Hoa Lợi Là Gì? Lợi Tức Là Gì? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Hoa lợi là gì?
  • Lợi tức là gì?
  • Ví dụ lợi tức
  • Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức
  • Tư vấn quy định của pháp luật và hoa lợi và lợi tức

Hoa lợi là gì?

Hoa lợi là tài sản tự nhiên mà tài sản mang lại theo Khoản 1 Điều 109 Bộ luật dân sự năm 2015.

Lợi tức là gì?

Lợi tức là khoản lợi thu được từ viêc khai thác tài sản theo khoản 2 Điều 109 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ví dụ lợi tức

Ví dụ: khoản tiền thu được từ việc cho thuê xe là lợi tức, số tiền thu được từ hoạt động cho thuê nhà

Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức

Điều 224 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người xác lập quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức bao gồm:

– Chủ sở hữu.

– Người sử dụng tài sản.

Theo đó, chủ sở hữu, người sử dụng tài sản xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận các bên, hoặc theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức của tài sản.

Đối với quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền hưởng hoa lợi, lợi tức có hiệu lực.

Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

Ví dụ: Anh A mua xe ô-tô chở hàng của anh B. Tuy nhiên, chiếc xe đang được anh B cho bên khác thuê. Trong hợp đồng mua bán, anh B hẹn sau 01 tháng sẽ giao xe cho anh A và không có thỏa thuận về việc hưởng hoa lợi, lợi tức. Do đó, trong trường hợp này, lợi tức thu được từ việc cho thuê xe từ ngày ký hợp đồng đến ngày bàn giao xe ô tô sẽ thuộc về bên B, vì khoản 2 Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tư vấn quy định của pháp luật và hoa lợi và lợi tức

Căn cứ vào sự phát triển tự nhiên của tài sản và việc khai thác, sử dụng tài sản để có được những lợi ích vật chất nhất định, pháp luật quy định nhằm phân biệt hoa lợi với lợi tức.

– Trước hết, về hoa lợi. Theo quy định tại khoản 1 Điều 109 BLDS năm 2015, thì hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Trong quan hệ xã hội, từ hoa lợi còn được gọi là “quả thực”. Vì vậy, hoa lợi hay quả thực của một tài sản (vật chủ) theo một quy luật sinh học tự nhiên và có định kỳ sẽ làm phát sinh một sản vật mới.

Những sự kiện phổ biến thường xuất hiện đối với vật nuôi, cây trồng. Trước đây, Bộ Dân luật Trung Kỳ quy định tại Điều 480, Dân luật Bắc Kỳ quy định tại Điều 466 quy định về hoa lợi. Theo hai bộ dân luật này, thì hoa lợi đều thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản phát sinh ra hoa lợi.

Hai Bộ luật này còn quy định về những chi phí để có được hoa lợi như công cày bừa, chăm sóc, giống má của người thứ ba chi ra để có được hoa lợi, thì được hưởng hoa lợi đó. Theo quy định tại Điều 224 BLDS năm 2015, về xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức: “Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền đối với hoa lợi, lợi túc theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.” 

Theo quy định của pháp luật: Việc xác định hoa lợi thuộc quyền sở hữu của ai hay ai có quyền thụ hưởng phần hoa lợi từ tài sản, còn cần phải xác định theo những quy định của pháp luật về căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi.

Những quy định của BLDS về việc xác định quyền hưởng hoa lợi từ tài sản tại các Điều 231 (xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc); Điều 232 (xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc); Điều 236 (xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật); Điều 291 (hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán). Những điều luật đã viện dẫn, là căn cứ xác định hoa lợi thuộc về chủ thể và thời điểm phát sinh quyền của chủ thể hưởng hoa lợi trong những trường hợp cụ thể.

Lợi tức, căn cứ vào khoản 2 Điều 109 BLDS thì lợi tức là khoản thu được từ việc khai thác tài sản.

Việc khai thác tài sản là quyền của chủ sở hữu tài sản, quyền khai thác tài sản chủ sở hữu có thể chuyển giao cho người khác thông qua các giao dịch. Khai thác tài sản là khai thác những lợi ích vật chất của tài sản. Việc khai thác này thông qua các hành vi có ý thức và có mục đích của chủ thể.

Những hành vi khai thác tài sản phổ biến như đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh dưới các hình thức của các chủ thể thuộc các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế khác nhau nhằm mục đích thu lợi nhuận, khoản lợi nhuận thu được là lợi tức.

Chủ sở hữu của tài sản cho người khác vay tài sản trong một khoảng thời hạn nhất định và khoản vay có tính lãi suất, thì khoản lãi suất mà bên cho vay được hưởng trên tài sản cho vay, thời hạn vay và lãi suất cho vay thì khoản lãi suất mà bên cho vay thu được là lợi tức. Như vậy, lợi tức là lợi ích vật chất của chủ thể thu được thông qua việc khai thác hợp pháp tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, Điều 468 và Điều 469 BLDS năm 2015 quy định, khoản lãi suất này là lợi tức thu được từ việc cho vay tài sản của chủ sở hữu. Khoản lãi suất được xác định tại Điều 468:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Và khoản 2 Điều 468 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”. 

Khai thác tài sản để hưởng lợi tức phải tuân theo pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Nếu việc khai thác tài sản vi phạm những điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội thì hành vi khai thác tài sản là hành vi bất hợp pháp. Những hành vi khai thác tài sản bất hợp pháp là hành vi cho vay nặng lãi, tham gia chơi số đề, đánh bạc, mua bán chất ma túy, khai thác tài sản để làm nơi đánh bạc, chứa chấp những người hành nghề mại dâm, môi giới gái mại dâm…

Từ khóa » Ví Dụ Hoa Lợi Lợi Tức