HỎI ĐÁP VỀ DỊCH CÚM GIA CẦM A(H7N9)

Vi rút cúm gia cầm A(H7N9) là gì?

Tháng 2/2018 - Vi rút cúm gia cầm (hay “cúm chim”) thường lưu hành ở các loài gia cầm. Mặc dù một số vi rút cúm gia cầm H7 (H7N2, H7N3 và H7N7) đôi khi có thể nhiễm sang người, chỉ đến tháng 3/2013 lần đầu tiên các trường hợp nhiễm vi rút H7N9 trên người được báo cáo ở Trung Quốc. Cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có trường hợp cúm gia cầm H7N9 nào được phát hiện trên người hay trên gia cầm.

Các triệu chứng chính của người nhiễm vi rút cúm gia cầm A(H7N9) là gì?

Cho đến nay, những người nhiễm vi rút này đều bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt, ho và khó thở. Đối với những trường hợp nhiễm cúm gia cầm nặng, đặc biệt là khi người bệnh không được chăm sóc đúng cách, có thể dẫn đến tử vong. Cho đến nay, có rất ít trường hợp những người bị nhiễm cúm H7N9, có triệu chứng giống cúm tự phục hồi mà không cần sự chăm sóc y tế.

Hiện đã có bao nhiêu trường hợp nhiễm vi rút H7N9 ở người tại Trung Quốc?

Từ tháng 2/2013 đến tháng 1/2018, có tổng cộng 1.624 trường hợp xác định mắc cúm H7N9 ở người trong đó có ít nhất 621 trường hợp tử vong tại Trung Quốc. Số ca mắc ở người tăng đáng kể trong mùa đông 2016-17 so với những năm trước.

Vi rút H7N9 có thể lây nhiễm sang người như thế nào?

Thông tin dịch tễ học và vi rút học cho thấy phần lớn những trường hợp nhiễm vi rút H7N9 ở người là kết quả của việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm nhiễm vi rút (ví dụ, sau khi đi chợ và tiếp xúc với môi trường mà gia cầm bị nhiễm vi rút được lưu giữ, vận chuyển hoặc giết mổ).

Gia cầm nhiễm vi rút H7N9 độc lực thấp thường không có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện không rõ ràng, gây khó khăn cho việc xác định gia cầm bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đã phát hiện ra sự biến đổi vi rút H7N9 từ độc lực thấp sang vi rút độc lực cao trên gà từ tháng 1/2017 và hiện cả hai chủng vi rút đang lưu hành. Cả gia cầm khỏe mạnh lẫn nhiễm bệnh đều có thể là nguồn lây nhiễm.

Mặc dù đã có những chùm ca bệnh được báo cáo (nhiễm bệnh trên những người ở gần nhau), chưa có báo cáo về việc lây truyền bền vững/ dễ dàng từ người sang người.

Làm thế nào để phòng tránh lây nhiễm cúm gia cầm?

WHO và FAO khuyến nghị áp dụng những biện pháp vệ sinh cá nhân cơ bản để phòng ngừa việc lây nhiễm, bao gồm vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp và vệ sinh an toàn thực phẩm.

  • Vệ sinh tay: Rửa tay trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn; trước khi ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc với động vật và chất thải động vật; và trước và sau khi chăm sóc người bệnh. Vệ sinh tay cũng giúp phòng tránh lây nhiễm đối với bản thân (thông qua việc tiếp xúc vào bề mặt bị nhiễm) và đối với bệnh nhân, nhân viên y tế và những đối tượng khác trong môi trường bệnh viện.
  • Vệ sinh đường hô hấp: Khi ho hay hắt hơi, che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, giấy ăn, tay áo hoặc khuỷu tay; vứt giấy vào sọt rác có nắp đậy sau khi sử dụng; rửa tay sau khi tiếp xúc với các chất tiết của đường hô hấp.
  • Vệ sinh an toàn thực phẩm: Vì vi rút cúm có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ thường dùng cho nấu ăn, các sản phẩm từ thịt và trứng có thể được tiêu thụ an toàn nếu như được chuẩn bị đúng cách và nấu chín. Không nên ăn các thức ăn từ động vật có biểu hiện bệnh rõ ràng hoặc bị chết do bệnh hay chết đột ngột. Luôn luôn giữ thịt và trứng sống tách riêng khỏi thực phẩm đã nấu chín hoặc thực phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ vi rút xâm nhập và lan rộng ở Việt Nam, hãy mua gia cầm khỏe mạnh từ nguồn đáng tin cậy và báo cáo ngay bất kỳ trường hợp gia cầm chết bất thường nào cho các nhà chức trách.

Hiện đã có vắc xin cho vi rút H7N9 chưa?

Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng nhiễm vi rút cúm H7N9 ở người. WHO hiện đang làm việc với các đối tác để phát triển vắc xin và một số sản phẩm đang được kiểm nghiệm về tính an toàn và hiệu lực vắc xin.

(1)FAO H7N9 situation update

Từ khóa » Cúm Gia Cầm Lây Sang Người Như Thế Nào