Hoa Nhài Cắm Bãi Phân Trâu - Xã Luận

Thánh nhân đãi kẻ khù khờ...

Mỗi lần nhìn thấy hai vợ chồng nhà Khê – Hòa dọn hàng ra chợ, chị vợ xăm xắn chở hàng đi trước, anh chồng lẽo đẽo theo sau, không ít láng giềng của họ đã phải bật cười: “Đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ, không ngờ một anh chàng ngờ nghệch như cậu Khê lại vớ được cô vợ đảm đang, tháo vát như con bé Hòa”.

Ở khu tập thể này, những người từ trung tuổi trở lên ai cũng biết chuyện bà Khang, mẹ anh Khê khi chửa anh có bị một trận ốm sốt dẫn đến phải đẻ non. Khi mới sinh, nghe nói anh chỉ nặng có 1,5 kg, người bé tí, ốm ngặt ốm nghẽo. Có lẽ vì vậy mà khi lớn lên, trí não của anh có bị ảnh hưởng. Anh làm gì cũng chậm chạp, nghĩ thì lâu la đến mức nhiều người phát bực gọi xách mé là “thằng ngốc”. Nhưng anh được cái rất lành, chăm chỉ và hay giúp đỡ người khác tuy chả giúp được nhiều vì vụng về, hay làm đổ vỡ.

Ngoài 30 tuổi, Khê vẫn chưa có vợ. Đám con gái trong khu tập thể, cô nào dù xấu ma chê quỷ hờn cũng cứ nhìn thấy anh là giãy đành đạch như đỉa phải vôi. Không thể lấy được gái thành phố cho con, bà Khang quyết định về quê chọn cho con mình một cô thôn nữ chính hiệu. Chả biết qua mối lái thế nào, cậu Khê lấy được cô Hòa. Hòa mới ngoài 20 tuổi, tuy không xinh nhưng có duyên lại nhanh nhẹn, tháo vát. Mọi việc trong nhà, từ giặt giũ, nấu nướng, rửa bát, quét nhà... một tay Hòa làm cả. Không những vậy, cô còn thay luôn mẹ chồng làm chủ cửa hàng bán gạo ngoài chợ. Khéo léo, nhanh mồm nhanh miệng lại giỏi tính toán, làm ăn nên cửa hàng bán gạo của Hòa lúc nào cũng nườm nượp khách.

Nhưng anh chồng thì lúc nào cũng lu đù, chậm chạp như cũ. Vợ đi lấy hàng, bán hàng, quản lý tiền nong, chồng chỉ có việc chở gạo đi giao cho những gia đình ở xa không đến lấy gạo được. Túi gạo nào, giao cho địa chỉ nào vợ ghi cả trong giấy rồi thế mà anh chồng vẫn nhầm lẫn. Bị khách mắng oan, Hòa bực mình quát cả chồng ngay trong khu chợ. Hòa tâm sự nhiều lúc cửa hàng đông khách, tay cân gạo, tay đếm tiền trả lại mãi mà vẫn chưa xong trong khi chồng đứng bên cạnh lóng nga lóng ngóng vì không biết làm gì, cô cũng phát chán. Nhiều khi, đang bận túi bụi là thế, nhờ chồng đong gạo vào túi cho khách hộ, anh chồng chả biết làm ăn thế nào lại để túi thủng, gạo đổ tràn đổ trề ra ngoài khiến nhiều khách đứng đó cũng phải ái ngại.

Không nói ngoa khi cả gia đình đều do một tay Hòa gồng gánh khi mẹ chồng cô bị ốm phải nằm nhà suốt ngày. Tiền thuốc cho mẹ chồng, tiền sinh hoạt phí cho cả gia đình, tiền đóng học cho con, tất cả đều từ cái cửa hàng bán gạo của hai vợ chồng mà ra. Nói là “của hai vợ chồng” nhưng thực ra mọi việc của cửa hàng một tay Hòa cáng đáng cả.

Hỏi Hòa có chán không khi chồng cứ khù khờ, lù đù mãi, chả giúp vợ được việc gì? Cô không giấu: “Cũng nhiều khi chán nản, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi em lại nghĩ chồng mình tuy có ngờ nghệch nhưng hiền lành, biết nghĩ, biết thương vợ. Cũng còn hơn khối người chồng tối ngày chỉ biết rượu chè, vũ phu, đánh đập vợ. Âu đó cũng là số phận”.

Một bước sa chân...

Không thể nghĩ thoáng được như Hòa, chị Tuyền (Khâm Thiên, Hà Nội) lại luôn dằn vặt vì chuyện chồng con. Trước khi lấy người chồng hiện tại, chị Tuyền đã từng một lần yêu. Nhưng gã bạn trai lọc lõi, khôn ranh sau khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” đã vội vã quất ngựa truy phong không một lời từ biệt. Trong lúc chị đang đau đớn, chán nản vì sự bội phản thì anh Minh, chồng chị bây giờ ngỏ ý cầu hôn. Nếu là lúc trước, một cô gái xinh đẹp, sắc sảo, có học thức như chị sẽ không bao giờ thèm để ý đến một anh chàng xấu xí, chậm chạp, gia cảnh cũng không có gì nổi trội như anh Minh. Nhưng lúc đó, đang trong tâm trạng hận gã người tình đểu giả, chị nhận lời cưới ngay chẳng kịp suy nghĩ.

Lấy nhau về, chị thấy anh Minh đúng là hiền thật, nhưng mà là hiền quá hóa... đụt. Anh làm gì cũng chậm chạp, lóng nga lóng ngóng đến mức nhiều khi chị chỉ muốn giằng ra làm hộ cho nhanh chóng. Vợ đi làm về muộn, anh muốn giúp vợ nấu cơm nhưng nấu nướng kiểu gì lại để nồi canh đang sôi đổ vào chân đến mức phải đi bệnh viện. Ở chỗ làm, anh cũng trả nhầm tiền cho khách tới hơn chục triệu đồng khiến hai vợ chồng phải è lưng vay mượn trả nợ cho cơ quan. Tức mình, chị mắng chồng xối xả. Nếu là người khác, bị vợ mắng mỏ như thế, chắc chắn sẽ phản ứng lại nhưng anh thì im lặng và... chảy nước mắt. Nhìn thấy chồng sụt sịt như vậy, chị không những không cảm thấy thương cảm mà còn trào lên một cảm giác tức giận, chán ngán. Chị lại gào lên to hơn: “Có mỗi thế mà đã khóc lóc như đàn bà thì làm sao anh làm được công to việc lớn nào cho cái nhà này? Anh có còn là đàn ông không hả?”.

Tâm sự với mọi người, chị Tuyền nói mình đã quá chán ngán với người chồng ngờ nghệch, chậm chạp đó rồi. Ước muốn duy nhất của chị bây giờ là được nhanh chóng giải thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt, tù túng thế này.

Cùng một hoàn cảnh, nhưng hai người phụ nữ, ở hai địa vị, tính cách khác nhau lại cư xử khác nhau. Thế mới biết, ở đời, bi kịch hay hạnh phúc cũng là do bản thân tạo dựng mà thôi.

Từ khóa » Hoa Lài Cắm Bãi