HÔI MIỆNG Ở TRẺ EM | BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1

Tại sao trẻ bị hôi miệng?

Là do có sự giải phóng các loại hợp chất sulphur trong khoang miệng, đây là các chất dễ bay hơi và có mùi khó chịu. Các hợp chất này sinh ra có thể do các vi khuẩn kỵ khí, Gram âm trú ngụ ở những vị trí ứ đọng trong khoang miệng như túi nha chu, lưỡi, kẽ răng hay sang thương sâu răng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng.

Có 2 dạng hôi miệng là hôi miệng tạm thời và hôi miệng do các vấn đề trong khoang miệng.

1) Hôi miệng tạm thời là khi trẻ sử dụng một số thực phẩm, đồ uống và bị hôi miệng, sau một thời gian vệ sinh sạch sẽ thì sẽ hết. Là do các loại thực phẩm đồ uống trẻ sử dụng có ảnh hưởng đến quá trình phân hủy tạo sulphur trong miệng, khiến hơi thở của trẻ có mùi. Ở trẻ em các loại thực phẩm thực giàu protein, giàu đường,... khi thủy phân trong khoang miệng sẽ giải phóng ra các loại amino axit có chứa nhiều hợp chất sulphur.

Hành, tỏi cũng là loại thực phẩm có chứa hàm lượng sulphur rất cao, chúng được hấp thu vào máu, giải phóng ở phổi và ra bên ngoài qua hơi thở.

2) Hôi miệng do các vấn đề trong khoang miệng: do các bệnh lý hay những vấn đề bất ổn trong miệng. - Bệnh về nha chu, nướu: các bệnh gây ra hôi miệng như viêm nha chu, viêm nướu, viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính, viêm quanh thân răng, áp xe,... - Các vết lở loét ác tính tại chỗ - Nấm Candida vùng miệng

- Viêm tủy xương, viêm ổ răng khô, hoại tử xương cũng có thể gây hôi miệng

Bệnh hôi miệng kéo dài có thể do những nguyên nhân từ bên ngoài khoang miệng như:

- Sử dụng một số thuốc như amphetamine, chloral hydrate, disulfiram, dimethyl sulphoxide, nitrate và nitrite. - Bệnh lý toàn thân: rối loạn hô hấp, các nhiễm trùng mũi họng như viêm xoang, viêm amidan,... - Bệnh dạ dày - ruột: bệnh trào ngược dạ dày - thực quản chính là một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hôi miệng. - Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày cũng gây hôi miệng kéo dài

Làm gì để cải thiện tình trạng hôi miệng cho trẻ?

Khi phát hiện trẻ bị hôi miệng, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám tìm ra nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Đa số trẻ bị hôi miệng là do không vệ sinh răng miệng kỹ hoặc có các bệnh lý trong khoang miệng. Do đó:

- Nếu xuất hiện các viêm nhiễm như sâu răng, mảng bám, vôi răng hoặc bị viêm quanh răng thì bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp nha khoa cho trẻ. - Nếu như nguyên nhân không phải tại miệng hoặc đã can thiệp nha khoa mà vẫn còn bị hôi miệng thì cần cho trẻ khám thêm các chuyên khoa khác như tai - mũi - họng, tiêu hóa, tiết niệu,... để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó có cách điều trị phù hợp.

- Với tình trạng hôi miệng tạm thời do thức ăn đồ uống gây mùi, vệ sinh răng miệng là cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị hôi miệng: * Cần vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ, ít nhất 2-3 lần/ngày. Vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên để đảm bảo răng miệng luôn sạch * Lưu ý bổ sung đủ nước cho trẻ để tránh khô miệng gây hôi. * Nên vệ sinh lưỡi và sử dụng nước súc miệng để có thể hạn chế việc hình thành mảng bám và các vi khuẩn trên bề mặt lưỡi. * Khám nha khoa định kỳ mỗi 4 - 6 tháng.

Từ khóa » Hôi Miệng ở Trẻ Nhỏ Là Bệnh Gì