Học Luật Dễ Hay Khó? Tương Lai Nghề Luật Như Thế Nào?

tuaphuanĐây là những câu hỏi được nhiều bạn học sinh, sinh viên đặt ra khi lựa chọn học luật. Nhóm phóng viên chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn một số bạn cựu sinh viên học chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế tại Đại học Ngoại Thương (FTU) để tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên.

Học luật dễ hay khó?

Nhiều bạn có thể còn mang nặng thành kiến, cho rằng học luật khô khan lắm, phải thuộc lòng đủ thứ luật lệ. Nhưng thực tế việc học các môn luật ở FTU không hề tiêu cực như vậy, ít ra là không khô khan chút nào. Học luật ở FTU không phải là đọc-chép, và chắc chắn không phải là học vẹt, học tủ để đi thi.

Ngược lại, trong các buổi giảng dạy, trao đổi, giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, sinh viên sẽ tìm hiểu về các chủ đề của môn học và khẳng định thành quả nghiên cứu của mình. Chính những phát biểu, bài tiểu luận và thuyết trình của sinh viên sẽ giúp họ rút ra những bài học cốt yếu của môn học. Giảng viên cũng thường xuyên đưa ra các tình huống để sinh viên chủ động vận dụng pháp luật để giải quyết. Những bài tập như vậy không khác gì so với công việc tư vấn pháp lý mà các bạn sẽ phải thực hiện trong quá trình công tác sau này, vì thế, trở nên vô cùng lý thú và hữu ích. Sinh viên Luật FTU không thể thấy khô khan trong những giờ học như thế. Ngược lại, các bạn sẽ hiểu được rằng, học luật ở đây không có nghĩa là học thuộc lòng luật – mà là học cách vận dụng pháp luật.

Tương đồng với việc giảng dạy đó, việc kiểm tra, đánh giá cũng tập trung vào việc áp dụng luật pháp chứ không phải là chép thuộc lòng các quy định. Hầu hết các môn đều cho phép sử dụng tài liệu khi làm bài thi. Tuy nhiên, sinh viên phải nhớ được các nguyên lý cốt lõi, từ đó mới có thể để tra cứu và vận dụng pháp luật chính xác và hiệu quả.

Bởi vậy, các bạn sinh viên cần chủ động nghiên cứu, tìm tòi và ghi nhớ những kiến thức cốt lõi của từng môn học. Xin lưu ý rằng, những kiến thức cơ bản nhất chính là những kiến thức phải vận dụng nhiều nhất. Việc đầu tư công sức và tâm huyết cho các bài tập nhóm, tiểu luận, thuyết trình cũng rất quan trọng, nhưng không phải chỉ vì vấn đề điểm số. Nó sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho mỗi sinh viên, vừa đúc kết những kiến thức chuyên môn, vừa bồi đắp khả năng giao tiếp và tính kiên trì – những tố chất bắt buộc khi hoạt động trong lĩnh vực pháp lý. (Nguyễn Hoàng Anh- cựu sinh viên K46 Luật Kinh doanh quốc tế, FTU – Vị trí công tác hiện tại: Chuyên viên Phòng Pháp chế, Công ty Toyota Việt Nam)

Người ta vốn bảo Luật khô khan lắm, toàn điều nọ khoản kia, dân Luật chỉ chuyên đi bắt bẻ cãi nhau với người khác rồi nghề Luật ở Việt Nam còn chưa phát triển, sao có thể so sánh với những ngành “hot” như tài chính ngân hàng hay quản trị kinh doanh… Đây cũng chính là lúc cho bạn rèn luyện khả năng chịu đựng của bản thân. Bạn có vượt qua được những định kiến đó để thành công không? 70% phụ thuộc vào chính bản thân bạn mà ở đây tôi không nói giúp bạn được. Tôi sẽ nói về 30% còn lại – từ phía các thầy cô vô cùng đặc biệt của Khoa Luật- Đại học Ngoại Thương … Người đầu tiên ai ai cũng biết chính là cô Mơ… Học cô Mơ thì dân tình vô cùng sợ hãi… Cô bắt học căng lắm, phải tư duy vận động hết các nơ ron thần kinh chứ không hời hợt ngồi ngáp ngắn ngáp dài được, nào là tình huống, nào là thuyết trình… nói chung các con giời không còn cách nào khác ngoài học học học và học… Nói dọa thế thôi nhưng nếu bạn biết cách học thì cô Mơ là cả một kho kiến thức vô tận mà bạn có thể học tập và “khai thác”… Cô chính là người đã truyền lửa, truyền đam mê với môn luật cho bao thế hệ học sinh Ngoại thương nói chung cũng như chuyên ngành Luật nói riêng… (Trần Bảo Ngọc, Cựu sinh viên K46, Luật kinh doanh quốc tế, FTU – Vị trí công tác hiện tại: Ban thư ký- Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC)

Tương lai nghề luật…

Xét về định hướng và phát triển nghề nghiệp, sinh viên Luật có được rất nhiều thuận lợi. Họ có thể lựa chọn hai hướng phát triển nghề nghiệp: hành nghề Luật sư và phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp (hoặc các công việc khác như đào tạo về pháp luật hay quản lý Nhà nước,…). Vì thế, các bạn sinh viên nên sớm xác định rõ hướng đi của mình, từ đó, xác định được các môn học trọng tâm cần nghiên cứu và nắm vững.

Hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện. Nhiều quy định bất cập vẫn tồn tại, thậm chí là tiếp tục được ban hành. Nhiều chính sách, quy định thay đổi liên tục, gây ra những tác động không nhỏ tới doanh nghiệp. Không những vậy, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, tranh chấp giữa các doanh nghiệp càng dễ phát sinh, dẫn tới những khoản bồi thường, phạt vi phạm không nhỏ. Tất cả những yếu tố trên đã tạo tiền đề cho nghề luật tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Nghề luật ở đây không chỉ nói tới Luật sư, mà bao gồm cả những cán bộ pháp chế doanh nghiệp, những người thiên về vai trò phòng thủ, kiểm soát các nguy cơ và rủi ro pháp lý hơn là bào chữa và giải quyết tranh chấp. Với hệ thống luật phức tạp, nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều rủi ro như của nước ta, hầu hết các công ty đều có nhu cầu được tư vấn pháp lý. Một số công ty thuê các hãng luật đảm nhiệm công tác này. Tuy nhiên, nhiều công ty tuyển dụng và sử dụng các cán bộ pháp chế để tiết kiệm và linh hoạt hơn. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng cán bộ pháp chế doanh nghiệp cũng ngày một tăng lên, không kém so với Luật sư. Do đó, sinh viên Khoa Luật có thể yên tâm về đầu ra, vì họ vừa có thể, ngay khi tốt nghiệp, đảm nhận công tác pháp chế tại doanh nghiệp, vừa có thể phát triển theo hướng hành nghề Luật sư. (Nguyễn Hoàng Anh- cựu sinh viên K46 Luật Kinh doanh quốc tế, FTU – Vị trí công tác hiện tại: Chuyên viên Phòng Pháp chế, Công ty Toyota Việt Nam)

Nếu bạn hỏi tôi nghề Luật có tương lai hay không? Xin trả lời chắc chắn 10000% với bạn rằng có. Không phải tự nhiên mà ở các nước phát triển một trong nghề mang lại mức lương đáng mơ ước nhất không phải tài chính ngân hàng mà chính là Luật. Tuy nhiên nếu hỏi bạn có tương lai hay không thì xin nhắc lại một lần nữa rằng, điều đó tùy thuộc vào bạn. Tôi hay các thầy cô, bố mẹ không thể giúp bạn được. Chính bạn phải tự tìm ra con đường riêng cho mình. Như tôi, vẫn đang ngày ngày tìm kiếm và khẳng định đam mê của một cô nhóc 18 tuổi ngày đó… Tôi – một cử nhân chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế của Đại học Ngoại thương – tự tin nói rằng tôi đã không chọn sai nơi để nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ… (Trần Bảo Ngọc, Cựu sinh viên K46, Luật kinh doanh quốc tế, FTU – Vị trí công tác hiện tại: Ban thư ký- Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC)

Khi còn theo học chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế tại trường, tôi nhận ra lợi thế của sinh viên Ngoại Thương so với sinh viên những ngành luật của các trường đại học khác và cho tới bây giờ, khi làm việc thực tế, lại càng được minh chứng rõ ràng hơn. Đó là sự kết hợp của việc học hai mảng kiến thức một cách rất lô-gic: pháp luật và kinh tế, do đó, điều mà tôi nhận được sau khi theo học không chỉ là những kiến thức nền tảng, thực tiễn về cả kinh tế và pháp luật mà còn là tư duy nhạy bén, linh hoạt, mang tính suy luận và phân tích tốt hơn bởi vì đây là hai phạm trù luôn gắn liền và không thể tách rời cho nên nếu chỉ quan tâm đến những vấn đề pháp luật mà không có nền tảng về kinh tế thì sẽ không thể tìm ra bản chất của sự việc được. Cùng với sự đam mê nghề luật của bản thân và được sự vun đắp, khuyến khích của các thầy cô, sau khi tốt nghiệp, rất nhiều những bạn bè cùng chuyên ngành của tôi đang làm việc trong lĩnh vực luật như chuyên viên pháp chế của ngân hàng, của doanh nghiệp, chuyên viên tư vấn pháp lý như tôi và cũng có người là giảng viên môn luật, là nghiên cứu sinh tại nước ngoài, là cộng tác viên nghiên cứu pháp luật cho các dự án được các tổ chức nước ngoài đầu tư hay những công chức làm việc trong những bộ phận liên quan đến pháp luật trong những cơ quan nhà nước, những đại sứ quán,… Có thể thấy cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này không hề ít, điều quan trọng là bạn có hay không sự đam mê và lòng kiên trì với con đường mà mình đã chọn.(Lại Thanh Hòa- SV K46 Luật KDQT –Vị trí công tác hiện tại: Chuyên viên tư vấn pháp lý tại Công ty Luật TNHH InvestConsult)

Hiện nay doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam nhiều, họ có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý, không chỉ khi có tranh chấp mà còn ngăn ngừa tranh chấp khi nhận được hợp đồng từ đối tác hay sử dụng/soạn thảo mẫu hợp đồng mới tại Việt Nam, hay khi áp dụng chính sách mới về lao động… Doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều lần bị kiện tụng và để cạnh tranh cũng bắt đầu ý thức được việc này.

Bên cạnh sử dụng dịch vụ của một Công ty luật, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI cũng có xu hướng cần luật sư làm việc riêng cho công ty, các bạn có thể lựa chọn là làm việc tại các công ty luật hoặc làm inhouse-lawyer.

Cơ hội làm việc trong ngành luật nhìn chung khá rộng mở, đặc biệt là với các bạn được cầm trong tay tấm bằng cử nhân luật của ĐH Ngoại Thương, bởi vì ngoài việc được trang bị kiến thức pháp lý và kỹ năng thực hành pháp luật, các bạn còn có lợi thế rất lớn về tiếng Anh.(Nguyễn Nữ Thùy Linh- SV K47 Luật KDQT – Vị trí công tác hiện tại: Chuyên viên tư vấn pháp lý- Công ty Luật EP Legal)

Tổng hợp: Liên Hương- Hoàng Hằng

Từ khóa » Học Thạc Sĩ Luật Có Khó Không