Viện Kiểm Sát Quân Sự Trên Chặng đường 60 Năm Xây Dựng Và ...
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, để thi hành Hiến pháp năm 1959, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 1960, ngày 12/5/1961, Tổng cục Chính trị ban hành Thông tri số 06/TT-H hướng dẫn việc tổ chức các Viện kiểm sát quân sự; đồng thời để nhanh chóng ổn định về tổ chức, biên chế thực hiện các nhiệm vụ của Viện kiểm sát quân sự (VKSQS), ngày 23/5/1961, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành Thông tri số 304/TM6 quy định tạm thời về tổ chức, biên chế của các VKSQS. Theo đó, hệ thống các Viện kiểm sát quân sự có 2 cấp, 18 Viện, gồm: Viện kiểm sát quân sự trung ương (cấp 1) và 17 VKSQS quân khu và tương đương (cấp 2).
Mặc dù mới được thành lập, đang trong thời kỳ củng cố về tổ chức, biên chế và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm sát, nhưng các VKSQS đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Quân đội, bám sát chiến trường và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo luật định. Nhiều hình thức, biện pháp kiểm sát việc tuân theo pháp luật (kiểm sát chung) và kiểm sát án hình sự đã được các VKSQS kết hợp chặt chẽ, đặc biệt VKSQS trung ương ngay từ những ngày đầu thành lập đã phối hợp với các cơ quan tư pháp trong Quân đội tiến hành điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh bọn gián điệp, biệt kích xâm nhập bằng đường không vào vùng trời miền Bắc (vụ án C47). Trong thời kỳ này, VKSQS cũng đã đấu tranh phòng ngừa vi phạm, tội phạm có hiệu quả, củng cố ý chí chiến đấu, duy trì kỷ luật quân đội ở chiến trường, ổn định hậu phương quân đội, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những năm đầu của thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh đất nước mới được thống nhất, nền kinh tế vừa thoát khỏi chiến tranh còn nhiều khó khăn; Quân đội có sự điều chỉnh về bộ máy, tổ chức, vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia giải quyết nhiều vấn đề sau chiến tranh và làm kinh tế, góp phần xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; đồng thời chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và xây dựng quân đội, các VKSQS đã hình thành hệ thống tương đối hoàn chỉnh trong toàn quân. Hoạt động của các VKSQS tập trung vào những khâu trọng yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở vùng mới giải phóng; phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội, bảo đảm cho các chế độ quy định, mệnh lệnh được chấp hành nghiêm chỉnh trong bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; chấp hành nghiêm các chế độ, quy định về quản lý phương tiện kỹ thuật, vật tư, tài chính và làm kinh tế theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực hình sự, cùng với việc giải quyết một số lượng lớn các vụ án thì các VKSQS còn giải quyết nhiều vụ án đầu hàng giặc những năm kháng chiến chống Mỹ nhằm giữ nghiêm pháp luật và kỷ luật quân đội. Bên cạnh đó, thực hiện Luật tổ chức VKSND, các VKSQS đã tiến hành nhiều cuộc kiểm sát chung, đã góp phần phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang lúc đó là “huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”.
Những năm đầu của thời kỳ đổi mới đất nước, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Quân đội tập trung vào việc nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu, cùng toàn dân đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Thời kỳ này, hệ thống pháp luật đã dần hoàn thiện và đồng bộ, trong đó có Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988. Đặc biệt, ngày 03/01/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã công bố Pháp lệnh tổ chức VKSQS. Đây là pháp lệnh đầu tiên quy định chi tiết và chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các VKSQS. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Pháp lệnh tổ chức VKSQS, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Quân đội trong giai đoạn này, hoạt động của các VKSQS tập trung vào kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác quản lý sử dụng quân số, vũ khí, sử dụng vật tư, tài chính, làm kinh tế và sử dụng đất quốc phòng. Qua kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật, kịp thời ban hành kháng nghị khắc phục, sửa chữa, qua đó góp phần làm chuyển biến tình hình chấp hành pháp luật và kỷ luật của các cơ quan và đơn vị trong toàn quân; đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt đã phối hợp giải quyết nhiều vụ án phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, về các tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”, “Gián điệp”, “Chiếm đoạt, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”... Các Cơ quan điều tra thuộc VKSQS đã chủ động, thụ lý điều tra nhiều vụ án thuộc thẩm quyền, trong đó có nhiều vụ án phức tạp được Viện trưởng giao.
Trong tiến trình cải cách tư pháp, thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nội dung về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08-NQ/TW) và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW), Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ ngày 08/3/2007 của Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về việc lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020 và các kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Đặc biệt, các chủ trương, giải pháp về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp được chỉ ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản mới về tư pháp có liên quan. Các VKSQS đã triển khai nhiều biện pháp toàn diện, đồng bộ kế hoạch cải cách tư pháp, tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình mới. Cụ thể:
Các VKSQS đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án theo quy định của pháp luật, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp dư luận quan tâm, trong đó có một số vụ án vi phạm quy định về quản lý đất đai. Từ năm 2015 đến năm 2020, các VKSQS đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra tổng số 1.373 vụ/2.440 bị can, các Cơ quan điều tra trong Quân đội đã ra kết luận đề nghị truy tố 819 vụ/1.781 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn truy tố 885 vụ/1.965 bị can; các VKSQS đã ban hành cáo trạng truy tố 810 vụ/1.768 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 916 vụ/ 2.005 bị cáo. Các VKSQS cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thực hiện tốt khâu đột phá: “Quản lý kịp thời đầy đủ; xử lý đúng pháp luật các tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”, qua đó bảo đảm 100% các tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền đều được kiểm sát ngay từ khi Cơ quan điều tra thụ lý, phân loại; kiên quyết hủy bỏ các quyết định không có căn cứ, trái pháp luật; thực hiện nghiêm chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, theo đó, 100% các vụ án đều được kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, bảo đảm các chứng cứ, tài liệu được thu thập đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do trách nhiệm của Viện kiểm sát; chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn truy tố, tỉ lệ án truy tố đúng thời hạn hằng năm đều đạt 100%, tỉ lệ truy tố đúng tội danh hàng năm đều đạt gần 100% (năm 2015 đạt 100%, năm 2016 đạt 100%, năm 2017 đạt 99,25%, năm 2018 đạt 98,6%, năm 2019 đạt 99,3%, năm 2020 đạt 99,7%); không có án Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Công tác quản lý, theo dõi án tạm đình chỉ được các VKSQS quan tâm, quản lý, xử lý chặt chẽ, đúng quy định.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử luôn được các VKSQS quan tâm, triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”, “Tăng cường công tác kháng nghị án phúc thẩm” và “Tăng cường công tác quản lý, giải quyết đơn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm” theo Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao; phối hợp với Tòa án quân sự các cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp; xây dựng quy định về phối hợp giữa VKSQS cấp trên và VKSQS cấp dưới trong việc giải quyết vụ án do VKSQS cấp trên truy tố, phân công cho VKSQS cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm. Chất lượng kháng nghị ngày càng được nâng cao, tỉ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận đạt mức cao; các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đều được VKSQS trung ương tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết kịp thời, chính xác, hạn chế được đơn tồn đọng hoặc đơn đề nghị nhiều lần. Các VKSQS cơ bản đã làm tốt công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự theo đúng quy định của pháp luật và quy chế của VKSND tối cao; xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc kiểm sát trực tiếp tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, tạm giam, cơ quan Thi hành án; tăng cường công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ đề nghị xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, xét đề nghị đặc xá; bảo đảm các chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù thực hiện đúng quy định pháp luật; kiểm sát chặt chẽ việc cơ quan Thi hành án trong hoạt động phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, kê biên tài sản, xử lý tài sản kê biên... Qua kiểm sát kịp thời phát hiện các sai phạm đã kiến nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục và được các cơ quan, đơn vị chấp nhận.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được lãnh đạo các VKSQS quan tâm, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ. Các VKSQS đều đã triển khai tổ chức nơi tiếp công dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cơ bản được thực hiện chặt chẽ cả về trình tự, thủ tục, nội dung, thời gian và áp dụng pháp luật; phối hợp tốt với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết những đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu xây dựng pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền về ngành Kiểm sát; công tác thống kê hình sự, ứng dụng công nghệ thông tin: Các VKSQS đã chủ động, tham mưu cho Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, cấp ủy Đảng, người chỉ huy các cấp trong việc triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong Quân đội. Thực hiện tốt vai trò thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Bộ Quốc phòng, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và cơ quan thường trực của Bộ Quốc phòng về thống kê hình sự, thống kê tội phạm liên ngành trong Quân đội; tích cực nghiên cứu khoa học, các đề tài nghiên cứu khoa học do VKSQS trung ương nghiên cứu được Hội đồng khoa học nghiệm thu và đánh giá cao, chấm điểm đạt loại xuất sắc; một số VKSQS quân khu cũng tích cực trong việc triển khai nghiên cứu các chuyên đề khoa học phục vụ tốt cho nhiệm vụ chuyên môn; làm tốt công tác sơ, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật, đã đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập từ thực tiễn thi hành như: Tổng kết thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Hình sự năm 1999… Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSQS bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ; nghiên cứu tham gia góp ý có chất lượng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật và các văn khác do cơ quan chức năng chuyển đến (năm 2018, góp ý 120 văn bản; năm 2019, góp ý 127 văn bản; năm 2020, góp ý 115 văn bản). Kịp thời tổ chức triển khai thi hành và tập huấn cho cán bộ, Kiểm sát viên VKSQS các luật, bộ luật mới được ban hành, chú trọng những đạo luật mới về tư pháp, những nội dung sửa đổi, bổ sung của luật có liên quan đến tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát; làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền về ngành Kiểm sát. Hằng năm, biên soạn tài liệu, chuyên đề giáo dục pháp luật cho toàn quân; đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực tiếp phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn (năm 2018 phổ biến được 1.962 giờ/126.525 lượt người; năm 2019, phổ biến được 1.622 giờ/120.469 lượt người; năm 2020 phổ biến được 1.970 giờ/94.959 lượt người); thành lập Tổ tuyên truyền tại VKSQS trung ương và yêu cầu các VKSQS chỉ định cán bộ làm đầu mối thực hiện hoạt động tuyên truyền tại các đơn vị. Công tác thống kê hình sự được các VKSQS quan tâm, số liệu thống kê đã phản ánh được khách quan, đồng bộ, thống nhất hoạt động tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quân đội. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được triển khai đồng bộ trong toàn VKSQS (đường truyền trực tuyến VKSND tối cao; đường truyền số liệu Bộ Quốc phòng, hệ thống các địa chỉ email quân sự…), qua đó đã giúp Viện trưởng VKSQS trung ương trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác của toàn ngành.
Cơ quan điều tra VKSQS trung ương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật hiện hành và các quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao. Thực hiện Đề án 236-ĐA/QU ngày 14/4/2016 của Quân ủy Trung ương về “Thực trạng và giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp trong Quân đội”, Cơ quan điều tra VKSQS trung ương đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trong và ngoài quân đội, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan Bổ trợ tư pháp trong hoạt động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền.
Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSQS là quá trình gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ theo hướng hoàn thiện, đồng bộ, không ngừng trưởng thành, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội và sự nghiệp cách mạng của Đảng trong từng thời kỳ.
Khi mới thành lập chỉ có 18 Viện, được tổ chức ở 2 cấp: Viện kiểm sát quân sự trung ương và 17 Viện kiểm sát quân sự quân khu, quân chủng, tổng cục, quân đoàn, binh chủng... trong đó có một số Viện được tổ chức ở sư đoàn, lữ đoàn. Sau khi Pháp lệnh tổ chức VKSQS được ban hành (năm 1986) quy mô tổ chức các VKSQS tuy có khác nhau trong từng thời kỳ đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhưng VKSQS luôn được tổ chức thành 3 cấp (VKSQS trung ương, VKSQS cấp quân khu, VKSQS khu vực). Thực hiện chủ trương “Hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp” và “Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh”, VKSQS đã xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSQS theo yêu cầu cải cách tư pháp, được Quân ủy Trung ương và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Bộ Quốc phòng nhất trí thông qua. Theo đó, tổ chức của VKSQS đã có sự điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong quân đội. Hiện nay, hệ thống VKSQS được tổ chức ở 3 cấp với 40 VKSQS (giảm 11 Viện so với năm 2002), gồm: Viện kiểm sát quân sự trung ương (cấp 1), 11 VKSQS quân khu và tương đương (cấp 2), 28 VKSQS khu vực (cấp 3). Thực hiện Quyết định số 1013/QĐ-BQP và Quyết định số 1014/QĐ-BQP ngày 03/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về biên chế các VKSQS, việc tuyển dụng cán bộ, điều động cán bộ về công tác tại các VKSQS được bảo đảm theo hướng tinh gọn, chất lượng, phù hợp với tổ chức và nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của các phòng, ban, bộ phận trong các VKSQS các cấp được quy định cụ thể, chặt chẽ trong Quyết định số 64/QĐ-VKSTC-V15 ngày 25/9/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao. Đến nay, cơ cấu tổ chức bộ máy của VKSQS các cấp đã ổn định, bảo đảm triển khai thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Từ ngày đầu thành lập, đội ngũ cán bộ của các VKSQS đa phần là những cán bộ chính trị, quân sự, chuyên môn khác vào ngành, nên còn bỡ ngỡ với công việc. Trải qua thực tiễn công tác, với tinh thần khiêm tốn, cầu thị “vừa học, vừa làm”, vừa rút kinh nghiệm; đồng thời, công tác tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ thường xuyên được quan tâm, chú trọng nên đội ngũ cán bộ VKSQS đã từng bước trưởng thành cả về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Viện kiểm sát quân sự đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” của ngành Kiểm sát; xác định và triển khai thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ VKSQS” theo Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, triển khai thực hiện Đề án về “Bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ VKSQS giai đoạn 2011 - 2020” được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, VKSQS trung ương đã xây dựng Trung tâm bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ VKSQS, hàng năm tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, Kiểm sát viên các VKSQS.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong 60 năm xây dựng và phát triển, VKSQS trung ương đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhì năm 1984, Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 2001, Huân chương Quân công hạng Ba năm 2010, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2016, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2020; nhiều VKSQS được tặng thưởng Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng VKSND tối cao, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, so với yêu cầu của công cuộc đổi mới và cải cách tư pháp thì tổ chức và hoạt động của VKSQS cũng còn một số mặt hạn chế nhất định như: Vẫn còn trường hợp chưa chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra để nắm, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, còn có biểu hiện không kiên quyết trong thực hiện quyền năng pháp lý nên còn xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; tỉ lệ án trả hồ sơ điều tra giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra và giữa Tòa án quân sự với Viện kiểm sát hàng năm vẫn cao hơn so với chỉ tiêu VKSND tối cao đề ra; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa có trường hợp còn bộc lộ những hạn chế, nhất là trong vụ án có tính chất phức tạp, có nhiều bị cáo, nhiều người bào chữa tham gia. Việc tổ chức một số VKSQS không theo địa bàn mà theo hệ thống tổ chức đơn vị quân đội bộc lộ những khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có những thời cơ to lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh đó, yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ; kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm lãnh đạo và triển khai thực hiện. Để góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, ngành Kiểm sát nói chung, VKSQS các cấp nói riêng tiếp tục thực hiện tốt chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội về cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhận thức đúng và đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSQS, bám sát nhiệm vụ chính trị của Quân đội trong tình hình mới; quán triệt thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp đối với VKSQS; nắm chắc diễn biến tội phạm, vi phạm, chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng, người chỉ huy trong công tác đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với vi phạm pháp luật, tội phạm.
Hai là, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội, đây là trách nhiệm chính trị của VKSQS. Các VKSQS cần chủ động đề ra các giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo các nghị quyết của Quốc hội, các chỉ tiêu của ngành Kiểm sát nhân dân, các chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, chương trình công tác kiểm sát quân sự hàng năm của Viện trưởng VKSQS trung ương; tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiên quyết thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhằm hạn chế oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm; hạn chế thấp nhất án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, chú trọng hơn nữa việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, trách nhiệm cho Kiểm sát viên. Tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam; kiểm sát chặt chẽ các quyết định thi hành án hình sự và việc tổ chức thi hành án; nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý các loại đơn, kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSQS trung ương góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong Quân đội trong sạch, vững mạnh.
Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và ý chí trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ. Việc kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy phải gắn với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn với quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp bảo đảm kiện toàn, đổi mới phải trên hướng xây dựng và phát triển khách quan, toàn diện, đúng lộ trình; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát, bảo đảm đủ về số lượng biên chế, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; thực hiện tốt khâu đột phá “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Viện kiểm sát quân sự” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát quân sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống trong sạch lành mạnh; dũng cảm và kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; có tinh thần trách nhiệm cao trước chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, nâng cao trách nhiệm công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu VKSQS phải có bản lĩnh và tính chịu trách nhiệm cao; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành Kiểm sát. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Ủy ban kiểm sát VKSQS trung ương, VKSQS cấp quân khu và tập thể lãnh đạo VKSQS khu vực trong việc tham mưu cho Viện trưởng quyết định những vấn đề trọng tâm, vấn đề quan trọng của VKSQS; lựa chọn và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung công tác đột phá, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện các mặt công tác; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong từng đơn vị và trong toàn ngành; đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra.
Năm là, tăng cường các mối quan hệ công tác giữa VKSQS với các cơ quan tư pháp cùng cấp, cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong và ngoài Quân đội để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; đồng thời xây dựng VKSQS các cấp vững mạnh trên tinh thần tôn trọng và thực hiện đúng thẩm quyền của từng cơ cơ quan, đơn vị, các quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công dân.
Phát huy truyền thống của VKSQS trong 60 năm qua, các VKSQS trong toàn quốc tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, nâng cao kiến thức, đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng VKSQS thật sự trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý./.
Trung tướng Tạ Quang Khải - Viện trưởng VKSQS trung ương
Từ khóa » Chức Năng Của Viện Kiểm Sát Quân Sự
-
Pháp Lệnh Tổ Chức Viện Kiểm Sát Quân Sự 2002 05/2002/PL ...
-
Viện Kiểm Sát Quân Sự Là Gì ? Quy định Về Hệ ... - Luật Minh Khuê
-
Viện Kiểm Sát Quân Sự Là Gì? Vị Trí, Chức Năng, Nhiệm Vụ Của VKS ...
-
Viện Kiểm Sát Quân Sự Trung ương Tập Huấn Công Tác Kiểm Sát Quân ...
-
Xây Dựng Viện Kiểm Sát Quân Sự Ngang Tầm Nhiệm Vụ
-
Chức Năng, Nhiệm Vụ Viện Kiểm Sát Nhân Dân
-
CSDLVBQPPL Bộ Tư Pháp - Tổ Chức Viện Kiểm Sát Quân Sự
-
Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao
-
Viện Kiểm Sát Quân Sự Trung ương (Việt Nam) - Wikipedia
-
Viện Kiểm Sát Nhân Dân - VKSND Tỉnh Kiên Giang
-
Giới Thiệu Chung - VKSND TỈNH NINH BÌNH
-
VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 ...
-
Hoạt Động - Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tỉnh Sóc Trăng
-
Viện Kiểm Sát Quân Sự Nâng Cao Chất Lượng Công Tác Phổ Biến, Giáo ...