Hội Chứng đầu Phẳng ở Trẻ Em | BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Có thể bạn quan tâm
Hội chứng đầu phẳng là gì?
Là tình trạng hình dạng đầu của trẻ bị không đối xứng hay bị méo do tác động của lực làm biến dạng hộp sọ.
Có hai dạng chính của tật đầu bẹp, thường gặp hơn là dạng đầu hình bình hành. Trong đó vùng chẩm (vùng sau của đầu) ở một bên bị dẹp đồng thời tai cùng bên bị lệch về phía trước, gọi là tật đầu méo (plagiocephaly). Ít thường gặp hơn là hình dạng đầu với phần chẩm (vùng sau của đầu) bị dẹp tương đối đối xứng, gọi là tật đầu phẳng (brachycephalic).
Tỷ lệ mắc tật đầu dẹp là nổi bật khi trẻ được sáu tuần tuổi, tăng lên tối đa khi được bốn tháng, và sau đó giảm dần trong hai năm vì hầu hết các trường hợp đều được xử trí trong thời gian đó.
Có thể nhận ra hội chứng đầu phẳng như sau:
Nhìn theo hướng từ trên xuống:
Nhìn nghiêng:
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng đầu phẳng?
Nguyên nhân phổ biến nhất là tư thế ngủ của trẻ. Trẻ sơ sinh ngủ nằm ngửa nhiều giờ mỗi ngày nên đầu đôi khi bẹp ở một vùng. Điều này không chỉ xảy ra khi trẻ ngủ mà còn xảy ra khi ngồi trên ghế ô tô dành cho trẻ sơ sinh, xe nôi, xe đẩy, xích đu và ghế xếp. Trẻ sinh non thường bị bẹp đầu, hộp sọ của chúng mềm hơn hộp sọ của trẻ sinh đủ tháng, có thể chịu nhiều thời gian phải nằm ngửa mà không được di chuyển hoặc ẵm bế vì nhu cầu y tế, như nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU).
Hội chứng đầu phẳng có thể bị từ trước khi sinh nếu có áp lực lên hộp sọ của em bé từ xương chậu của người mẹ hoặc một cặp song sinh, đa thai.
Hội chứng đầu phẳng còn có thể do chứng vẹo cổ, khiến trẻ khó quay đầu nên trẻ sơ sinh có xu hướng giữ đầu ở cùng một vị trí khi nằm.
Các dấu hiệu & triệu chứng của hội chứng đầu phẳng là gì?
Hội chứng đầu phẳng thường được cha mẹ dễ nhận thấy là vùng đầu phía sau của trẻ bị dẹp hơn ở một bên. Trẻ thường có ít tóc hơn ở vùng đầu đó. Khi nhìn xuống đầu trẻ từ trên xuống, tai cùng bên vùng đầu bị dẹp có thể bị đẩy về phía trước và thậm chí cả trán cùng bên có thể bị nhô một chút so với phía bên kia..
Hội chứng đầu phẳng được chẩn đoán như thế nào?
Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán hội chứng đầu phẳng bằng cách nhìn đầu của trẻ. Để kiểm tra tật vẹo cổ, bác sĩ có thể quan sát cách em bé cử động đầu và cổ. Các xét nghiệm y tế thường không cần thiết. X quang hộp sọ chỉ hữu ích khi có nghi ngờ mắc dị tật dính khớp sọ sớm (craniosynostosis) hoặc khi hình dạng đầu trở nên xấu đi ở độ tuổi mà hội chứng đầu phẳng mong đợi sẽ cải thiện.
Sự hiện diện của hội chứng đầu phẳng không làm giảm độ chính xác hoặc sự cần thiết của các biện pháp đo chu vi vòng đầu theo dõi trong việc chăm sóc trẻ nhỏ.
Hội chứng đầu phẳng có nguy hiểm không?
Phần lớn trường hợp tật này không gây bất kỳ vấn đề nghiêm trọng, bởi vì nó thường không có ảnh hưởng lên não và hình dáng đầu cải thiện theo thời gian.
Tuy nhiên, những trường hợp đầu phẳng mức độ trung bình, nặng có thể gây một số vấn đề sức khoẻ, như: Loạn thị, chậm phát triển, khó ăn, khó học tập, khó nói, mất tầm nhìn, nguy cơ nghe kém, rối loạn chức năng khớp hàm dưới, động kinh, vẹo cột sống,… những vấn đề này gây ảnh hưởng đến cấu trúc hộp sọ, nhưng không gây tác động xấu đến trí thông minh của trẻ. Tuy nhiên, một số biến chứng của động kinh có thể trở thành nguy hiểm tiềm tàng cho sức khoẻ của trẻ.
Phòng ngừa hội chứng đầu phẳng như thế nào?
Các biện pháp quan trọng liên quan đến việc thay đổi tư thế khi ngủ và sử dụng thời gian “nằm sấp” (tummy time).
Vì hầu hết giường ngủ trẻ được đặt dựa vào tường, khuyến khích nên đặt trẻ nằm với đầu trẻ hướng vào chân giường hoặc vào đầu giường, xen kẽ cách ngày. Điều này giúp khuyến khích trẻ nằm nghiêng đầu để có thể nhìn vào trong phòng. Nên khuyến khích luân phiên các tư thế nằm về cả hai bên của vùng chẩm (vùng sau đầu).
“Tummy time” là thời gian thức trong tư thế nằm sấp. Lượng thời gian nằm sấp lý tưởng là ít nhất ba lần mỗi ngày, mỗi lần từ 10 phút đến 15 phút. Một số cha mẹ có thể cần được trấn an rằng tư thế nằm sấp chỉ cần tránh trong khi trẻ ngủ. Ngoài ra, cha mẹ cũng được động viên rằng thời gian nằm sấp hỗ trợ quá trình trẻ tiến tới các mốc phát triển đòi hỏi tư thế nằm sấp, khuyến khích trẻ học hỏi và khám phá thế giới, giúp bé tăng cường cơ cổ và học cách chống đẩy trên cánh tay.
Hội chứng đầu phẳng được điều trị như thế nào?
Nguy cơ mắc tật đầu dẹp có thể được điều chỉnh bằng cách đặt trẻ nằm với đầu nghiêng về bên phải hoặc bên trái luân phiên trong ngày, và tăng thời gian nằm sấp (tummy time) khi trẻ thức.
Khi đã xuất hiện biến dạng đầu dẹp, vật lý trị liệu (bao gồm thay đổi tư thế khi ngủ và các bài tập cho chứng vẹo cổ và sở thích về tư thế) đã được chứng minh là ưu việt hơn việc chỉ đơn thuần tư vấn các biện pháp phòng ngừa mà không cần hỗ trợ vật lý trị liệu.
Người chăm sóc phải luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ để giúp ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), dù cho có khả năng mắc hội chứng đầu phẳng. Tránh xích đu, ghế ô tô, ghế xếp và các thiết bị khác nhằm giúp an toàn cho giấc ngủ trẻ và để đảm bảo trẻ sơ sinh có thể cử động đầu thoải mái.
Thay đổi vị trí trong nôi, giường, thay đổi tư thế đầu trong khi trẻ ngủ. Thay đổi vị trí đầu của trẻ (từ trái sang phải, từ phải sang trái) khi trẻ nằm ngửa khi ngủ. Xem xét thay đổi cách bạn đặt trẻ xuống nôi.
Hãy ôm con của bạn thường xuyên hơn, thường xuyên bế và ẵm con để giảm áp lực lên đầu.
Hạn chế thời gian trẻ nằm ngửa hoặc tựa đầu vào bề mặt phẳng (chẳng hạn như ghế ô tô, xe đẩy, xích đu, ghế nhún và sân chơi).
Hầu hết trẻ sơ sinh bị hội chứng đầu phẳng cũng bị một mức độ của chứng vẹo cổ. Vì vậy, vật lý trị liệu và một chương trình tập luyện tại nhà thường là một phần của điều trị. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn các bài tập liên quan đến kéo căng để thực hiện với trẻ. Theo thời gian, cơ cổ sẽ dài ra và cổ sẽ tự thẳng ra. Các bài tập rất đơn giản, nhưng phải được thực hiện một cách chính xác.
Việc sử dụng liệu pháp đội mũ bảo hiểm để giảm sự bất đối xứng của hộp sọ đã gây ra tranh cãi ở một số quốc gia vì tiếp thị trực tiếp đến cha mẹ thông qua các nguồn như Internet. Phương pháp điều trị này tốn kém, không phải lúc nào cũng được bảo hiểm chi trả và tiềm ẩn những tác dụng phụ. Trong các chương trình trị liệu bằng mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm được đội lên đến 23 giờ/ngày; có thể liên quan đến viêm da tiếp xúc, vết loét do tì đè và kích ứng da tại chỗ.
Có bằng chứng cho thấy liệu pháp đội mũ bảo hiểm có thể làm tăng tỷ lệ cải thiện ban đầu của tình trạng bất đối xứng, nhưng không có bằng chứng cho thấy nó cải thiện kết quả cuối cùng cho những bệnh nhân mắc chứng méo đầu vừa hoặc nặng. Liệu pháp đội mũ bảo hiểm có thể được xem xét đối với những trẻ bị bất đối xứng nghiêm trọng, độ tuổi tối đa để xem xét liệu pháp đội mũ bảo hiểm là tám tháng.
Đánh giá dị tật dính khớp sọ sớm (craniosynostosis), tật vẹo cổ bẩm sinh và bất thường cột sống cổ nên là một phần của việc kiểm tra một đứa trẻ mắc hội chứng đầu phẳng.
Từ khóa » đinh đầu Bẹt Là Gì
-
Chứng đầu Bẹt ở Trẻ Em Và Cách Xử Trí - Báo Tuổi Trẻ
-
Hội Chứng đầu Phẳng ở Trẻ Em Có Nguy Hiểm Không?
-
Chứng Bẹt đầu (chứng đầu Lép) ở Trẻ - Suckhoe123
-
Chứng đầu Bẹp ở Trẻ Sơ Sinh - Lời Khuyên Cho Cha Mẹ
-
Hội Chứng đầu Phẳng (Bệnh đầu Dẹp) ở Trẻ Sơ Sinh - POH Thai Giáo
-
Phòng Tránh đầu Bẹt ở Trẻ Sơ Sinh để Bé Có đầu Tròn Và đẹp
-
Đầu Lép – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phòng Tránh đầu Bẹt ở Trẻ Sơ Sinh để Bé Có đầu Tròn Và đẹp
-
Hội Chứng đầu Phẳng ở Trẻ Em - Vinmec
-
[Phân Biệt] Trẻ Bị Méo đầu Dị Tất Và Méo đầu Do Tư Thế - FaGoMom
-
[Trả Lời Từ Bác Sỹ] Trẻ Bị Méo đầu Lớn Lên Có Hết Không - FaGoMom
-
Nguyên Nhân Gây Hội Chứng đầu Phẳng ở Trẻ - Vinmec
-
Từ điển Tiếng Việt "bẹt" - Là Gì?