Hoa Hồng Cổ Huế 014 - Mộc Nhiên Farm

Hồng cổ Huế là dạng hồng thân bụi, chiều cao có thể tới 2,5m và tỏa rộng. Hoa có khoảng 30 35 cánh, sắc đỏ sen, thơm nhẹ, cánh kép, điểm một chút phớt hồng ở tâm với vài vệt sọc trắng trên các cánh hoa. Hoa thường nở rợp cây và lặp lại thường xuyên trong năm.

  • Tên tiếng Anh: Louis Philippe rose
  • Tên gọi khác: Florida rose, Florida Cracker rose, King of France, Louis Philippe d'Angers

Hai nhóm hoa hồng phổ biến

Hoa hồng thường được chia thành hai nhóm: hoa hồng cổ (Old Garden Roses – OGRs) và hoa hồng hiện đại. Hoa hồng hiện đại là những giống được giới thiệu sau năm 1867, trong khi hoa hồng cổ có trước đó. Hồng cổ huế được coi là hồng cổ và được chọn vào danh sách những loài hoa hồng xinh đẹp dễ trồng, ít công chăm sóc và thường xuyên cho hoa quanh năm.

Các loại hoa hồng cổ phổ biến, hiện có tại Mộc Nhiên Farm.

Tuy nhiên, hoa hồng cổ có một đặc điểm là cần thời gian để cây phát triển. Đôi khi người trồng sẽ hơi có cảm giác cây phát chậm nhưng đừng lo lắng nhé, sự chờ đợi của bạn rất xứng đáng đó. Một khi đạt đủ mức độ trưởng thành, chúng đem lại vẻ đẹp không gì sánh được.

Hoa hồng cổ Huế và những ưu điểm riêng

Hồng cổ Huế là dạng hồng thân bụi, chiều cao có thể tới 2,5m và tỏa rộng. Không như những giống hồng cổ khác, chúng có khá ít gai trên thân.

So sánh số lượng gai của hoa hồng cổ Huế và 1 loại hồng cổ khác.

Hoa có sắc đỏ sen, cánh kép, điểm một chút phớt hồng ở tâm với vài vệt sọc trắng trên các cánh hoa. Một đóa hoa hồng cổ Huế có khoảng 30 35 cánh. Ở nước ngoài, một số người chơi hoa đã chứng kiến hồng cổ Huế bền bỉ ra hoa suốt mùa đông giá buốt, khác biệt hẳn với các giống hồng khác.

Hoa hồng cổ Huế.

Hoa hồng cổ Huế có mùi thơm nhẹ nhàng thôi nhưng vì hoa thường nở rợp cây nên nhiều khi lại gây ấn tượng rất mạnh về mùi hương. Mỗi lần thu hoạch có thể được khá nhiều hoa nên nhiều người dùng để làm sirô, trà hoa, nước hoa hồng hoặc làm bánh.

Những đóa hoa hồng cổ Huế thơm ngọt ngào.

Nguồn gốc của cây hồng cổ Huế

Hồng cổ Huế được phát triển vào năm 1834 bởi một nhà lai tạo hoa hồng người Pháp, nó được đặt theo tên của vị vua Louis XVIII của Pháp. Thông tin ghi lại cho thấy đây là món quà cho chính trị gia Texas và từ đó cây hồng này đã bắt đầu xuất hiện tại bang này. Tại Florida, nơi có điều kiện khí hậu khó khăn, người ta đã đưa ra cuộc nghiên cứu các loài hoa hồng độc lập cần ít công chăm sóc và hồng cổ Huế đã nằm trong danh sách ít ỏi này.

Vì được trồng nhiều ở đại nội tử cấm thành ở Huế nên chúng bỗng nhiên được đặt tên là hồng cổ Huế.

Hoa hồng cổ Huế

Hồng cổ Huế có phù hợp với khí hậu VN không ?

Ở Việt Nam, hồng cổ Huế khá dễ trồng, phù hợp với nhiều loại thời tiết, có khả năng kháng bệnh tốt. Cây khi phát triển tới độ ổn định sẽ cho hoa rất nhiều và lặp lại thường xuyên trong năm. Về tên gọi ở Việt Nam, không ai rõ tại sao loài hoa hồng này được đặt tên như vậy. Có lẽ cây hồng cổ này được tìm thấy lần đầu tiên ở Huế nên có tên gọi là hồng cổ Huế chăng?

Hoa hồng cổ Huế rất phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Phương pháp nhân giống hoa hồng cổ Huế

Giâm cành hoa hồng cổ Huế

  • Chọn cành khỏe mạnh, không quá già, không quá non.
  • Vát chéo một đoạn khoảng 30cm, bỏ lá và ngâm vào dung dịch kích rễ (không bắt buộc).
  • Giá thể sạch và tơi, ít hoặc không có phân bón. Có thể dùng giá thể cát sạch.
  • Cắm cành đã cắt sâu xuống rồi lấp đất, phun ẩm cho tới khi chúng ra chồi non. Thời gian này tiếp tục giữ ẩm, tránh ánh nắng, để ở nơi mát mẻ. Khoảng hơn 1 tháng thì chúng bắt đầu ra nhiều rễ. Tới khoảng 3 tháng, có thể kiểm tra rễ trắng đã ra nhiều chưa để sang chậu.
  • Khi mới sang chậu, đặt cây ở khu vực mát. Từ từ đưa cây ra ánh nắng để chăm sóc như một cây con ổn định.

Nhân giống hoa hồng cổ Huế bằng cách giâm cành.

Phương pháp chiết cành hoa hồng cổ Huế

Chiết cành đòi hỏi điều kiện cành tương tự như giâm, nhưng cách làm sẽ có chút khác biệt.

  • Cần một con dao sắc để khía lên thân và bóc một phần vỏ khoảng 15mm quanh thân. Tính từ đầu cành xuống, vị trí khía và bóc vỏ nằm ở đoạn 2/3 của cành. Sau đó, cạo sạch để lộ phần gỗ trơn.
  • Khi mới bóc vỏ, phần gỗ này sẽ còn tiết ra nhựa. Cần đợi khoảng 1 ngày cho nhựa khô hết mới bó bầu. Có thể bôi dung dịch kích rễ quanh khu vực bóc vỏ, nhưng điều này không bắt buộc.

Bó bầu để chiết cành hoa hồng cổ Huế.

  • Nắm một nắm tay đất ẩm, đắp xung quanh phần gỗ bóc vỏ. Quấn bọc nilon để cố định và buộc lại. Có thể dùng loại ly nhựa mỏng để chứa toàn bộ phần giá thể đã bó thành bầu.
  • Trong thời gian chờ bầu chiết ra rễ, cần bảo đảm chúng đủ ẩm. Có thể tưới thêm nước nếu cần. Các loại nước dùng để tưới có thể chứa dinh dưỡng hữu cơ để kích thích ra rễ. Khi bắt đầu thấy rễ non ra và bám vào phần đất bó quanh cành chiết thì nghĩa là cành đang chuyển mình thành cây mới. Khi rễ chuyển màu vàng nâu nhạt thì có thể cắt bầu và lấy ra trồng thành một cây con.
  • Khi chuyển cành vào chậu, chúng còn khá yếu. Cần đặt chậu ở nơi mát, giữ đủ ẩm, tránh úng nước. Đến khi cây phát triển khỏe mạnh rồi mới đem ra ngoài.

Cây hồng khỏe mạnh sau khi nhân giống sẽ cho ra hoa từ sớm.

Cách trồng và chăm sóc cây hoa hồng cổ Huế

Vị trí trồng hồng cổ Huế

Tất cả các loại hồng đều ưa ánh sáng trực tiếp khoảng 5 – 6 giờ/ngày. Hoa hồng cổ Huế cũng không là ngoại lệ. Tuy vậy, nếu nắng quá gắt sẽ nhanh làm khô giá thể và cây thiếu nước. Vì vậy, nên đặt cây ở khu vực có nhiều ánh nắng và che phủ rễ vào những mùa nắng gắt. Sử dụng lưới chắn mùa nắng cũng là một cách hữu hiệu.

Hoa hồng cổ Huế rất ưa nắng.

Giá thể cho cây hoa hồng cổ

Giá thể của hoa hồng cổ Huế bắt buộc phải đảm bảo đủ dinh dưỡng và thoát nước thật tốt. Kể cả chậu trồng cây cũng cần được đục lỗ thoát nước và có lớp lót để giữ ẩm vừa đủ dưới đáy chậu nhưng không gây ngập úng. Mộc Nhiên khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ để cây phát triển tốt nhất, đồng thời sẽ cho những đóa hoa sạch và thân thiện với môi trường.

Để giá thể tơi thoáng, nên sử dụng các thành phần như: xơ dừa, trấu hun, vỏ đậu, đá perlite hoặc pumice. Nên tránh các loại đất kết dính như đất đỏ, đất sét. Nếu sử dụng các loại đất trên, cần chú ý về tỷ lệ để tránh bị úng rễ. Nên lót đáy chậu bằng xỉ than hoặc đất nung. Đá pumice kích cỡ lớn cũng là một lựa chọn hợp lý tuy không kinh tế lắm.

Giá thể đủ tiêu chuẩn là điều kiện đầu tiên để cây hồng cổ Huế phát triển tốt nhất.

Để thử độ tơi của giá thể, có thể phun ướt giá thể rồi dùng tay nắm lại. Nếu chúng kết chặt quá nghĩa là giá thể chưa đủ thoáng. Nếu chúng vẫn tơi nhẹ là đạt tiêu chuẩn.

Vì rễ hồng rất nhạy cảm, tất cả các thành phần trong giá thể đều cần được ủ hoai, xử lý trước khi trồng cây. Nếu không kịp ủ hoai, nên tưới Trichoderma ngay sau khi trồng để chúng nhanh hoai mục.

Tưới nước

Hoa hồng cổ Huế luôn cần tưới nước vì những lý do sau:

  • Làm mát bộ rễ và giá thể.
  • Nước giúp chất dinh dưỡng lưu thông và cung cấp đủ nước cho lá và cây.
  • Không chỉ cần nước cho bầu rễ, mà chúng còn cần được tưới ướt toàn bộ thân với áp lực nước lớn. Việc phun nước mạnh này cực kỳ hiệu quả để làm sạch toàn bộ lá cây và phòng trị bệnh trĩ, nấm, nhện.

Tưới nước cho cây hoa hồng cổ Huế. Đừng quên phun nước mạnh vào thân và lá để rửa sạch.

  • Đặc biệt lưu ý khi tưới, cần tưới mạnh mặt dưới lá vì các loại côn trùng nhỏ thường trú bên mặt dưới lá để tránh bị tác động. Một bộ lá sạch là một ưu điểm vô cùng lớn cho sự phát triển của cây hồng cổ.
  • Nếu giá thể đủ thoáng, có thể tưới 2 lần mỗi ngày vào mùa nóng. Nên chọn thời điểm mát để tưới, tránh làm cây sốc nhiệt khi tưới vào lúc quá nắng. Vào mùa mưa, cần nhìn giá thể xem có cần tưới hay không. Việc tưới nhiều quá sẽ làm cây bị quá ẩm hoặc úng ngập.

Hoa hồng cổ Huế.

Cắt tỉa và tạo dáng

  • Việc cắt tỉa cây là cần thiết nhưng không nên lạm dụng. Sau mỗi lần cắt tỉa, cây mất đi sức khỏe một thời gian và cần hồi phục lại. Ngoài ra, cắt tỉa phải kết hợp với việc bón phân đúng cách để cây được cung cấp đủ dinh dưỡng cho lứa hoa kế tiếp.
  • Không nên cắt tỉa khi trời quá nắng hoặc lúc trời mưa. Khi quá nắng, cây sẽ kiệt sức. Khi cây đang ẩm ướt thì sẽ dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào vết cắt.
  • Nên cắt tỉa những cành tăm quá nhỏ vì chúng cũng không thể phát triển thành cành chính mà vẫn lấy đi dinh dưỡng của cây.

Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành tăm để cây tập trung dinh dưỡng vào cành chính.

  • Có thể cắt tỉa để tạo tán cho cây sau một vài đợt hoa. Không nên cắt quá thường xuyên vì cây sẽ không hồi phục kịp. Trên thực tế, việc không cắt tỉa cũng có những lợi ích nhất định, đặc biệt đối với việc trữ dinh dưỡng và giữ gìn bộ lá xum xuê cho cây.
  • Nếu có ý định cắt tỉa, nên bón phân trước đó khoảng 10 ngày để cây không thiếu hụt dinh dưỡng.

Bón phân

Bón phân hữu cơ cho hoa hồng cổ Huế.

Hoa hồng cổ Huế cần được bón phân vào những thời điểm sau:

  • Bón lót bằng phân chuồng hoai mục
  • Bón bổ sung sau 2 tháng sang chậu
  • Bón định kỳ 1 tuần hoặc nửa tháng, 1 tháng tùy theo loại phân sử dụng. Khuyến khích sử dụng phân hữu cơ.
  • Nên bổ sung kali khi cây bắt đầu đậu nụ
  • Trước khi cắt tỉa 10 ngày, bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Phòng trừ sâu bệnh

Hoa hồng cổ Huế rất khỏe mạnh và có tính kháng bệnh cao.

Cây hồng có thu hút một số loại bệnh phổ biến như nhện, trĩ, nấm lá. Để tránh sâu bệnh, cần bảo đảm các yêu câu về giá thể, ánh sáng, lực nước phun trên lá như đã đề cập ở trên. Nếu cần phun phòng, nên sử dụng các loại hữu cơ để không gây hại cho môi trường sống của con người và của vi sinh vật.

Tổng kết

Là 1 trong những loại hoa hồng cổ lâu đời, hoa hồng cổ Huế mang những ưu điểm nổi bật về tính thích nghi, khả năng kháng bệnh và độ lặp hoa quanh năm. Với vẻ đẹp đằm thắm cùng mùi hương ngọt ngào, chúng cùng với các loại hồng cổ khác trở thành những loài hoa hồng truyền thống không thể thiếu trong bộ sưu tập các loại hồng xuất sắc nhất.

Hoa hồng cổ Huế.

©Copyright by Moc Nhien Farm

Từ khóa » Cây Hoa Hồng Cổ Huế