Hoa Giêng Giếng - Báo Quảng Bình điện Tử

(QBĐT) - “Ra giêng giêng giếng nở vàng” là một nửa câu lục bát của thơ hay là cách nói cửa miệng của dân gian, không còn ai phân biệt nữa. Năm Ất Mùi, gió mùa đông bắc về rất muộn, khiến người ta tưởng không có mùa đông. Bất ngờ, giáp Tết Nguyên đán rét đậm, làm mùa xuân lỗi hẹn. Không phải “ra giêng” mà mãi đến nửa tháng hai ta, hoa giêng giếng mới thập thò, mấp máy vươn ra từ những lùm lòi rậm rạp ven sông, hói, ao, đầm... Giêng giếng cần ẩm, mon men bờ nước, thân cây mong manh, không hẳn là dây leo cũng không phải thân gỗ, có gai mềm, ngọn vươn dài tím nhạt mềm mại và... ngọt chát. Hoa giêng giếng nở thành chùm xum xuê, vàng mơ mịn màng như hoa cải, thoảng hương dịu dàng. Giêng giếng! Nghe tên đã thấy hiền. Hoa nở cùng với mưa bụi bay, không gian như rắc phấn, chim én về.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngày xuân con én đưa thoi...

Chim én liệng, qua-về-tới-lui trên ruộng mạ như con thoi trên khung cửi. Ruộng mạ! Khái niệm này không còn nữa rồi. Gần ngàn mẫu ruộng làng tôi đã...gieo thẳng, nước lắp xắp, không còn những trưa mạ già cho én liệng say, cho trẻ chăn trâu tước lạt làm bẫy bắt chim én, reo hò. Đã lùi sâu vào kí ức tuổi thơ hun hút hoài niệm. Tôi về làng, thiều quang sắp độ chín, đi tìm những chùm hoa giêng giếng. Có những bụi giêng giếng còn sót lại cả khi đôi bờ sông đang được (bị) xây kè bê tông chống lở. (Thượng nguồn đã được chắn làm hồ, phá Hạc Hải vẫn được ngăn làm lúa, có còn dòng chảy nữa đâu mà lo lở bồi!?). Giêng giếng nở âm thầm, sắc vàng lẫn vào nắng tháng hai chỉ đủ làm động cựa khe khẽ những con tim “người quê” hay vọng về quá vãng...

Tôi đi tìm một bụi giêng giếng của tuổi thơ ghi dấu bên bờ một ngôi giếng cổ. Giếng cổ, có thể là di chỉ người Chăm như ngôi Chợ Thùi ở làng Phú Thọ, thành Nhà Ngo ở Uẩn Áo. Bên giếng có bụi hoa Giêng giếng nở hoa xum xuê mỗi độ ra giêng và hình bóng người bạn gái nhỏ tý xíu có gương mặt vàng mơ và nụ cười bẽn lẽn như hoa mới nở.

- Không phải chỗ đám môn nước ấy đâu, “cá” với ông là nằm ngay dư móng nhà.

Ngôi nhà ba tầng vạm vỡ. Giếng cổ đã bị vùi kín, và bụi hoa giêng giếng cũng chết thật rồi. Nhưng kí ức tuổi thơ tôi và người bạn gái nhỏ xíu đẹp như tiểu thiên thần không nguôi động cựa...

- Chị ấy lấy chồng đâu tận quê ngoài Bắc nhưng sống ở tỉnh nào trên Tây Nguyên, mươi năm gần đây không thấy về.

Trời đất ơi! Mùa xuân, tháng giêng, tháng hai, mùa chim én đưa thoi, mưa bụi bay như sương, mùa hoa Giêng giếng vàng mơ, hú họa mấy mươi năm mới chợt nhớ, lần tìm khuôn giếng cổ có bụi cây giêng giếng và nét cười em, màu mắt em thuở xưa mà tín hiệu về em còn mơ hồ hơn cả mưa bụi: “Mươi năm nay không thấy về làng”.

Lạ, sao nhớ về em, tôi không thấy hiện lên hình ảnh cô gái mười sáu tay mân mê tà áo, miệng ngậm tăm, cũng bên bờ ngôi giếng cổ này trong một đêm trăng mờ có mưa bụi đậu lờ mờ trên tóc và đâu đó thoảng tới hương hoa dịu nhẹ, phương Nam súng nổ, những “con ma”, “thần sấm” đã lảng vảng phía chân trời. Rồi tôi đi, cả khi chưa biết nói những lời có cánh cùng em hẹn ngày về.

Năm sau, năm sau nữa, có thể tôi lại về làng, vào độ giêng hai, đi dưới làn mưa bụi, lại gặp chim én bay trên đồng, lại tha thẩn đi tìm một màu hoa giêng giếng của hôm nay và cả trong ký ức. Còn em, ơi người bạn gái nhỏ xinh một thời bé dại đã cùng tôi hái những chùm hoa bên ngôi giếng cổ, có còn đọng lại gì trong ký ức thì xin một lần về...một lần thôi...rồi thôi!

Nguyễn Thế Tường

Từ khóa » Tác Dụng Cây Giêng Giếng