Học Thuyết Của Carl Jung | Kịch ứng Dụng
Có thể bạn quan tâm
1. Các phần của tâm thức
Học thuyết tâm lý của Jung chia tâm thức ra thành 3 phần:
Phần đầu tiên là cái tôi, trong đó Jung cho là bộ phận ý thức của tinh thần.
Phần thứ hai có liên hệ rất chặt chẽ với cái tôi là cõi tiềm thức cá nhân, bao gồm tất cả những gì không xuất hiện nhưng thuộc về bộ phận ý thức, và khi cần sẽ có thể trở thành một phần của ý thức. Cõi tiềm thức cá nhân bao gồm ký ức được truy cập một cách tương đối dễ dàng dù đôi lúc được chôn rất sâu. Tuy nhiên trong cõi tiềm thức của Jung không chứa đựng bản năng như trong cõi vô thức của Freud.
Jung đã đưa vào một đại lượng thứ ba khiến cho học thuyết của ông gây được sự chú ý của mọi người đó là cõi vô thức tập thể. Hiện nay nhiều người gọi cõi vô thức tập thể này là tâm thức di truyền, vốn là một bể chứa rất lớn, cất giữ trong nó tất cả những kinh ngiệm chung của một chủng loại, một dạng kiến thức mỗi chúng ta sau khi sinh ra đã được trang bị. Tuy nhiên những kiến thức này thường không hiện lên bên trên bề mặt ý thức. Những kiến thức từ cõi vô thức tập thể luôn có ảnh hưởng lên tất cả những hành vi của con người, nhất là nơi những người giàu cảm xúc. Chúng ta chỉ có thể nhìn vào những kiến thức di truyền ấy một cách gián tiếp qua những ảnh hưởng của nó.
Có vài kinh nghiệm cho thấy những ảnh hưởng của cõi vô thức tập thể rất khác nhau. Một số mảng trong cõi vô thức tập thể có ảnh hưởng lớn hơn những mảng khác. Chẳng hạn như vấn đề cái nhìn ấn tượng ban đầu (hoàn toàn do trực giác điều khiển) – một trạng thái cảm xúc bất ngờ khi 2 người gặp nhau lần đầu mà họ tin rằng đã được sắp xếp như một cơ duyên tiền định. Theo Jung đây là sự đánh thức của cõi vô thức tập thể vẫn được cài đặt sẵn trong hệ thống tâm lý nơi con người.
Cõi vô thức tập thể được bắt gặp ở hầu hết các nền văn hóa khác nhau trên thế giới một cách rất rõ. Ta có thể nhận ra chúng qua những hiện tượng kinh nghiệm thần linh, cảm hứng của các nhạc sĩ và nghệ sĩ, những hiện tượng siêu nhiên, giác quan thứ sáu, những giấc mơ và điềm báo, truyện cổ tích và văn chương. Ví dụ ở Việt Nam có truyện cổ tích Tấm Cám rất giống với truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết ở các nền văn hóa Châu Âu. Một ví dụ khác được thảo luận nhiều nhất là kinh nghiệm chết đi sống lại. Nghiên cứu từ nhiều người có nguồn gốc văn hóa khác nhau trải qua kinh nghiệm chết đi sống lại cho biết họ có những hình ảnh trí nhớ rất tương tự sau khi nhập lại với đời sống. Họ cho rằng đã thoát xác và nhìn thấy cơ thể của mình, cùng với những hoạt cảnh có nội dung liên quan xảy ra xung quanh xác chết của họ. Chẳng hạn như tất cả đều kể lại việc họ được kéo qua một đường hầm tối đen đến với một nguồn ánh sáng chói lòa, gặp lại những người thân và những hình ảnh thần thánh trong tôn giáo. Nhiều người tỏ ra thất vọng khi phải quay trở lại với thực tế trước mắt. Theo Jung có thể tất cả mỗi con người được thiết kế để trải qua kinh nghiệm này.
2. Các nguyên mẫu tâm lý
Nội dung của những ảnh hưởng đến từ cõi vô thức tập thể được gọi là những nguyên mẫu. Jung còn gọi chúng là những tâm thức hệ chủ quản, bao gồm những biểu tượng, hoặc những hình ảnh huyền thoại hay những hình ảnh nguyên thủy. Tuy nhiên thuật ngữ nguyên mẫu được ông sử dụng nhiều nhất. Theo ông, nguyên mẫu chính là xu hướng tâm thức không cần được học nhưng được sử dụng như một kênh chung để con người khắp nơi trên hành tinh có những kinh nghiệm tâm lý hiện tượng rất giống nhau.
Các nguyên mẫu không có một hình thái nhất định, song lại vận hành trên nguyên lý có tổ chức đối với những sự kiện chúng ta nhìn thấy thông qua các ứng xử và tư duy của con người.
Theo ông nguyên mẫu phát triển giống như bản năng trình bày trong thuyết phát triển của Freud, nghĩa là ban đầu trẻ em đói và đòi ăn một cách rất vô thức và không hề biết nó muốn gì. Các em chỉ mơ hồ phải có một đáp ứng nào đó không thể thay thế được.
Sau đó dần dần trẻ em sẽ bắt đầu đòi hỏi những gì chúng thật sự cần, qua những khám phá từ kinh nghiệm bản thân: chẳng hạn như một cái bánh qui, một món đồ chơi, một bình sữa. Vì thế một nguyên mẫu không định hình để ta nhìn thấy, song thường chỉ cảm nhận được trong những tình huống xảy ra cần có sự hiện diện của một nguyên mẫu nhất định đó.
Nguyên mẫu tình mẹ
Đây là một nguyên mẫu quan trọng trong học thuyết của Jung vì tất cả mọi thế hệ tiền thân của tổ tiên chúng ta đều có một người mẹ. Chúng ta ai cũng được sinh ra trong môi trường được mẹ chăm sóc. Con người không thể sống thiếu được sự liên hệ với nguồn cung cấp chăm sóc này khi thời gian họ còn là những trẻ sơ sinh. Vì thế trong hành trình làm người, tất cả những gì liên quan đến Mẹ là một bộ phận quan trọng với con người trong khắp mọi nền văn hóa. Có thể nói tất cả các nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ đã đại diện cho mọi người bình thường những cảm xúc sâu lắng nhất về HUYỀN THOẠI MẸ của tất cả mỗi chúng ta. Vì thế nguyên mẫu tình mẹ là một khả năng nhận diện tất cả những quan hệ liên đới với ấn tượng người mẹ. Đây là một nguyên mẫu được cài đặt trong hệ tâm lý của mỗi cá nhân. Và tuy không nhận diện ra nguyên mẫu này, chúng ta vẫn không thể phủ nhận được cảm xúc và khuynh hướng tìm về hình ảnh người mẹ vĩ đại dưới nhiều hình thái khác nhau. Nhất là nhiều hành vi của chúng ta được cá nhân hóa (personify) qua hệ thống nguyên mẫu tình mẹ. Nhìn một đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi, ai trong chúng ta cũng thường hỏi ngay: Mẹ em bé này đang ở đâu? Một số ví dụ khác về nguyên mẫu tình mẹ là hiện tượng người mẹ khởi nguyên hay còn gọi là mẹ mặt đất tìm thấy trong thần thoại của nhiều nền văn hóa, về những thần nữ là mẹ, như Eva trong kinh thánh Cựu ước, hay Đức thánh Maria – mẹ của chúa Jesus, cho đến những tổ chức khác như Hội thánh mẹ của nhiều tôn giáo, biển là mẹ, rừng là mẹ, đất là mẹ, quê là mẹ, tiếng mẹ đẻ…
Nguyên mẫu năng lực siêu nhiên
Trước khi đi sâu vào thảo luận, chúng ta cần hiểu được rằng các nguyên mẫu hoàn toàn không có liên hệ nguồn gốc sinh học, không giống như bản năng trình bày trong học thuyết của Freud. Rõ hơn, các nguyên mẫu là những nhu cầu mang thuộc tính tinh thần. Chẳng hạn với Freud, trong giấc mơ nếu một người nhìn thấy một vật có hình tròn và dài sẽ được cắt nghĩa thành một vật thể dương vật và hoàn toàn có liên hệ với nhu cầu tính dục. Với Jung thì điều nằm mơ thấy một vật có chiều dài và tròn sẽ được lý giải theo nhiều cách khác và không nhất thiết phải có liên hệ với nhu cầu tính dục. Trong các xã hội nguyên thủy, biểu tượng dương vật không phải luôn luôn mang màu sắc tính dục. Theo Jung thì đây là một biểu tượng của mana, hay còn gọi là năng lực siêu nhiên. Những biểu tượng này thường được xuất hiện khi con người có nhu cần đến sự trợ giúp của những nguồn năng lực siêu nhiên. Ví dụ ta thấy người xưa hay trông cậy vào năng lực siêu nhiên trong việc cầu mùa, cầu vũ, đi săn, đánh cá, kiến trúc đền đài để tôn vinh năng lực siêu nhiên. Tất nhiên một dạng cụ thể của năng lực siêu nhiên (mana) được thể hiện qua biểu tượng dương vật. Điều này được chứng minh ở nhiều nền văn hóa và tôn giáo như Linga (Linh dương vật), hoặc việc có nhiều tôn giáo coi việc thờ phượng dương vật coi trọng tinh dịch, và xem đó là những hoạt động đem lại sự sinh sản trù phú, chẳng hạn như trong văn hóa Phồn thực ở Việt Nam và một số nước vùng Đông Nam Á.
Nguyên mẫu bóng tối
Tính dục và bản năng sinh lý trong đời sống cũng được thảo luận trong học thuyết của Jung. Chúng là một nhóm nguyên mẫu được ông gọi là bóng tối, vốn được lưu lại nơi con người do được thừa hưởng từ tổ tiên là thời tiền nhân loại – chủ yếu đến từ tổ tiên của chúng ta là thú vật, nhằm phục vụ chủ yếu hai chức năng tồn tại và sinh sản. Vì thế tổ tiên của chúng ta hoàn toàn không có ý thức về chính mình. Đây là thái cực bóng tối của cái tôi. Đây là khu vực chất chứa những khả năng độc ác hằn học của con người. Nguyên mẫu bóng tối đại diện cho thuộc tính thú vật nơi con người, thể hiện qua việc thiếu sự có mặt tinh thần đạo đức mà mỗi con người trong chúng ta ai cũng từng có. Điều này hoàn toàn không phải là xấu hay tốt, đơn giản là chúng ta trở về gần gũi hơn với tổ tiên của mình là thú vật, nhất là trong vận hành để sinh tồn. Chẳng hạn, cọp mẹ đi săn để nuôi con chứ không phải vì độc ác. Đây là một hình ảnh khá khách quan vô tư nhưng qua lăng kính phát triển đạo đức của con người đã trở thành tàn nhẫn, phi nhân tính, vì thế nguyên mẫu bóng tối là nơi những điều tự nhiên (gần gũi với thủy tổ là động vật thấp hơn) của con người được cất giữ. Biểu tượng của nguyên mẫu bóng tối bao gồm con rắn (như mô tả trong Kinh Thánh), con rồng, và những hình ảnh ma quỷ khác. Thường được coi như là vật cản canh cổng dẫn vào một hồ nước (là nơi được coi là cõi vô thức). Và khi nằm mơ thấy những hình ảnh trên (theo Jung) sẽ có nghĩa là bạn đang đánh vật với những thế lực đen tối của chính mình.
Nguyên mẫu mặt nạ
Đây là nguyên mẫu đại diện cho hình ảnh bên ngoài của mỗi cá nhân, và vì thế có liên hệ trực tiếp đến nhân cách con người, đơn giản là vì chúng ta sử dụng nhân cách để tiếp cận với môi trường đời sống xung quanh. Persona theo tiếng Latinh có nghĩa là mặt nạ. Mỗi chúng ta thường trang bị cho mình một mặt nạ khi đối diện và giao tiếp với thế giới. Mặc dù ban đầu đây là một nguyên mẫu nhưng sau đó khi chúng ta chính thức nhận diện và hiểu được vai trò của nó, nguyên mẫu này là một bộ phận nằm xa nhất trung tâm cõi vô thức tập thể để gần gũi hơn với cõi ý thức – giúp trực tiếp chỉ đạo các ứng xử của con người. Vì thế càng ngày nguyên mẫu mặt nạ đã trở thành có ý thức. Chúng ta cố ý trang bị cho mình một vỏ bọc để xã giao. Đây là nguyên mẫu động viên chúng ta tạo ra một ấn tượng tốt đẹp mà mỗi người trong chúng ta luôn luôn nhắm tới để mong hoà nhập một cách tối ưu nhất với đời sống xã hội bên ngoài. Tuy nhiên một số cá nhân đi xa hơn mức chỉ dừng lại ở một ấn tượng tốt đẹp. Họ kiến tạo một ấn tượng giả tạo mà một số người đã sử dụng để điều khiển (hay đánh lừa) người khác. Tệ nhất là nhiều cá nhân đã tin vào những ấn tượng ảo này do họ đã thiết kế. Và như thế họ sẽ chẳng còn những tiêu chuẩn khách quan để điều chỉnh những giá trị tinh thần nhân văn khác nơi họ.
Nguyên mẫu âm tính và nguyên mẫu dương tính
Một phần của nguyên mẫu mặt nạ là vai trò nam giới và nữ giới của mỗi cá nhân. Với hầu như mỗi chúng ta thì vai trò này đi liền với thiết kế cấu trúc cơ thể qua những đặc tính giới tính rất cụ thể. Tuy nhiên theo Jung, giống như Freud và Adfred Alder tin rằng con người phần đông là những sinh thể lưỡng tính. Cần biết khi còn là phôi thai cho đến một giai đoạn nhất định, cơ thể một em bé vẫn còn là một sinh thể chưa có các bộ phận cơ quan phân biệt giới tính cụ thể, và thai nhi chỉ thực sự phát triển giới tính khi có sự góp mặt của nội tiết tố sinh dục để trở thành một bé trai hay một bé gái. Sau đó được sự tác động của môi trường văn hóa, xã hội, giáo dục, chúng ta dần dần phát triển thành một người đàn ông hay một phụ nữ. Trong mọi xã hội nguyên sinh, điều kỳ vọng và mong đợi nơi vai trò của phái nam và phái nữ là rất thực với những tiêu chuẩn rất khác nhau. Phần nhiều những vai trò này được xác định dựa vào những chức năng sinh sản và nuôi dưỡng chăm sóc con cái. Theo năm tháng, những kỹ năng liên hệ đến sinh sản và chăm sóc con cái đã trở thành những công việc mang tính truyền thống phân công cho phái nam và phái nữ một cách rất rạch ròi. Đến hôm nay trong tư duy và ứng xử, con người vẫn còn đem theo những giá trị truyền thống ấy. Chẳng hạn như phụ nữ phải được coi là nhu mì, chịu khó, giàu lòng nhân ái, có những kỹ năng chăm sóc con cái. Nam giới được khuyến khích trở thành mạnh mẽ, can đảm, không nên có những cảm xúc, và nhất là khả năng đem tài chính về nhà. Vì thế theo Jung con người đã chỉ sử dụng và phát huy một nửa khả năng tiềm tàng của mình. Bộ phận nguyên mẫu nữ tính là phần nằm trong cõi vô thức tập thể của đàn ông. Và bộ phận nguyên mẫu nam tính là phần nằm trong cõi vô thức tập thể của phụ nữ. Gộp lại, hai nguyên mẫu này được coi như là hai điểm có chung một quỹ đạo. Nguyên mẫu nữ có thể được nhân cách hóa như một cô gái trẻ, rất linh động và đầy trực giác, một mụ phù thủy, hay một thần mẹ là quả đất vốn được coi là trung tâm của những cảm xúc và những động lực điều khiển sự sống. Nguyên mẫu nam được nhân cách hóa như một ông già thông minh, một vị tiên tri, với những đặc tính như có lôgíc, có lý lẽ, và có khả năng tranh luận. Theo Jung, hai nguyên mẫu nam tính và nữ tính này luôn luôn đối thoại với cõi vô thức tập thể và có mối liên hệ khắng khít. Và đây là hai nguyên mẫu có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tình cảm của mỗi chúng ta. Dựa theo thần thoại Hy Lạp, chúng ta hôm nay mãi mãi đi tìm một nửa của mình, đã bị lấy đi bởi thần thánh, vốn là người có giới tính đối ngược với chúng ta. Chúng ta có thói quen tìm thấy người trong mộng và phát hiện ra nguyên mẫu nam và nguyên mẫu nữ từ hai phía có một sự hòa hợp rất cao.
Và những nguyên mẫu khác…
Jung cho rằng không chỉ có một số nguyên mẫu nhất định nào đó tồn tại trong hệ thống tâm thức chung của nhân loại để có thể liệt kê. Ông cho rằng có nhiều loại nguyên mẫu giao thoa và hòa quyện vào những nguyên mẫu khác mỗi khi cần thiết và tính năng logíc của chúng đôi khi khó xác định độc lập được. Dưới đây là vài nguyên mẫu chung khác:
Nguyên mẫu gia đình (bao gồm hình ảnh người cha) và những hình ảnh có quyền hành trong thứ bậc vai vế của một gia đình. Đây có thể là nguyên mẫu bao gồm hình ảnh máu mủ ruột thịt vốn thiêng liêng hơn, nằm sâu bên dưới ranh giới của ý thức con người.
Nguyên mẫu trẻ em, được nhìn thấy ở nhiều góc độ của đời sống như nghệ thuật, văn hóa, như những ngày lễ cho trẻ em (trung thu, ngày lễ Noel, em bé Jesus, các tiên đồng), các em bé ngoan, các vị thần nhỏ, thỏ, cuội… Có lẽ nguyên mẫu trẻ em đã giúp con người luôn có những ước mơ và hy vọng vì đó là điểm khởi đầu của hành trình con người.
Nhiều nguyên mẫu có chức năng như nhân vật của cốt truyện, trong đó nguyên mẫu anh hùng là một điển hình. Đây là một dạng biến thể của nguyên mẫu năng lực siêu nhiên trong những mô tả các anh hùng dẹp loạn, trừ ác, giúp đời trong việc chống lại những thế lực đen tối đến từ nguyên mẫu bóng tối. Theo Jung thì nguyên mẫu anh hùng có vẻ gần giống với nhân vật Don Quixote chuyên môn đi dẹp loạn và cứu vớt những người cô thế.
Theo Jung chúng ta có cả những nguyên mẫu động vật, diễn tả những cảm xúc rất sâu lắng đến độ khó giải thích về quan hệ giữa con người và thú vật. Trong đó con người có vẻ thương chó vì chúng trung thành, quý trâu bò vì chúng giúp ta cày ruộng. Hoặc trong nhiều nền văn hóa ta thấy hiện tượng thờ cúng thú vật. Nhiều người sợ thú vật rắn, rết, cọp, ghét một số loại thú vật như cóc, muỗi, giun, quạ.
Nguyên mẫu phá đám: là lời giải thích cho những kinh nghiệm của chúng ta thích phá ngang vào những công việc của người khác, dù những chương trình và kế hoạch của họ chẳng có sự liên hệ ăn nhập nào đối với chúng ta cả. Phải chăng điều này là một thực tế có nguồn gốc từ nguyên mẫu bóng tối, vì lý do sinh tồn nhiều hơn là vì bản tính ác của con người. Chúng ta thường có thói quen không vui khi nhìn thấy người khác thành công.
Nguyên mẫu Thượng Đế: là một nguyên mẫu khá nổi cộm trong bối cảnh của tôn giáo nhằm giúp con người duy trì cân bằng đời sống tâm linh qua cách nhìn và cách chúng ta giải thích những vận hành của vũ trụ và những điều kỳ bí xung quanh.
Nguyên mẫu lưỡng cực: là có cả nam cả nữ cho thấy việc cân bằng và điều hòa âm dương trong tôn giáo và nghệ thuật cũng được nhắc đến trong thuyết của Jung.
Nguyên mẫu quan trọng nhất có lẽ là nguyên mẫu bản thân. Đây là nguyên mẫu tổng hợp sau cùng của nhân cách và được biểu tượng bằng một đường tròn, một dấu thập tự hay hình trang trí có nhiều họa tiết làm thành một vòng tròn mà Jung rất thích vẽ, vốn mang đậm tính chất thiền. Vì thiền thường đưa con người ta về một tâm điểm.
Mandala vốn được sử dụng như một hình thức trang trí ở cửa sổ các thánh đường. Ngoài ra biểu tượng con người của nguyên mẫu bản thân được nhìn thấy qua hình ảnh Jesus hay Đức Phật. Đây là hai cá nhân được coi là đã đạt đến giới cảnh hoàn hảo. Tuy nhiên theo Jung, trạng thái hoàn hảo của nhân cách chỉ đạt được khi con người đi vào cõi chết.
3. Động năng của tâm thức
Nội dung xoay quanh tâm thức có rất nhiều, tuy nhiên điểm mấu chốt vẫn là cách vận hành của tâm thức. Jung đã cung cấp cho chúng ta 3 nguyên lý. Trong đó nguyên lý đầu tiên là nguyên lý đối nghịch.
Mỗi trạng thái tâm thức đều có đem theo nó những điều đối nghịch. Ví dụ khi ta nói: Mình thấy tội nghiệp nó. Ngay lập tức có một tiếng nói khác cất lên: ông chỉ là đạo đức giả. Có lẽ điều này xuất hiện vì chúng ta luôn luôn trong tình trạng so sánh. Không có đen sẽ không có trắng. Nóng và lạnh, tối và sáng, thiện và ác…Và vì thế trong cái tốt luôn luôn có một phiên bản của chính nó là xấu. Những khái niệm đối nghịch này hiện diện theo từng cặp trong hệ tâm thức của mỗi chúng ta.
Theo Jung, chính sự đối nghịch đã tạo nên năng lực hay còn gọi là dục năng. Một ví dụ liên tưởng là hai cực âm và cực dương của một bình ắc–quy, hay như một nguyên tử được tách đôi, và chính sự đối nghịch ấy đã tạo nên năng lượng, vì thế càng có sự đối nghịch mạnh mẽ, chúng ta càng có những xung lực lớn hơn.
Nguyên lý thứ 2 là nguyên lý cân bằng. Năng lượng sinh ra bởi quá trình đối nghịch được chia đều cho hai phía. Ví dụ khi ta nhìn thấy một con chim bị thương đang hấp hối: Ta muốn cứu nó (ý tốt) nhưng sợ khi rút mũi tên ra có thể làm nát ngực và con chim sẽ chết nhanh hơn (ý xấu).
Và sau đó năng lượng chia ra hai ngả sẽ dằn vặt chúng ta: Nên cứu hay không cứu? Vậy khi đứng giữa thái độ lưỡng lự ấy, năng lượng của chúng ta sẽ đi đâu? Điều này phụ thuộc vào triết lý sống và thái độ của chúng ta về khát khao chưa được thỏa mãn.
Ví dụ ta thật sự muốn cứu chim thì đó là giải thích cho quyết định cứu chim: Rút mũi tên ra. Hoặc ta có khát khao giữ nguyên tình trạng cũ thế là ta quyết định dằn lòng lại để nhìn chim giãy dụa. Tuy nhiên, với bất cứ quyết định nào, một cá nhân đều trưởng thành từ kinh nghiệm quyết định ấy.
Nếu một cá nhân nghĩ mình không bao giờ có tính ác, họ sẽ đè nén tính ác đó lại, tạo thành một hội chứng tập trung, nhóm lên một nguyên mẫu cần thiết để giúp xử lý cho hoàn cảnh cứu chim. Hành vi kế đến là những thao tác được điều khiển bởi nguyên mẫu khẩn cấp vừa được nhóm lên. Cứu chim là hành động đến từ nguyên mẫu anh hùng. Và thích thú khi nhìn thấy chim bị bắt chết là hành vi đến từ nguyên mẫu bóng tối.
Nguyên lý thứ 3 là nguyên lý giảm thiểu năng lượng qua quá trình phát tán, nhằm giải thích về khuynh hướng các nguồn năng lượng đối ngược tỏa ra khi có cơ hội phát triển. Sau đó các nguồn năng lượng này giảm dần vì bị phân tán: Ví dụ lò sưởi chỉ nằm một chỗ nhưng cả căn phòng được sưởi ấm vì năng lượng đã phát tán khắp căn phòng.
Khi còn trẻ chúng ta có rất nhiều năng lượng vì có rất nhiều điều đối nghịch trong hệ thống tâm thức. Các bé trai và các bé gái ở lứa tuổi dậy thì luôn hăng hái trong việc phấn đấu chứng minh khả năng nam tính và nữ tính của mình. Và vì chưa ổn định trong phát triển tâm thức, các bé nam và bé nữ trong giai đoạn này thường thay đổi từ nhiều thái cực trong việc tìm tòi, khám phá, và thể nghiệm bản thân.
Khi chúng ta lớn tuổi hơn, nhiều người trong chúng ta trở nên dễ dàng thoải mái với những khía cạnh khác của đời sống, giảm thiểu những thơ ngây với cuộc đời và có óc thực tế nhiều hơn. Ta có thể nhận ra những mặt mạnh và mặt yếu, điều xấu và điều tốt nơi bản thân.
Cái nhìn từ nội tâm của chúng ta về người khác phái bắt đầu thay đổi nhiều hơn trước. Chúng ta càng trở nên gần gũi hơn với trạng thái lưỡng tính. Càng về già, cả hai phái nam và nữ bắt đầu có những sự giống nhau về nét mặt và cấu trúc cơ thể. Đây là quá trình vượt lên trên cả những khác biệt của toàn bộ cơ thể (so với trước đó) được gọi là trạng thái vượt qua chính mình.
4. Bản thân
Mục đích của cuộc sống là nhận diện được bản thân chính mình. Bản thân là một nguyên mẫu đại diện cho quá trình vượt qua chính mình, và như thế mọi khía cạnh nhân cách của một con người nên được biểu diễn một cách quân bình. Nhận thức được như thế cá nhân ấy không còn bị ràng buộc bởi não trạng nam hay nữ, cái tôi hay bóng tối, xấu hay tốt, vô thức hay ý thức.
Khi đạt đến trạng thái cân bằng tâm lý, con người sẽ không còn là một cá nhân hẹp hòi mà là một sự hội nhập vào những phạm trù lớn hơn như cộng đồng, thiên nhiên, và vũ trụ. Đến lúc ấy sẽ không còn những xung lực đối nghịch, không tạo ra năng lượng, con người sẽ ngưng lại các hoạt động vì không còn cần đến nhu cầu hành động nữa.
Một cách nhìn biểu tượng khác là khi đứng vào tâm điểm, một cá nhân sẽ không còn cảm giác xa gần, ngắn dài, mà là một não thức cân bằng. Khi còn trẻ, ta quá bận tâm đến cái tôi và ưu tư quá nhiều về mặt nạ vỏ bọc, khi trưởng thành, cá nhân sẽ không còn thấy đó là điều cần thiết, thế là cá nhân có cơ hội tập trung vào bản thân của mình.
Vì không còn băn khoăn về cái tôi và mặt nạ, con người sẽ có những khoản năng lượng giành cho người khác, về cuộc đời, về vũ trụ. Và khi đã giác ngộ con người cuối cùng giảm đi những tính ích kỷ của mình.
5. Cơ duyên
Các nhà học thuyết nhân cách đã bàn cãi trong nhiều năm nhằm xác minh xem những chức năng tâm lý có liên hệ nào đó giữa (a) hệ cơ năng nhân quả và (b) quá trình tinh thần hướng thiện để lý giải các hiện tượng tự nhiên khó giải thích. Hệ cơ năng nhân quả là khái niệm cho rằng mọi điều vận hành theo quy trình liên hệ nguyên nhân và kết quả: khi một tác nhân gây ra kết quả sẽ tạo ra một tác nhân khác, và chu kỳ này có thể tiếp diễn.
Theo đó quá khứ quyết định cho hiện tại, và hiện tại quyết định đến tương lai. Hướng thiện là khái niệm chúng ta đi theo những tư tưởng của mình về miền tương lai dựa vào các khái niệm hướng dẫn như: mục đích, ý nghĩa, giá trị. Hệ cơ năng nhân quả giải thích về mối liên kết giữa quan hệ nhân–quả và khoa học.
Hướng thiện thiên về tự do suy diễn vốn được nhiều nhà học thuyết tin theo. Trong số đó phải kể đến là những nhà học thuyết thiên về hướng nhân văn học hay thuyết hiện sinh. Jung tin vào cả liên hệ nhân–quả và khái niệm hướng thiện, ông cho rằng cả hai đều có những ảnh hưởng nhất định lên nhân cách con người. Song, ông cho rằng đại lượng thứ ba là hiện tượng cơ duyên.
Cơ duyên là sự xuất hiện một cách tình cờ của hai sự kiện hoàn toàn không có cùng một nguyên nhân, hoặc không có liên hệ của hiện tượng hướng thiện, nhưng lại có một sự liên hệ có ý nghĩa. Chẳng hạn như một người đến thăm bạn mua theo hột vịt lộn nhưng quên mua theo rau răm.
Chủ nhà hôm ấy định bóp món nộm rau cải bắp nên mua rau răm và bắp cải lại bỏ quên bắp cải ngoài chợ. Thế là không hẹn trước nhưng cả hai lại hợp tác rất ăn ý: khách có hột vịt lộn và chủ nhà có rau răm. Ví dụ khác là người con nằm mơ thấy mẹ ốm thì hôm sau mẹ ốm thật… Nhiều nhà tâm lý gọi đây là sự tình cờ ngẫu nhiên, kết quả của hệ số xác suất các sự kiện có thể xảy ra. Theo Jung, ông tin con người có một sự liên hệ nào đó rất nhạy bén và thiêng liêng, kết quả từ liên hệ thông qua cõi vô thức tập thể.
Jung không bao giờ nêu rõ lập trường của mình về niềm tin và tín ngưỡng. Tuy nhiên ý tưởng đặc biệt về cơ duyên này rất gần gũi với Ấn giáo và Phật giáo. Theo quan điểm của Ấn giáo, mỗi chúng ta là một ốc đảo nổi lên trên mặt đại dương như những chủ thể rất riêng biệt, tuy nhiên chúng ta đã không nhận ra rằng những ốc đảo ấy liên hệ với nhau qua một thềm lục địa là đáy đại dương chìm sâu dưới một nước.
Mặt ngoài cùng của thế giới là maya, có nghĩa là ảo ảnh, được coi là giấc mơ của Thượng Đế hay là vũ điệu của Thượng Đế. Có nghĩa Thượng Đế đã tạo nên nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa hiện diện thực tiễn. Cái tôi của mỗi cá nhân chúng ta được gọi là những linh hồn riêng lẻ, đồng thời là một phần của ảo ảnh.
Chúng ta là những bộ phận được kéo dài ra từ một Thượng Đế. Hay nói khác đi Thượng Đế đã cho phép một bộ phận rất lớn của mình (là những Jivatman này) có thể quên đi thiên tính của Thượng Đế, trở thành độc lập và tách rời – đó là mỗi cá nhân chúng ta. Khi một cá nhân chết, họ sẽ tỉnh thức và nhận ra họ là một phần của sự khởi đầu: Thượng Đế.
Khi chúng ta nằm mơ hoặc ngồi thiền, chúng ta sẽ rơi vào cõi vô thức cá nhân, đến gần hơn với với bản thân của chúng ta, gần hơn với cõi vô thức tập thể. Một trạng thái được coi là mở rộng ra trong một quá trình đối thoại liên lạc với nhiêu cái tôi khác.
Cơ duyên là nét đặc trưng đã khiến cho học thuyết của Jung là một trong những học thuyết có vẻ gần gũi với những hiện tượng bán tâm lý nhưng lại có thể giải thích một cách hợp lý về những hiện tượng tinh thần siêu nhiên.
6. Hướng nội và hướng ngoại
Jung phát triển một hệ thống trong tâm lý nhân cách đã tạo nên những chú ý sâu rộng đến mức nhiều người tin rằng đây là điểm quan trọng nhất mà ông đã cống hiến và hình như đã quên hết những điều khác ông đã làm cho ngành tâm lý nhân loại. Đó là khái niệm nhân cách hướng nội và nhân cách hướng ngoại.
Người hướng nội là người thường tìm vào thế giới nội tại cho những tư tưởng, cảm xúc, ảo tưởng, mơ ước, khao khát của mình. Trong khi đó những người có nhân cách hướng ngoại tìm cảm giác cho những phạm trù nói trên ở thế giới bên ngoài.
Nhiều người thường có những nhầm lẫn cho rằng người hay mắc cỡ là người hướng nội và người hoạt bát là người hướng ngoại. Tuy có vẻ như thế, nhưng Jung muốn nhấn mạnh rằng chỉ có bộ phận cái tôi là đại lượng ông nhắm đến. Khi cái tôi được kiến thiết từ chất liệu bên trong hay bên ngoài, vượt qua cái vỏ bọc mặt nạ để đến được với thực tế hay chỉ chấp nhận với thế giới nội tại của mình.
Và như thế theo Jung, người hướng nội là người trưởng thành hơn người hướng ngoại. Tuy nhiên xã hội ngày nay thường cổ xúy và đánh giá cao tinh thần hướng ngoại. Jung còn khuyến cáo rằng con người thường chỉ đánh giá cao tuýp người hợp với cá tính của mình một cách rất một chiều. Theo ông, người trưởng thành sẽ vượt qua được ngưỡng so sánh và chấp nhận mọi tuýp người như nhau.
7. Các chức năng tâm lý
Mặc dù là người hướng nội hay hướng ngoại, chúng ta vẫn cần phải đối diện với cuộc sống, trên cả hai bình diện bên trong và bên ngoài. Chúng ta thường rất khác nhau trong cách chọn lựa cho mình một cách tiếp cận với cuộc sống. Thường là chúng ta sẽ chọn cách khả thi nhất để đạt được hiệu quả cao nhất. Jung đề nghị 4 cách mà một cá nhân thường sử dụng để tiếp cận với cuộc đời:
– Cảm giác: là chức năng thu thập dữ kiện thông qua những giác quan của mình để tiếp cận với môi trường xung quanh. Jung cho rằng đây là một chức năng thiếu tính hợp lý vì ý nghĩa được rút ra chỉ dựa trên nền tảng cách nhìn chứ không trải qua những đánh giá về một dữ kiện bằng cảm tính.
– Tư duy: là chức năng đánh giá dữ kiện hay ý tưởng một cách có phân tích và hợp lý. Jung gọi đây là chức năng có phân tích, vì liên hệ đến việc rút ra một quyết định hay đánh giá thay vì chỉ là thu thập dữ kiện một cách đơn giản.
– Trực giác: là chức năng dựa trên lăng kính vận hành đặt ngoài khu vực bình thường của những quá trình xử lý ý thức. Đây là chức năng không có phân tích và chỉ dựa vào lăng kính nhãn quan, giống như chức năng cảm giác, tuy nhiên dựa vào một hệ thống phức tạp bởi những kết cấu từ một lượng lớn dữ kiện thông qua các kênh nghe và nhìn. Jung cho rằng đây là chức năng nhìn sự việc từ bên ngoài.
– Cảm xúc: là chức năng giống như tư duy, có liên hệ đến đánh giá dữ kiện, nhưng lần này có sự cân nhắc một cách toàn diện, cùng sự tham gia của xúc cảm. Jung cho đây là có phân tích lí trí được hiểu theo một nghĩa rộng lớn hơn. Đây là cảnh giới trưởng thành.
Tất cả chúng ta đều có những chức năng này. Tuy nhiên chúng ta chỉ sử dụng chúng theo một tỷ lệ rất khác nhau tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh tức thời của một tình huống.
Mỗi cá nhân thường phát huy một trong bốn chức năng vừa nêu trên. Những chức năng còn lại sẽ có nhiệm vụ bổ sung và phụ giúp để chức năng chủ đạo có thể đạt được những mục tiêu lớn nhất.
Những chức năng ít được sử dụng thường chìm vào vô thức và có một số ít người đã mạnh dạn tuyên bố là họ không có những chức năng ấy. Phần lớn mỗi cá nhân trong chúng ta phát triển một hoặc hai chức năng, nhưng theo Jung cá nhân nên phát triển cả bốn chức năng này. Một lần nữa, Jung tin rằng mục tiêu lý tưởng nhất là đạt được trạng thái vượt qua chính mình để tự giải phóng mình khỏi những xung đột đối nghịch.
Nguồn: Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh, trích trong ‘Các học thuyết tâm lý nhân cách’, blog Tự Hiểu Mình
Chia sẻ:
Từ khóa » Thuyết Carl Jung
-
Tổng Quan Về Các Học Thuyết Của Carl Jung
-
Nhà Tâm Lý Học Carl Jung Và Học Thuyết Của ông - Luật Minh Khuê
-
Carl Jung – Học Thuyết Nhân Cách Biểu Tượng - Spiderum
-
Tóm Lược Học Thuyết Nhân Cách Của Carl Jung - Facebook
-
4 Nguyên Mẫu Tâm Lý Chính Theo Học Thuyết Của Carl Jung
-
Lý Thuyết Và Tiểu Sử Carl Jung / Tâm Lý Học | Thpanorama
-
Chương 4. CARL JUNG HỌC THUYẾT NHÂN CÁCH BIỂU TƯỢNG
-
11 Cuốn Sách Hay Nhất Của Carl Jung
-
Carl Jung – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lý Thuyết Tâm Lý Của Carl Gustav Jung
-
Carl Jung, Vô Thức, Và Thuyết Số Mệnh. - Redpillvn
-
Giải Thích Về 4 Lý Thuyết Của Carl Jung: Persona, Shadow, Anima ...
-
[A Crazy Mind] Hiểu Về Vô Thức Tập Thể (The Collective ... - YBOX
-
Lý Thuyết Tâm Lý Của Carl Gustav Jung