Các bô lão trong Hội nghị Diên Hồng. Tranh vẽ trong sách giáo khoa Lịch sử - Địa lý lớp 4
Sử sách chỉ nhắc hội nghị này thoáng qua nhưng nó là một cột mốc đánh dấu chế độ dân chủ chỉ có ở thời cận đại và hiện đại bắt đầu manh nha. Đây là một hội nghị non sông trước chiến tranh Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ 2 ít ngày nên nó còn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng cho đất nước lúc bấy giờ.Không khí chiến tranh nóng bỏng, cận kềKể từ sau chiến tranh Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ nhất (năm 1258), Đại Việt có hơn 20 năm để củng cố bộ máy cai trị và xây dựng đất nước. Đây là thời gian quý báu để nhà Trần củng cố lực lượng bảo vệ đất nước. Đế quốc Mông Cổ chưa nuốt nổi mối nhục thua trận và cũng chưa từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta.Năm 1279, quân Nguyên Mông đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Quân Tống thua trận, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết; hậu cung cùng quan lại, binh lính chết theo rất nhiều, theo sử sách ghi có đến mấy vạn người. Nhà Tống bị diệt vong. Ngọn lửa chiến tranh đang cận kề biên giới Đại Việt.Năm 1281, vua Trần Nhân Tông từ chối lệnh vào chầu của vua Nguyên, cử chú họ là Trần Di Ái và Lê Mục, Lê Tuân đi sứ nhà Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái là lão hầu, Lê Mục là hàn lâm học sĩ, Lê Tuân là thượng thư; đồng thời sai Sài Xuân đem cả nghìn binh lính hộ tống nhóm này về Đại Việt. Động thái này của nhà Nguyên nhằm đe dọa vua nhà Trần là nếu không nghe lời (đầu hàng) thì chúng sẽ lập vua và bộ máy cai trị Đại Việt mới.Tháng 10/1282, nhà vua mở hội nghị Bình Than nhằm họp tướng lĩnh, các nhà quý tộc, quan lại bàn kế giữ nước và phân công nhiệm vụ trấn giữ các khu vực trọng yếu. Trước đó, vua phục chức cho Phó tướng cho Trần Khánh Dư, một tướng tài bị phạt đòn và giáng chức trước đó.Tháng 7/1283, thái tử Nguyên là A Đài và bình chương A Lạp tập hợp 50 vạn quân ở xứ Hồ Quảng chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đại Việt.Đến tháng 10, vua Trần Nhân Tông phong cho Trần Quốc Tuấn là quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân; đồng thời cho tập trận với cả quân thủy lẫn quân bộ.Tháng 8/1284, Trần Quốc Tuấn điều động các vương hầu để đại duyệt binh ở bến Bình Đông, phân công nắm giữ các vị trí trọng yếu. Trong thời gian này, vị tổng chỉ huy quân đội nhà Trần viết Hịch tướng sĩ (Dụ chư tỳ tướng hịch văn) nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của các tướng lĩnh, những nhân vật trọng yếu trong chiến tranh. Lời hịch mạnh mẽ có tính khơi gợi, thúc giục và tính cảnh báo, răn đe trước họa mất nước: “Nay ta bảo rõ các ngươi: Nên phải lo cái nguy để mồi lửa dưới củi; nên tự răn cái sợ do canh nóng thổi dưa; dạy rèn binh sĩ, chăm tập cung tên, khiến ai ai cũng là Bàng Mông, người người đều là Hậu Nghệ, bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, băm thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai…” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 334).Đến tháng 12/1284, nhà Trần nắm được tin báo về từ nước Nguyên: Vua Nguyên sai thái tử là Trấn Nam Vương Thoát Hoan, bình chương là A Lạt và bọn A Lý, Hải Nha mang quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành để xâm lược nước ta. Chỉ sau khi nhận tin giặc đã khởi động chiến tranh, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở hội nghị Diên Hồng, mời các vị bô lão trong nước họp và hỏi kế sách giữ nước và cho ý kiến về chủ trương chiến đấu hay hàng giặc. Đại Việt Sử ký toàn thư chỉ nghi lại ngắn gọn: “Thượng hoàng cho gọi các phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, cho ăn và hỏi kế. Các phụ lão đều nói là nên đánh, muôn người cùng lời như một”.Chỉ ngay sau hội nghị, tháng 1/1285, quân Nguyên Mông tràn sang nước ta.Như lời hiệu triệu của núi sôngNhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Hội nghị Diên Hồng có vai trò đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2, cũng như đặt một viên gạch đầu tiên trong xây dựng một nền chủ trong một thời đại khái niệm này còn xa lạ. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Giặc Hồ xâm lấn là tai nạn lớn của nước, hai vua hiệp vua, bầy tôi họp bàn, há không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến hỏi kế các phụ lão ư? Là vì Thánh Tông muốn thế để xét lòng yêu nước của Nhân dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Thế là còn giữ ý nghĩa người xưa nuôi già mà xin lời hay vậy” (Sđd 303).Như đã nói, trong tình thế chiến tranh, nhà Trần đã chuẩn bị rất kỹ để chuẩn bị bước vào cuộc chiến khốc liệt, như đã họp bàn mưu kế ở hội nghị Bình Than, phân công nhiệm vụ cho tướng lĩnh, tập trận, duyệt binh, ra lời hiệu triệu chư tướng… Hội nghị Diên Hồng là bước chuẩn bị cuối cùng: Tìm sự ủng hộ của Nhân dân. Đây cũng là dịp nhà vua truyền đạt những tư duy kháng chiến có thể nói là rất đặc thù của Việt Nam: Toàn dân chống giặc. Trong thời kỳ Ngô Quyền, việc cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng có sự giúp đỡ của người dân thường. Thời nhà Lý, đông đảo người dân cũng góp phần xây dựng chiến lũy sông Như Nguyệt…Dưới thời nhà Trần, sự “hợp đồng tác chiến” giữa triều đình và Nhân dân được nâng cao lên một bậc. Nhà Trần ngoài quân đội của triều đình còn có quân của các nhà quý tộc, như quân của Trần Quốc Toản, của dân binh cả miền xuôi và miền ngược dưới một sự chỉ huy thống nhất. Người dân cũng tham gia làm hệ thống cọc nhọn trận chiến sông Bạch Đằng… Nhân dân đã đồng lòng trong mọi chủ trương kháng chiến của triều đình, như việc “thanh dã” (vườn không nhà trống) khiến giặc cướp được đất nhưng không cướp được lương thực. Quân Nguyên Mông điều động nhiều tướng giỏi với 50 vạn quân tràn từ biên giới phía Bắc xuống và từ mạn Nam ra (đội quân của Toa Đô đi đánh Chiêm Thành 3 năm trước đó) với thế công hung hãn. Quân đội nhà Trần buộc nhiều lần phải lui binh, trong đó có lần từ Thiên Trường về Thanh Hóa tránh kìm kẹp của giặc trong mối hiểm nguy gang tấc. Những đợt lui binh và ẩn thân đó chắc chắn phải được Nhân dân che chắn, giữ bí mật và cung cấp thêm lương thảo.Đặc biệt, trong cuộc chiến Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ 2, trong Nguyên sử có ghi: Quân nhà Trần càng đánh càng đông. Đây là chi tiết chứng tỏ người dân nghe lời hiệu triệu của triều đình sẵn sàng tòng quân giết giặc. Bởi thế, trong ngày đầu kháng chiến ác liệt, Trần Nhân Tông mới có thơ tự hào và cũng là tự động viên mình, cùng động viên tướng sĩ: “Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan Diễn do tồn thập vạn binh” (Cối Kê việc cũ người nên nhớ/ Hoan Diễn hãy còn mười vạn quân).Thực tế, trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, thắng lợi vang dội của nhà Trần là thắng lợi của toàn quân, toàn dân. Đó là nhờ chính sách trọng dân, tinh thần dân chủ của nhà vua, của triều đình mà thể hiện đỉnh cao, rõ nhất là ở Hội nghị Diên Hồng, nơi người dân được bày tỏ ý kiến và thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của mình. Để từ đó, người dân đã góp người, góp của cùng với triều đình đánh bại kẻ thù.