Họa Sĩ Trần Thanh Thục: Mê đắm Những Sắc Vải - Công An Nhân Dân

  • Họa sĩ Văn Ngọc – Kẻ sắp đặt điên rồ cô đơn
  • Vua Hàm Nghi - Họa sĩ tài danh trong những năm tháng lưu đày
  • Họa sĩ Bửu Chỉ với “con mắt còn lại”

Họa sĩ Trần Thanh Thục từng vẽ tranh sơn dầu, bột màu, màu nước trên nhiều chất liệu, song với bà tình yêu cháy bỏng nhất trong cuộc đời sáng tạo lại chính là tranh vải - một loại tranh đặc biệt được bà sáng tạo ra từ những họa tiết của vải. Suốt hơn 30 năm miệt mài với tranh vải, với cây kéo trong tay và trí tưởng tượng luôn bay bổng, họa sĩ Trần Thanh Thục đã trở thành họa sĩ Việt duy nhất sáng tạo tranh vải với đề tài trường cảnh, khổ lớn với nhiều lần triển lãm. Nhiều tác phẩm của bà đã theo chân du khách ra nước ngoài.

1.jpg -0
Họa sĩ Trần Thanh Thục đã có 30 năm gắn bó với tranh vải.

Không giống như vẽ tranh bằng sơn dầu hay bột màu trên toan, lụa hay các chất liệu khác, sáng tác tranh từ các họa tiết được tỉ mỉ cắt ra từ vải mang lại những hiệu ứng bất ngờ về màu sắc, hình ảnh và thành phẩm, đồng thời giá thành cũng không hề rẻ. Bởi vì ngoài sự cầu kỳ về nguyên liệu, sự đầu tư cho ý tưởng sáng tạo, mỗi bức tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục đều chứa đựng trong đó hàng trăm giờ lao động kỳ khu, miệt mài.

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên rất tiếc triển lãm cá nhân "Nhịp xuân 2" của bà đã không tổ chức được. Nhưng bằng sự mê đắm với những sắc vải, họa sĩ Thanh Thục đang cố gắng để tái ngộ công chúng Thủ đô trong một ngày không xa với dự định sẽ tổ chức một triển lãm riêng về đề tài Hà Nội.

Đến với Hà Nội từ tuổi hoa niên, khi chân ướt chân ráo lên Hà Nội học Trung cấp mỹ thuật, nên những hình ảnh thân thương và những ký ức về Hà Nội luôn in đậm trong lòng bà. Hà Nội đang đổi thay từng ngày, nhưng những con phố với những ngôi nhà rêu phong cổ kính đầy hoài niệm, những công trình kiến trúc xưa cũ, những con đường rợp bóng cây... vẫn luôn khiến trái tim nghệ sĩ mẫn cảm của Trần Thanh Thục xôn xao thương nhớ. Vì thế, cùng với phong cảnh làng quê thôn dã, cây đa bến nước con đò hay những phong cảnh miền núi đậm sắc màu thổ cẩm, họa sĩ Trần Thanh Thục luôn dành một khoảng đặc biệt cho mảng sáng tác về Hà Nội.

Rất nhiều tác phẩm tranh vải của họa sĩ Thanh Thục về đề tài Hà Nội đã ra đời từ nỗi nhớ nhung, từ niềm thương mến và hoài cảm về Hà Nội như: "Ô Quan Chưởng", "Êm đềm phố cổ", "Chiều trên đường Cổ Ngư", "Hà Nội sớm mùa đông", "Hà Nội ngày cuối đông", "Hà Nội chiều thu"... Những hình ảnh thân thuộc của Hà Nội dần hiện lên khá đủ đầy trong tranh vải của họa sĩ Thanh Thục như cầu Long Biên, nhà thờ Lớn, đường Cổ Ngư, Ô Quan Chưởng, nhà cổ trên phố Mã Mây...

Có lẽ, Trần Thanh Thục là một họa sĩ hơi... tham lam khi dường như muốn gom lại mọi khoảnh khắc trong ngày, trong 4 mùa của Hà Nội vào các tác phẩm của mình. Có những tác phẩm, bà đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết trong nhiều năm tháng mới hoàn thành, mới thực sự ưng ý sau nhiều lần chỉnh sửa. Nhiều tác phẩm về chủ đề Hà Nội đã hoàn thành trước đây và đã thuộc về sở hữu của người yêu tranh, các nhà sưu tập. Vì thế, để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân khoảng 30 tác phẩm lần này, họa sĩ Thanh Thục đang phải tập trung cao độ cho các tác phẩm mới. Bà cũng tiết lộ, có thể sẽ phải "mượn lại" một số tác phẩm đã được "gả bán" cho một số nhà sưu tập và những người bạn yêu tranh.

3.jpg -0
Một tác phẩm tranh vải về chủ đề "Hà Nội phố" của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Họa sĩ Trần Thanh Thục kể lại, bà phát hiện ra vải cũng có thể trở thành một chất liệu để sáng tác hội họa trong một lần về quê Nam Định đến nhà bạn làm thợ may chơi, ngồi trò chuyện với bạn, buồn tay mới lấy kéo cắt những mảnh vải vụn và ghép thành một bức tranh phong cảnh làng quê trữ tình. Khi thích thú nhận ra hiệu ứng thẩm mĩ bất ngờ từ những mẩu vải vụn, lại được sự cổ vũ động viên nhiệt tình của bố và gia đình, Trần Thanh Thục bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn có họa tiết để dùng làm "họa phẩm" cho mình.

Vậy là bà đã gom góp những mảnh vải vụn từ ngày đó, tính đến nay đã 40 năm. Những năm tháng sống trong thời kỳ bao cấp, vải vóc còn hiếm, hoa văn cũng nghèo nàn chứ không đa dạng, phong phú như hiện nay, nên việc tạo hình cho tác phẩm cũng chưa thuận lợi, mà đó là khoảng thời gian cho bà có nhiều suy tưởng, tích lũy. Và sau này, khi có điều kiện đi bất kỳ nơi đâu, nơi đầu tiên Trần Thanh Thục tìm đến bao giờ cũng là chợ vải, các tiệm may áo dài để chọn mua những tấm vải có họa tiết đẹp, hoa văn, vân vải lạ mắt về làm nguyên liệu cho các bức tranh tương lai.

Từ các phiên chợ miền núi ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Sa Pa, Điện Biên đến Huế, Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Cần Thơ..., đi đến đâu họa sĩ Trần Thanh Thục sưu tầm các hoa văn, họa tiết vải. Từ vải dệt từ sợi lanh thô ráp, thổ cẩm, đến lụa, tơ, đũi hay những mảnh vải có xuất xứ từ nước ngoài đều được họa sĩ Trần Thanh Thục nâng niu, ngắm nghía để mua về.

Họa sĩ Thanh Thục chia sẻ: "Điều đặc biệt là, những hoa văn họa tiết đặc sắc thường hay có ở những tấm vải dùng để may áo dài, vì thế không ít lần chỉ vì một hoa văn, họa tiết độc đáo nào đó mà tôi phải mua nguyên một mảnh vải may áo dài có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Việc đầu tư "họa phẩm" theo kiểu này khá tốn kém, nhưng vì đam mê, vì một ý tưởng nào đó vừa lóe lên là tôi không thể rời tay, mà phải mua về bằng được!".

Từ khi họa sĩ Thanh Thục tìm ra con đường đi cho riêng mình, bà mê đắm đến nỗi thường xuyên làm việc đến 2-3h sáng mới đi ngủ, càng làm bà lại càng ham. Bà tâm sự: "Cũng phải đến những năm 2000, khi bạn bè giới thiệu một cặp vợ chồng người Thụy Điển đến mua tranh, thì tôi mới thực sự có động lực để đầu tư sáng tác. Hai vợ chồng người khách Thụy Điển đó dường như ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì lạ của những bức tranh vải, nên đã mua hết những bức tranh mà tôi có trên tường nhà. Khi đó, vài ngàn đô có được từ việc bán tranh đối với tôi là một số tiền lớn. Nhưng quan trọng hơn, nó đánh dấu một bước ngoặt, là nguồn động lực, niềm hi vọng về một con đường sáng tạo mới mẻ sẽ được công chúng yêu thích...".

Khi vừa bước qua tuổi 40, đối mặt với một cú sốc lớn đó là mất đi người bạn đời, bà đã quyết định tiếp tục theo học Đại học Mỹ thuật. Bà bắt đầu làm việc miệt mài, say mê từ thu lượm nguyên liệu cho đến chăm chút từng chi tiết nhỏ cho từng tác phẩm. Làm tranh vải, họa sĩ Thanh Thục phải nhờ bạn mang về từ Tiệp Khắc một loại keo dán đặc biệt để tranh không bao giờ bị mốc hay đổi màu vải mà vẫn đảm bảo sự tơ, mịn, bông, xốp của loại chất liệu đặc biệt này.

Từ  hiệu ứng qua các lần triển lãm nhóm, Trần Thanh Thục làm triển lãm cá nhân "Nhịp xuân 1" năm 2015 được giới mỹ thuật đánh giá cao. Những năm qua, Thanh Thục đã tham gia nhiều triển lãm nhóm như: "Vải và giấy dó" với Lê Tuấn Anh; "Sắc màu Bắc - Trung - Nam" với nhóm họa sĩ đến từ 3 miền đất nước; "Vải và trúc chỉ" với họa sĩ Ngô Đình Bảo Vy; "Thép và Vải" với họa sĩ Lê Thị Hiền... 

Họa sĩ Trần Thanh Thục cho biết, sau mỗi lần triển lãm bà đều cảm thấy kiệt sức bởi bao nhiêu sức lực bà đã dồn hết vào tranh, không có cả thời gian ngơi nghỉ. Nhưng sau cái mệt đó, là niềm hạnh phúc không thể đong đếm được của người sáng tạo khi tác phẩm của mình được công chúng đón nhận. Để rồi bà lại thong dong dạo phố, thong dong đi đây đó vừa để lấy lại năng lượng, vừa tìm "nguyên liệu" và cảm hứng sáng tác.

Xưa nay, công chúng đã được thưởng thức nhiều tác phẩm hội họa về chủ đề "Hà Nội phố" với nhiều loại chất liệu như sơn dầu, giấy dó..., nhưng một triển lãm tranh vải về chủ đề Hà Nội sẽ là lần đầu tiên. Mê đắm với những sắc vải và nhiều hoài cảm với Hà Nội, chắc chắn họa sĩ Trần Thanh Thục sẽ tạo ra một Hà Nội đặc biệt của riêng mình và chất chứa cả những ân tình sâu nặng.

Từ khóa » Họa Sĩ Vải