Họa Sĩ Goya - Trải Nghiệm Sống

1. Năm 1799, Vua Carlos IV phong FRANCISCO DE GOYA là Họa sĩ Hoàng gia Đệ nhất, nhưng khi đó vương triều Tây Ban Nha chẳng còn yên ổn được bao lâu. Năm 1807, Napoleon bảo Carlos cho 100.000 quân Pháp tiến vào TBN để xâm lược Bồ Đào Nha. Trong khi đó, Fernando, một vị Thái tử khá dở người và hoang tưởng, mưu toan soán ngôi vua cha. Vua Carlos hoảng sợ bèn thoái vị, nhưng sau lại đổi ý, nhờ Napoleon giúp đỡ giành lại vương quyền. Napoleon bảo cả nhà hãy đến Pháp gặp ông để ông giảng hòa cho. Vậy là tháng 4 năm 1808, cả nhà Bourbons khăn gói lên đường, đến nơi, Napoleon tống cả bọn vào tù, rồi trao vương miện TBN cho anh trai Joseph Bonaparte.

Ở TBN còn sót lại con trai út của vua Carlos, khi đó mới 13 tuổi. Napoleon bèn ra lệnh áp giải vị hoàng tử này sang Pháp. Sáng ngày 2/5/1808, lính Pháp trói hoàng tử đưa lên xe ngựa, người qua đường nhìn thấy đột nhiên nhận ra tình hình và dấy lên các cuộc nổi loạn khắp Madrid (Cuộc nổi dậy Dos de Mayo). Ngay hôm sau, phía Pháp tiến hành trấn áp, ra lệnh bắt những người nổi loạn đem đi xử tử hàng loạt. Vì TBN không có đủ quân lực để đối chọi quân Pháp, người dân bèn tổ chức vô số cuộc tấn công nhỏ tự phát nhằm phá rối và làm suy yếu quân đội Pháp. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “chiến tranh du kích” gọi là “guerrilla warfare”, chính là bắt nguồn từ đây.

Chiến tranh kéo dài suốt 6 năm sau đó. Chiến tranh Bán đảo giữa Napoleon và Gia tộc Bourbon diễn ra cùng lúc với Chiến tranh Độc lập TBN, dẫn đến giai đoạn đẫm máu nhất trong lịch sử TBN hiện đại, số người chết cao gấp đôi so với cuộc Nội chiến TBN. Sau chiến tranh, TBN rơi vào một kỷ nguyên đầy hỗn loạn xã hội, bất ổn chính trị và đình trệ kinh tế, gián tiếp dẫn đến sự độc lập cho hầu hết các nước thuộc địa của Tây Ban Nha ở Châu Mỹ.

2. Năm 1810, Goya được yêu cầu vẽ chân dung Joseph, vị vua Pháp mới cai trị TBN. Người dân TBN tuy không ưa vua cũ Carlos nhưng còn ghét Joseph hơn – họ gọi ông là “Pepe Bottelas” (gã say xỉn). Vì cần tiền nên Goya miễn cưỡng chấp nhận và đặt tên cho tác phẩm là “The Allegory of Madrid”. Viện cớ mình không có cơ hội được diện kiến nhà vua, Goya vẽ lại hình Joseph từ một bản in khắc và gói gọn Joseph trong một hình oval nhỏ, nằm lọt thỏm giữa các thiên thần bay lượn và một cô gái xinh đẹp tượng trưng cho thành phố Madrid.

Năm 1812, nhận thấy diễn biến bất lợi, Joseph buộc phải rời khỏi TBN. Vậy là Goya xóa hình Joseph, thay bằng chữ “Constitución” (Hiến pháp), để vinh danh Hiến pháp Cadiz năm 1812 – Hiến pháp đầu tiên của TBN, hứa hẹn các quyền tự do cơ bản cho người TBN và sau đó trở thành nền tảng cho chủ nghĩa tự do Châu Âu.

Nhưng rồi Joseph quay lại, vậy là Goya lại xóa chữ “Constitución”, vẽ lại hình Joseph. Nhưng năm 1813, Joseph rời khỏi TBN vĩnh viễn, vậy là chữ “Constitución” lại đè lên hình Joseph.

Năm 1814, Fernando được thả, quay về Madrid và ngay lập tức bãi bỏ Hiến pháp Cadiz. Vậy là Goya phải xóa chữ “Constitución”, thay bằng hình Fernando. Năm 1843, Fernando qua đời, con gái ông lên ngôi, trở thành Nữ vương Isabella II. Thấy người dân không có ký ức đẹp đẽ về vị vua cũ, Nữ vương bèn cho xóa hình Fernando, thay bằng dòng chữ “Libro de la Constitución”.

Năm 1872, vương quyền của Isabella II bị lật đổ, Thị trưởng Madrid đương thời nghiên cứu bức tranh để khôi phục về nguyên trạng ban đầu, nhưng đành bất lực. Vậy là ông đè lên tất cả những quân vương và hiến pháp, thay bằng dòng chữ “Dos de Mayo” (Ngày 2 tháng 5), để tưởng nhớ những con người bình dân đầu tiên đã cất lên tiếng nói phẫn uất và khởi nghĩa chống chính quyền xâm lược.

3. Trải qua vô số thay đổi, thân phận của bức tranh này có lẽ lại mang đúng “chất Goya”. Goya có lẽ là họa sĩ khó nắm bắt nhất trong lịch sử, không phải vì ông cố tình khác người theo kiểu tạo ra cái mới đánh bật cái cũ, hay tỏ ra siêu thực trừu tượng các kiểu, mà vì mỗi khi người ta muốn định nghĩa ông thì ông lại cho thấy một khía cạnh khác lạ với định nghĩa đó, như các hạt lượng tử có mặt hai nơi cùng lúc.

Ban đầu Goya là một họa sĩ Rococo – trường phái “bánh bèo” nhất trong hội họa. Sau khi trở thành họa sĩ cung đình, năm 1799 ông lại cho ra đời album bản in “Los Caprichos” châm biếm sâu cay về những khiếm khuyết của giới cầm quyền và những thói hư tật xấu trong xã hội – sự mê tín, giả dối, ngu dốt, ích kỷ v.v. Tất nhiên là không lâu sau đó, ông phải thu hồi các bản in này, vì chuyện đến tai Tòa án Dị giáo TBN.

Sau khi TBN rơi vào tay chính quyền Pháp, Goya nhận vẽ tranh cho các quý tộc và vua chúa Pháp. Tuy nhiên, ông vẫn thể hiện tình yêu nước qua những tác phẩm ca ngợi cốt cách người TBN và phơi trần hiện thực khốc liệt của chiến tranh, như series tranh khắc “The Disasters of War” (Thảm họa chiến tranh).

Sau khi Fernando khôi phục quyền lực, Goya tạo ra những tác phẩm ca ngợi sự dũng cảm kiên cường của người TBN, trong đó nổi tiếng nhất là bức “The Third of May 1808” (Ngày 3 tháng 5 năm 1808), khắc họa hình ảnh một người TBN dang tay tựa như Chúa Giê-su, nhìn thẳng vào nòng súng của quân Pháp. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng đối diện với hiện thực dữ dội của chiến tranh. Vua Fernando không ưng mắt, và bức tranh biến mất sau đó, đến tận năm 1872 mới được đem ra trưng bày.

Vua Fernado vẫn cho phép Goya vẽ tranh cho hoàng gia. Nhưng từ năm 1819-1823, ông lại vẽ series “Black Paintings”, trong đó nổi bật nhất là bức “Saturn Devouring His Son” (Saturn nuốt chửng con mình) – Goya đặt bức này ngay gần bàn ăn, tức ông vừa dùng bữa vừa nhìn nó. Series này ghê rợn và đen tối đến mức nhiều sử gia cho rằng Goya bị loạn thần, tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy Goya vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Có lẽ chỉ là ông chịu hết nổi sự tàn ác của chiến tranh và sự điên rồ của thế giới loài người.

Năm 1824, ông chuyển hẳn sang Pháp ở, dù không biết một chữ tiếng Pháp (ông chả ngại gì vì đã điếc sẵn), 4 năm sau ông mất ở tuổi 82.

Đến tận bây giờ, người ta cũng không thật sự biết nên phân loại Goya thế nào. Họa sĩ Rococo phởn phơ bánh bèo? Họa sĩ hoàng gia chiều lòng vua chúa? Họa sĩ yêu nước, tôn vinh vẻ đẹp bình dị của người dân? Họa sĩ châm biếm chua chát của “Los Caprichos”? Họa sĩ nhục thể của “Maja khỏa thân”? Họa sĩ hiện thực tàn bạo của “Ngày 3 tháng 5”? Họa sĩ viễn tưởng đen tối của “Saturn nuốt chửng con mình”? Trong các bảo tàng, tranh Goya treo lơ lửng bất an giữa những bức phong cảnh/tĩnh vật hiền lành yên ả khác.

–Phan Lặng Yên–

Post Views: 256

Từ khóa » Họa Sĩ Goya