Hoạt động Là Gì? Các đặc điểm, Cấu Trúc Của Hoạt động

3,2K

Hoạt động là gì? Các đặc điểm, cấu trúc của hoạt động; các dạng hoạt động.

Mục lục ẩn Khái niệm hoạt động Các đặc điểm của hoạt động a. Hoạt động bao giờ cũng là hoạt động có đối tượng b. Hoạt động bao giờ cũng do chủ thể tiến hành c. Hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp d. Hoạt động bao giờ cũng có mục đích nhất định Cấu trúc của hoạt động Các dạng hoạt động

Khái niệm hoạt động

Con người sống là con người hoạt động. Hoạt động là phương thức tồn tại của con người. Theo tâm lí học mácxit, cuộc sống con người là một dòng hoạt động, con người là chủ thể của các hoạt động thay thế nhau. Hoạt động là quá trình con người thực hiện các quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, xã hội. Đó là quá trình chuyển hóa năng lực lao động và các phẩm chất tâm lí khác của bản thân thành sự vật, thành thực tế và quá trình ngược lại là quá trình tách những thuộc tính của sự vật, của thực tế quay trở về với chủ thể, biến thành vốn liếng tinh thần của chủ thể.

Chúng ta có thể hiểu hoạt động là quá trình tác động qua lại giữa con người với thế giới xung quanh để tạo ra sản phẩm về phía thế giới và sản phẩm về phía con người.

Trong quá trình tác động qua lại đó, có hai chiều tác động diễn ra đồng thời, thống nhất và bổ sung cho nhau:

Chiều thứ nhất là quá trình tác động của con người với tư cách là chủ thể vào thế giới (thế giới đồ vật). Quá trình này tạo ra sản phẩm mà trong đó chứa đựng các đặc điểm tâm lí của người tạo ra nó. Hay nói khác đi, con người đã chuyển những đặc điểm tâm lí của mình vào trong sản phẩm. Sản phẩm là nơi tâm lí của con người được bộc lộ. Quá trình này được gọi là quá trình xuất tâm hay quá trình đối tượng hóa.

Chiều thứ hai là quá trình con người chuyển những cái chứa

đựng trong thế giới vào bản thân mình. là quá trình con người có thêm kinh nghiệm về thế giới, những thuộc tính, những quy luật của thế giới… được con người lĩnh hội, nhập vào vốn hiểu biết của mình. Đồng thời con người cũng có thêm kinh nghiệm tác động vào thế giới, rèn luyện cho mình những phẩm chất cần thiết để tác động có hiệu quả vào thế giới. Quá trình này là quá trình hình thành tâm lí ở chủ thể. Còn gọi là quá trình chủ thể hóa hay quá trình nhập tâm.

Như vậy, trong hoạt động, con người vừa tạo ra sản phẩm về phía thế giới, vừa tạo ra tâm lí của chính mình. Có thể nói tâm lí của con người chỉ có thể được bộc lộ, hình thành trong hoạt động và thông qua hoạt động

Các đặc điểm của hoạt động

a.  Hoạt động bao giờ cũng là hoạt động có đối tượng

Hoạt động, như trên đã nói, là quá trình tác động vào thế giới, cụ thể là vào một cái gì đó. Như vậy, bản thân khái niệm hoạt động đã bao hàm cả đối tượng của hoạt động. Ví dụ, lao động bao giờ cũng có đối tượng của lao động. Hoạt động học tập là nhằm vào tri thức, kĩ năng, kĩ xảo… để biết, hiểu. tiếp thu và đưa vào vốn kinh nghiệm của bản thân, tức là lĩnh hội các tri thức kĩ năng, kĩ xảo ấy. Do đó, nói một cách đầy đủ về khái niệm là hoạt động có đối tượng.

Cần nói thêm rằng có nhiều trường hợp, đối tượng của hoạt động không phải là một cái gì đó sẵn có. mà là cái gì đang xuất hiện ngay trong quá trình hoạt động. Đặc điểm này thường thấy khi nào tích cực hoạt động, như trong hoạt động học tập, hoạt động nghiên cứu v.v…

b.  Hoạt động bao giờ cũng do chủ thể tiến hành

Nói lao động trước hết nghĩ ngay tới người lao động là yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất. Giáo viên là chủ thể của hoạt động dạy và học. Học sinh là chủ thể của hoạt động học tập. Chủ thể có khi là một người, có khi là một số người. Chẳng hạn, thầy tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động dạy và học, trò thực hiện hoạt động đó, tức là thầy và trò cùng nhau tiến hành một hoạt động để đi đến một loại sản phẩm là nhân cách học sinh. Như vậy cả thầy và trò cùng là chủ thể của hoạt động dạy và học.

c.  Hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp

Trong hoạt động lao động người ta dùng công cụ lao động để tác động vào đối tượng lao động. Công cụ lao động giữ vai trò trung gian giữa chủ thể lao động và đối tượng lao động, tạo ra tính chất gián tiếp trong hoạt động lao động.

Tương tự như vậy, tiếng nói, chữ viết, con số và các hình ảnh tâm lí khác là công cụ tâm lí được sử dụng để tổ chức, điều khiển thế giới tinh thần ở mỗi con người. Công cụ lao động và công cụ tâm lí đều giữ chức năng trung gian trong hoạt động và tạo ra tính chất gián tiếp của hoạt động. Ví dụ, nhà điêu khắc nặn bức tượng một cô gái thì hình ảnh cô gái được lấy làm mẫu trong đầu anh ta giữ vai trò điều khiển đôi bàn tay để anh ta tạo nên bức tượng đúng hình mẫu đó. Hình ảnh cô gái, hình ảnh các thao tác nặn tượng (hình ảnh tâm lí) chính là công cụ tâm lí giữ chức năng trung gian trong quá trình tạo ra sản phẩm (bức tượng). Quá trình nặn tượng cũng còn phải đùng một số công cụ khác chứ không chỉ đôi bàn tay trần (công cụ lao động). Thế là hoạt động lao động nghệ thuật này có hai loại công cụ trung gian là công cụ lao động và công cụ tâm lí.

Trong tác phẩm Tư bản (1867) C. Mác viết: “Con nhện thực hiện các thao tác giống các thao tác của người thợ dệt, con ong xây tổ sáp làm cho mỗi nhà kiến trúc phải hổ thẹn. Nhưng ngay một nhà kiến trúc tồi từ đầu đã khác một con ong cừ nhất ở chỗ trước khi dùng sáp xây tổ, nhà kiến trúc đã xây nó trong đầu mình rồi. Khi quá trình lao động kết thúc nhận được kết quả, thì kết quả này đã có dưới dạng tinh thần trong biểu tượng của con người từ lúc quá trình ấy mới bắt đầu”.

d.  Hoạt động bao giờ cũng có mục đích nhất định

Trong mọi hành động của con người tính mục đích nổi lên rất rõ rệt. Lao động sản xuất ra của cải vật chất, sản phẩm tinh thần, để đảm bảo sự tồn tại của xã hội. và bản thân đáp ứng các nhu cầu về ăn, mặc, ở v.v… Học tập để có tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, thỏa mãn nhu cầu nhận thức và chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Mục đích của hoạt động thường là tạo ra sản phẩm có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với việc thỏa mãn nhu cầu của chủ thể.

Cấu trúc của hoạt động

Động cơMục đíchPhương tiện, điều kiện
Hoạt động cụ thểHành độngThao tác

Hoạt động nào cũng có động cơ thúc đẩy – đó chính cái đích cuối cùng mà con người muốn vươn tới. Cái đích cuối cùng đó thúc đẩy con người hoạt động. ở đây ta có một bên là hoạt động, một bên là động cơ

Tất cả các loại hoạt động đều cùng có một cấu trúc chung. Qua nghiên cứu nhiều năm, nhà tâm lí học Nga: A.N.Lêônchiep đưa ra cấu trúc vĩ mô của hoạt động bao gồm sáu thành tố.

Hoạt động hợp bởi các hành động, là các bộ phận tạo thành hoạt động. Cái mà hành động nhằm đạt tới là mục đích. Nếu coi động cơ là mục đích cuối cùng (mục đích chung), thì mục đích mà hành động nhằm tới là mục đích bộ phận. Ơ đây ta có một bên là hành động, một bên là mục đích.

Hành động bao giờ cũng phải giải quyết một nhiệm vụ nhất định. Nhiệm vụ này được hiểu là mục đích đề ra trong những điều kiện cụ thể nhất định, tức là mục đích bộ phận phải được cụ thể hóa thêm một bước nữa, sự cụ thể hóa này được quy định bởi các phương tiện, điều kiện cụ thể nơi diễn ra hành động. Từ đây cũng xác định phương thức để giải quyết nhiệm vụ. Các phương thức này gọi là các thao tác. ở đây ta có một bên là thao tác một bên là các phương tiện, điều kiện khách quan cụ thể.

Hoạt độngĐộng cơ
Hành độngMục đích
Thao tácPhương tiện, điều kiện

Cấu trúc chung của hoạt động

Tóm lại, cuộc sống của con người là một dòng các hoạt động. Dòng hoạt động này phân tích ra thành các hoạt động riêng rẽ theo các động cơ của hoạt động. Hoạt động cấu tạo bởi các hành động là quá trình tuân theo mục đích. Và cuối cùng, hành động do các thao tác hợp thành, các thao tác phụ thuộc vào các phương tiện, điều kiện cụ thể để đạt mục đích. Như vậy là trong từng hoạt động cụ thể ta có hai hàng tương ứng từng thành phần với nhau:

Các thành phần trong hàng thứ hai được xác định là các đơn vị của hoạt động ở con người. Hàng thứ nhất chứa đựng nội dung đối tượng của hoạt động. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là các mối quan hệ giữa các thành phần của cả hai hàng kể trên. Sáu thành tố vừa kể trên cùng với mối quan hệ qua lại giữa chúng tạo thành cấu trúc vĩ mô của hoạt động

Các mối quan hệ này không sẵn có, mà là sản phẩm nảy sinh trong sự vận động của hoạt động. Quan hệ qua lại giữa động cơ và mục đích nảy sinh bởi hoạt động. Quá trình hoạt động tạo nên quan hệ qua lại giữa động cơ và mục đích, sự nảy sinh và phát triển của mối quan hệ qua lại này chính là sự xuất hiện và phát triển của tâm lí, ý thức.

Các dạng hoạt động

Có nhiều cách phân loại hoạt động. Chia một cách tổng quát nhất, loài người có hai loại hoạt động: lao động và giao tiếp.

Cách phân loại này căn cứ vào quan hệ giữa người với đồ vật (chủ thể và khách thể) và quan hệ giữa người với người (chủ thể và chủ thể).

Xét về phương diện phát triển cá thể, người ta thấy trong đời người có ba loại hình hoạt động kế tiếp nhau. Đó là các loại hoạt động: vui chơi; học tập; lao động.

Hoạt động chủ đạo của trẻ em trước tuổi đi học là vui chơi; lên 6 – 7 tuổi, trẻ đến trường học, dần dần chơi ít hơn học. việc chính ở lứa tuổi này là học. Trong hoàn cảnh bình thường hàng ngày, học sinh vẫn có hoạt động chơi song không còn là chính; học xong phải bước vào cuộc sống lao động suốt đời. Việc học và chơi đều có ở người lao động, nhưng không thể so với lao động cả về số giờ dành cho lao động, cả về ý nghĩa của lao động đối với cuộc sống.

Nói chung nhất, mỗi người chúng ta đều phải tiến hành hoạt động này hay hoạt động khác. Ngoài cách chia hoạt động của con người thành ba hoạt động: lao động; học tập; vui chơi, có thể chia hoạt động người một cách chung nhất thành hai loại:

  • Hoạt động thực tiễn (có khi còn gọi là hoạt động bên ngoài).
  • Hoạt động lí luận (có khi còn gọi là hoạt động tinh thần, hoạt động bên trong. hoạt động tâm lí). Ở đây căn cứ vào sản phẩm làm tiêu chuẩn chính để phân loại. Loại thứ nhất là hoạt động tác động vào sự vật, biến đổi sự vật, v.v… tạo ra sản phẩm vật thể cảm tính thấy được. Loại thứ hai diễn ra trong bình diện biểu tượng, không làm thay đổi vật thể tại vật thể. Tuy vậy hoạt động lí luận cũng có nhiệm vụ cải tạo thiên nhiên, xã hội và con người. Sự phân loại này, cũng như nhiều cách phân loại, đều có tính chất tương đối.

Có một cách phân loại khác chia hoạt động của con người ra thành bốn hoạt động sau đây:

  • Hoạt động biến đổi,
  • Hoạt động nhận thức,
  • Hoạt động định hướng giá trị,
  • Hoạt động giao tiếp.

Hoạt động biến đổi có dạng điển hình nhất trong lao động. Nhưng hoạt động biến đổi bao hàm cả hoạt động biến đổi thiên nhiên, cả hoạt động biến đổi xã hội. Trường hợp sau ta có hoạt động thường được gọi là hoạt động chính trị – xã hội.

Hoạt động biến đổi còn bao gồm loại hoạt động biến đổi con người, như hoạt động giáo dục và hoạt động tự giáo dục. Cần nhấn mạnh rằng hoạt động này thực sự là một loại hoạt động lao động biến đổi và có thể xếp vào loại hoạt động sản xuất tinh thần – đào tạo ra con người lao động. Hoạt động dạy và học cũng là một loại hoạt động nhận thức.

Hoạt động nhận thức là một loại hoạt động tinh thần, không làm biến đổi các đồ vật thực, quan hệ thực v.v… Nó chỉ phản ánh sự vật, quan hệ…, mang lại cho chủ thể các hình ảnh, các tri thức, về sự vật và quan hệ ấy. Bằng hoạt động nhận thức, con người phân tích. tổng hợp, khái quát, ghi nhớ các hình ảnh ấy.

Người ta nhận thức để hiểu biết sự vật, nắm bắt bản chất của chúng, hiểu nghĩa chung của xã hội đã quy cho từng vật thể, từng quan hệ v.v… Hoạt động định hướng giá trị là một dạng hoạt động tinh thần, xác định ý nghĩa của thực tại đối với bản thân chủ thể, tạo ra phương hướng của hoạt động.

Về hoạt động giao tiếp, có tác giả gọi là hoạt động thông báo, thông tin. Thực ra thông báo, thông tin chỉ là một số thành tố của hoạt động giao tiếp. Hoạt động giao tiếp thể hiện các quan hệ người – người. Hoạt động của người có bản chất xã hội – lịch sử, giao tiếp là điều kiện không thể thiếu được của hoạt động ở con người nói chung.

Tóm lại, con người có nhiều hoạt động, có những hoạt động chung của con người, có những hoạt động riêng từng lĩnh vực. Các hoạt động này có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau.

5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Chú ý là gì? Đặc điểm, phân loại, các thuộc tính
  2. Các yếu tố chi phối sự hình thành và phát triển nhân cách
  3. Ý chí là gì? Các phẩm chất cơ bản của ý chí
  4. Lý thuyết tâm lý của George Herbert Mead
Tâm lý học đại cương

Từ khóa » Ví Dụ Về Quá Trình Xuất Tâm Và Nhập Tâm