Hoàng Bá - Hello Bacsi

Tên thường gọi: Hoàng bá

Tên gọi khác: Hoàng nghiệt, quan hoàng bá

Tên nước ngoài: Amur cork tree

Tên khoa học: Phellodendron amurense Rupr.

Họ: Cam (Rutaceae)

Tổng quan về dược liệu hoàng bá

Tìm hiểu chung về hoàng bá

Hoàng bá là một cây gỗ to, sống lâu năm, cao 10–17m hoặc hơn. Vỏ thân dày, mặt ngoài sần sùi, màu xám đến nâu xám, mặt trong màu vàng. Cành non có màu nâu tím.

Lá kép mọc đối, hình trứng thuôn dài hoặc hình bầu dục, đầu thuôn nhọn, mép nguyên. Mặt trên lá màu lục sẫm, có lông ở gân giữa, mặt dưới nhạt, nhiều lông hơn và phân bố đều.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành thành chùy dài 5–8cm, màu vàng lục hay vàng nhạt. Quả thịt hình cầu, khi chín có màu tím đến, chứa 2–5 hạt cứng.

Mùa hoa vào tháng 5–7 và mùa quả khoảng tháng 10–12.

Cây thường dễ nhầm lẫn với núc nác. Thực tế, người dân vẫn dùng vỏ cây núc nác (Oroxylum indicum (L.) Vent.) thay cho vỏ hoàng bá với tên gọi là hoàng bá nam.

Bộ phận dùng của hoàng bá

Để làm thuốc, người ta sử dụng vỏ thân hoặc vỏ cành của cây, thu hoạch vào tháng 3–6, cạo bỏ lớp bần rồi đem phơi hay sấy khô. Khi dùng thì rửa sạch, ủ mềm rồi chế biến sao tẩm như sau:

  • Hoàng bá phiến: Đem dược liệu đi ủ mềm, thái phiến chéo, rộng 3–5mm, dài 5cm.
  • Hoàng bá sao: Cho hoàng bá phiến vào nồi, sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng đậm hoặc đun nồi nóng già (120ºC), đổ dược liệu vào, đảo đều, sao đến khi có màu vàng đậm.
  • Hoàng bá than: Cho hoàng bá phiến vào nồi, sao đến khi toàn bộ lớp bên ngoài dược liệu đen đều. Để nguội, phun ít nước để trừ hỏa độc.
  • Hoàng bá tẩm rượu: Hoàng bá 10kg, rượu 2kg. Tất cả trộn đều, ủ trong 30 phút cho ngấm rồi dùng lửa nhỏ sao đến khô. Một cách khác là sao hoàng bá phiến tới nóng già rồi vẩy rượu vào trộn đều, sao lửa nhỏ cho khô.
  • Hoàng bá tẩm muối: Hoàng bá 10kg, muối ăn 100g. Dùng nước pha muối để có một lượng vừa đủ trộn đều với hoàng bá. Sau khi để 30 phút cho nước muối ngấm đều, dùng lửa nhỏ sao đến khô. Ngược lại, bạn cũng có thể sao hoàng bá phiến đến nóng già rồi vẩy nước muối vào trộn đều, sao khô.

Thành phần hóa học trong hoàng bá

Thành phần chủ yếu trong vỏ hoàng bá là các alkaloid như berberin, palmatin, jatrorrhizin, phellodendrin, magnoflorin, candicin.

Ngoài ra, còn có obacunon, obaculacton, limonin, các hợp chất phenolic… Trong lá cây có phelamurin, amurensin, các chất flavon như phelodendrosid với aglycon pphelamuretin, hyperin…

Quả có chứa các limonoid, kihadalacton A và B cùng với 7 turucalan triterpenoid. Tinh dầu quả chứa myreen và geraniol.

Tác dụng, công dụng của hoàng bá

Dược liệu hoàng bá có những công dụng gì?

Các nghiên cứu về tác dụng dược lý của hoàng bá cho thấy vị thuốc này có thể:

  • Kháng khuẩn với nhiều vi khuẩn gram dương và gram âm.
  • Kháng nấm, ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.
  • Kháng roi trùng nhưng không mạnh lắm.
  • Hạ huyết áp (thử nghiệm trên động vật)
  • Tác dụng khác: tinh dầu chiết từ quả và thành phần myreen có tác dụng long đờm (thử nghiệm trên chuột); phellodendrin có tác dụng ức chế thần kinh trung ương (trên chuột), gây liệt cơ kiểu curare nhưng yếu, obacunon tăng cường cả trương lực và biên độ co bóp của ruột (trên thỏ)…

Theo y học cổ truyền, hoàng bá có vị đắng, tính hàn, quy vào hai kinh thận và bàng quang. Đây là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, trị táo thấp, tá hỏa, giải độc. Hoàng bá muối có tác dụng tư âm, giáng hỏa.

Dược liệu này đã được sử dụng để chữa lỵ, tiêu chảy, hoàng đản, tiểu đục, di tinh và mộng tinh, tiểu ra máu, trĩ, mắt sưng đỏ, loét miệng lưỡi, viêm âm đạo, sưng tinh hoàn, đái tháo đường.

Trong y học hiện đại, các chế phẩm từ hoàng bá được dùng điều trị thực nghiệm cho các bệnh như:

  • Viêm màng não
  • Lỵ trực trùng
  • Viêm phổi
  • Lao phổi
  • Viêm âm đạo do roi trùng
  • Viêm tai giữa có mủ
  • Viêm xoang hàm mạn tính

Liều dùng của hoàng bá

Liều dùng thông thường của hoàng bá là bao nhiêu?

Liều dùng hàng ngày thường từ 4,5–10g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Tùy trường hợp bệnh mà hoàng bá được dùng sống, sao cháy hoặc tẩm rượu sao.

Thông thường, thầy thuốc sẽ phối hợp nhiều vị thuốc với nhau.

Một số bài thuốc có hoàng bá

Hoàng bá được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa di tinh, tiểu đục

Hoàng bá sao 640g, vỏ hến nung 640g, tán nhỏ thành bột mịn. Ngày uống hai lần, mỗi lần một thìa cà phê (theo Hải Thượng Lãn Ông).

2. Chữa di mộng tinh

Hoàng bá 60g, thục địa 40g, thiên môn 40g, đảng sâm 40g, sa nhân 30g, cam thảo 10g. Tất cả phơi khô rồi tán thành bột, trộn với mật ong, vo thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 30 viên với nước nóng trước khi ăn 1 giờ.

3. Chữa viêm gan cấp tính, sốt, bụng trướng, đau vùng gan

Hoàng bá 16g, mộc thông, chi tử, chỉ xác, đại hoàng hay chút chít, nọc sởi mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

4. Chữa tiêu hóa kém, hoàng đản do viêm đường mật

Hoàng bá 14g, chi tử 14g, cam thảo 6g. Sắc uống với 600ml nước còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

5. Chữa lở loét miệng lưỡi

Hoàng bá cắt thành từng mẩu nhỏ, ngậm. Có thể nuốt nước.

Lưu ý, thận trọng khi dùng hoàng bá

Khi dùng hoàng bá, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng hoàng bá một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của hoàng bá

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng hoàng bá trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với hoàng bá

Hoàng bá có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Hoàng Bá Có Tác Dụng Gì