Hoạt Động - Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tỉnh Sóc Trăng

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Theo Điều 31 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các Kiểm sát viên và các Điều tra viên.

Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có: ủy ban kiểm sát, các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng. Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người lãnh đạo thống nhất toàn bộ hệ thống Viện kiểm sát nhân dân. Theo Điều 33 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác kiểm sát và xây dựng Viện kiểm sát nhân dân về mọi mặt; quyết định những vấn đề về công tác kiểm sát không thuộc thẩm quyền của ủy ban kiểm sát;

2. Ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư, điều lệ, quy chế, chế độ công tác áp dụng đối với ngành kiểm sát;

3. Chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành kiểm sát;

4. Quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trình ủy ban Thường vụ quốc hội phê chuẩn; quyết định bộ máy làm việc của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương; quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ quốc phòng và trình ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn;

5. Chỉ đạo việc xây dựng và trình dự án luật, dự án pháp lệnh theo quy định của pháp luật; đề nghị ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh khi thấy cần thiết cho việc áp dụng thống nhất pháp luật;

6. Trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình;

7. Tổ chức việc thống kê tội phạm;

8. Tham dự các phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Các Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng thực thi nhiệm vụ.

Theo Điều 32 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, một số Kiểm sát viên do ủy ban Thường vụ quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ủy ban kiểm sát có quyền thảo luật và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân như: Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác của toàn ngành; Dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ quốc hội và Chủ tịch nước; Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình ủy ban Thường vụ Quốc hội về những ý kiến của Viện trưởng không nhất trí với Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội pham gửi Thủ tướng chính phủ; Những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động quan trọng, những vấn đề quan trọng khác do ít nhất một phần ba thành viên ủy ban kiểm sát yêu cầu (Điều 32 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).

Các Nghị quyết của ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước.

Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn có các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng và Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Bộ máy làm việc này thừa lệnh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Điều 34 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Viện trưởng, các Phó viện trưởng và các Kiểm sát viên, đều do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Viện trưởng lãnh đạo. Các Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng thực thi nhiệm vụ. Một điểm quy định mới của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 so với Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cũ là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp, chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân (Điều 9 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ủy ban kiểm sát, các phòng và Văn phòng.

Ủy ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, một số Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương. Tương tự như ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không còn là tổ chức tư vấn cho Viện trưởng như Luật cũ quy định nữa, mà có quyền hạn và trách nhiệm thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng như việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư và quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo tổng kết công tác với Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo tổng kết công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp; những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động quan trọng; những vấn đề quan trọng khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định (Điều 35 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).

Nghị quyết của ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên ủy ban kiểm sát biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng, nếu Viện trưởng không nhất trí theo ý kiến của đa số thành viên ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Mặt khác, trong các cuộc họp của ủy ban kiểm sát, Viện trưởng có quyền quyết định những vấn đề không thuộc thẩm quyền của ủy ban kiểm sát.

Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Theo Điều 36 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên, do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không có ủy ban kiểm sát và các phòng nghiệp vụ, mà chỉ có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc do Viện trưởng, các Phó viện trưởng phụ trách.

Cũng giống như Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp, chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Viện kiểm sát quân sự

Các Viện kiểm sát quân sự được tổ chức trong quân đội để thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật (Điều 37 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002). Các Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát quân sự đều theo quy định chung của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Viện kiểm sát quân sự gồm có Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực. Viện kiểm sát quân sự Trung ương thuộc cơ cấu Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đồng thời là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo hoạt động của Viện kiểm sát quân sự các cấp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nguồn: VKSNDTC

Từ khóa » Chức Năng Của Viện Kiểm Sát Quân Sự