Hoa Thiên Lý | Cây Cảnh - Hoa Cảnh - Bonsai - Hòn Non Bộ
Có thể bạn quan tâm
Cây hoa Thiên lý có thân dài 1–10 m, màu lục ánh vàng, khi non có lông tơ, những đoạn thân của năm trước màu xám nhạt, không lông, thông thường có các mấu xốp nhỏ thưa thớt. Cuống lá 1,5–5 cm; phiến lá hình trứng, 4-12 × 3–10 cm, phần gốc lá hình tim với các lõm gian thùy hẹp, nhọn mũi; các gân lá chính 3, gân phụ tới 6 cặp.Xim hoa kiểu tán (mọc thành chùm), chứa 15-30 hoa; cuống hoa 0,5-1,5 cm, có lông măng. Các lá đài hình mũi mác thuôn dài, có lông măng. Tràng hoa màu xanh lục ánh vàng; ống tràng 6-10 × 4–6 mm, có lông măng bên ngoài, nhiều lông hoặc nhẵn nhụi với phần họng nhiều lông mé trong; các thùy thuôn dài, 6-12 × 3–6 mm, có lông rung. Các thùy của tràng hoa hơi dày, phần gốc hình trứng, nhọn đỉnh, thông thường có khía hay xẻ thùy sâu. Các khối phấn thuôn dài hay dạng thận. Núm nhụy hình đầu. Các quả đại hình mũi mác, 7-13 × 2-3,5 cm, nhẵn nhụi, hơi tù 4 góc. Các hạt hình trứng rộng bản, khoảng 1 × 1 cm, phẳng, cụt đỉnh, mép có màng; mào lông 3–4 cm. Ra hoa trong khoảng từ tháng 5 tới tháng 10, kết quả trong khoảng tháng 10-12.
Hoa thiên lý rất thơm, chứa tinh dầu. Chúng được sử dụng để nấu ăn và trong y học để điều trị viêm màng kết.Tại Việt Nam cây hoa thiên lý được trồng trong vườn để leo thành giàn tạo bóng mát, hưởng hương thơm và nhất là để lấy hoa lẫn lá non nấu ăn. Phổ thông nhất là nấu canh. Vì khá phổ biến ở miền Bắc Việt Nam nên thiên lý còn có tên tiếng Anh là "Tonkin creeper".Trên đảo Hawaii thiên lý có tên là "pakalana" được người dân chuộng vì có hương thơm kết dùng thành tràng hoa đeo cổ, thổ ngữ gọi là "lei".
Do cây thân leo chằng chịt nên có tên thiên lý (ngàn dặm). Có người lại cho rằng mùi thơm của hoa đưa xa ngào ngạt nên đặt tên thiên lý. Hoa thiên lý ra thành chùm ở nách lá, màu hoa xanh lục nhạt và vàng, có mùi rất thơm về ban đêm và sáng sớm.
Cây leo bằng thân không có tua cuốn, lá và hoa ăn được, ăn hoa và lá thiên lý ngon thơm, giúp ngủ tốt. Canh cua đồng nấu bánh đa song, một món ăn dân dã không thể thiếu hoa thiên lý.Hoa thiên lý còn được dùng bày ra cúng.Hoa thiên lý nở vào mùa hè. Mùa đông cây rụng lá và chết các cành nhỏ.Có hai giống thiên lý. Giống cây lá và hoa to thơm hơn giống lá và cây nhỏ, đầu cánh hoa tròn. Hoa nở hình sao, cây hoa thiên lý ưa ánh sáng và đất ẩm, tốt, không đòi hỏi chăm sóc nhiều và phải có thân leo hoặc ít ra là cho leo lên các cây lớn hoặc cây bụi.
Hoa thiên lý thường được làm dàn cho leo trước cửa nhà, sân hay leo trên ban công. Từ tháng 10 âm lịch trở đi, thiên lý ngừng cho hoa và bắt đầu rụng lá. Các cành nhỏ dàn bị chết khô, tới tháng 2 – 3 thiên lý nảy chồi. Đầu tháng 4 thì cho hoa trở lại. Hằng năm, sau khi cây rụng lá thì nếu cây còn nhỏ chưa leo kín dàn cần cắt bỏ gần sát gốc. Cây đã có tuổi, 2 – 3 năm phải cắt sát gốc tới đất, cây sẽ lên thân mập và sống lâu. Kết hợp là bồi thêm đất tốt vào gốc.Trồng thiên lý bằng cành, cắt các đoạn thân to bằng chiếc bút chì hoặc ngón tay dái 30 – 35cm đem giâm vào mùa xuân. Cũng có thể cắt một đoạn thân dài 1 – 2m cuốn lại thành vòng rồi trồng như trồng sắn dây.Hoa thiên lý.Một số bài thuốc từ Hoa thiên lý1. Chữa trĩ ngoại: Lá thiên lý (chọn lá non) 100g, muối ăn 5g. Lá thiên lý rửa sạch, giã nhỏ với muối, thêm chừng 30ml nước cất, lọc qua vải gạc. Dùng nước này tẩm vào bông, đắp lên chỗ lòi dom (sau khi đã rửa sạch bằng thuốc tím); sau đó băng lại như đóng khố. Ngày làm 1-2 lần, thường sau 3-4 ngày thì khỏi.2. Chữa sa dạ con: Cũng là như trên, thường cho kết quả sau 3-4 ngày. Tại bệnh viện Thái Bình, trong số 9 bệnh nhân sa dạ con được điều trị bằng phương pháp này, có 8 người khỏi bệnh.3. Chữa mất ngủ: hoa thiên lý 30g, hoa nhài 10g, tâm sen 15g. Sắc lấy nước uống trong ngày, cần uống liền 3-5 ngày.4. Để có giấc ngủ ngon: dùng hoa thiên lý nấu canh với thịt nạc hoặc với cá diếc, ăn ngày một lần trong vài ngày liền.5. Chữa mất ngủ thường xuyên: hoa thiên lý nấu canh cùng lá vông nem, mỗi vị chừng 30-50g, rửa sạch thái nhỏ nấu chung thành canh, nêm đủ mắm muối, bột nêm cần ăn trong 4-7 ngày.6. Chữa giun kim: lấy lá hay hoa thiên lý chừng 40 - 50g nấu canh ăn hàng ngày, cần ăn từ 7 ngày trở lên sẽ khỏi. Hoặc dùng hoa thiên lý 30g, rau sam 20g, lá đinh lăng 25g. Sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày, cần dùng trong 3 ngày liền.7. Chữa đau mình, xương cốt: hàng ngày lấy hoa thiên lý xào với thịt bò ăn hoặc chấm với muối vừng ăn sẽ hiệu nghiệm.8. Chữa đinh nhọt: lấy lá cây thiên lý khoảng 30 - 50g giã nát đắp vào nơi mụn nhọt ngày 1 lần, vài ngày sẽ khỏi.9. Chữa tiểu buốt, tiểu dắt, cặn trắng: lấy rễ cây thiên lý 10 - 20g, sắc lấy nước uống chia 2 - 3 lần/ngày, chỉ 5 - 7 ngày sẽ đỡ hẳn.Ngoài ra, thân, rễ, lá của thiên lý cũng có những tác dụng chữa bệnh rất tốt.- Rễ: Có tác dụng chữa đái buốt, nước tiểu lẫn máu hoặc có cặn trắng, dùng 12-20g/ngày dưới dạng thuốc sắc.- Lá: Có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, kích thích mọc da non, thường dùng để đắp lên mụn nhọt, những vết loét, chữa trĩ ngoại (lòi dom) và sa dạ con, liều dùng 12-20g/ngày. Tại Thái Lan, cả hoa và lá cây thiên lý được dùng để chữa viêm kết mạc cấp và mạn, viêm kết mạc do lên sởi, mắt mờ không nhìn rõ do màng mộng. Chuyện kể về hoa thiên lýNgày xưa, xưa xưa, có một chàng trai thổi sáo rất hay. Hay đến mức, một con rắn lục mê tiếng sáo của chàng, đã quyết tâm tu luyện cho thành người để giành chàng làm chồng, mặc dù chàng đã có vợ. Lần ấy, sau một chuyến mang cây sáo trúc đi thổi thi và đoạt được giải nhất trở về, vừa đến đầu làng, chàng trai đã thấy người vợ trẻ vừa xinh, vừa hiền của mình ra đón. Chàng vui lắm, đâu biết đấy chính là con rắn lục đã biến thành người và đã giả dông giống y hệt vợ chàng từ vẻ mặt, lời nói đến dáng đứng, dáng đi... Về đến nhà, chàng trai bỗng rụng rời thấy một người vợ thứ hai bước ra... Chàng trai không còn biết ai là vợ thật của mình nữa. Hai người đàn bà trẻ giống nhau còn hơn cả hai giọt nước. Chàng liền tìm đến một ông cụ nổi tiếng là tài giỏi trong việc tìm ra chuyện phải trái ở trên đời, để nhờ giúp đỡ. Nghe chàng nói rõ ngọn ngành, ông cụ nhận lời ngay và cho gọi hai người đàn bà trẻ đến.Cụ già lấy vải đen bịt mắt cả hai lại rồi đưa cho hai người ba cái áo có mùi mồ hôi của ba người đàn ông khác nhau và dặn:Cứ ngửi đi và cái nào là của chồng thì gật đầu, không phải thì lắc đầu! Cô vợ thật được ngửi trước. Cô vợ giả ngửi sau. Mắt cô vợ giả vốn là mắt rắn nên có thể nhìn xuyên qua vải đen. Vì vậy cô ta liếc nhìn người vợ thật, thấy cô này lắc đầu thì cũng lắc đầu, thấy gật đầu thì cũng gật theo. Thế là cả hai đều đã ngửi đúng được mùi áo của người chồng có tài thổi sáo. Ông cụ liền cho mang đến ba bát canh, một bát có vị gừng, một bát có vị hành và một bát có vị lá hẹ. ông cụ dặn:Thứ canh nào chồng thích ăn thì gật đầu, thứ nào chồng không thích thì lắc đầu. Sự việc lại diễn ra như lần thử trước. Thấy người vợ thật gật đầu khi nếm bát canh nấu với gừng, cô vợ giả cũng gật đầu theo. ông cụ cho cả hai cùng về, để cụ suy nghĩ thêm. Hôm sau, cụ lại cho mời hai người đến. Cụ để hai người đứng ở hai nơi, không trông thấy nhau nhưng cùng nhìn ra một con đường ở phía trước mặt, cách chỗ đứng khá xa.Ta sẽ cho ba chàng trai đi ngang qua đường. Nhận ra ai là chồng mình thì cứ vẫy gọi. Ai gọi đúng chàng thổi sáo tài giỏi thì người đó là vợ thật, ai gọi sai là vợ giả và sẽ phải chịu tội với dân làng. Cô vợ giả lúc đầu lo lắm. Nhưng sau cô ta đã nghĩ ra được một lối thoát. Cô ta định bụng khi nào nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng sẽ gọi ngay theo. Một người trai trẻ đi qua. Rồi hai người. Cô vợ giả không nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng im lặng theo. Cô ta mừng lắm. Như thế thì người còn lại đúng là chàng trai thổi sáo tài giỏi. Vì vậy khi chàng trai thứ ba vừa xuất hiện thì cô vợ giả đã vẫy tay và gọi to:Anh ơi! Em ở đằng này này! Trong lúc người vợ thật vẫn đứng im. Vì đó vẫn chưa phải là chồng cô. Cụ già liền dẫn chàng trai thứ ba đến trước cô vợ giả và nói:Như vậy, cô đã tự nhận cô là kẻ manh tâm đi cướp đoạt chồng của người khác. Chàng trai này đâu phải là người mà cô đã nhận là chồng cô. Rồi cụ lại cho gọi cô vợ thật đến và hỏi:Trong ba chàng trai, không có ai là chồng cô sao?Thưa cụ, nếu là chồng cháu thì dẫu ở xa trăm dặm, ngàn dặm, cháu cũng nhìn ra! Cụ già liền cho ba chàng trai khác tiếp tục đi qua đường. Đến người thứ năm thì người vợ thật kêu to lên mừng rỡ:Anh ơi! anh ơi! Đúng đó là chàng trai thổi sáo tài giỏi. Sự việc đã rõ ràng. Cụ già liền theo lệ của làng, nọc cô vợ giả ra đánh một trăm roi. Nhưng chỉ đánh được chục roi thì đau quá, cô vợ giả đã hiện nguyên hình con rắn lục và bò nhanh vào bụi cây trốn mất. Hai vợ chồng chàng thổi sáo vui mừng lạy tạ ông cụ. ông cụ tươi cười bảo:Tìm ra được kẻ gian cho đời là lão vui rồi. Bây giờ lão chỉ muốn được nghe điệu sáo hay nhất của ônh thôi! Chàng trai liền rút cây sáo trúc luôn giắt ở bên mình ra thổi. Tiếng sáo của chàng nghe réo rắt như tiếng chim, của trời, của sông, của nước nhưng nổi lên rõ hơn cả là tiếng của con người vui mừng được sống trong lẽ phải và tình thương. ai nghe cũng ngơ ngẩn say mê... Hai vợ chồng sau đó liền kéo nhau trở về nhà. Họ sống bên nhau đầm ấm vui vẻ. Hai vợ chồng cùng làm ruộng. Lúc rảnh chồng lại đem sáo ra thổi cho vợ và hàng xóm cùng nghe. Ngày hội, ngày Tết, tiếng sáo của chàng càng làm cho mọi người thêm yêu đời và quý mến nhau. Một buổi chiều, người vợ đang gội đầu, người chồng đang thổi sáo thì bỗng có con chim gì thả rơi ở bên chân người vợ một chùm hoa màu xanh phớt vàng có mùi thơm thoang thoảng. Đêm đến mùi hoa càng thơm hơn. Người vợ liền bảo chồng đặt bông hoa bên cạnh cửa sổ để có gió, hương hoa càng bay thơm khắp nhà.Sáng hôm sau, thức dậy, cả hai vợ chồng đều lạ lùng thấy bông hoa đã kết liền vào một loại dây leo mọc ở cạnh cửa sổ. Và sau đó, không phải chỉ có một chùm hoa, mà rất nhiều chùm hoa khác lại nở tiếp theo. Hoa màu xanh phớt vàng hình giống như ông sao năm cánh, hương thơm dịu ngọt. Loại hoa ấy ngày nay ta gọi là hoa thiên lý. Vì sao lại có cái tên ấy? Các cụ xưa giải nghĩa: Vì tên cô vợ thật là Lý. Còn thiên lý là vì ông cụ có tài tìm ra mọi việc phải trái, đã dựa vào câu trả lời của cô vợ thật mà đặt tên mới cho cô và trêu cô:Tên cô từ nay không phải là Lý mà là Thiên Lý. Thiên Lý nghĩa là nghìn dặm, nghìn dặm mà vẫn nhận ra được chồng mình...! Các cụ còn nói thêm: Cô vợ giả, tuy đã trở lại kiếp rắn lục nhưng vẫn giữ trong lòng mình mối hận đối với cô vợ thật... Vì vậy ai yêu hoa Thiên Lý, rắn lục không thích đâu. Rắn lục thường bò nấp vào các dây hoa Thiên Lý để mổ cắn những ai thích ngắm hoa Thiên Lý, yêu mùi hương Thiên Lý. Nhưng cho đến nay càng ngày mọi người càng quý càng yêu loại hoa có mùi hương rất dung dị và mộc mạc này.
(BlogCayCanh.vn)
Từ khóa » Cây Hoa Thiên Lý Tiếng Anh Là Gì
-
Hoa Thiên Lý Tiếng Anh Là Gì? - Chiêm Bao 69
-
Hoa Thiên Lý - RAU RỪNG VIỆT NAM
-
Bông Thiên Lý Tiếng Anh Là Gì
-
Thiên Lý – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bông Thiên Lý Tiếng Anh Là Gì - Sức Khỏe Làm đẹp
-
Hoa Thiên Lý Tiếng Anh Là Gì?
-
Hoa Thiên Lý Là Gì? Cùng Tìm Hiểu ý Nghĩa Và Phong Thủy - Cây Xanh
-
TỪ VỰNG VỀ CÁC LOÀI HOA TRONG... - 30 Phút Tiếng Anh Mỗi ...
-
Hoa Thiên Lý Tiếng Anh Là Gì? - Thái Bình
-
Hoa Thiên Lý Tiếng Anh Là Gì?
-
Hoa Thiên Lý Tiếng Anh Là Gì? - Chiêm Bao 69
-
File:2016-02-04 Hoa Thien Ly (Telosma Cordata) Anagoria.JPG