Hoạt động Giáo Dục Văn Hóa Dân Tộc Trong Các Trường Phổ Thông ...

Trường phổ thông dân tộc nội trú với vai trò, nhiệm vụ giáo dục VHDT

Giáo dục văn hóa dân tộc (VHDT) trong trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) nhằm mục đích cung cấp cho học sinh (HS) những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc trên quê hương mình; Hình thành và phát triển ở HS các kỹ năng tiếp cận, khai thác tri thức và vốn văn hoá truyền thống của địa phương để tiếp thu, học hỏi, vận dụng trong hoạt động hiện tại cũng như sau này; Giáo dục truyền thống văn hoá, bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và quê hương, hình thành ở HS tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng; Làm phong phú nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT, góp phần giáo dục cho học sinh nhân cách con người mới có tri thức và văn hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc và miền núi.

Nhiệm vụ giáo dục văn hóa trong các trường PTDTNT:

- Giáo dục học sinh về truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giáo dục thái độ trân trọng di sản VHDT, từng bước hình thành ở HS lòng tự hào dân tộc, thái độ tự tin khi giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác, làm nên tiếng nói đa dạng, phong phú trong nền văn hóa thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Mỗi học sinh trường PTDTNT là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc. Trường PTDTNT tạo điều kiện để HS được thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác để dòng chảy văn hóa không ngừng được nuôi dưỡng và lớn mạnh. Trường PTDTNT tổ chức các hoạt động tìm hiểu, thể hiện, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc bảo tồn, phát triển các giá trị VHDT. Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với các hoạt động văn hóa và thông qua hoạt động văn hóa mà học sinh trường PTDTNT luôn hiểu biết, gìn  giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời còn là người hiểu biết và tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em.

- Giáo dục lối ứng xử văn hóa trong môi trường học tập và sinh hoạt (hòa hợp, thân thiện) cho học sinh.

HS của trường PTDTNT bao gồm nhiều dân tộc khác nhau với những khác biệt về nhận thức, văn hóa, nếp sống, ứng xử,... các em được học tập, sinh hoạt trong môi trường nội trú. Chính vì vậy cần thiết phải giáo dục sự hòa hợp và thân thiện cho học sinh. Giáo dục học sinh hòa hợp và thân thiện vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp của trường PTDTNT. Vận dụng các giá trị văn hóa tiến bộ để hình thành quan hệ và lối ứng xử văn hóa là góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh.

- Tạo dựng môi trường học tập và sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc. Tổ chức đời sống nội trú văn minh, tiến bộ phù hợp với truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam.

Vận dụng các giá trị văn hóa, các sản phẩm VHDT thiểu số đưa vào nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, tổ chức đời sống nội trú cho học sinh nhằm hình thành một môi trường sống thân thiện, cởi mở, đoàn kết và đậm đà bản sắc dân tộc giúp cho học sinh cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó như cuộc sống của gia đình ở quê hương.

Vận dụng nét văn hóa kiến trúc trong xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, cách bài trí, sắp xếp các chỗ ăn, ở, ngủ, nghỉ của các dân tộc thiểu số vào cách bài trí sắp xếp chỗ ở của học sinh tạo nên sự thân thiện và gần gũi. Sử dụng một số vật liệu, vật phẩm VHDT để trang trí, trưng bày, phối cảnh hình thành nét đẹp thẩm mỹ và đậm đà bản sắc với môi trường xung quanh...

- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc.

Giáo dục kỹ năng sống của học sinh dân tộc phù hợp với môi trường sống, điều kiện nơi các em đang sống phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục về rèn luyện và nâng cao kỹ năng sống cho học sinh dân tộc.

- Giáo dục văn hóa dân  tộc để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa và truyền thống dân tộc.

Những giá trị sáng tạo của con người trải qua nhiều thế hệ hình thành văn hóa. Con người luôn luôn có ý thức giữ gìn văn hóa như giữ gìn chính sự sống của mình. Bởi vậy, bảo tồn và phát triển văn hóa trở thành nhu cầu chính đáng, là quyền sống của con người.

Hàng năm, trường PTDTNT xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục VHDT nhằm trang bị cho HS những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu về các  lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ và các đặc sản  địa phương...  Thông qua giáo dục VHDT, trường PTDTNT đã thực hiện quyền của học sinh trong giáo dục. Nhờ có giáo dục VHDT, học sinh của trường PTDTNT được phát triển toàn diện, trở thành những công dân có tri thức, có văn hóa. Giáo dục VHDT trong trường PTDTNT còn góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển VHDT.

Phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục VHDT của các trường PTDTNT

Giáo dục VHDT cho học sinh trong các trường PTDTNT được thực hiện thông qua việc tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và tích hợp trong các chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Các phương pháp được sử dụng phổ biến là: tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan, khảo sát tìm hiểu thực tế tại các bản làng; khai thác kinh nghiệm thực tế, truyền thống văn hóa vốn có của học sinh; tổ chức các hoạt động giáo dục  kỹ năng sống cho học sinh như sưu tầm ca dao, dân ca các dân tộc thiểu số, tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc, học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu văn hóa ẩm thực của các dân tộc, tổ chức tết dân tộc, lễ hội, tổ chức các câu lạc bộ (câu lạc bộ múa, câu lạc bộ ca dao dân ca, câu lạc bộ cồng chiêng...), hội thi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội diễn văn nghệ, thi trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày bản sắc văn hóa của các dân tộc, tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong trường học, thực hành các nghề thủ công truyền thống, liên hoan văn nghệ và trò chơi dân gian, mời nghệ nhân trên địa bàn đến truyền dạy văn hóa cho học sinh...

Múa gậy đồng xu (Dân tộc Mông, Trường PTDTNT xã Xín Mần – Hà Giang)

Để nâng cao chất lượng giáo dục VHDT các trường PTDTNT ngoài việc thực hiện các giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục VHDT; đổi mới nội dung phương pháp hình thức tổ chức hoạt động giáo dục VHDT và đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính cho hoạt động này thì mỗi nhà trường cần phải chú trọng xây dựng truyền thống nhà trường và phát huy sự tham gia của các lực lượng xã hội trong giáo dục VHDT, cụ thể như sau:

- Xây dựng tập thể sư phạm có truyền thống văn hóa, có trách nhiệm với việc bảo tồn và phát triển VHDT, có trách nhiệm với việc giáo dục VHDT cho học sinh.

- Liên kết, phối hợp với cơ quan chuyên môn như  Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban dân tộc của Tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin của huyện, các tổ chức, cá nhân để phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục VHDT cho học sinh.

- Thực hiện tốt việc huy động sự tham gia của cộng đồng đối với hoạt động giáo dục VHDT thông qua việc mời các trí thức địa phương, nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng  tham gia hoạt động giáo dục VHDT, truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh của nhà trường.

- Xây dựng nếp sống văn hóa trong trường PTDTNT theo nét đẹp phong tục tập quán của các dân tộc (trang phục, giao tiếp, ứng xử…).

Xây dựng phòng truyền thống nhà trường, thư viện văn hóa để trưng bày, lưu giữ, quảng bá các sản phẩm VHDT do học sinh sưu tầm, hoặc sáng tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài và kịp thời của các hoạt động giáo dục VHDT.

Giáo dục VHDT cho học sinh là nhiệm vụ đặc thù, quan trọng trong các trường PTDTNT. Thực hiện có hiệu quả hoạt động giáo dục VHDT sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Vì vậy các nhà trường cần quan tâm đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động này nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia.

                              Bùi Thị Kiều Thơ

Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ Giáo dục và Đào tạo

Từ khóa » Dân Tộc Sinh Môn