Hỗ Trợ Trẻ Mắc Rối Loạn Tic

Những cử động của trẻ xuất hiện một cách liên tục và không phù hợp với hoàn cảnh như chớp mắt, hắng giọng, chun mũi,…là tình huống khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng và tìm khắc phục. Đặc biệt, các bậc cha mẹ càng trăn trở và bối rối hơn bao giờ hết khi trẻ được thăm khám và chẩn đoán rối loạn tic…

Tổng quan về rối loạn tic

Rối loạn tic là việc vận động hoặc phát âm xuất hiện một cách bất thường và lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát. Đây là rối loạn thường xuất hiện trước 18 tuổi, trong đó tuổi khởi phát trung bình từ 4 đến 6 tuổi với mức độ nghiêm trọng giảm dần ở tuổi vị thành niên, đa số giảm nhẹ khi trưởng thành. Theo một khảo sát ở Mỹ, tỷ lệ cá nhân được chẩn đoán rối loạn tic là 3/ 1.000 trường hợp.

Rối loạn tic liên quan đến các biểu hiện về vận động và âm thanh, thường được chia làm hai nhóm đơn giản và phức tạp, trong đó:

  • Tic vận động đơn giản bao gồm chớp mắt, nhăn mũi, nhún vai, giât đầu, cổ… Tic âm thanh đơn giản bao gồm ho, hắng giọng, khịt mũi, lầm bầm,… thường gây ra bởi sự co cơ của cơ hoành hoặc cơ hầu họng. 
  • Tic phức tạp kéo dài lâu hơn, diễn ra đồng thời các tic đơn giản bao gồm tic phức tạp về vận động (nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy…) hoặc về âm thanh (nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét,…). 

Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến rối loạn tic, nhưng một số yếu tố nguy cơ liên quan đến sinh học và môi trường được ghi nhận như di truyền, tác dụng phụ của một số loại thuốc, những bất thường trong não hoặc các chất dẫn truyền thần kinh, đột quỵ, chấn thương đầu, nhiễm trùng, thoái hóa thần kinh, tế bào gai thần kinh và nhũn não,…

Cùng con “vượt khó”

Cá nhân có triệu chứng tic nhẹ đến trung bình thường không bị ảnh hưởng chức năng thường ngày, thậm chí ở một số cá nhân có mức độ tic nặng. Tuy nhiên, rối loạn tic cũng mang những nguy cơ ảnh hưởng đến sinh hoạt và hình ảnh bản thân của trẻ dẫn đến việc bị cô lập, mâu thuẫn trong các mối quan hệ hoặc thậm chí bị bắt nạt. Chính vì thế, sự thông hiểu và đồng hành của gia đình ngay lúc này góp phần quan trọng việc hỗ trợ trẻ ứng phó với những triệu chứng của rối loạn tic.

Đầu tiên, gia đình cần theo dõi về mức độ và tần suất xuất hiện tic theo thời gian của trẻ. Sau khi đã quan sát và nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo hoặc kích hoạt triệu chứng, ba mẹ cần giải thích về rối loạn tic một cách phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ nhận thức của trẻ, hướng dẫn trẻ tìm một chuyển động thích hợp thay thế vận động tic (ví dụ: hít thở theo nhịp, đếm từ 1 đến 10,…), luyện tập ứng phó với những yếu tố kích hoạt và thực hành thư giãn. Các bước trên là một trong những ứng dụng của liệu pháp hành vi đảo ngược thói quen (Habit reversal therapy) – liệu pháp phổ biến trong việc ứng phó với rối loạn tic. Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý rằng các triệu chứng tic thường gia tăng khi con gặp lo âu, phấn khích hay mệt mỏi. Vì thế, việc tổ chức những hoạt động nhẹ nhàng, thu hút sự tập trung chú ý của trẻ góp phần giảm nhẹ tác động của tic. Ngoài ra, việc động viên khen thưởng khi trẻ có cố gắng kiểm soát tic cũng góp phần gia tăng hành vi tích cực của trẻ. 

Trong sinh hoạt thường ngày, gia đình cần tránh chú ý đến tic, không phê phán trẻ và đảm bảo sự hỗ trợ, trấn an cần thiết khi triệu chứng tic ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như sự tự tin của trẻ. Việc dành thời gian tương tác, giao tiếp với trẻ và hạn chế sự can thiệp bằng điện thoại cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rối loạn tic nói riêng và đến sự phát triển của trẻ nói chung. Hơn bao giờ hết, sự thông cảm, kiên nhẫn của gia đình đóng vai trò quan trọng giúp trấn an và gia tăng nhận thức về giá trị bản thân của trẻ, đặc biệt trong giai đoạn thử thách trên.

Bên cạnh đó, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ, phụ huynh cần đưa con đến các chuyên khoa để khám và thực hiện các xét nghiệm cũng như tư vấn các hướng điều trị can thiệp phù hợp với từng trường hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Arlington, VA: AuthorKim, S., Greene, D. J.,  
  2. Robichaux-Viehoever, A., Bihun, E. C., Koller, J. M., Acevedo, H., … Black, K. J. (2019). Tic Suppression in Children With Recent-Onset Tics Predicts 1-Year Tic Outcome. Journal of Child Neurology, 0883073819855531. https://doi.org/10.1177/0883073819855531
  3. Ganos, C., Martino, D., & Pringsheim, T. (2016). Tics in the Pediatric Population: Pragmatic Management. Movement Disorders Clinical Practice, 4(2), 160–172.
  4. Victorio, M. C. (2019). Tic Disorders and Tourette Syndrome in Children and Adolescents from https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/neurologic-disorders-in-children/tic-disorders-and-tourette-syndrome-in-children-and-adolescents

Chuyên gia Tâm lý Nhan Cẩm Nghi Đơn vị Tâm lý – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố

Từ khóa » Tic Rối Loạn