khi “vẻ đẹp” của hò giã gạo phần nào được công nhận (trên lý thuyết) thì các thế hệ trẻ sau này đã không còn cơ hội để tiếp cận với nó!

Theo Vũ Hảo (Thể thao Tp HCM)

Từ khóa » Giã Gạo ở đâu