Hội Chứng Loạn Dưỡng Thần Kinh Giao Cảm Phản Xạ Là Gì? | BvNTP

Hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (RSD) là một chứng rối loạn gây ra cơn đau kéo dài, thường ở cánh tay hoặc chân, xuất hiện sau một chấn thương, đột quỵ hoặc đau tim. Mức độ nghiêm trọng của cơn đau thường tồi tệ hơn tổn thương ban đầu. Các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh này nhưng có thể điều trị nhiều trường hợp.

Thuật ngữ hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ thực tế không được sử dụng nữa. Trước đây nó được dùng để mô tả một dạng của Hội chứng đau vùng phức tạp (CRPS). RSD đôi khi được gọi là CRPS loại I, gây ra bởi tổn thương mô mà không có tổn thương thần kinh liên quan.

Nguyên nhân gây ra RSD

Cơn đau do RSD gây ra được cho rằng đến từ các vấn đề trong hệ thần kinh giao cảm. Hệ thống thần kinh giao cảm kiểm soát các chuyển động của lưu lượng máu giúp điều chỉnh nhịp tim và huyết áp.

Khi bị thương, hệ thần kinh giao cảm khiến các mạch máu nhỏ lại để không bị mất quá nhiều máu tại vị trí bị thương và sau đó khiến chúng giãn trở lại để máu có thể đến sửa chữa các mô bị tổn thương.

Hệ thống thần kinh giao cảm của người bệnh RSD nhận được các tín hiệu hỗn hợp. Nó hoạt động sau một chấn thương, nhưng không chịu dừng lại. Điều này gây ra rất nhiều đau đớn và sưng tấy tại vị trí chấn thương.

Đôi khi, mặc dù không phổ biến nhưng bạn có thể bị RSD ngay cả khi không bị chấn thương.

RSD ở phụ nữ điển hình hơn so với nam giới. Bệnh này cũng có thể mắc ở trẻ em, nhưng thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 đến 60.

Triệu chứng

Các triệu chứng của người bị RSD có thể xuất hiện từ từ. Ban đầu người bệnh có thể không nhận ra cơn đau của mình là bất thường và sau đó nó có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Các loại tổn thương có thể gây ra RSD bao gồm:

  • Cắt cụt chi
  • Vết bầm
  • Bỏng
  • Vết cắt
  • Gãy xương
  • Tiểu phẩu
  • Kim đâm
  • Xạ trị
  • Bong gân

Khu vực hay bị ảnh hưởng nhất là ở cánh tay, vai, chân hoặc hông. Cơn đau thường lan ra ngoài vị trí chấn thương. Trong một số trường hợp, các triệu chứng cũng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

RSD cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của người bệnh, gây ra:

  • Đỏ
  • Da ấm xung quanh vết thương
  • Sưng tấy

Cơn đau thường liên tục và nghiêm trọng. Nhiều người mô tả cơn đau RSD như sau:

  • Đau âm ỉ
  • Bỏng rát
  • Lạnh
  • Đau sâu
  • Nhói

Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau khi làm những việc mà thông thường như tắm vòi sen hay mặc quần áo.

Các triệu chứng khác của RSD bao gồm:

  • Rối loạn hệ thống phụ của da như tóc, móng tay hay thay đổi kết cấu của da
  • Mồ hôi nhiều ở một số vùng nhất định
  • Yếu hoặc co thắt cơ
  • Cứng khớp
  • Khó di chuyển vùng bị thương
  • Da trắng, lốm đốm, đỏ hoặc xanh

Chẩn đoán

Thông thường, các bác sĩ không biết cơn đau là do RSD gây ra cho đến khi người bệnh đã khỏi bệnh một thời gian. Khi cơn đau không biến mất hoặc nghiêm trọng hơn mức bình thường đối với một loại chấn thương, đây có thể là manh mối đầu tiên của RSD.

Không có xét nghiệm nào có thể cho bác sĩ biết liệu một người có bị RSD hay không. Thay vào đó, bác sĩ sẽ dựa vào việc thăm khám và thông bệnh sử của họ. Ngoài ra còn có một số xét nghiệm có thể cung cấp các dấu hiệu nhất định của bệnh lý này, bao gồm:

  • Xạ hình xương: Có thể phát hiện xem có xương nào bị mòn ở đầu hoặc có vấn đề với lưu lượng máu không.
  • Chụp cộng hưởng từ: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI để tìm những thay đổi đáng chú ý bên trong cơ thể, đặc biệt là ở các mô của người bệnh.
  • Kiểm tra mồ hôi: Xét nghiệm này có thể cho biết người bệnh đổ mồ hôi ở một bên cơ thể nhiều hơn bên kia.
  • Kiểm tra nhiệt độ: Kiểm tra nhiệt độ hoặc lưu lượng máu tại vị trí chấn thương có khác với các bộ phận khác của cơ thể không.
  • Chụp X-quang: thường được chỉ định nếu hội chứng ở giai đoạn sau để tìm kiếm sự mất khoáng chất trong xương.

Điều trị

Phát hiện sớm là chìa khóa trong điều trị RSD, càng được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ càng hiệu quả. Một số trường hợp RSD không đáp ứng với điều trị. RSD không có cách chữa trị, nhưng có thể phục hồi sau nhiều triệu chứng.

Một số loại thuốc mà bác sĩ có thể đề xuất bao gồm:

  • Các loại kem gây mê như lidocaine
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc kháng viêm NSAID
  • Thuốc chống động kinh có thể giúp điều trị cơn đau
  • Thuốc xịt mũi điều trị loãng xương
  • Tiêm phong bế dây thần kinh
  • Các thuốc không kê đơn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen để giảm đau

Các phương pháp điều trị khác ít được sử dụng hơn vì nguy cơ tác dụng phụ và thiếu bằng chứng cho thấy chúng có tác dụng:

  • Corticosteroid như methylprednisolone (Medrol) hoặc prednisolone (AsmalPred Plus) để điều trị sưng tấy
  • Opioid, chẳng hạn như fentanyl (Duragesic), hydrocodone (Hysingla ER, Zohydro ER), morphine (Arymo ER, Kadian, Morphabond, MS Contin) và oxycodone

Các phương pháp khác để điều trị các triệu chứng bao gồm:

  • Đặt điện cực trên xương sống để tạo ra những cú sốc điện nhỏ nhằm giảm đau
  • Vật lý trị liệu giúp người bệnh đi lại dễ dàng hơn và giảm đau
  • Liệu pháp tâm lý có thể giúp người bệnh thư giãn
  • Nẹp để đỡ đau tay

Nếu cơn đau không biến mất ngay cả sau khi điều trị, bác sĩ có thể đề nghị một cuộc phẫu thuật gọi là phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm. Trong đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một số dây thần kinh xung quanh mạch máu để giúp cải thiện lưu lượng máu của người bệnh.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Thần Kinh Giao Cảm Là Gì