Học Vị Là Gì? Cách Ghi Học Vị Thế Nào?

Học hàm, học vị là những thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn mà không phải ai cũng phân biệt rõ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về học vị là gì? Học vị có gì khác so với học hàm và chức danh khoa học? Mục lục bài viết

  • Học hàm, học vị là gì?
  • Học vị có những chức danh nào? Khác gì so với học hàm?
  • Cách ghi học vị ra sao?

Học hàm, học vị là gì?

Có thể hiểu, học vị là văn bằng được một cơ sở giáo dục trong hoặc ngoài Việt Nam có giấy phép theo các tiêu chuẩn giáo dục của nhà nước cấp cho một người đã tốt nghiệp ở các bậc học tương ứng.

Theo đó, để có thể có được các học vị tương ứng, cần tham gia học tập tại các cơ sở đào tạo của từng cấp độ trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường, các khoảng thời gian sẽ kéo dài từ 03 - 05 năm. Sau quãng thời gian này, người học có thể nhận được bằng tốt nghiệp tương ứng.

Khác với học vị, học hàm dùng để chỉ các danh hiệu trong hệ thống giáo dục được một tổ chức có quyền hạn nào đó phong cho một người làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu.

Các danh hiệu này xác định trình độ chuyên môn cao của những nhà giáo và nhà khoa học. Có hai danh hiệu chính là Giáo sư và Phó giáo sư. Cụ thể ở Việt Nam:

- Giáo sư là tên gọi một chức danh khoa học dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được Nhà nước phong tặng vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động thuộc lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Phó giáo sư là một chức danh khoa học giành cho người người nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, sau đại học nhưng thấp hơn giáo sư.

Học vị là gì? Cách ghi học vị thế nào? (Ảnh minh họa)

Học vị có những chức danh nào? Khác gì so với học hàm?

Phần trước đã chỉ rõ định nghĩa về học hàm và học vị, qua đó có thể phần nào nhận biết được những điểm khác biệt giữa học hàm và học vị. Ngoài ra, một trong những điểm khác biệt cơ bản khác để phân biệt học hàm và học vị là các chức danh. Cụ thể:

Học vị

Các chức danh của học vị được phân loại từ thấp đến cao như sau:

- Nhóm 1: Cử nhân, kỹ sư hoặc các chức danh chuyên ngành liên quan.

Điều kiện:

+ Cử nhân: Người tốt nghiệp Đại học các khối ngành văn hóa xã hội.

+ Kỹ sư: Người tốt nghiệp Đại học các khối ngành Kỹ thuật.

+ Bác sĩ, dược sĩ,…: Người tốt nghiệp Đại học các khối ngành y tế.

+ Một số chức danh khác.

- Nhóm 2: Thạc sĩ (tương đương Bác sĩ chuyên khoa I trong ngành y).

Điều kiện: Sau khi tốt nghiệp Đại học tiếp tục học cao học trong nước hoặc nước ngoài và nghiên cứu phát triển khóa luận Đại học chuyên sâu hơn.

- Nhóm 3: Tiến sĩ (tương đương Bác sĩ chuyên khoa II trong ngành y).

Điều kiện: Tốt nghiệp thạc sĩ và đăng ký thi nghiên cứu sinh và tham gia bảo vệ đề tài nghiên cứu, đồng thời có ít nhất 2 bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành.

- Nhóm 4: Tiến sĩ khoa học

Điều kiện: Tiếp tục nghiên cứu đề tài rộng hơn sau khi tốt nghiệp tiến sĩ.

Học hàm

Gồm 02 chức danh: Giáo sư và Phó Giáo sư.

Trong đó, tiêu chuẩn chung của các chức danh này theo Điều 4 Quyết định 37/2018 như sau:

- Không vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự; trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác.

- Thời gian làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên:

+ Có đủ thời gian làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên quy định với chức danh giáo sư, phó giáo sư;

Thời gian giảng viên làm chuyên gia giáo dục tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài được tính là thời gian đào tạo từ trình độ đại học trở lên nếu có công hàm hoặc hợp đồng mời giảng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, trong đó ghi rõ nội dung công việc, thời gian giảng dạy hoặc có quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi làm chuyên gia giáo dục ở nước ngoài;

+ Giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong 03 năm cuối có thời gian không quá 12 tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của 03 năm cuối.

- Hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định, trong đó có ít nhất 1/2 số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp. Đối với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy.

- Sử dụng thành thạo ít nhất 01 ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

- Có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư...

Như vậy, có thể thấy học hàm là một chức danh khó đạt được hơn so với học vị. Học hàm ngoài những công trình mà  một cá nhân làm nên thì công trình đó phải được giới chuyên môn công nhận và cơ quan nhà nước thừa nhận trao học hàm.

Cách ghi học vị ra sao?

Để không gặp phải khó khăn trong việc nhận diện các loại học hàm, học vị, bạn có thể tham khảo một số cách viết tắt theo tiếng Anh của một số ngành sau đây:

Học vị:

- Ph.D (Doctor of Philosophy): Tiến sỹ (các ngành nói chung)

- M.D (Doctor of Medicine): Tiến sỹ y khoa

- D.Sc. (Doctor of Science): Tiến sỹ các ngành khoa học

- DBA hoặc D.B.A (Doctor of Business Administration): Tiến sỹ quản trị kinh doanh

- Post-Doctoral Fellow: Nghiên cứu sinh hậu tiến sỹ

- M.A (The Master of Art): Thạc sỹ khoa học xã hội

- M.S., MSchoặc M.Si (The Master of Science): Thạc sỹ khoa học tự nhiên

- MBA (The Master of Business Administration): Thạc sỹ quản trị kinh doanh

- MAcc, MAc, hoặc Macy (Master of Accountancy): Thạc sỹ kế toán

- M.S.P.M. (The Master of Science in Project Management): Thạc sỹ quản trị dự án

- M.Econ (The Master of Economics) Thạc sỹ kinh tế học

- M.Fin. (The Master of Finance): Thạc sỹ tài chính học

- B.A., BA, A.B. hoặc AB (The Bachelor of Art): Cử nhân khoa học xã hội

- Bc., B.S., BS, B.Sc. hoặc BSc (Bachelor of Science): Cử nhân khoa học tự nhiên

- BBA (The Bachelor of Business Administration): Cử nhân quản trị kinh doanh

- BCA (The Bachelor of Commerce and Administration): Cử nhân thương mại và quản trị

- B.Acy. , B.Acc. hoặc B. Acct: (The Bachelor of Accountancy): Cử nhân kế toán

- LLB, LL.B (The Bachelor of Laws): Cử nhân luật

- BPAPM (The Bachelor of Public Affairs and Policy Management): Cử nhân ngành quản trị và chính sách công.

Ngoài ra, với học hàm (trong tiếng Anh là Academic rank):

- Professor: Giáo sư.

- Associate Professor (Assoc. Prof.): Phó Giáo sư.

Trên  đây là giải đáp về Học vị là gì? Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006192 để được giải đáp.

Từ khóa » Học Vị Là Gì