HOẠT ĐỘNG TÁI CHẾ GIẤY Ở VIỆT NAM - Miza Corporation

Giấy đã qua sử dụng là nguyên liệu chính để phát triển ngành công nghiệp giấy trong nước.

Ở Việt Nam, tỉ lệ giấy đã sử dụng thu hồi được so với tổng lượng giấy tiêu dùng chỉ ở mức khoảng 25%, rất thấp so với các nước trong khu vực. Các cơ sở sản xuất quy mô lớn có tâm lý chuộng mua giấy thu hồi nhập khẩu vì nhắm tới hiệu quả cao hơn về thời gian và chi phí vì có hóa đơn giá trị gia tăng khi nhập hàng. Trong khi đó, cách hợp thức hóa trong chi phí sản xuất đối với việc mua giấy loại thu gom trong nước phức tạp, rối rắm khiến công tác thu hồi giấy trong nước không có tiến triển.

Nguồn giấy đã dùng trong nước

Giấy đã qua sử dụng phát sinh từ nhiều nguồn, bao gồm các hộ gia đình, trường học, văn phòng công sở của các cơ quan, tổ chức, công ty, nhà máy, siêu thị, cửa hàng, nhà ga, bến xe, sân bay… Giấy đã qua sử dụng có loại tái chế được và loại không tái chế được. Những loại giấy không thể tái chế gồm giấy cảm nhiệt, giấy (tự) dính, băng keo, giấy trong suốt (để thuyết trình), giấy carbon, giấy bóng kính, giấy phủ chất dẻo hay sáp, hộp đựng sữa hoặc nước giải khát, giấy gói kẹo, giấy gói ngoài ram giấy photocopy, hộp đựng cơm trưa, cốc và đĩa giấy, giấy lau, khăn lau đã dùng, giấy đựng sơn, giấy đựng hóa chất hoặc thực phẩm…

Từ các nguồn thải, giấy đã qua sử dụng được thu gom để chuyển về nhà máy giấy. Lực lượng thu gom gồm những người đồng nát (thu gom riêng lẻ cả trong từng hộ dân), các công ty vệ sinh môi trường, những người bới nhặt rác tại các bãi chôn lấp, các trạm thu mua rác trung gian.

Thu gom, nhập khẩu chiếm đến 50% nguồn giấy đã sử dụng

Tỉ lệ giấy đã qua sử dụng thu hồi trong nước chỉ đạt 25% so với tổng lượng giấy tiêu dùng. So với 50% nguyên liệu sản xuất giấy là từ giấy tái chế, Việt Nam đã phải nhập khẩu một lượng lớn giấy đã sử dụng từ nước ngoài. Đây là nguồn nguyên liệu chính trong sản xuất giấy ở Việt Nam.

Hiện tại Việt Nam nhập khẩu giấy đã qua sử dụng từ nhiều nước nhưng chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản, New Zealand. Các loại giấy chính được nhập khẩu gồm giấy hộp carton cũ (OCC), giấy báo cũ (ONP), tạp chí cũ (OMG), giấy lề (rẻo giấy, lề giấy – phế thải trong gia công…), giấy đứt, giấy trộn lẫn.

Nhìn chung, chất lượng giấy đã qua sử dụng nhập khẩu từ nước ngoài cao hơn giấy đã dùng trong nước. Bởi nếu nhập hàng không đạt tiêu chuẩn quy định, doanh nghiệp thường gặp rắc rối trong việc xử lý lô hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp buộc phải chấp hành lệnh kiểm tra của hải quan và tự họ phải chịu chi phí dỡ hàng và xếp hàng vào container. Nhiều trường hợp còn phải lấy mẫu đi giám định để kiểm tra lượng tạp chất… Để tránh bị thiệt 15%-35% giá trị lô hàng nhập khẩu, doanh nghiệp phải chọn giải pháp an toàn là nhập khẩu giấy đã qua sử dụng đạt tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn, chất lượng giấy đã sử dụng

Để ngăn chặn nguồn giấy nhập khẩu không thể tái chế, Việt Nam đã có quy định TCVN 2007 tương đồng với các nước như Mỹ, Nhật Bản. Giấy thu gom có chất lượng cao nhất là của đồng nát, được phân loại thành bao bì, giấy báo cũ, tạp chí. Các loại tạp chất như băng dính, đinh ghim, nhãn chất dẻo… đã được các cơ sở đồng nát loại bỏ. Giấy thu gom từ các trường học, văn phòng cũng cho chất lượng tốt. Giấy thu gom từ các bãi rác thường không nhiều về số lượng mà chất lượng lại thấp vì dính bẩn thực phẩm, đất cát… Nguồn giấy này ít được các nhà máy giấy ưa thích.

Giấy thu hồi được để rời hoặc buộc dây. Ở trạm thu gom, giấy được đóng thành bành để tiện vận chuyển. Giấy thu gom trong nước được chia thành bao bì, giấy báo cũ, tạp chí, sách và linh tinh. Tuy nhiên, chất lượng giấy thu gom trong nước thấp hơn giấy đã qua sử dụng nhập khẩu từ nước ngoài, vì giấy thu hồi trong nước đã qua nhiều lần tái chế trong khi giấy nhập khẩu phần lớn làm từ bột nguyên khai.

Tái chế giấy đã qua sử dụng

Giấy đã qua sử dụng sau khi thu hồi chuyển về nhà máy có thể tái chế thành giấy làm bao bì, giấy tissue, giấy in báo. Các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ chủ yếu sử dụng giấy loại thu gom trong nước vì họ sản xuất các sản phẩm cấp thấp. Ngược lại, các cơ sở quy mô trung bình và lớn chủ yếu sử dụng giấy đã dùng nhập khẩu từ nước ngoài để tái chế giấy phục vụ cho các sản phẩm cao cấp hơn.

Từ năm 2000 đến nay, nhiều dây chuyền hiện đại, đồng bộ sản xuất bột từ giấy thu hồi đã được lắp đặt ở Việt Nam. Năm 2009, Việt Nam đưa vào sản xuất vài dây chuyền sản xuất mới với tổng công suất 190.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, những dây chuyền cũ được nâng cấp các khâu nghiền, sàng bột và tách xơ sợi nhằm đem lại hiệu suất bột cao hơn và chất lượng bột tốt hơn. Công nghệ sử dụng giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, góp phần kích thích sự phát triển của hoạt động thu gom giấy thải và phát triển ngành công nghiệp giấy trong nước.

Tại Quyết định số 07/2007/QĐ-BCN ngày 30-1-2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 là xây dựng vùng nguyên liệu giấy đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cung cấp cho sản xuất. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2010, nguyên liệu giấy đáp ứng đủ cho sản xuất 600.000 tấn bột giấy và 1.380.000 tấn giấy. Năm 2020, nguyên liệu giấy đáp ứng đủ cho sản xuất 1.800.000 tấn bột giấy và 3.600.000 tấn giấy. Tỉ lệ thu gom giấy đã qua sử dụng nếu tăng sẽ góp phần rất lớn vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển ngành công nghiệp giấy ở nước ta.

Từ khóa » Tái Chế Giấy Tại Việt Nam