Hỗ Trợ Người Lao động Và Người Sử Dụng Lao động Gặp Khó Khăn Do ...

Toàn cảnh hội nghị

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 luôn nhận được sự chỉ đạo của các cấp, ngành. Thủ tục và hồ sơ triển khai các Nghị quyết và Quyết định được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian phê duyệt. Công tác xét duyệt, lập danh sách được tổ chức minh bạch, dân chủ, công khai. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP và các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cả nước có trên 14,4 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được hỗ trợ bằng tiền mặt, với tổng kinh phí trên 32.694 tỷ đồng.

Việc ban hành chính sách kịp thời, bám sát thực tiễn, đúng đối tượng đã góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, trên cả nước đã giải ngân được 4.788 tỷ đồng, với 3.561 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho gần 1,22 triệu lượt người lao động.

Số vốn cho vay tập trung ở các tỉnh thành có nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, song được sự quan tâm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, công tác thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại thành phố Đà Nẵng đạt kết quả đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố phát biểu

Toàn thành phố có hơn 27.300 doanh nghiệp hoạt động với hơn 363.000 lao động, trong đó có hơn 2700 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 690 doanh nghiệp giải thể, người lao động rơi vào tình trạng mất việc làm. Hơn 223.00 lao động tự do ở lĩnh vực phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 8,3%. Tính đến 31-12-2021, có hơn 15.460 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thành phố đã triển khai các chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ 16 nhóm đối tượng người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND thành phố kịp thời các gói hỗ trợ về tiền mặt, lương thực thực phẩm và hàng hoá thiết yếu cho 486.509 hộ dân và 257 đối tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tập trung, với mức bình quân 500.000 đồng/ hộ, với tổng kinh phí gần 383 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong vùng cách ly y tế với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng, nhất là hỗ trợ toàn dân trong vùng cách ly y tế tại thời điểm dịch bùng phát mạnh tháng 8-2021.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách.

Song song với đó, các địa phương tăng cường phổ biến thông tin thị trường để người lao động có đầy đủ thông tin về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định, di động phù hợp với địa phương. Tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm với sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên vùng hoặc trên toàn quốc để kết nối cung cầu lao động.

Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ giải pháp về phát triển thị trường lao động. việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Quyết định số 176/QĐ-TTg ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.

KIM PHƯỢNG

Từ khóa » Gặp Khó Khăn Trong Mùa Dịch Covid