Họa Sĩ 40 Năm Cắt Họa Tiết Vải Làm Tranh - Hanoi Creative City

Bức tranh vải đầu tiên mà họa sỹ Thanh Thục hoàn thành là khi bà tròn 20 tuổi. Ba của bà cũng là một họa sỹ, nên khi nhìn thấy bức tranh vải của bà đã vô cùng bất ngờ và thích thú. Từ đó, bà nhận được rất nhiều sự ủng hộ, động viên của các thành viên trong gia đình.Họa sỹ Thanh Thục nhớ lại: “Cứ đi đâu mà thấy những miếng vải hay thì bố và các anh chị lại nhặt về cho tôi. Bởi những năm đó nguyên liệu vải rất là hiếm và khó kiếm. Nhưng chính những tình cảm của các thành viên trong gia đình này đã là những động lực đầu tiên giúp tôi theo đuổi dòng tranh vải này”.

Công đoạn cắt, tỉa, chọn vải cho tranh vải vụn. Có những chi tiết đòi hỏi họa sĩ phải cắt tỉa vải theo đúng hoa văn trên đó.

Công đoạn rắc bột cho tranh vải vụn.

Công đoạn dán tranh vải vụn.

Chính tình yêu, niềm đam mê, nhiệt huyết cháy bỏng cùng với tính cẩn trọng của bà đã tạo lên những “đứa con tinh thần”, mà như lời của PGS.NGND Lê Anh Vân đã nói trong ngày khai mạc Triển lãm là “Không một chi tiết nào thừa và không một chi tiết nào làm cẩu thả”.

Theo họa sỹ Thanh Thục, tranh vải trên thế giới mà làm khổ lớn, mang tính phong cảnh và trường cảnh như thế này thì chưa hề có. Phần lớn vẫn là những bức tranh vải nhỏ như bìa cuốn sổ hay bức tranh lưu niệm treo trên tường. Điều đó có nghĩa là họa sỹ Thanh Thục là người đầu tiên thể hiện dòng tranh phong cảnh bằng chất liệu vải.

Nói về chất liệu đặc biệt để vẽ tranh này, họa sỹ Thanh Thục cho biết, tranh vải vừa có nhiều lợi thế nhưng cũng có không ít bất lợi. Lợi thế bởi, mỗi mảnh vải khi được sản xuất ra đều đã qua tay một người họa sỹ. Bởi vậy, nó đã có tính mỹ thuật trong các họa tiết, màu sắc nên rất phong phú. Có những mảng màu, nếu vẽ chưa chắc đã có thể thể hiện được rõ. Bởi vậy, khi sử dụng nguyên liệu này, họa sỹ Thanh Thục đã tận dụng được sự phong phú vốn có của nó.

Thế nhưng cũng chính điểm này đôi khi cũng là bất lợi cho bà. Bởi đôi lúc có những họa tiết, màu sắc cần dùng bà phải tìm kiếm vô cùng kỳ công. “Có khi mất cả nửa ngày tôi cũng không tìm ra được màu sắc hay chi tiết cần dùng cho bức tranh”, họa sỹ Thanh Thục tâm sự. Chính vì vậy, có nhiều khi bà phải mua cả 10 – 20 mảnh vải may áo dài chỉ để lấy trong đó một hai chi tiết bằng bàn tay. Hay có những lúc bởi trong cả hàng trăm tấm vải không tìm ra được chi tiết cho bức tranh, bỗng phát hiện trên chiếc áo đang mặc có họa tiết đó, bà sẵn sàng cắt ngay chiếc áo đó để “vẽ tranh”.

Chúng tôi đã được mục sở thị đống nguyên liệu đặc biệt có một không hai để vẽ tranh của họa sỹ Thanh Thục. Đúng là vô cùng thú vị. Bởi hàng trăm tấm vải đó, nhìn bề ngoài tưởng chừng bình thường, nhưng xem kỹ mới thấy, tấm nào cũng có “thương tích” trên mình. Tấm thì mất bông hoa, tấm thì mất họa tiết đám khói, ngôi nhà, hay một góc cây xanh, cánh rừng,…Họa sỹ Thanh Thục có thể ngồi cả ngày để mân mê những tấm vải đó. Có lần phải giơ lên xem đến 200 tấm vải, bà mới chọn được chi tiết chỉ bằng 2 đầu ngón tay cho bức tranh của mình.

Một số tác phẩm tranh vải vụn đặc sắc của Họa sĩ Trần Thanh Thục:

Bởi vậy, tài sản 50 bức tranh đều được giới mỹ thuật đánh giá cao của bà sau hơn 30 năm lao động chính là thành quả xứng đáng nhất cho sự lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, miệt mài và âm thầm. Và điều đặc biệt hơn mà công chúng yêu thích những bức tranh vải của bà, đó chính là những giá trị nhân văn, truyền thống mà bà gửi gắm trong từng bức tranh của mình.

“Tôi mong mọi người thấy được cái tươi đẹp của thiên nhiên đất nước thông qua những bức tranh vải. Thông qua đó để yêu, giữ gìn và bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của quá khứ để nuôi dưỡng trong chính tâm hồn của mỗi người”, họa sỹ Thanh Thục tâm sự./.

Từ khóa » Họa Sĩ Vải