Hội Chứng Chèn ép Khoang Dưới Mỏm Cùng Vai - Kiến Thức Phổ Thông

Tại sao bị hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai?

Các động tác của khớp vai, đặc biệt là động tác đưa tay quá đầu được thực hiện bởi 2 nhóm cơ chính là: cơ delta và nhóm các cơ chop xoay( gồm có 4 cơ là cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé). Nhóm các cơ chop xoay hợp với nhau tạo thành 1 gân rất chắc bám vào đầu trên xương cánh tay gọi là gân cơ chop xoay. Khi thực hiện động tác dạng cánh tay quá đầu, các cơ này trượt trong khoang dưới mỏm cùng vai. Khoang này nằm dưới mỏm cùng vai, trong khoang có gân chop xoay và các túi hoạt dịch có tác dụng bôi trơn khi gân cơ chop xoay di chuyển. Khi khoang này bị hẹp lại, thường do nguyên nhân thoái hoá hoặc chấn thương, gân cơ chop xoay và các túi hoạt dịch bị chèn ép, từ đó sẽ dẫn đến viêm túi hoạt dịch, viêm gân chop xoay. Nặng hơn sẽ dẫn đến rách chop xoay.

Các nguyên nhân dẫn đến hẹp khoang dưới mỏm cùng vai có thể là chấn thương, các động tác lặp đi lặp lại( thường gặp ở những người chơi các môn thể thao phải đưa tay quá đầu hoặc người lao động thường xuyên phải có các động tác dạng tay quá đầu). Một nguyên nhân khác cũng tương đối thường gặp là sự hình thành các chồi xương trong tổn thương của bệnh lý thoái hoá.

Triệu chứng của hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai ?

Khi bị hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai, bệnh nhân có biểu hiện đau ở khớp vai khi dang tay hay đưa trước cánh tay. Hầu hết bệnh nhân than phiền bị khó ngủ do bị đau khi nằm nghiêng qua bên vai bị đau. Khi có cơn đau chói xuất hiện khi cố gắng xoay tay ra túi quấn phía sau là dấu hiệu khá rõ ràng của hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai. Dần dần các cơn đau trở nên nặng hơn, bênh nhân không dám cử động vai dẫn đến khớp vai bị cứng. Nếu vai trở nên yếu và bệnh nhân không thể tự dang tay được thì có thể gân chóp xoay đã bị rách.

Chẩn đoán

Khi nghi ngờ hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, nghề nghiệp, hoạt động của bạn nhằm tìm hiểu tính chất của cơn đau. Các động tác thăm khám nhằm tìm ra dấu hiệu của hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai cũng như có hay không tình trạng viêm gân, viêm túi hoạt dịch, viêm khớp hay rách chóp xoay đi kèm.

Chụp x quang khớp vai là cần thiết để tìm các dấu hiệu bất thường của cấu trúc xương hay viêm khớp. Một số người có tình trạng mỏm cùng hạ thấp hơn so với bình thường làm hẹp khoang dưới mỏm cùng được xác định trên x quang. Gai xương nếu có cũng sẽ thấy rõ trên x quang.

Chụp MRI được chỉ định khi nghi ngờ có tổn thương rách chóp xoay, viêm gân hay bệnh lý ở sụn viền. Đôi khi siêu âm vùng vai cũng cho thấy được hình ảnh rách chóp xoay.

Một nghiệm pháp được sử dụng nhằm loại trừ các bệnh lý ở vùng cổ gây đau ở khớp vai: Tiêm một lượng thuốc tê nhất định vào khoang dưới mỏm cùng , nếu bệnh nhân đỡ đau ngay thì nguyên nhân gây đau vai là do hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai.

Điều trị

Điều trị không phẫu thuật

Giai đoạn đầu điều trị sẽ là điều trị giảm đau, kháng viêm. Các phương pháp thường sử dụng là nghĩ ngơi, chườm đá phối hợp với thuốc kháng viêm như aspirin, naproxen, diclofenac… Bác sĩ sẽ theo dõi đáp ứng của bệnh nhân, trong một số trường hợp có thể sử dụng các phương pháp như siêu âm, chiếu tia hồng ngoại để tăng cường lượng máu tới các mô ở khớp vai.

Khi bệnh nhân đỡ đau sẽ tiến hành các bài tập vật lý trị liệu.

Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể tiêm steroid trực tiếp vào khoang dưới mỏm cùng. Tuy nhiên steroid có thể gây đứt gân cũng như các tác dụng phụ về lâu dài nên không nó không phải là phương pháp điều trị lâu dài cho hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai cũng như các bệnh lý khác ở vùng vai.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi không có cải thiện nào sau 6 tháng đến 1 năm điều trị bảo tồn. Có hai phương pháp hiện đang được sử dụng là mổ mở và mổ nội soi, cả hai phương pháp đều có thể sửa chửa các tổn thương và làm giảm áp lực đè ép lên túi hoạt dịch và chóp xoay. Ngày nay, phẫu thuật với kỹ thuật nội soi phổ biến hơn do những ưu việt trong việc cải thiện các triệu chứng đau và tính thẩm mỹ. Mục tiêu của phẫu thuật là nhằm rộng khoảng cách giữa mỏm cùng và gân chóp xoay bằng cách làm sạch các tổn thương thoái hoá, các chồi xương và một phần của mỏm cùng vai. Nếu có tổn thương rách chop xoay có thể sẽ được phục hồi đồng thời.

Sau mổ cánh tay sẽ được treo hay mang nẹp để bất động. Hầu hết các trường hợp sẽ được tập vật lý trị liệu nhằm tránh cứng khớp, hạn chế phù nề sau mổ. Chườm lạnh sau mổ giúp co mạch máu làm hạn chế phản ứng viêm đau sau mổ. Giai đoạn sau là tập mạnh gân cơ chóp xoay. Cần tập phục hồi chức năng theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

Điều trị phục hồi chức năng

Điều trị phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ trong các trường hợp không phẫu thuật mà ngay cả trong trường hợp sau phẫu thuật.

Phục hồi chức năng nhằm mục đích tránh teo cơ và cứng khớp đồng thời phục hồi sức mạnh của các cơ sau 1 thời gian bị bệnh đã bị kém đi. Đối với phục hồi chức năng khớp vai, quá trình này sẽ diễn ra rất chậm, bắt đầu là những bài tập vận động thụ động kéo dài trong vài tuần, sau đó mới là những bài tập chủ động. Quá trình tập này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tuỳ theo việc có thực hiện phẫu thuật tạo hình lại gân chop xoay hay không.

Trong một số trường hợp, tổn thương của chop xoay lớn hoặc là diễn biến đã lâu, tình trạng cơ yếu kéo dài, việc phục hồi chức năng có thể chỉ cải thiện 1 phần, đôi khi bệnh nhân phải tập để thay đổi thói quen sử dụng cánh tay bị tổn thương.

TS Trần Trung Dũng( tổng hợp và lược dịch)

(Original link:

http://www.montanaspinecenter.com/patient_education?disp_type=topic_detail&area=6&topic_id=258a9c64e3fd197984c159d59e19e7d0)

Từ khóa » Tiêm Dưới Mỏm Cùng Vai