Hội Chứng Sợ độ Cao: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Khắc Phục

Hội chứng sợ độ cao là một trong những rối loạn ám ảnh sợ hãi phổ biến. Nỗi sợ mãnh liệt, dai dẳng về độ cao khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống. Tuy nhiên, cảm giác sợ hãi có thể được xóa bỏ hoàn toàn nếu can thiệp điều trị kịp thời.

Hội chứng sợ độ cao là gì
Hội chứng sợ độ cao là một trong những rối loạn ám ảnh sợ hãi phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 5% dân số

Hội chứng sợ độ cao là gì?

Sợ hãi là phản ứng thông thường của con người. Cảm xúc này được kích hoạt khi chúng ta đối mặt với đối tượng/ tình huống có tính chất nghiêm trọng hoặc tiềm ẩn mối nguy hiểm. Tuy nhiên, một số người hình thành nỗi sợ vô lý với những thứ tưởng chừng như vô hại. Tình trạng này được gọi chung là hội chứng ám ảnh sợ hay rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.

Hội chứng sợ độ cao (Tiếng Anh: Acrophobia) là một trong những rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi thường gặp. Người mắc hội chứng này có nỗi sợ mãnh liệt và vô lý về độ cao. Nỗi sợ này chi phối khiến người bệnh né tránh đi máy bay, đi qua cầu, leo thang, thậm chí một số người né tránh nhìn các bức hình hoặc xem video clip về các ngọn núi hay tòa nhà cao tầng.

Thực tế, khi ở một nơi cao, phản ứng chung của mọi người là cảm giác bất an và lo lắng nhẹ. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều có thể kiểm soát cảm xúc của mình. Trong khi đó, những người mắc chứng Acrophobia có nỗi sợ tột độ, mạnh mẽ và bệnh nhân có thể trở nên hoảng loạn khi nhìn thấy tòa nhà cao tầng hoặc phải leo thang bộ,…

Chưa có thống kê cụ thể về số người bị hội chứng sợ độ cao. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong phạm vi nhỏ cho thấy, khoảng 1/20 người có cảm giác sợ hãi và lo lắng quá mức về độ cao. Điều này cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng sợ độ cao là rất phổ biến.

Nguyên nhân gây hội chứng sợ độ cao

Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra chứng sợ độ cao (Acrophobia). Hội chứng này được cho là phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên và sau đó tiến triển đến tuổi trưởng thành.

Một số yếu tố đã được xác định có liên quan đến chứng sợ độ cao bao gồm:

  • Kết quả của quá trình tiến hóa: Các lý thuyết về tiến hóa cho rằng, nỗi sợ và sự ám ảnh quá mức về độ cao có thể là kết quả của quá trình tiến hóa. Nỗi sợ này giúp con người nhận thức được mối nguy hiểm về độ cao chẳng hạn như bị té, ngã,… Dần dần, gen “sợ độ cao” được hình thành và di truyền lại cho con cái.
  • Di truyền: Chứng sợ độ cao có thể là kết quả di truyền từ bố mẹ, ông bà. Mặc dù chưa tìm được loại gen và cách thức di truyền nhưng các chuyên gia nhận thấy, nguy cơ mắc hội chứng này tăng lên đáng kể ở những người có gia đình mắc chứng sợ độ cao hoặc bị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác.
  • Trải nghiệm tiêu cực liên quan đến độ cao: Đa số các hội chứng ám ảnh sợ đều phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Những người từng bị té, ngã từ trên cao hoặc chứng kiến các sự kiện như rơi máy bay, thang máy,… sẽ có nguy cơ cao phát triển hội chứng này. Hạch hạnh nhân trong não bộ sẽ “ghi nhớ” cảm xúc từ những trải nghiệm kể trên và hình thành phản ứng phòng vệ trong vô thức. Khi đối diện với độ cao, cơ quan này sẽ kích hoạt phản ứng sợ hãi với mục đích giúp cơ thể cảm nhận được mối nguy hiểm.
  • Ảnh hưởng từ gia đình: Trẻ có thể học theo phản ứng của gia đình về độ cao và hình thành phản ứng tương tự. Do đó, dù không cùng huyết thống nhưng nếu sống chung với người bị chứng Acrophobia trong một thời gian dài, nhiều khả năng trẻ lớn lên cũng có nỗi sợ dai dẳng và mạnh mẽ về độ cao.

Nữ giới có nguy cơ mắc hội chứng Acrophobia cao hơn so với nam giới. Lý do là vì tính cách yếu đuối, nhạy cảm, hay lo âu. Ngoài ra, nếu có trải nghiệm tiêu cực về độ cao, bản thân nữ giới sẽ bị tổn thương nhiều hơn. Do đó, khả năng phát triển hội chứng sợ độ cao sẽ cao hơn so với nam giới.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ độ cao

Hội chứng sợ độ cao đặc trưng bởi nỗi sợ tột độ, ám ảnh quá mức và lo lắng về độ cao. Người bệnh thường sợ hãi những tình huống sau:

  • Leo cầu thang
  • Sử dụng hầm gửi xe có nhiều tầng
  • Các trò chơi trên cao
  • Đứng ngoài ban công
  • Một số người cảm thấy lo lắng khi đi thang máy (đặc biệt là thang máy trong suốt có thể quan sát được bên ngoài)
  • Nhìn từ trên cao xuống

Thậm chí, một số người còn sợ hãi khi nghĩ về việc bản thân đang đứng ở một nơi rất cao hoặc khi nhìn thấy hình ảnh, video clip,… về ngọn núi cao, tòa nhà cao tầng.

Hội chứng Acrophobia không đơn thuần là cảm giác bất an và lo lắng khi đứng ở nơi cao. Hội chứng này chi phối mạnh mẽ hành vi, cảm xúc và gây ra một số triệu chứng thể chất. Mức độ của các triệu chứng sẽ tăng lên khi người bệnh đang phải đối mặt với độ cao (đang leo thang, nhìn ra cửa sổ của tòa nhà cao tầng,…).

dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ độ cao
Khi đứng ở một nơi cao, bệnh nhân thường nằm hoặc ngồi thụp xuống để giảm cảm giác sợ hãi

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng Acrophobia:

  • Luôn lo lắng, sợ hãi và có cảm giác bất an khi nghĩ về việc bản thân đang đứng ở trên cao
  • Thường trực suy nghĩ tiêu cực, tin rằng bản thân sẽ bị mắc kẹt hoặc bị té/ ngã nếu ở trên cao
  • Muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình huống gây sợ hãi chẳng hạn như phải leo thang, đi qua cầu,…
  • Có các hành vi né tránh đến những nơi cao như hạn chế làm việc ở các tòa nhà cao tầng, lựa chọn đường đi khác để không phải đi qua cầu, không tham gia các trò chơi trên cao, từ chối leo núi hoặc đi cáp treo,…)

Khi phải đối diện với độ cao, cảm giác sợ hãi tăng lên làm giải phóng hormone cortisol và adrenalin dẫn đến các triệu chứng thể chất như:

  • Run rẩy
  • Sợ hãi tột độ
  • Hoảng loạn
  • Cảm thấy buồn nôn
  • Đầu óc lâng lâng, choáng váng
  • Tăng tiết mồ hôi
  • Tăng nhịp tim
  • Đau thắt ngực
  • Bồn chồn

Trong những tình huống này, bệnh nhân thường ngồi thụp xuống và nhắm mắt để xoa dịu cảm giác sợ hãi. Nỗi sợ không thể kiểm soát và bùng phát ở nơi đông người khiến nhiều bệnh nhân cảm thấy mặc cảm, tự ti. Điều này càng thôi thúc các hành vi né tránh dẫn đến nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Hội chứng sợ độ cao có nguy hiểm không?

Hội chứng sợ độ cao (Acrophobia) là tình trạng khá phổ biến. Trong cuộc sống như hiện nay, việc phải đến các tòa nhà cao tầng hay đi qua cầu là điều khó tránh khỏi. Do đó, hội chứng sợ độ cao cần phải được điều trị trong thời gian sớm nhất. Nếu để kéo dài, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Nỗi sợ về độ cao khiến người bệnh né tránh đến các tòa nhà cao tầng, từ chối leo núi, đi qua cầu,… Những hành vi né tránh này làm giới hạn việc trải nghiệm cuộc sống và gây khó khăn trong công việc. Hầu như người bị hội chứng sợ cao đều từ chối các công việc phải làm việc trên cao hoặc làm việc tại các tòa nhà cao tầng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng từ chối đi du lịch và vui chơi cùng mọi người vì lo sợ sẽ phải đến những nơi cao.

Bản thân người bị chứng độ cao ý thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý và bất thường. Họ nhận ra sự khác biệt giữa mình và những người xung quanh nhưng không tài nào kiểm soát được nỗi sợ. Do đó, ngoài những ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống, người mắc hội chứng sợ độ cao còn phải đối mặt với stress, lo âu và đôi khi phát triển chứng trầm cảm.

Chẩn đoán hội chứng sợ độ cao

Bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chí trong Sổ tay chẩn đoán và Thống kê về các rối loạn tâm thần (DSM-5) để chẩn đoán chứng sợ độ cao. Bệnh nhân chỉ được chẩn đoán mắc hội chứng này khi sợ hãi vô lý về độ cao và tình trạng phải kéo dài ít nhất 6 tháng.

Bên cạnh đó, nỗi sợ phải đủ lớn để thôi thúc các hành vi né tránh và gây ra những cản trở nhất định đối với cuộc sống. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được chẩn đoán một số vấn đề đi kèm. Đa số người mắc chứng sợ độ cao thường phát triển đồng thời với các vấn đề tâm lý khác như chứng sợ máy bay, hội chứng sợ lái xe,…

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ độ cao

Việc né tránh hoàn toàn đến những nơi cao như nhà cao tầng, máy bay,… gần như là không thể. Do đó, hầu hết người mắc hội chứng sợ độ cao đều sẽ được điều trị. Trị liệu tâm lý là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong việc loại bỏ nỗi sợ và sự lo lắng quá mức. Bên cạnh đó, dùng thuốc và các biện pháp thư giãn cũng được cân nhắc thực hiện để mang lại hiệu quả nhất.

Các phương pháp được xem xét trong quá trình điều trị hội chứng sợ độ cao:

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý luôn là lựa chọn ưu tiên khi điều trị các hội chứng ám ảnh sợ bao gồm cả chứng sợ độ cao (Acrophobia). Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp và hướng đến mục tiêu loại bỏ nỗi sợ vô lý, quá mức về độ cao. Liệu pháp tâm lý có nhiều hướng can thiệp và chuyên gia sẽ chọn lựa phương pháp phù hợp tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Hội chứng sợ độ cao tiếng anh
Tâm lý trị liệu có thể cải thiện nỗi sợ mãnh liệt, vô lý về độ cao và giúp bệnh nhân xoa dịu các cảm xúc tiêu cực

Hội chứng sợ độ cao có thể được cải thiện sau khi áp dụng liệu pháp tiếp xúc, liệu pháp thôi miên và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):

  • Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc còn được gọi là liệu pháp phơi nhiễm hoặc liệu pháp giải mẫn cảm. Liệu pháp này giúp bệnh nhân giảm bớt nỗi sợ vô lý về độ cao và học cách kiểm soát nỗi sợ của chính mình bằng cách tiếp xúc với nỗi sợ theo mức độ tăng dần lên. Ban đầu, bệnh nhân sẽ tiếp xúc với độ cao bằng suy nghĩ, sau đó đến hình ảnh, video và cuối cùng là đối diện trực tiếp. Trong suốt quá trình, chuyên gia sẽ đồng hành để trang bị cho bệnh nhân các kỹ năng đối phó.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT được thực hiện song song với liệu pháp tiếp xúc để mang lại kết quả tốt nhất. Nếu như liệu pháp tiếp xúc giúp não bộ thích nghi dần và giảm bớt nỗi sợ hãi, lo lắng thì CBT giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ tiêu cực. Khi nhận thức đúng đắn về độ cao, người bệnh sẽ giảm bớt sự sợ hãi, tránh hoảng loạn và giảm các hành vi né tránh.
  • Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên được thực hiện trong một số trường hợp. Thông qua trạng thái ám thị khi thôi miên, chuyên gia sẽ tìm hiểu được nguồn gốc của nỗi sợ và giúp người bệnh thay đổi các suy nghĩ không phù hợp. Ngoài ra, liệu pháp thôi miên cũng sẽ giúp người bệnh giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện giấc ngủ.

2. Dùng thuốc

Hội chứng sợ độ cao gây ra sự căng thẳng, lo âu thường trực. Những cảm xúc này có thể khiến người bệnh bị mất ngủ và tăng huyết áp. Do đó ngoài trị liệu tâm lý, một số bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc sau:

  • Thuốc an thần benzodiazepines: Nhóm thuốc này được sử dụng để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng do người mắc hội chứng sợ độ cao. Thuốc an thần còn giúp cải thiện tình trạng mất ngủ và nâng đỡ tinh thần trong quá trình trị liệu. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây nghiện nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và tuyệt đối không được ngưng thuốc đột ngột.
  • Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta được sử dụng để cải thiện các triệu chứng thể chất liên quan đến hội chứng sợ độ cao như tim đập nhanh, tăng huyết áp, mất ngủ, đau đầu,… Bên cạnh lợi ích mang lại, nhóm thuốc này tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ nên chỉ được dùng khi cần thiết.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được sử dụng nếu bệnh nhân có biểu hiện buồn rầu, bi quan, đau khổ do ảnh hưởng của hội chứng sợ độ cao. Với những trường hợp đã phát triển chứng trầm cảm, nhóm thuốc này sẽ được dùng lâu dài để ngăn ngừa tái phát.

3. Các biện pháp thư giãn

Hội chứng sợ độ cao gây ra sự căng thẳng nhất định. Nỗi sợ chi phối khiến người bệnh luôn cảm thấy bất an, lo lắng và sợ hãi. Những cảm xúc tiêu cực này có thể phát triển thành rối loạn lo âu lan tỏa hoặc trầm cảm. Chính vì vậy, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp thư giãn song song với sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý.

điều trị hội chứng sợ độ cao
Người mắc chứng sợ độ cao nên tập yoga, ngồi thiền,… để giải tỏa căng thẳng và phiền muộn

Các biện pháp thư giãn dành cho bệnh nhân bị hội chứng sợ độ cao:

  • Nên ngồi thiền mỗi ngày để giảm căng thẳng, lo âu và phiền muộn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã nhận thấy hiệu quả của ngồi thiền trong việc kiểm soát nỗi sợ và giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Bên cạnh lợi ích đối với sức khỏe tinh thần, ngồi thiền còn giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện giấc ngủ và giảm phần nào các triệu chứng thể chất do hội chứng sợ độ cao gây ra.
  • Có chế độ ăn uống khoa học và cân bằng để nâng cao sức khỏe. Người bị hội chứng sợ độ cao nên bổ sung các loại thực phẩm có khả năng cải thiện tâm trạng như thịt trắng, các loại rau củ, trái cây, sữa chua và các loại hạt, đậu,… Hạn chế caffeine, rượu bia và chất kích thích.
  • Tránh thức khuya và hạn chế stress trong công việc để giữ cho tinh thần được thoải mái.
  • Dành thời gian cho các hoạt động yêu thích như vẽ tranh, đan len, chăm sóc cây cối, thú cưng,… thay vì suy nghĩ quá nhiều về tình trạng sức khỏe của bản thân. Niềm vui từ các hoạt động này giúp xoa dịu cảm xúc tiêu cực và ngăn chặn các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa,…
  • Hội chứng sợ độ cao là một dạng rối loạn ám ảnh sợ phổ biến. Vì vậy, đừng ngần ngại tham gia các hội nhóm để được chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để bệnh nhân mở rộng mối quan hệ và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Hội chứng sợ độ cao (Acrophobia) là tình trạng rất phổ biến. Hội chứng này ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống và gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa,… Tuy nhiên, bệnh nhân có thể ngăn chặn biến chứng bằng cách thăm khám và điều trị sớm.

Có thể bạn quan tâm:

  • Hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia): Biểu hiện và cách cải thiện
  • Ám ảnh sợ khoảng trống: Nguyên nhân và cách khắc phục
  • Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) và giải pháp vượt qua

Từ khóa » Sợ Cao