Hội Chứng Bắt Chẹn Khoang Dưới Mỏm Cùng Vai

Hội chứng bắt chẹn khoang dưới mỏm cùng vai - một bệnh lý khớp vai dễ bị bỏ sótNgày cập nhật 09/11/2015
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hội chứng bắt chẹn khoang dưới mỏm cùng vai (Subacromial impingement syndrome) hay còn gọi là hội bắt chẹn được Neer mô tả từ năm 1972. Cùng với sự phát triển của phẫu thuật nội soi khớp, hội chứng này ngày càng được để ý nhiều hơn trong thực hành lâm sàng. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý tại khớp vai mà nhiều bác sĩ, nhất là bác sĩ không phải chuyên khoa chấn thương chỉnh hình rất dễ bỏ qua và chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác dẫn đến việc điều trị không hiệu quả cũng như để lại nhiều biến chứng.

Hội chứng bắt chẹn xảy ra khi khoang dưới mỏm cùng vai bị hẹp do nhiều nguyên nhân khác nhau như do cấu trúc giải phẫu, do viêm, thoái hóa, chấn thương...dẫn đến không gian hoạt động của chóp xoay bị ảnh hưởng. Khi bị hội chứng chèn ép, bệnh nhân có biểu hiện đau ở khớp vai khi dang tay hay đưa cánh tay ra trước hoặc bệnh nhân không thể thực hiện các động tác ở trên đầu như buộc tóc, vuốt tóc, gội đầu... bằng tay bị đau. Hầu hết bệnh nhân than phiền bị khó ngủ do bị đau khi nằm nghiêng qua bên vai bị đau. Có cơn đau chói xuất hiện khi cố gắng xoay tay ra túi quấn phía sau là dấu hiệu khá rõ ràng của hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai. Dần dần các cơn đau trở nên nặng hơn, bệnh nhân không dám cử động vai dẫn đến khớp vai bị cứng. Nếu vai trở nên yếu và bệnh nhân không thể tự dang tay được thì có thể gân chóp xoay đã bị rách. Khi khám, các test bắt chẹn sẽ dương tính.

Bệnh nhân có hội chứng bắt chẹn thường đến với bác sĩ với triệu chứng chính là đau và hạn chế vận động khớp vai hoặc các triệu chứng trên. Bác sĩ dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm khớp vai, thoái khớp vai, thoái hóa cột sống cổ v.v...và dẫn đến chỉ định điều trị không phù hợp. Nếu hội chứng chèn ép không được điều trị đúng và hợp lý, một số biến chứng như rách chóp xoay, thoái hóa chóp xoay, cứng khớp vai, teo cơ...sẽ xảy ra và kết quả điều trị khi được chẩn đoán đúng hội chứng bắt chẹn sẽ bị hạn chế.

Khi chẩn đoán đúng hội chứng bắt chẹn, tùy theo giai đoạn và nguyên nhân mà có các phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị thường được bắt đầu với thuốc kháng viêm, phục hồi chức năng hoặc tiêm corticoid và khoang dưới mỏm cùng vai. Nếu điều trị bảo tồn thất bại hoặc nguyên nhân do thay đổi giải phẫu, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mở hoặc nội soi. Phẫu thuật nội soi để tạo hình lại khoang dưới mỏm cùng vai là phương pháp được ưu tiên chọn lựa và đem lại kết quả tốt.

THS.BS Nguyễn Đình Khoa - PGĐ BVĐK tỉnh [In trang này ] [ Đóng ]

Từ khóa » Tiêm Dưới Mỏm Cùng Vai