Hoài Thanh Với “Thi Nhân Việt Nam”

  • Trang chủ
  • Sự kiện và nhân chứng
  • Tiếng Trung
  • Tiếng Anh
  • Tiếng Lào
  • Tiếng Khmer
  • Đọc Báo In
  • Trang chủ
  • Phóng sự - Điều tra
  • Chân dung người lính
  • Chuyên đề
  • Phỏng vấn - Trao đổi
  • Kinh tế - Xã hội
  • Văn hóa - Xã hội
  • Văn học - Nghệ thuật
  • Thể thao
  • Hồ sơ - Tư liệu
  • Quốc tế
Tòa soạn: Số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội - Điện thoại: (84-24) 3747 4913 - E-mail: baoqdndct@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: (84) 3747 3757
  • Phóng sự - Điều tra
  • Chân dung người lính
  • Chuyên đề
  • Phỏng vấn - Trao đổi
  • Kinh tế - Xã hội
  • Văn hóa - Xã hội
  • Văn học - Nghệ thuật
  • Thể thao
  • Hồ sơ - Tư liệu
  • Quốc tế
Thứ bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2024 Tel: (84 - 24) 3747 1748 / 3747 1029 - Fax: (84 - 24) 3747 4913 - E-mail: baoqdndct@gmail.com Hồ sơ - Tư liệu QĐCT - Thứ Bảy, 16/03/2022, 15:00 (GMT+7) print Kỷ niệm 90 năm phong trào Thơ mới (1932-2022) và 40 năm Ngày mất Hoài Thanh (14-3-1982 / 14-3-2022) Hoài Thanh với “Thi nhân Việt Nam”

Suốt 50 năm hoạt động nghề nghiệp, đối với Hoài Thanh, đó là cả một cuộc kiếm tìm-tìm cái đẹp của văn chương và đến được với cái đẹp đó; đến được và truyền lại cho nhiều thế hệ bạn đọc những vẻ đẹp mà không dễ ai cũng tìm được và nói được như ông...

Kỳ nữ Hồ Xuân Hương - đời và thơ

Sức chứa và sức mở trong văn Nam Cao

Giáo sư Từ Giấy và "Vui Sống"

Giá trị của "Thi nhân Việt Nam" và gắn với nó là “số phận” của phong trào Thơ mới là câu chuyện chìm nổi trong gần nửa thế kỷ, nếu tính từ năm 1942 (năm ấn hành "Thi nhân Việt Nam") đến năm 1982 (là năm Hoài Thanh qua đời). Điều thật sự quan trọng và có chút dư vị cảm động là sự "sống lại" của Thơ mới và "Thi nhân Việt Nam" từ nửa sau thập niên 1980, dưới tác động của sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Theo cách nói của Hoài Thanh sau này, Thơ mới là chỗ cho không ít người say mê và trốn lánh. Chính vì có cái để say mê và để trốn lánh nên Thơ mới đã khiến Hoài Thanh đắm đuối hơn 10 năm tuổi thanh niên của đời mình. Cũng do thế mà có "Thi nhân Việt Nam" như một bằng chứng về vẻ đẹp và sự say người của văn chương Việt, của tâm hồn Việt, của tiếng Việt, trong đó có vẻ đẹp của chính lời bình. Tôi nói giá trị của lời bình, của cách phê bình kiểu Hoài Thanh, bởi lẽ bằng những cảm nhận tinh tế, ông đã nâng phê bình lên bình diện nghệ thuật-cả nghệ thuật phê bình và phê bình nghệ thuật.

leftcenterrightdel
Nhà phê bình Hoài Thanh.  Ảnh tư liệu

 

Có một lý do để sau này, chính vì nó mà Hoài Thanh cương quyết phủ định-phủ định Thơ mới và "Thi nhân Việt Nam". Đó là sự quyến rũ con người trốn lánh, thoát ly, quay lưng với cách mạng. Chính qua thể nghiệm của bản thân mà ông thấy điều này nên sự phủ định ở ông rất quyết liệt.

Nhưng sao Thơ mới lại được yêu mê say đắm cả một thời dài, không chỉ giới hạn trong 10 năm tuổi thọ của phong trào? Quay lưng với cách mạng là đáng phê phán, nhưng quay lưng với hiện thực của xã hội thuộc địa mà không thỏa hiệp với nó, mà không tô điểm cho nó thì cũng được chứ sao! Mặt khác, trong cuộc đời cũ, đâu phải ai cũng có can đảm hoặc có hoàn cảnh đi làm cách mạng. Số đông, số rất đông vẫn phải sống cái đời sống bình thường của họ, với những nhu cầu trần thế khác. Bỏ quên đi những nhu cầu bình thường của con người, nhất là khi xã hội đang vào một cuộc chuyển động cho sự giải phóng cá nhân, với những đòi hỏi của cái riêng, của sự thành thật, của những vui buồn, những ước ao, những đam mê, những khát vọng và thất vọng... thì cũng là không phải lẽ. Cả thế giới những vui buồn, khao khát này của con người rõ ràng đã tìm được sự trú ngụ trong Thơ mới. Hiện tượng này nếu không nói là tích cực thì cũng không hoàn toàn là tiêu cực. Chính vì lẽ đó nên suốt 40 năm sau cách mạng, tuy bị phê phán và có lúc bị dồn đuổi rất gắt, Thơ mới vẫn cứ sống trong tầng sâu những nỗi niềm của con người, mặc dầu cuộc sống đã đổi khác và mặc dầu công chúng đã chuyển sang những thế hệ khác. Là nơi để say và để trốn-nếu vì yêu cầu cao nhất của cách mạng mà Thơ mới phải chịu sự phê phán thì là điều hiểu được. Nhưng trong khi quyết liệt phê phán, Hoài Thanh đã gạt luôn tất cả những gì còn lại, hoặc những gì lẽ ra có thể thông cảm, chấp nhận trên quan điểm lịch sử và trên sự nhìn nhận toàn diện các nhu cầu phổ quát của con người, thì lại là thái quá. Phần tôi, trong nhiều năm về sau (nói cho đúng cũng phải đến thập niên 1980), tôi cứ nghiền ngẫm mãi, không hiểu sao một người tinh tế là thế, am hiểu con người và thấu cận nhân tình là thế lại có thể hạ những lời phán quyết nặng nề đến vậy: “Những câu thơ buồn nản hay thơ mộng vẩn vơ cũng đều là đồng minh của giặc” (trích "Nói chuyện thơ kháng chiến"; năm 1951)... Có dễ vì thế mà suốt hơn 30 năm, tính từ sau năm 1945 đến 1975, nền thơ ca chính thống của ta rất hiếm có hoặc không có lấy một bài buồn-cái buồn riêng của cá nhân! Điều ấy vô lẽ là một chuyện tự nhiên? Có thể hiểu Hoài Thanh quyết liệt với nó-Thơ mới và "Thi nhân Việt Nam"-cũng tức là quyết liệt với mình, trong một quyết tâm dứt bỏ quá khứ. Cũng tức là nhận thức rất triệt để về trách nhiệm công dân trong cả một cuộc đời gắn với một bối cảnh rất quyết liệt của đấu tranh cách mạng, bao gồm cuộc chiến đấu giữa địch-ta hơn 30 năm; giữa hai con đường tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa; giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể diễn ra cũng chừng ấy năm. Cuộc chiến đó là không ngơi nghỉ và không phai nhạt chút nào cho đến khi ông mất-tôi nhớ bối cảnh căng thẳng những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 trong đời sống chính trị và văn học, với cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới và với những chuyển động chuẩn bị cho công cuộc đổi mới, khi ông đã về hưu ở TP Hồ Chí Minh. Có thể nói mà không phân vân: Hoài Thanh đã chân thành và trung thực đến cùng trong yêu mê và say Thơ mới; và ông cũng đã chân thành và trung thực đến cùng trong phủ định Thơ mới và "Thi nhân Việt Nam", khi đã nhận ra một chân lý nào đó. Có điều, chân lý ông tìm ra có khớp được với chân lý khách quan của cuộc sống hay không, lại là chuyện khác. Ông đã bị thời đại quy định nghiệt ngã, cũng như tất cả chúng ta, cũng như rộng ra khỏi chúng ta. Tôi nghĩ ở đây có khía cạnh nào đó là bi kịch của người trí thức trong phong ba của thời đại, nằm trong bi kịch của thời đại-những bi kịch dưới các dạng khác nhau. Một nỗi đau đã “hành” ông, nỗi đau của sự dứt bỏ những gì mình từng yêu, từng say mê, đau đớn lắm, nhưng cứ phải cắn răng, phải “bôi vôi” mà rứt bỏ. Nhưng lẽ đời dường như là vậy: Khi phải cần đến sự nhắc nhấn, sự trở đi trở lại nhiều lần, hẳn có cái gì không yên cả bên trong và bên ngoài? Và bi kịch đó vẫn còn tiếp tục vì ông đã không sống tiếp được dăm năm nữa cho đến công cuộc đổi mới, để thấy Thơ mới và "Thi nhân Việt Nam" "sống lại" trong đời sống tinh thần của con người.

leftcenterrightdel

Cuốn sách "Thi nhân Việt Nam" của Nhà xuất bản Văn học, ấn hành năm 2012. 

Ngày trước, năm 1942, đi tìm đề từ (để in lên đầu sách) "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh chọn một câu thơ Kiều: "Của tin gọi một chút này làm ghi". Bây giờ, kể từ sau thập niên 1980, nếu cho tôi được phép chọn đề từ thích hợp cho "Thi nhân Việt Nam", tôi sẽ chọn hai câu Kiều: "Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa". Nàng Kiều của Nguyễn Du phải 15 năm lưu lạc, còn "Thi nhân Việt Nam"... thì ngót nghét 50 năm. Sự đón nhận của các tầng lớp bạn đọc kể từ sau sự nghiệp đổi mới đến nay, đối với "Thi nhân Việt Nam" là rất có ý nghĩa. Một điều gì tưởng rất tự nhiên mà hóa ra trái tự nhiên diễn ra suốt gần 40 năm qua trong tình cảm của Hoài Thanh; để rồi thời gian sẽ uốn nắn cho sự vật trở về với lẽ tự nhiên của nó mà ông không được chứng kiến. Tôi nghĩ bi kịch là ở đó. Và sự giải tỏa cũng là ở đó. Những cuộc tìm kiếm đã diễn ra suốt 40 năm, tưởng đã tìm thấy, tưởng chỉ cần trung thành và yên chí với nó, nhưng hóa ra mới chỉ là một chặng và chưa phải hoàn toàn là như thế. Cùng với bi kịch còn là mâu thuẫn. Hoài Thanh đã cương quyết phủ nhận "Thi nhân Việt Nam", từ năm 1951, khi viết "Nói chuyện thơ kháng chiến"; khẳng định lại sự phê phán đó ở hai bài viết năm 1960 và 1964; tiếp tục trở lại sự phê phán đó, năm 1977. Nhưng trước khi mất, năm 1982, trong tâm sự với người con trưởng là Từ Sơn, ông thổ lộ: “...Cha biết văn chương của cha cũng vầy vậy thôi. Nếu không có cuốn "Thi nhân Việt Nam" thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn” (theo "Thi nhân Việt Nam"; bản in của Nhà xuất bản Văn học, H; 1989, tr.398). Vậy là ông có mâu thuẫn với mình không? Hay ông đã nhận ra và chấp nhận sự lựa chọn của lịch sử? Vậy là dẫu nghiêm khắc và khắt khe với mình, thời gian và công chúng đã giúp ông tự giải tỏa. Tôi nghĩ đến dòng ghi trên bia mộ ông hôm nay: “Hoài Thanh-tác giả “Thi nhân Việt Nam”. Rồi người đời sẽ quên dần và quên hết các chức tước, các trọng trách mà ông giữ, để chỉ còn và còn mãi mãi tác giả "Thi nhân Việt Nam". Suốt 50 năm hoạt động nghề nghiệp, đối với Hoài Thanh, đó là cả một cuộc kiếm tìm-tìm cái đẹp của văn chương và đến được với cái đẹp đó; đến được và truyền lại cho nhiều thế hệ bạn đọc những vẻ đẹp mà không dễ ai cũng tìm được và nói được như ông. Là con người luôn có ý thức gắn văn chương với cuộc đời trong cả chiều thuận và chiều nghịch của nó, lấy văn chương làm lối thoát cho cuộc đời, rồi vì cuộc đời mà sung sướng hay đau khổ với văn chương. Tóm lại, có lẽ ít ai sống mặn mà và đau khổ như thế với văn chương, đối với ông, nó là hiện thân của hồn cốt và tinh hoa dân tộc. Văn chương, đối với Hoài Thanh, bất luận nó là sáng tạo hay phẩm bình, đó không chỉ nghề mà còn là nghiệp. Đã đến, là hao mòn về nó, khổ đau vì nó và hết mình với nó. Tây Hồ, tháng 2-2022

 Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên (1909-1982), quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có tham gia phong trào chống Pháp của Phan Bội Châu và các phong trào yêu nước của học sinh; tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ông từng là giảng viên đại học ở Hà Nội, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, nguyên Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học; nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; nguyên Ủy viên Đảng đoàn Văn nghệ, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ...

Đồng tác giả cuốn "Thi nhân Việt Nam" với Hoài Thanh là Hoài Chân, tên thật là Nguyễn Đức Phiên, sinh năm 1914, em ruột của Hoài Thanh. Ông từng tham gia Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; viết báo, làm nhà in; nguyên Chủ nhiệm Báo Quyết chiến; nguyên Phó giám đốc kiêm Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học; nguyên Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hóa (mới)... (Nguồn: Hoài Thanh - Hoài Chân: "Thi nhân Việt Nam", Nhà xuất bản Văn học, 2012)

 

 

GS PHONG LÊ

Tag(s): qdndHoài ThanhThi nhân Việt Namphong trào Thơ mới -->

Thông báo

Bạn đã gửi bình luận thành công.Bình luận của bạn sẽ được quản trị duyệt trước khi hiển thị! Đóng

Thông báo

Bình luận của bạn chưa được gửi đi. Vui lòng thử lại! Đóng Ý kiến của bạn Hiển thị: Nội dung Họ và tên Email Nội dung Mã bảo mật capchaGenerate New Image

Type the code from the image

GỬI TÒA SOẠN Tin tức liên quan
  • Viết để tri ân cuộc đời - (20/11/2024 10:00)
  • Người lính bên bến đò lịch sử - (17/11/2024 23:02)
  • Rạng danh công trạng - (10/11/2024 11:00)
  • Dấu ấn nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu - (31/10/2024 08:30)
  • Nhà thơ Tô Nhuần - một phác thảo gần - (23/10/2024 09:00)
  • Giáo sư luôn đau đáu với ngữ âm tiếng Việt - (16/10/2024 15:00)
Tiêu điểm“Telemor đã tạo ra những khác biệt!”    “Telemor đã tạo ra những khác biệt!” Đi xe máy 700km thăm chồngĐi xe máy 700km thăm chồngMối tình "bông huệ trắng"Mối tình "bông huệ trắng"Hoa sen sẽ là quốc hoa của Việt Nam?Hoa sen sẽ là quốc hoa của Việt Nam?Tính cộng đồng của người ViệtTính cộng đồng của người ViệtNgười anh hùng tuổi 96Người anh hùng tuổi 96Thương mến vùng MườngThương mến vùng Mường © 2015 Bản quyền thuộc Báo Quân đội nhân dân Tổng biên tập: Thiếu tướng ĐOÀN XUÂN BỘ Các Phó tổng biên tập: Đại tá NGÔ ANH THU,  Đại tá TRẦN ANH TUẤN, Đại tá LÊ NGỌC LONG (Phụ trách nội dung) Đại tá NGUYỄN HỒNG HẢI, Trưởng Phòng Biên tập Báo QĐND Cuối tuần: Thượng tá Lại Nguyên Thắng Giấy phép mở chuyên trang số: 47/GP-CBC ngày 10-6-2021 Toà soạn: Số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội Điện thoại: (84 - 24) 3733 3598 Fax : (84 - 24) 3747 4913 E-mail : baoqdndct@gmail.com      go top

Từ khóa » Hoài Thanh Thi Nhân Việt Nam