Thất Nghiệp Học Thạc Sĩ - VnExpress

"Thạc" có nghĩa là danh vọng to lớn và danh hiệu "thạc sĩ" dùng để chỉ những người có học thức rộng, biết nhiều điều. Tuy vậy, với việc tuyển sinh cao học dễ dãi và đào tạo hời hợt như hiện nay, nhiều trường hợp, thạc sĩ gần như chỉ là hư danh. Hiện nay nước ta có khoảng 200.000 cử nhân không có việc làm. Một bộ phận nhóm này học lên cao học để muốn có cơ hội việc làm lớn hơn. Tuy vậy, hàng năm, số lượng thạc sĩ thất nghiệp hoặc làm trái ngành ở nước ta vẫn còn rất lớn.

>> 'Giáo dục không đào tạo giáo sư, tiến sĩ'

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT tổng hợp trong hai năm gần đây về giáo dục đại học Việt Nam, mỗi năm có hơn 1.500 tiến sĩ, hơn 36.000 thạc sĩ tốt nghiệp. Thời gian tới, người học nhiều chương trình thạc sĩ sẽ không cần thi tuyển đầu vào. Bên cạnh đó, hình thức liên thông từ bậc Đại học lên thạc sĩ sẽ được triển khai rộng hơn khiến đầu vào thạc sĩ trở nên "thoáng" hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng đầu ra liệu có đảm bảo?

Nói về thực trạng này, độc giả PCV nêu quan điểm: "Bây giờ số lượng cử nhân, kỹ sư hàng năm ra trường rất đông (có thể nói là giống như các học sinh tốt nghiệp 12 cách đây 30 năm) nhưng kinh nghiệm thực tiễn và khả năng tiếp cận công việc của họ rất kém. Khi học ra trường nhưng không kiếm được việc làm thì nhiều cử nhân sẽ lại đăng ký học tiếp lên thạc sĩ, đến khi học xong vẫn chưa tìm được việc phù hợp thì họ đành chấp nhận làm lao động phổ thông hoặc chạy xe ôm công nghệ để nuôi sống bản thân".

Đồng quan điểm, bạn đọc Kevin lấy dẫn chứng: "Tôi có vài người bạn học phổ thông, học lực cũng chỉ ở mức khá, không đủ khả năng thi đậu những trường đại học công lập thuộc top đầu lúc đó. Vậy nhưng, 10 năm sau gặp lại, các bạn đã có bằng thạc sĩ hẳn hoi. Quả thực, đào tạo trên đại học ở nước ta đang giống như nồi lẩu của các trường đại học. Thậm chí, có người còn nói vui rằng 'muốn học thạc sĩ còn dễ dàng hơn thi vào các đại học top đầu'".

"Không phủ nhận có những thạc sĩ giỏi, tiến sĩ xuất sắc thật sự, nhưng cũng không ít người học thạc sĩ, tiến sĩ chỉ vì lúc ra trường không chịu đi làm, thất nghiệp hoặc nhà có điều kiện... Thạc sĩ, tiến sĩ có cần thiết không? Xin khẳng định là rất cần. Nhưng chúng ta cần những bằng cấp chất lượng chứ không phải hợp thức hóa chúng", độc giả Bao Le bổ sung thêm.

>> Lương tăng 20 lần nhờ tập trung công việc

Trong xã hội hiện nay đang xuất hiện xu hướng "phổ cập cao học" khi mà tỷ lệ người học cao học ngày càng tăng, chương trình các trường mở ra "trăm hoa đua nở". Thực tế cho thấy, bậc học này ở nhiều nơi được đánh giá đem lại ít kiến thức, học hời hợt, nhiều trường hợp đi học chủ yếu để xóa bằng tại chức, chuẩn hóa chức danh và mở rộng mối quan hệ nhằm mục đích cá nhân.

Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Thuỳ lại có một cái nhìn khác về việc học thạc sĩ: Tôi là người vừa đi làm, vừa học thạc sĩ, thấy rằng ở đây có hai mặt:

Thứ nhất, đúng là một số người vì không xin được việc nên muốn học thạc sĩ. Đó cũng là một cách để họ tìm kiếm cơ hội, mở mang kiến thức, giúp dễ dàng tìm được công việc như mong muốn trong tương lai. Suy cho cùng, điều đó vẫn còn hơn là ngồi lãng phí thời gian chờ việc, hay xin đại một công việc tạm thời hoặc làm thuê linh tinh. Thử hỏi, khi sinh viên ra trường làm sao có thể phát triển hơn được nếu không đi "học thêm" về chuyên môn của công việc?".

Thứ hai, học thạc sĩ không phải tất cả đều là vì mục tiêu có bằng cấp cao hơn người khác. Rất nhiều người đi học để lấy kiến thức và để có cái nhìn "sâu sắc" hơn người khác về kiến thức chuyên môn, cũng như cách nhìn nhận cuộc sống... Tất nhiên, mức độ "lĩnh hội" những kiến thức cao học không phải ai cũng như ai. Nếu giỏi, bạn cứ tốt nghiệp đại học và vừa đi làm, vừa đi học thạc sĩ.

Cũng phải nói thêm rằng, đúng là đào tạo thạc sĩ ở nước ra chưa được tốt. Bản thân tôi cũng chưa thấy được thỏa mãn với những điều tôi được học ở cao học. Hy vọng sau này, tôi có thể về trường để đóng góp thêm những kinh nghiệm thực tế cho các lớp đàn em...".

Việt Thành tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

  • 'Lạm phát' điểm chuẩn đại học
  • Đại học tăng 9 điểm chuẩn - học sinh giỏi hơn ngày xưa?
  • Bằng đại học giúp vợ chồng tôi đổi đời
  • Cố vào đại học dù 'lương không bằng người bán cá'
  • Bốn năm đại học tẻ nhạt
  • Lý do học giỏi vẫn chọn ĐH Sư phạm

Từ khóa » Học Thạc Sĩ Luật Có Khó Không