Nhận Biết Chứng Rối Loạn Tic ở Trẻ để Không Mắng Oan Con

Rối loạn tic ở trẻ em ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Thực trạng này khiến nhiều cha mẹ lo lắng không biết trẻ mắc bệnh tic có chữa được không?

Tic là một dấu hiệu đặc trưng của hội chứng Tourette – 1 trong 4 loại tic thường gặp. Trẻ mắc phải hội chứng tic thường tạo ra những âm thanh hoặc chuyển động lặp đi lặp lại không có chủ ý. Vậy, bệnh tic có chữa được không? Có những cách chữa bệnh tic ở trẻ em nào đang được áp dụng? Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc này.

Bệnh tic là gì? Rối loạn tic ở trẻ là gì? 

Nhiều cha mẹ đã nghe đến hội chứng tic hoặc rối loạn tic ở trẻ nhưng chưa thực sự hiểu bệnh tic là gì?

Tic là những cử động hoặc âm thanh phát ra đột ngột, không tự chủ, lặp đi lặp lại, nhanh, không có nhịp điệu, không mục đích rõ ràng, có tính chất định hình.

  • Nếu tic xảy ra ở cơ vận động thì gọi là tic vận động.
  • Nếu tic liên quan đến âm thanh thì gọi là tic âm thanh.

Ngoài ra, dựa trên mức độ của bệnh thì còn chia ra tic đơn giản và tic phức tạp.

Triệu chứng của rối loạn tic, chủ yếu là cùng một loại thường xảy ra theo từng cơn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Qua một khoảng thời gian, bệnh tic có xu hướng thay đổi về loại tic, đa dạng về tần số và cường độ.

Bảng sau đây thể hiện các triệu chứng điển hình của rối loạn tic ở trẻ:

Loại tic Tic vận động Tic âm thanh
Tic đơn giản Nháy mắt, liếc mắt, nhăn mặt, nhún vai, giật vùng đầu cổ, gồng bụng, giật mũi, cử động miệng, bĩu môi, giật tay… Hắng giọng, ho, hỉ mũi, khạc nhổ, thét lên, sủa, huýt gió, tiếng ríu rít, lầm bầm…
Tic phức tạp Nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, giậm chân, xoay tròn, nhảy nhót… Lặp đi lặp lại lời nói của chính mình, la hét, nói tục, nhại câu từ của người khác…

Tic thường gặp ở thời thơ ấu nhưng thoáng qua trong hầu hết các trường hợp. Hội chứng tic thường xảy ở trẻ từ 4 đến 6 tuổi. Độ tuổi trẻ mắc bệnh tic nghiêm trọng nhất thường là từ 10 đến 12 tuổi và giảm dần ở giai đoạn thanh thiếu niên. Thông thường, rối loạn tic sẽ biến mất hoàn toàn khi trẻ lớn lên nhưng vẫn có 1% trường hợp tic kéo dài đến khi trưởng thành.

Rối loạn tic ở trẻ có thể kéo theo một hoặc nhiều rối loạn khác đi kèm như:

  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn học tập 

Hội chứng tic ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày mà còn cản trở các bé giao tiếp, học tập, vui chơi, khiến trẻ bị cô lập hoặc là nạn nhân bị bắt nạt học đường, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Do đó mà việc nhận biết sớm các dấu hiệu của tic là rất quan trọng.

Vậy bệnh tic có chữa được không? Các phương pháp chữa bệnh tic ở trẻ là gì? Để có câu trả lời, hãy cùng tìm hiểu ở các phần sau của bài viết này các bố mẹ nhé! 

Rối loạn tic ở trẻ được chẩn đoán như thế nào? 

chứng rối loạn tic được chẩn đoán như thế nào

Rối loạn tic ở trẻ không phải là tình trạng dễ chẩn đoán. Một số biểu hiện của tic như khụt khịt mũi, chun mũi hoặc ho rất giống với những triệu chứng của bệnh cảm, bệnh hô hấp thông thường. Vì vậy, bác sĩ sẽ phải quan sát và đánh giá tần suất xuất hiện của các dấu hiệu. Sau đó, bác sĩ sẽ tìm hiểu thêm về tiền sử bệnh lý của trẻ để xác định các nguyên nhân tiềm ẩn có thể có liên quan đến chứng rối loạn tic ở trẻ. Thông thường, để chẩn đoán tic thì bác sĩ sẽ kiểm tra:

  • Độ tuổi khi trẻ có các triệu chứng tic
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh tic
  • Độ dài của các triệu chứng tic
  • Loại rối loạn tic để xác định tic âm thanh hay tic vận động…

Nếu các triệu chứng chỉ mới xuất hiện và ít hơn một năm, trẻ được chẩn đoán rối loạn tic nhẹ. Ngược lại, nếu tình trạng này đã kéo dài hơn một năm thì đó có thể là hội chứng Tourette, một hội chứng được được chẩn đoán khi trẻ mắc cả tic vận động lẫn tic âm thanh.

Giải đáp thắc mắc: Bệnh tic có chữa được không? 

Ngoài việc tìm hiểu “rối loạn tic ở trẻ em là gì, nhận biết ra sao?” thì một vấn đề quan trọng khác được không ít cha mẹ quan tâm là trẻ bị bệnh tic có chữa được không? Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh tic có thể chữa được. Quá trình điều trị rối loạn tic ở trẻ dựa trên việc quản lý và giảm các triệu chứng của bệnh. 

Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng của bệnh tic có thể được cải thiện và biến mất sau một vài năm. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên chủ quan mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị tic ở trẻ. Ngoài ra, kết quả điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh nên bạn cần lưu ý và tuân theo hướng dẫn từ bác sĩ.

Việc nhận biết sớm các triệu chứng của rối loạn tic ở trẻ cũng rất quan trọng. Do đó, nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh này, cha mẹ cần đưa bé đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và hỗ trợ điều trị tic kịp thời. Phụ huynh cần tránh để bệnh tic kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Trẻ mắc bệnh tic được điều trị như thế nào? 

trẻ mắc chứng bệnh tic được điều trị như thế nào

Rối loạn tic mức độ nhẹ đến trung bình có thể không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của trẻ nên có thể không cần đến các biện pháp điều trị. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc hội chứng tic nặng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân dẫn đến việc trẻ bị cô lập hay bị bắt nạt thì nên có sự can thiệp kịp thời. 

Hiện nay, quá trình điều trị rối loạn tic ở trẻ có thể kéo dài. Trong đó, bác sĩ thường chọn cách kết hợp giữa liệu pháp tâm lý-hành vi với liệu pháp hóa dược (dùng thuốc) khi điều trị cho trẻ mắc hội chứng tic. Nếu các triệu chứng tic nghiêm trọng hơn, trẻ có thể cần được phẫu thuật kích thích não sâu.

1. Liệu pháp hành vi

Liệu pháp hành vi là một trong những phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh tic ở trẻ, đặc biệt là khi trẻ chỉ mắc hội chứng này nhất thời. Liệu pháp hành vi được cho là giải pháp mang đến hiệu quả điều trị tích cực. Trong đó bao gồm:

1.1. Phương pháp can thiệp hành vi toàn diện để điều trị tic (CBiT) 

Đây là phương pháp được đánh giá là hiệu quả hàng đầu đối với điều trị rối loạn tic nói chung và với đối tượng là trẻ em nói riêng. Cho đến năm 2019, CBIT đã được nghiên cứu và chứng nhận bởi Hiệp hội Tourette của Mỹ bởi tính hiệu quả cao trong cả ngắn hạn và dài hạn trong điều trị tic ở mọi lứa tuổi.

Chương trình CBTI được thiết kế chi tiết. Mỗi tuần 1 lần, chuyên viên sẽ hướng dẫn, huấn luyện trẻ và làm việc với gia đình trên từng kỹ năng, chủ đề. Thông thường, một lộ trình sẽ bao gồm 8 buổi chính, theo sau đó, nếu trẻ cần theo dõi, kèm cặp thêm, sẽ là các buổi follow-up.

Tính toàn diện của CBIT thể hiện mạnh mẽ ở việc chương trình tập trung vào 4 liệu pháp:

Giáo dục tâm lý

Liệu pháp này thường bắt đầu ngay khi khởi động trị liệu. Các chuyên viên sẽ giải thích đến gia đình về chẩn đoán và nguyên nhân rối loạn ở trẻ, qua đó, sẽ giúp cha mẹ có góc nhìn chính xác hơn. Ngoài ra, xuyên suốt tiến trình CBIT, việc giáo dục cũng sẽ được liên tục duy trì.

Can thiệp môi trường dựa trên chức năng

Chuyên viên sẽ phỏng vấn gia đình để xác định và sửa đổi, kiểm soát các yếu tố làm tăng khả năng xảy ra tic hoặc làm trầm trọng tình trạng tic ở trẻ. Nhóm yếu tố này được chia là 2 loại:

  • Yếu tố xảy ra trước tic: thường diễn ra bên trong trẻ như trẻ cảm thấy lo lắng, phấn khích hoặc bối cảnh là trẻ đang chuẩn bị nhập học ở trường mới.
  • Nhóm yếu tố thứ 2 xảy ra sau tic như trẻ bị trêu chọc, hay giáo viên yêu cầu trẻ rời lớp.

Tùy theo từng trường hợp mà các biện pháp can thiệp có thể là:

  • Trò chuyện với trẻ về trường lớp mới, đưa trẻ đến quan sát trước để chuẩn bị tinh thần cho trẻ giúp trẻ đỡ bỡ ngỡ và lo lắng khi nhập học. 
  • Thông tin, giáo dục những người xung quanh trẻ về tic để họ có thể bỏ qua và không phản ứng tiêu cực khi trẻ xuất hiện tic. 
  • Nếu cha mẹ quan sát thấy trẻ thường ít xuất hiện ít tic và buổi chiều hơn, có thể sắp xếp các hoạt động chủ yếu vào lúc này để trẻ có thể trải nghiệm tốt chúng… 

Đào tạo đảo ngược thói quen

Đầu tiên trẻ sẽ được hướng dẫn cách nhận biết tic sắp xảy ra, ví dụ như khi trẻ bắt đầu cảm thấy hồi hộp, lo lắng, thở gấp… Sau đó, trẻ sẽ được đào tạo các hành vi đối nghịch với tic nhằm làm giảm hoặc triệt tiêu tic.

  • Đối với nhóm tic vận động, nếu là tic nhấc vai, trẻ sẽ được thực hành việc giữ vai hoặc trùng vai xuống sâu.
  • Đối với nhóm tic giọng nói sẽ liên quan đến cách thở. Các thói quen đảo ngược sẽ được lựa chọn, thiết kế sao cho phù hợp nhất với trẻ.

Huấn luyện thư giãn

Có thể thấy trẻ hay xuất hiện tic nhất là khi căng thẳng, vậy nên việc quản lý stress và thường xuyên có các hoạt động thư giãn là điều quan trọng. CBIT sẽ đào tạo trẻ thư giãn sâu với nhiều hoạt động phong phú:

  • Chánh niệm
  • Thiền định
  • Hít thở sâu
  • Hình ảnh có hướng dẫn
  • Thư giãn cơ tiến triển
  • Hoạt động thể chất
  • Đọc hoặc viết
  • Nghe nhạc… 

Sau một thời gian đều đặn, mức độ căng thẳng trong ngày của trẻ sẽ giảm và vì vậy sẽ ứng phó tốt với stress hơn.

1.2. Phương pháp tăng cường củng cố tích cực 

Sau liệu pháp CiBT, phương pháp tăng cường củng cố tích cực cũng thường được áp dụng để hỗ trợ điều trị rối loạn tic ở trẻ. Phương pháp này bao gồm:

  • Lập bảng theo dõi tần suất mà tic xảy ra, đánh dấu những ngày trẻ không bị tic.
  • Gia đình hạn chế đề cập đến triệu chứng tic ở trẻ và không phê phán trẻ.
  • Tổ chức các hoạt động thu hút sự chú ý, tập trung của trẻ giúp trẻ quên đi các triệu chứng tic.
  • Động viên, khen thưởng khi trẻ kiểm soát được tic.

1.3. Phương pháp áp dụng nguyên tắc điều trị tâm vận động

Phương pháp áp dụng nguyên tắc điều trị tâm vận động

Đối với liệu pháp này, trẻ được hướng dẫn thực hiện các bài tập kiểm soát tic khi đứng trước gương. Các động tác của bài tập được áp dụng ở những bộ phận trên cơ thể không bị tic. Đồng thời, trẻ cũng sẽ được dạy cách kết hợp những động tác này với bài tập giãn cơ để hạn chế các triệu chứng tic.

1.4. Phương pháp áp dụng thuyết điều kiện hóa 

Thay vì để các triệu chứng tic tìm đến trẻ, phương pháp này sẽ để trẻ chủ động làm các động tác tic trong vòng 30 phút/ngày, liên tiếp 3 tuần.

1.5. Liệu pháp tiếp xúc và ngăn chặn phản ứng (ERP)

Khi áp dụng liệu pháp tiếp xúc và ngăn chặn phản ứng, trẻ cần trực tiếp đối mặt với những yếu tố, hoàn cảnh kích thích triệu chứng tic xảy ra. Sau đó, trẻ được hướng dẫn và tập luyện để chịu đựng, kìm nén các triệu chứng tic cho đến khi các triệu chứng lắng xuống.

2. Liệu pháp hóa dược

Một số trẻ mắc hội chứng tic có thể khỏi bệnh sau khi điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, cũng có những trẻ cần kết hợp thêm liệu pháp tâm lý – hành vi song song với việc dùng thuốc thì mới khỏi bệnh. Nếu trẻ phải dùng thuốc, điều quan trọng nhất là ba mẹ cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn từ bác sĩ. Sau đây là một số loại thuốc thường được kê đơn để giúp trẻ kiểm soát chứng rối loạn tic mà bố mẹ nên tham khảo: 

2.1. Thuốc chống loạn thần 

điều trị bệnh tic

Thuốc chống loạn thần, còn được biết đến là thuốc an thần. Một loại thuốc được kê đơn chính trong điều trị rối loạn tic ở trẻ em. Nhóm thuốc này hoạt động dựa trên cơ chế thay đổi tác động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não (dopamine), từ đó giúp kiểm soát các vận động tự ý của cơ thể. Một số thuốc chống loạn thần phổ biến được FDA phê duyệt dùng trong điều trị bệnh tic ở trẻ em là:

  • Haloperidol (dạng viên 1,5mg)
  • Pimozide
  • Risperidone 

Lưu ý

Các tác dụng phụ khi dùng thuốc chống loạn thần để chữa bệnh tic ở trẻ em có thể bao gồm:
  • Tăng cân
  • Mờ mắt
  • Táo bón
  • Khô miệng
  • Buồn ngủ
  • Run rẩy
  • Co giật.

2.2. Thuốc chủ vận alpha-adrenergic đường uống

Đối với trẻ mắc tic dùng thuốc haloperidol không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chủ vận alpha-adrenergic đường uống. Thuốc viên chứa 0,15mg clonidine vừa giúp giảm triệu chứng tic vừa điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ.

Tuy nhiên, thuốc này thường mang đến hiệu quả điều trị đối với trẻ mắc tic vận động hơn là tic âm thanh. Ban đầu, trẻ sẽ dùng liều 3mcg/kg, sau đó tăng dần lên. Sau 8-12 tuần dùng thuốc điều trị, khoảng 20-35% bệnh nhân sẽ hết triệu chứng tic.

Lưu ý

Tác dụng phụ khi dùng clonidine để chữa bệnh tic ở trẻ em có thể bao gồm:
  • Buồn ngủ
  • Đau đầu 
  • Hạ huyết áp (xảy ra khoảng 20%).

2.3. Thuốc chống động kinh

Thuốc chống động kinh cũng có thể được sử dụng để điều trị rối loạn tic ở trẻ em, bao gồm các loại như:

  • Levetiracetam: Theo một vài nghiên cứu ban đầu, levetiracetam cho thấy khả năng dung nạp tốt và mang đến hiệu quả khi điều trị rối loạn tic.
  • Natri Valproate: Thuốc có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với nhóm thuốc chống loạn thần trong điều trị tic.

2.4. Các loại thuốc khác

Rối loạn tic ở trẻ có thể kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe khác có liên quan. Vì vậy, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc sau khi điều trị kết hợp:

  • Tetrabenazine: Thuốc giúp giảm triệu chứng tic ở những trẻ mắc bệnh tiềm ẩn gây ra các cử động nhanh và lặp đi lặp lại, chẳng hạn như bệnh Huntington. 
  • Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI): Để điều trị các bệnh kết hợp như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trẻ có thể được chỉ định dùng fluoxetine hoặc sertraline.

Thông tin thêm cần biết

Ngoài ra, đối với thanh thiếu niên và người lớn mắc phải rối loạn tic vận động đơn giản bác sĩ có thể đề xuất tiêm onabotulinum toxin A nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống. Đây là một độc tố botulinum giúp giãn cơ tại vị trí tiêm, từ đó ngăn ngừa tình trạng giật cơ. Phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ và hiệu quả thường chỉ kéo dài 3 tháng. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc trước khi quyết định và chỉ áp dụng khi lợi ích điều trị lớn hơn rủi ro.

3. Phẫu thuật kích thích não sâu

phẫu thuật kích thích não sâu

Nếu trẻ mắc rối loạn tic nghiêm trọng, thậm chí là mắc hội chứng Tourette thì có thể không đáp ứng với liệu pháp hành vi và dùng thuốc. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề xuất áp dụng phương pháp kích thích não sâu (Deep Brain Stimulation) đối với trẻ bị tic.

Trước tiên, bác sĩ đặt một hoặc nhiều điện cực vào vùng não bộ liên quan đến rối loạn tic ở trẻ. Các điện cực này được gắn với một máy phát xung điện nhỏ nằm dưới da ngực, từ đó tạo ra một dòng điện giúp điều chỉnh các tín hiệu trong não và kiểm soát các triệu chứng tic.

4. Điều trị bệnh gây ra rối loạn tic ở trẻ em

Khi rối loạn tic ở trẻ đi kèm với các hội chứng hoặc bệnh lý khác thì việc điều trị phối hợp là rất quan trọng. Ví dụ như trẻ vừa mắc bệnh tic vừa mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), việc dùng thuốc điều trị ADHD có chứa chất kích thích hoặc thuốc atomoxetine có thể cần thiết.

Ngoài ADHD thì rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) cũng là một hội chứng phổ biến khác ở trẻ mắc bệnh tic. Trường hợp này thì trẻ có thể cần dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) để kiểm soát bệnh.

5. Điều trị bệnh tic bằng thực phẩm bổ sung và các biện pháp khác

Một số yếu tố về môi trường và sinh học như các chất gây dị ứng, hóa chất trong sản phẩm làm sạch, thậm chí phim ảnh hoặc các trò chơi điện tử… cũng có thể góp phần gây ra hội chứng tic ở trẻ. Rối loạn tic cũng có thể do di truyền, do những bất thường trong não hoặc các chất dẫn truyền thần kinh. Do đó, tùy thuộc vào nguyên nhân là gì mà bác sĩ có thể chỉ định thuốc, thực phẩm bổ sung giúp cải thiện triệu chứng hoặc đơn giản là đưa ra giải pháp giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với trò chơi điện tử, tivi…

Rối loạn tic ở trẻ em và những thắc mắc thường gặp

rối loạn tic

1. Bệnh tic thường xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi nào? 

Độ tuổi trung bình của trẻ mắc bệnh tic thường bắt đầu trong những năm đầu tiểu học khoảng từ 4 đến 6 tuổi. Một số trẻ có thể mắc bệnh tic sớm hơn hoặc ngược lại là muộn hơn. Tuy nhiên, bệnh tic hiếm khi khởi phát ở tuổi trưởng thành, sau 18 tuổi.

Độ tuổi mắc chứng rối loạn tic nghiêm trọng thường là từ 10-12 tuổi. Mặc dù bé trai có nguy cơ bị rối loạn tic cao hơn bé gái gấp 3-4 lần, nhưng phần lớn các trường hợp mắc rối loạn tic sẽ cải thiện sau tuổi thiếu niên.

2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng rối loạn tic ở trẻ? 

Nguyên nhân gây ra rối loạn tic ở trẻ vẫn chưa xác định được. Như đã đề cập, các chuyên gia nghi ngờ một số yếu tố như di truyền, bất thường trong não bộ, chấn thương, thoái hóa thần kinh (ví dụ như bệnh Huntington, bệnh tế bào gai thần kinh, nhũn não…) hoặc do trẻ tiếp xúc hóa chất, phim ảnh, trò chơi điện tử… nên dẫn đến việc bị rối loạn tic. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ mắc hội chứng tic nếu:

  • Có những biến chứng trong quá trình sinh nở
  • Người mẹ đã uống rượu hoặc hút thuốc trong thời gian mang thai
  • Trẻ nhẹ cân
  • Trẻ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A

3. Rối loạn tic ở trẻ nếu không điều trị có nguy hiểm không? 

Rối loạn tic ở trẻ không phải là căn bệnh nguy hiểm vì các triệu chứng bệnh thường đa số xuất hiện thoáng qua và giảm dần khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, một số trường hợp rối loạn tic ảnh hưởng đến cuộc sống, việc học tập và các mối quan hệ của trẻ, chẳng hạn như trẻ không có khả năng ghi nhớ, tập trung, bị cô lập, bị bắt nạt… thì có thể cần được điều trị đúng cách bởi bác sĩ có chuyên môn nhằm giúp trẻ quay lại cuộc sống bình thường. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến bệnh tic ở trẻ em mà ba mẹ cần quan tâm bao gồm:

  • Rối loạn tăng động giảm chú ý chú ý (ADHD)
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn phổ tự kỷ
  • Gặp nhiều khó khăn trong học tập
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Trầm cảm
  • Rối loạn lo âu
  • Gặp vấn đề quản lý cơn giận

Cách tốt nhất là ba mẹ nên chủ động tìm hiểu về bệnh tic, cẩn thận quan sát trẻ nhiều hơn để phát hiện các triệu chứng kịp thời. Nếu trẻ bị tic cần được điều trị thì ba mẹ nên tích cực phối hợp với bác sĩ trong quá trình chữa bệnh.

4. Có thể phòng ngừa tình trạng rối loạn tic ở trẻ nhỏ được không? 

Phòng ngừa chứng rối loạn tic ở trẻ
Phòng ngừa chứng rối loạn tic ở trẻ

Rối loạn tic là tình trạng có thể phòng ngừa. Sự quan tâm và cách chăm sóc của ba mẹ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ngăn ngừa rối loạn tic. Sau đây là một vài lời khuyên giúp ích cho việc phòng ngừa bệnh tic ở trẻ em:

  • Ba mẹ nên cố gắng tạo ra môi trường gia đình vui vẻ, hòa thuận, giàu tình yêu thương để hạn chế việc trẻ phải trải qua căng thẳng và lo lắng, là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tic.
  • Ba mẹ hãy kiểm tra những thực phẩm mà trẻ đã ăn, chẳng hạn như thực phẩm làm từ sữa, có màu nhân tạo, hương vị hoặc chất bảo quản, thực phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm gluten khác. Điều này giúp ngăn ngừa tic liên quan đến tình trạng dị ứng thực phẩm.
  • Đảm bảo rằng trẻ ngủ đủ giấc vào ban đêm và thời gian ngủ của trẻ nên ít nhất là 8 – 10 giờ mỗi ngày.
  • Nếu các triệu chứng của tic không quá nghiêm trọng, tránh đề cập và gây áp lực cho trẻ trong việc kiểm soát bệnh. Điều này nhằm giúp trẻ tránh cảm thấy căng thẳng, tránh khiến các triệu chứng bệnh nặng hơn.
  • Tic có thể làm trẻ lúng túng. Ba mẹ hãy chủ động giải thích với con điều này không phải lỗi của trẻ và nhẹ nhàng khuyến khích con hạn chế những hành động này.
  • Khoảng 72% trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) bị thiếu magiê. Trong khi đó hội chứng tic thường có mối quan hệ mật thiết với ADHD. Vì vậy, bạn nên cho trẻ ăn những món ăn giàu magie.

5. Trẻ bị rối loạn tic: Có thể điều trị ở đâu?

Bên cạnh vấn đề bệnh tic có chữa được không, nhiều cha mẹ còn thắc mắc trẻ mắc bệnh tic khám ở đâu? Hiện nay, rối loạn tic thường được điều trị tại các bệnh viện, phòng khám hoặc các trung tâm chuyên khoa tâm lý, tâm thần và thần kinh. Vì vậy, bạn có thể đưa trẻ đến các cơ sở y tế này để được khám, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị bệnh.

6. Chăm sóc trẻ em bị bệnh tic: Cha mẹ cần lưu ý gì?

Điều quan trọng nhất khi điều trị rối loạn tic ở trẻ là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mẹ và bác sĩ cũng như nhờ sự hỗ trợ từ những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ. Bởi vì cha mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giúp bệnh của bé nhanh khỏi.

Bên cạnh những phương pháp điều trị y khoa dành cho trẻ rối loạn tic, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Đảm bảo cho trẻ một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đầy đủ chất, có lợi cho sức khỏe.
  • Duy trì một lối sống lành mạnh và môi trường sống tích cực cho bé.
  • Cho trẻ đi ngủ đúng giờ.
  • Giữ tinh thần của con luôn thoải mái.

Những thông tin trên chắc hẳn đã giúp ba mẹ hiểu được “bệnh tic là gì?”, “bệnh tic có chữa được không?”, hiểu chi tiết hơn cách chữa bệnh tic, cách chăm sóc, phòng ngừa tic ở trẻ em. Thông qua bài viết này, Hello Bacsi hi vọng bạn có thể hiểu được những khó khăn của trẻ mắc bệnh tic, từ đó phối hợp tích cực với bác sĩ trong việc điều trị, cải thiện các triệu chứng của căn bệnh này và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Tic Rối Loạn