Hội Nghị Lần Thứ Nhất Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng đồng Chí Hội ...

Đó là Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Thành viên lớp đầu gồm có: Nguyễn Ái Quốc là người lãnh đạo Hội, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Phong, Lâm Đức Thụ (là các thành viên lớp đầu), trụ sở của Hội đặt tại Quảng Châu.

Sách Đường Kách mệnh, in các bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc cho lớp huấn luyện chính trị các thanh niên yêu nước Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, năm 1925 (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Mục đích: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phụ trách và lãnh đạo cuộc cách mạng ở Việt Nam hết sức phấn đấu để thu phục lấy đại bộ phận thợ thuyền, dân cày và binh lính, dẫn đạo quần chúng lao khổ bị áp bức ấy liên hiệp với vô sản giai cấp thế giới, để một mặt đánh đổ đế quốc Pháp, chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản; một mặt tham gia vào cuộc thế giới cách mạng sản trừ tư bản chủ nghĩa cả thế giới đặng thực hiện chủ nghĩa cộng sản.

Tuần báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với chức năng tuyên truyền và vận động đường lối cách mạng.

Cuối tháng 3 năm 1929, tại Hà Nội, một nhóm Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã họp và tự lập một tổ chức Cộng sản đầu tiên trong nước và đặt ra mục tiêu vận động chuyển Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành Đảng Cộng sản nhân dịp Đại hội lần thứ nhất của Hội dự kiến họp ở Hồng Kông vào tháng 5 năm 1929.

Sau hội nghị trù bị lần thứ nhất (tháng 1 năm 1929) và hội nghị trù bị lần thứ 2 (cuối tháng 4 năm 1929), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Việt Nam Cách mạng Thanh niên diễn ra tại Hồng Kông từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 5 năm 1929 với sự tham gia của 3 ủy viên Hội Trung ương (Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Lâm Đức Thụ); 4 đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ (Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân ); 4 đại biểu Kỳ bộ Trung Kỳ (Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Thiệu, Trương Quang Trọng, Võ Mai); 3 đại biểu Kỳ bộ Nam Kỳ (Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, Trần Văn Phồng) và 1 đại biểu ở Xiêm (Võ Tòng).

Tại Đại hội, trưởng đoàn đại biểu Bắc Kỳ, Trần Văn Cung đọc báo cáo tham luận, phân tích những điều khách quan và chủ quan của phong trào công nhân Việt Nam, vạch rõ quy mô và tính chất của nó để khẳng định trình độ giác ngộ, tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành phải có một chính đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản nhưng chủ trương này không được Đại hội thông qua và bị Lâm Đức Thụ chủ tịch Đại hội phản đối kịch liệt. Vì vậy, Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ đã bỏ Đại hội ra về.

Tuyên ngôn của đoàn đại biểu thanh niên Bắc Kỳ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng tại Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 1/6/1929 (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Mặc dù thiếu Đoàn đại biểu Bắc Kỳ, Đại hội vẫn tiếp tục họp. Đại hội bầu Trung ương Chấp hành ủy viên Hội, gồm 7 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết trong đó có cả những người vắng mặt và có mặt ở Đại hội.

Đại hội thông qua Án nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Việt Nam Cách mạng Thanh niên về vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản, chỉnh đốn nội bộ; vấn đề tuyên truyền, huấn luyện, kinh tế, ngoại giao; về tên Hội…, quyết nghị về việc Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ bỏ Đại hội và thừa nhận chương trình của luận cương về vấn đề cách mạng. Đại hội thông qua Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ của Việt Nam Cách mạng Thanh niên, công bố chủ trương, đường lối, chính sách hoạt động cụ thể của mình nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng Việt Nam.

Các văn kiện của Đại hội đã có bước tiến trong việc khẳng định rõ rệt hơn tính chất cộng sản, nhưng trước tình hình, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập vào tháng 6 năm 1929 và tình hình Hội bị đàn áp trong nước, Tổng bộ Hội cho rằng Việt Nam Cách mạng Thanh niên “… không thể và không nên tồn tại nữa và cử các đồng chí về nước tổ chức, liên kết các chi bộ cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản”. Sau khi Đại hội bế mạc, 6 ủy viên mới được bầu vào Tổng bộ là Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thiệu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Sĩ Sách, Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm đã họp bàn việc thành lập Đảng Cộng sản. Thực hiện chủ trương này, những cộng sản đoàn còn lại trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã hình thành các chi bộ cộng sản.

Tháng 8 năm 1929, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tan rã từ đây. Song các đảng viên của Hội đã thành lập và tham gia các Đảng Cộng sản trong nước mà sau này hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Huệ- Chính (tổng hợp)

Từ khóa » Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên ở Hà Nội