Hội Chứng Sợ độ Cao: Nguyên Nhân Và điều Trị - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Nguyên nhân hội chứng sợ độ cao
  • 2. Điều trị hội chứng sợ độ cao

Hội chứng sợ độ cao là một trong những nỗi ám ảnh phổ biến nhất trên thế giới. Nỗi ám ảnh này không chỉ gây hoảng loạn cho bạn mà còn khiến bạn tránh né hoàn toàn những nơi cao. Nó xuất hiện ngay cả khi bạn nghĩ đến việc đi qua một cây cầu hoặc nhìn thấy bức ảnh của một ngọn núi hoặc khung cảnh cao xung quanh, gây ra sợ hãi và lo lắng. Điều này thường gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn. Nguyên nhân và hướng điều trị của hội chứng sợ độ cao là gì?

1. Nguyên nhân hội chứng sợ độ cao

Hội chứng sợ độ cao đôi khi phát triển để đáp ứng với trải nghiệm đau thương liên quan đến độ cao, chẳng hạn như:

  • Rơi từ nơi cao.
  • Nhìn người khác rơi từ nơi cao.
  • Có một cơn hoảng loạn hoặc trải nghiệm tiêu cực khác trong khi ở một nơi cao.

Nhưng nỗi ám sợ (phobia) nói chung hay sợ độ cao (acrophobia) nói riêng cũng có thể được hình thành trên đa nguyên nhân. Trong những trường hợp này, các nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng có thể liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường và tâm lý.

1.1. Về mặt di truyền

Có thể ghi nhận nhiều trường hợp nguy cơ cao mắc chứng sợ độ cao nếu có người khác trong gia đình bạn mắc nỗi sợ này.

1.2. Về yếu tố môi trường

Nghiên cứu cho thấy hội chứng sợ độ cao không chỉ có đối với con người mà đối với tất cả các động vật có thị giác. Năm 1960, các nhà tâm lý học Eleanor J. Gibson và Richard D. Walk đã thực hiện thí nghiệm cho trẻ sơ sinh, cùng với các con non của nhiều loài có thị giác khác bò qua một tấm kính trong suốt dày bắt qua một khe hở rộng. Các trẻ sơ sinh và con vật non vẫn từ chối bò qua mặc dù có sự hiện diện của mẹ kêu gọi bò qua khe đó và nó an toàn.

Không ít người mắc phải hội chứng sợ độ cao
Không ít người mắc phải hội chứng sợ độ cao

Từ đó, có thể thấy ám sợ độ cao dường như là một phần của cơ chế sinh tồn trong tiến hóa. Tuy nhiên, từ nỗi sợ đó, chúng ta thận trọng với độ cao để đảm bảo an toàn. Nhưng với những người mắc hội chứng sợ độ cao, cũng như tất cả các nỗi ám ảnh khác, nó tạo nên một phản ứng ám ảnh và sợ hãi tột độ.

1.3. Về tâm lý

Nỗi ám ảnh có thể được phát triển do sự cố liên quan đến việc rơi từ cao hoặc một tai nạn tương tự. Nỗi sợ độ cao là nỗi sợ hình thành tự nhiên. Tuy nhiên, nếu bất kỳ sự kiện nào như vậy xảy ra, nỗi sợ hãi được phóng đại, duy trì và dẫn đến hội chứng sợ độ cao. Nỗi sợ hãi cũng có thể bắt nguồn từ việc chứng kiến ​​người khác trải qua một tai nạn nghiêm trọng từ trên cao.

2. Điều trị hội chứng sợ độ cao

Nỗi ám sợ không phải luôn cần điều trị. Đối với một số trường hợp, việc né tránh đối tượng gây cho mình sợ hãi là bình thường và không ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hằng ngày của họ.

Nhưng nếu bạn thấy rằng nỗi ám sợ đang gây khó khăn cho cuộc sống của mình, ngăn cản bạn làm những việc mong muốn hoặc cần làm – chẳng hạn như đến thăm nhà người yêu sống ở tầng trên cùng của tòa chung cư – việc điều trị có thể giúp ích.

2.1. Liệu pháp giải mẫn cảm (tiếp xúc có hệ thống)

Liệu pháp giải mẫn cảm được coi là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho những nỗi ám ảnh cụ thể. Trong loại trị liệu này, bạn sẽ làm việc với một nhà trị liệu để từ từ tiếp xúc với những gì mình sợ.

Đối với chứng sợ độ cao, bạn có thể bắt đầu bằng cách nhìn vào hình ảnh từ góc nhìn của một người nào đó bên trong một tòa nhà cao tầng. Sau đó, bạn có thể xem các video clip về những người đi qua giữa các tòa nhà, leo trèo trên những cây cầu, khe núi hẹp.

Dần dần, bạn có thể đi ra ban công hoặc sử dụng thang leo. Song song đó, bạn sẽ học được những kỹ thuật thư giãn để giúp mình chinh phục nỗi sợ hãi trong khoảnh khắc này.

2.2. Trị liệu nhận thức hành vi (CBT)

CBT có thể giúp đỡ nếu bạn không cảm thấy sẵn sàng thử liệu pháp tiếp xúc. Trong CBT, bạn sẽ làm việc với một nhà trị liệu để thử thách và điều chỉnh lại những suy nghĩ tiêu cực của mình về nỗi sợ độ cao.

Hãy thử trò chuyện với các nhà trị liệu về tình trạng của mình
Hãy thử trò chuyện với các nhà trị liệu về tình trạng của mình

Cách tiếp cận này vẫn có thể bao gồm một chút tiếp xúc với độ cao. Tuy nhiên, điều này thường chỉ được thực hiện trong môi trường an toàn của buổi trị liệu.

>> Để biết thêm những thông tin về quá trình, thời gian, kết quả và một số vấn đề khác liên quan đến CBT, bạn có thể tham khảo bài viết: CBT: Bạn có thể làm gì để những buổi điều trị thành công hơn?

2.3. Thuốc

Không có bất kỳ loại thuốc nào được chỉ định để điều trị chứng ám sợ.

Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể giúp giảm triệu chứng hoảng loạn và lo lắng, chẳng hạn như:

  • Nhóm thuốc ức chế beta. Những loại thuốc này giữ cho huyết áp và nhịp tim của bạn ở mức ổn định và giảm các triệu chứng thể chất khác của lo âu.
  • Các nhóm thuốc giảm đau, an thần. Chúng có thể giúp giảm các triệu chứng, nhưng thường chỉ được kê đơn trong một thời gian ngắn hoặc sử dụng không thường xuyên vì chúng có thể gây nghiện.
  • D-cycloserine (DCS). Thuốc này có thể làm tăng hiệu quả của liệu pháp tiếp xúc. Một kết quả trên 22 nghiên cứu liên quan cho thấy DCS dường như giúp tăng cường hiệu quả của liệu pháp giải mẫn cảm.

2.4. Thực tế ảo

Trong những năm gần đây, một số chuyên gia đã chuyển sự chú ý của họ sang thực tế ảo (VR) như một phương pháp tiềm năng để điều trị chứng ám ảnh sợ.

Trải nghiệm VR chân thực có thể giúp bạn tiếp xúc với những gì mình sợ trong một thiết lập an toàn. Sử dụng phần mềm máy tính cung cấp cho bạn lựa chọn dừng ngay lập tức nếu cảm thấy mọi thứ cảm thấy.

Một nghiên cứu năm 2018 đã xem xét ảnh hưởng của VR đối với 100 người mắc hội chứng sợ độ cao. Kết quả là những người tham gia chỉ trải qua mức độ khó chịu thấp trong các phiên VR. Nhiều báo cáo cho rằng VR đem lại hiệu quả.

Mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực này để có thể kết luận chắc chắn, nhưng VR có thể là một lựa chọn điều trị dễ dàng với giá cả phải chăng.

Chữa trị hội chứng sợ độ cao bằng thực tế ảo
Chữa trị hội chứng sợ độ cao bằng thực tế ảo

Hội chứng sợ độ cao là một trong những nỗi ám ảnh phổ biến. Có đến 14% dân số Anh mắc chứng sợ độ cao, xếp thứ hai sau Arachnophobia (ám ảnh sợ nhện). Nên nếu bạn ám sợ độ cao quá mức hoặc né tránh một số tình huống, hãy liên hệ với các chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Một nhà trị liệu có thể giúp bạn phát triển các biện pháp vượt qua nỗi sợ hãi và ngăn nó ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn.

Bác sĩ Nhiêu Quang Thiện Nhân

Từ khóa » Sợ Cao