Văn Hóa Tiêu Biểu Người Bắc Ninh Thời Hiện đại: Đồng Chí Lê Quang ...

Đồng chí Lê Quang Đạo (1921-1999)

Đồng chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện), sinh ngày 8/8/1921, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, quê hương của nhà Lý, đồng thời cũng là căn cứ địa, an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi đây thường xuyên được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về chỉ đạo và hoạt động cách mạng… nên đã hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, là động lực, điểm tựa để đồng chí Lê Quang Đạo phấn đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Năm 1930-1936, đồng chí Lê Quang Đạo học và tốt nghiệp tiểu học ở trường làng. Từ năm 1937-1939, ông học trường tư thục Gia Long, sau chuyển sang học ở trường trung học tư thục Thăng Long - Hà Nội. Trong thời gian này, Nguyễn Đức Nguyện đã tham dự những buổi nói chuyện chính trị ở trụ sở Đảng Xã hội tại Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt; tham gia Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Nội, rồi Thanh niên phản đế.

Tháng 8/1940, đồng chí Lê Quang Đạo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; cuối năm 1940, được phân công là Bí thư Chi bộ Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; được trực tiếp làm việc với các nhà hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt..., được dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Cuối năm 1941 đến đầu năm 1942, ông được phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh. Tiếp đến ông giữ chức vụ là Bí thư Ban Cán sự đảng bộ tỉnh Phúc Yên, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ.

Từ tháng 5/1943 đến tháng 10/1944, đồng chí Lê Quang Đạo đảm nhiệm chức Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí đã thể hiện tài năng lãnh đạo, trực tiếp lăn lộn với giới trí thức, học sinh, sinh viên xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân Hà Nội ủng hộ và tham gia cách mạng.

Từ tháng 5/1945 đến tháng 8/1945, phụ trách báo Quyết Thắng và mở các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Giang) và là chính trị viên Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang, tham gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang.

Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, từ tháng 10/1945 đến tháng 6/1946, đồng chí Lê Quang Đạo được cử về tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và được cử làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng, trong lúc cách mạng đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí đã tích cực đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức cứu quốc, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo tổ chức thành công Tổng tuyển cử ở Hải Phòng, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.

Lần thứ hai, giữa năm 1946, đồng chí Lê Quang Đạo được cử về Hà Nội giữ nhiệm vụ Bí thư, trong lúc Hà Nội vô cùng căng thẳng do thực dân Pháp chuẩn bị gây chiến. Với vai trò là Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (Khu XI), đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Trung ương rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự trong nội thành suốt hai tháng và cũng là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Sau khi cơ quan của Thành ủy Hà Nội chuyển về đóng ở Chương Mỹ, Hà Đông, đồng chí đã quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành xây dựng và khôi phục các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.

Năm 1948, đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông; cuối năm 1948, là khu ủy viên, rồi Ủy viên Thường vụ Liên khu III, phụ trách công tác tuyên huấn.

Từ năm 1949 đến tháng 7/1950, đồng chí Lê Quang Đạo giữ chức Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng và phụ trách Báo Sự thật, Tạp chí Lý luận.

Do yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, từ tháng 9/1950, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua 28 năm trong quân ngũ (1950-1978), đồng chí được Đảng, Quân đội tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng: Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Biên giới 1950; Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ kiêm Chính ủy Đại đoàn 308 (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968); Chính ủy Bộ Tư lệnh 500, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971); Chính ủy Chiến dịch Trị - Thiên (1972); Cục trưởng Cục Tuyên huấn đầu tiên (1951-1955); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách công tác tuyên huấn (1955-1978); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự…

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo với ý chí, bản lĩnh, tài thao lược, sự linh hoạt, sáng tạo, quyết đoán của một nhà chỉ huy chính trị - quân sự tài ba trong cả công tác đảng, công tác chính trị cũng như chỉ đạo trực tiếp trên chiến trường, góp phần to lớn vào những thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc. Ghi nhận những đóng góp to lớn với Quân đội và cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.

Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương.

Tháng 6/1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Đầu năm 1993, đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để chuyên trách về công tác Mặt trận. Tháng 8/1994, Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IV đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngày 24/7/1999, đồng chí Lê Quang Đạo mất tại Hà Nội.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã nỗ lực phấn đấu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần của người chiến sĩ cộng sản, kiên cường vượt qua mọi gian nguy, thử thách, chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lai tươi sáng của đất nước. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng của một người cộng sản mẫu mực, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí với dân tộc, Đảng, Nhà nước tặng Đồng chí Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác./.

Từ khóa » đồng Chí Lê Quang đạo Với Quê Hương Bắc Ninh