- Trang chủ
- Giới thiệu
- Bản đồ hành chính
- Đơn vị hành chính
- Thành tựu - Tiềm năng phát triển
- Lịch sử - Văn hóa
- Điều kiện tự nhiên - xã hội
- Tin tức - Sự kiện
- Tin tổng hợp
- Chính trị
- Giáo dục
- Kinh tế
- Văn hóa - Xã hội
- Lịch làm việc
- Thành ủy
- HĐND - UBND thành phố
- Tổ chức bộ máy
- Các ban - Đơn vị trực thuộc
- Các tổ chức cơ sở Đảng
- Thành ủy
- Hỏi đáp
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Bản đồ hành chính
- Đơn vị hành chính
- Thành tựu - Tiềm năng phát triển
- Lịch sử - Văn hóa
- Điều kiện tự nhiên - xã hội
- Tin tức - Sự kiện
- Tin tổng hợp
- Chính trị
- Giáo dục
- Kinh tế
- Văn hóa - Xã hội
- Lịch làm việc
- Thành ủy
- HĐND - UBND thành phố
- Tổ chức bộ máy
- Các ban - Đơn vị trực thuộc
- Các tổ chức cơ sở Đảng
- Thành ủy
- Hỏi đáp
Thứ 4, 18/12/2024 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thăm, tặng quà cán bộ Tiền khởi nghĩa và thương, bệnh binh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội - Bế mạc kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố khóa XXII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Khai mạc Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Bắc Ninh khóa XXII - Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Bắc Ninh bầu bổ sung 03 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Thành ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Học tập và noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
2021-11-19 13:40:50 Số lượt xem 1423 TCCS - Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh, suốt đời phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời cách mạng cao đẹp của đồng chí Lê Quang Đạo là niềm tự hào, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Ninh học tập, làm theo, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía đông bắc của Thủ đô Hà Nội. Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, Bắc Ninh có nhiều danh nhân nổi tiếng, như Lý Thường Kiệt, Lê Văn Thịnh, Hàn Thuyên, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Cao…; nhiều chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, kiên trung như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo…
Đồng chí Lê Quang Đạo - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân (Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 1992)_Ảnh: TTXVN Đồng chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện), sinh ngày 8-8-1921, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sinh ra và lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng Đình Bảng, quê hương của nhà Lý; đồng thời, nơi đây cũng là căn cứ địa, an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, thường xuyên được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về chỉ đạo và hoạt động cách mạng…, nên truyền thống quê hương, gia đình đã hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, là động lực, điểm tựa để đồng chí Lê Quang Đạo phấn đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Năm 1930, Nguyễn Đức Nguyện đi học ở Trường Tiểu học kiêm bị Đình Bảng; năm 1936, tốt nghiệp tiểu học, khi mới 16 tuổi, người thanh niên Nguyễn Đức Nguyện thường xuyên hưởng ứng hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ, tổ chức tối rước đèn, đọc bài vè “Hò đi học” cổ động nhân dân trong làng đi học với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”. Năm học 1937 - 1938, Nguyễn Đức Nguyện ra Hà Nội học, lúc đầu học tại Trường tư thục Gia Long, sau chuyển sang học ở Trường Trung học tư thục Thăng Long. Là người có tri thức, lại sớm được tiếp cận, gặp gỡ, học tập tư tưởng yêu nước, tiến bộ qua sách báo của Đảng và các thầy giáo như Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai…, đặc biệt là tiếp thu “Đường Cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Nguyện sớm giác ngộ cách mạng, đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Cuối năm 1938, Nguyễn Đức Nguyện tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Đình Bảng. Trong thời gian học tại Hà Nội, mỗi lần về quê, Nguyễn Đức Nguyện đều tích cực tuyên truyền nhiều loại sách báo tiến bộ đến với các đoàn viên, thanh niên tại Đình Bảng lúc đó. Hầu hết các điếm canh trong làng đều thành các phòng đọc công cộng. Thông qua sách báo tiến bộ, các chủ trương, đường lối của Đảng được truyền bá đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong làng Đình Bảng. Đến giữa năm 1939, Đình Bảng là địa phương có mạng lưới cơ sở cách mạng rộng, có phong trào cách mạng sôi nổi. Cuối năm 1939, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ra chủ trương chuyển hình thức hoạt động của các tổ chức cộng sản từ hoạt động công khai, hợp pháp, sang hình thức bí mật. Thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm công tác về vùng nông thôn, gấp rút xây dựng hệ thống các cơ sở chính trị bí mật vững chắc ở Đình Bảng, Nguyễn Đức Nguyện cùng một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ chuẩn bị các cơ sở tin cậy và lo công tác bảo đảm an toàn, nơi ăn chốn ở để đón các đồng chí lãnh đạo của Đảng về hoạt động. Trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1939), Nguyễn Đức Nguyện đã cùng các bạn thanh niên dải truyền đơn trong các ngõ xóm, ở làng Đình Bảng và phủ Từ Sơn. Thông qua các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, phong trào cách mạng ở Đình Bảng và huyện Từ Sơn ngày càng phát triển. Với nhiều hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết, Nguyễn Đức Nguyện góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Đình Bảng và các địa phương lân cận. Đến tháng 8-1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng khi mới 19 tuổi. Nhận thấy vị trí ngày càng quan trọng của Đình Bảng và để xây dựng nơi đây trở thành một trong những căn cứ cách mạng an toàn, bí mật, làm cơ sở của cơ quan Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ, tháng 8-1940, Chi bộ độc lập đầu tiên của Đình Bảng được thành lập, do đồng chí Nguyễn Đức Nguyện làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Đình Bảng có phong trào cách mạng phát triển mạnh và được Trung ương Đảng chọn là một trong những tâm điểm để xây dựng thành An toàn khu I. Hội nghị Trung ương lần thứ bảy tổ chức tại làng Đình Bảng đã được bảo vệ an toàn. Từ giữa năm 1941, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng, lấy tên là Lê Quang Đạo. Đồng chí thường xuyên gây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng ở Cẩm Giang, Trang Liệt, Phù Chẩn, Trung Mầu, Phù Khê, Tam Sơn, Phật Tích... Đầu năm 1941, đồng chí thành lập Chi bộ đảng Phù Chẩn - Dương Húc và trực tiếp làm Bí thư. Lúc này, cả tỉnh Bắc Ninh có 4 chi bộ là: Đình Bảng, Cẩm Giang - Trang Liệt, Phù Chẩn - Dương Húc (Từ Sơn) và Liễu Khê (Thuận Thành); phong trào cách mạng phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động làm Bí thư cán sự Đảng huyện Từ Sơn. Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và điều kiện đã cho phép, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh được thành lập, đồng chí Lê Quang Đạo làm Trưởng Ban. Sau khi Ban cán sự Đảng tỉnh được thành lập, công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng quần chúng được đẩy mạnh, phát triển lên một bước. Với cương vị là Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Lê Quang Đạo cùng các đồng chí của mình tổ chức nhiều hoạt động, phát triển thêm nhiều đảng viên mới và mở rộng cơ sở cách mạng ra các xã thuộc huyện Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh Bắc Ninh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tặng quà cho thiếu nhi tại Làng trẻ em SOS (Hà Nội), ngày 24-8-1991_Ảnh: TTXVN Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được Trung ương Đảng điều động và phân công làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó đảm nhận các chức vụ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974; là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa III, Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa IV, V. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều nỗ lực, hết lòng, hết sức cống hiến và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn. Là một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng cũng là người con của Bắc Ninh, đồng chí Lê Quang Đạo luôn quan tâm, gần gũi, gắn bó và tâm huyết với quê hương. Mặc dù sớm thoát ly quê hương đi hoạt động cách mạng, nhưng mỗi khi có điều kiện, đồng chí đều trở về quê hương, gắn bó với nhân dân địa phương, dành cho quê hương những tình cảm thân tình và trách nhiệm. Đồng chí thường nhắc nhở, động viên Đảng bộ và nhân dân Đình Bảng phải đoàn kết thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là một làng kiểu mẫu”. Đồng chí thường chia sẻ: “Ai làm cách mạng cũng do xuất phát từ tình cảm quê hương, lòng yêu dân tộc”. Về dự nhiều kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đồng chí thường căn dặn cán bộ, đảng viên phải chăm lo công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và nhân dân, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, quan tâm đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân… Tình cảm sâu nặng với quê hương, đến những ngày cuối đời, khi đang trong bệnh viện, đồng chí vẫn nói với các con: “Sau này, khi bố không đủ sức khỏe thì các con cố gắng thay bố thăm hỏi họ hàng, quê nhà. Dù trong hoàn cảnh nào của đời sống và sự nghiệp cũng luôn nghĩ đến quê hương. Nếu có thể giúp gì được cho quê nhà thì nên làm”. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng (1938 - 1999), đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ tài năng, đức độ, ham học hỏi, giàu trí tuệ, trung thực, thẳng thắn, rất mực khiêm tốn, luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân; sống giản dị, trong sáng, hòa hợp, đoàn kết với mọi người. Đồng chí là tấm gương của nhà lãnh đạo tận tụy và đầy trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, trước mọi nhiệm vụ, suốt đời hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; là người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (8-8-1921 - 8-8-2021), đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đến dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Quang Đạo tại di tích Nhà lưu niệm (gốc) ở khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh_Ảnh: TTXVN Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8-8-1921 - 8-8-2021), tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí; phát triển lớp đảng viên mang tên đồng chí Lê Quang Đạo; tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia; xây dựng phim tài liệu, phóng sự; sưu tầm tài liệu, hiện vật, kỷ vật về đồng chí; xây dựng Nhà lưu niệm tại Công viên thị xã Từ Sơn; trùng tu, tôn tạo, xếp hạng di tích lịch sử Nhà lưu niệm (gốc) tại khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng; tổ chức lễ dâng hương; chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng học tập chuyên đề về tấm gương đồng chí Lê Quang Đạo, tổ chức tham quan, nói chuyện chuyên đề, chiếu phim tài liệu… nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, học tập và noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh luôn phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, đoàn kết khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, sau gần 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, vượt bậc trên các lĩnh vực, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; quy mô kinh tế mở rộng; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển đồng bộ; nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức bình quân cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; công tác cải cách hành chính đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Đảng bộ tỉnh luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, Bắc Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm dịch, chịu hậu quả lớn do tác động của dịch bệnh. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, Bắc Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện 3 mục tiêu chủ yếu: Phòng, chống dịch hiệu quả; tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến nay, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên địa bàn tỉnh; sản xuất tiếp tục duy trì; đời sống của nhân dân, người lao động bảo đảm, trật tự xã hội được giữ vững. Học tập tấm gương đồng chí Lê Quang Đạo, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong hành động nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau: Thứ nhất, xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng gần dân, phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh; thực hiện tốt quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khơi dậy và phát huy khát vọng cống hiến xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nhân và đông đảo các tầng lớp nhân dân... Thứ hai, tiếp tục chủ động phòng, chống dịch, tập trung phát triển kinh tế - xã hội bền vững; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh, hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, tăng cường liên kết vùng, tạo động lực mới với vai trò cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô. Thứ ba, huy động mọi nguồn lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; phát huy giá trị dân ca Quan họ và văn hóa, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc. Giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và phát huy sức mạnh toàn dân, tạo sự đồng thuận và môi trường ổn định thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Diện mạo thành phố Bắc Ninh hôm nay_Nguồn: shutterstock.com Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo là dịp để các thế hệ ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc; tưởng nhớ, biết ơn và tự hào về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, những phẩm chất đạo đức và những cống hiến to lớn với quê hương, đất nước của đồng chí, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nguyện noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
ĐÀO HỒNG LAN Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguồn: tapchicongsan.org.vn Tin mới hơn - Lý Tự Trọng - một thanh niên xuất sắc, anh hùng sống mãi trong lòng dân tộc - Hai Bà Trưng - Hải Thượng Lãn Ông: Thân thế – Sự nghiệp – Thành tựu y học - Bài viết đầu tiên của Bác Hồ về Tết trồng cây - Tản mạn Tết xưa, Tết nay - Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930 - Cách mạng Tháng Mười Nga với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 - Ngày 2/9 được gọi là Ngày Quốc khánh từ khi nào? - Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 ra đời như thế nào? Tin cũ hơn - Đồng chí Nguyễn Văn Linh - người chiến sỹ Cộng sản kiên trung - Tư tưởng của Ph.Ăng-ghen - nền tảng xây dựng xã hội mới - V.I. Lênin – Nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới - Ánh sáng Tháng Mười - Phim tài liệu về CMT10 Nga - PHIM TÀI LIỆU: SỨC SỐNG BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - Phim tài liệu: Ngọn đuốc thế kỷ - Phim tài liệu: Hồ Chí Minh Bài ca tự do - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng và cách mạng Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông - Lê Duẩn với tư duy sáng tạo của cách mạng Việt Nam
Văn bản - Tài liệu
Thành ủy
Các Ban xây dựng Đảng
- Ban Tuyên giáo - Ban Tổ chức - Ban Dân vận - Ủy ban kiểm tra Văn phòng Thành ủy
Trung tâm Chính trị
MTTQ & các đoàn thể nhân dân
Học tập và làm theo lời Bác
Văn bản - chính sách mới
Mô hình - điển hình
Thông tin tuyên truyền
Biển đảo quê hương
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Bắc Ninh - Thành phố văn hiến và cách mạng
Thông tin sinh hoạt chi bộ
Hiến pháp và pháp luật
Tư liệu lịch sử
Video Liên kết website Liên kết website Tỉnh ủy Bắc Ninh Website Tỉnh Bắc Ninh Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam Báo điện tử nhân dân Báo điện tử ban tuyên giáo trung ương Cổng thông tin điện tử chính phủ Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh Báo điện tử Bắc Ninh Cổng thông tin điện tử thành phố Bắc Ninh Quảng cáo Thống kê truy cập
| Đang online | 55 |
| Tất cả | 3163998 |
Cơ quan chủ quản: Thành ủy Bắc Ninh Địa chỉ: Số 10 đường Nguyên Phi Ỷ Lan, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh ĐT: (0222) 3 821.238; Fax: (0222) 3 874.274 | Chịu trách nhiệm nội dung: Đ/c Nguyễn Đức Hiện - Uỷ viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Trưởng Ban Biên tập Cơ quan Thường trực Ban Biên tập: Ban Tuyên giáo Thành ủy ĐT: (0222) 3 870.612 - Email: banbientap.thanhuy@gmail.com |