Tôn Đức Thắng Với Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Những ...

Muốn hiểu được mối quan hệ và vai trò của Tôn Đức Thắng với Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên những năm 1926-1929, cần thấy được hoạt động của Tôn Đức Thắng trong phong trào công nhân ở Sài Gòn những năm 1920-1926 đã gây dựng những cơ sở để tạo ra điểm gặp gỡ mang tính tất yếu của Tôn Đức Thắng với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc vừa sáng lập vào năm 1925.

1. Tôn Đức Thắng xây dựng phong trào công nhân Sài Gòn - tạo dựng cơ sở cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển.

Sau khi kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ, tham gia cuộc khởi nghĩa ở Biển Đen nhằm bảo vệ chính quyền Xô-viết, bảo vệ Cách mạng Tháng Mười đang bị các nước đế quốc bao vây, Tôn Đức Thắng nhận quyết định giải ngũ và bị trục xuất khỏi nước Pháp. 9

Trở lại Sài Gòn, Tôn Đức Thắng đã có bước trưởng thành vượt bậc, đặc biệt là về tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân bằng các hình thức công đoàn, nghiệp đoàn.

Về nước, nhưng bị cấm vào làm việc ở bất kỳ cơ sở công nghiệp nào của Pháp, Tôn Đức Thắng vào làm công nhân cho một hãng của người Đức ở Sài Gòn. Vừa kiếm sống, Tôn Đức Thắng đồng thời tìm mọi cách liên lạc với công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu kỹ đặc điểm công nhân ở một xứ thuộc địa, với tài tổ chức của mình, Tôn Đức Thắng đã tổ chức ra Công hội bí mật ở nhiều cơ sở công nghiệp - như Cảng Sài Gòn, Xưởng Ba Son, Xưởng FACI, Nhà máy Đèn Sài Gòn, Nhà máy Đèn Chợ Quán… Công hội bí mật ở Sài Gòn do Tôn Đức Thắng tổ chức và lãnh đạo từ năm 1920 là công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Nó phù hợp với một nước thuộc địa như nước ta – dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ, bởi vậy tổ chức bí mật mới có thể tránh khỏi mọi sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù.

Công hội do Tôn Đức Thắng tổ chức là nhằm làm cho công nhân giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, đấu tranh với giới chủ và chính quyền thực dân. Bởi vậy, Công hội còn đóng góp và trở thành một bộ phận tích cực của phong trào cách mạng dân tộc. Việc tổ chức và lãnh đạo hoạt động Công hội bí mật của Tôn Đức Thắng hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích, tổ chức và hoạt động bí mật của công hội, được Người thể hiện trong các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu, Trung Quốc những năm 1925-1927.

Lịch sử hoạt động của Công hội bí mật có một sự kiện lớn, tiêu biểu, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Công hội cũng như của công nhân Sài Gòn thời kỳ này. Đó là Công hội đã lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8-1925) thắng lợi.

Ba Son là nhà máy lớn nhất của thực dân Pháp ở Sài Gòn khi đó, với hơn 1000 công nhân chuyên sửa chữa tàu chiến và tàu buôn. Công nhân Ba Son được ưu ái hơn so với các cơ sở công nghiệp khác, là nơi duy nhất ở Đông Dương được hưởng chế độ làm việc 8 giờ một ngày, lương cao hơn những nơi khác, được nghỉ 30 phút vào ngày lĩnh lương hằng tháng. Nhưng công nhân Ba Son phải chịu nhiều luật lệ nghiêm ngặt, chẳng hạn như luật chống bãi công.

Năm 1925, thực dân Pháp điều động một đoàn tàu chiến đi đàn áp phong trào cách mạng ở Trung Quốc. Trong đó có tàu Mi-sơ-lê (Michelt) trên đường đi bị hỏng phải đưa vào Ba Son để sửa chữa. Tinh thần quốc tế tại Biển Đen (năm 1919) đã cho Tôn Đức Thắng thấy cần ngăn chặn kế hoạch sửa chữa hoặc làm chậm ngày nhổ neo của tàu Mi-sơ-lê. Tôn Đức Thắng lãnh đạo Công hội bí mật vận động công nhân Ba Son đình công ủng hộ phong trào cách mạng Trung Quốc. Một loạt vấn đề của cuộc đình công đòi hỏi Công hội phải giải quyết kịp thời và có hiệu quả. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi Ban lãnh đạo Công hội phải có trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị, tổ chức nhất định. Để lách luật chống bãi công, Công hội đã tìm được cái cớ về kinh tế cho cuộc bãi công – đó là việc phản đối sự thay đổi lệ nghỉ sớm 30 phút vào những ngày lĩnh lương xuống còn 15 phút.

Ngày 4-8-1925, là ngày lĩnh lương, công nhân dừng việc và đòi nghỉ 30 phút như trước đây. Kỹ sư Cuốc-chi-an phụ trách nhà máy liền đuổi một số công nhân. Ngày 5-8-1925, công nhân họp mít tinh và kiến nghị 3 yêu sách: Tăng lương đồng loạt 20%; Nhận lại những người bị đuổi trở lại làm việc; Giữ nguyên lệ cũ, nghỉ từ 5 giờ chiều ngày lĩnh lương. Ngày 11-8-1925, Thống đốc Nam Kỳ và Tư lệnh Hải quân Pháp đe doạ sẽ đóng cửa nhà máy và sa thải toàn bộ công nhân nếu công nhân không trở lại làm việc vào ngày 12-8.

Công nhân đưa thêm yêu cầu phải trả lương cả trong những ngày nghỉ việc bãi công. Cuộc bãi công được tiếp tục. Để cuộc bãi công giành thắng lợi, Công hội vận động công nhân, viên chức các nhà máy, xí nghiệp, công sở khắp Sài Gòn - Chợ Lớn quyên góp tiền, gạo ủng hộ anh em công nhân Ba Son bãi công. Cuộc bãi công không còn là riêng của công nhân Ba Son nữa.

Cuối cùng, giới chủ Ba Son phải nhượng bộ tăng lương 10% cho công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Công hội, công nhân Ba Son trở lại nhà máy làm việc nhưng tiếp tục bãi công để kéo dài thời gian sửa chữa tàu Mi-sơ-lê. Khi phong trào công nhân và thuỷ thủ Trung Quốc đã giành thắng lợi thì tàu Mi-sơ-lê mới sửa xong và xuất xưởng vào ngày 28-11-1925.

Cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (tháng 8-1925) giành thắng lợi là kết quả của suốt 5 năm kiên trì xây dựng Công hội bí mật, lãnh đạo và phát triển phong trào công nhân của Tôn Đức Thắng và Công hội. Nó thể hiện ý thức tự giác, trình độ tổ chức, tinh thần quốc tế vô sản của công nhân Ba Son, cũng như của công nhân, viên chức Sài Gòn - Gia Định đã có bước phát triển vượt bậc. Đó là bước phát triển từ tự phát lên tự giác, từ “giai cấp tự nó” lên “giai cấp cho nó”, mở ra thời kỳ mới của phong trào công nhân Việt Nam. Thắng lợi này cũng khẳng định vai trò và uy tín của Công hội và của Tôn Đức Thắng đã tạo ra cơ sở xã hội cho tư tưởng Hồ Chí Minh, cho Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên bén rễ, ăn sâu và phát triển trong phong trào công nhân, trong lòng dân tộc.

2. Sự gặp gỡ của phong trào công nhân Sài Gòn – Gia Định với Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Tôn Đức Thắng trở thành cán bộ chủ chốt của Hội

Sang năm 1925, phong trào công nhân Sài Gòn - Gia Định bước vào thời kỳ mới với bước trưởng thành vượt bậc. Cùng lúc đó, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc kết thúc hai khoá huấn luyện chính trị cho các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (khoá I vào đầu năm 1926 và khoá II vào cuối năm đó). Ngay sau khoá II kết thúc, các học viên được phân công về nước để xây dựng cơ sở của Thanh niên ở trong nước.

Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi thuộc nhóm học viên khoá II được phân công về gây dựng cơ sở ở Nam Kỳ. Về đến Sài Gòn, hai đồng chí tìm hiểu các tổ chức yêu nước và đời sống của nhân dân rồi sau đó kết nạp được ba người và đưa họ đi Quảng Châu học tập là Lê Mạnh Trinh, Ngô Thiêm, Lê Văn Phát.

Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi tìm hiểu và liên lạc với Công hội của Tôn Đức Thắng. Lúc này, sau nhiều năm tiếp xúc với báo chí của Đảng Cộng sản Pháp, Tổng Công hội Pháp gửi sang như báo Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền; những báo và tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như "Le Paria", "Bản án chế độ thực dân Pháp", Tôn Đức Thắng và Công hội đã có sự ngưỡng mộ đặc biệt Nguyễn Ái Quốc. Nay được tiếp xúc với những học trò của Người truyền đạt những tư tưởng cách mạng của Người, thì đây là sự hội ngộ tất yếu của Tôn Đức Thắng, của Công hội với tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh. Những cán bộ ưu tú của Công hội đã được kết nạp vào Thanh niên như Tôn Đức Thắng, Trần Trương, Trần Ngọc Giải… và tổ chức tốp thứ hai gồm 9 người sang Quảng Châu huấn luyện.

Tháng 2-1927, khoá III của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Quảng Châu kết thúc. Đồng chí Phạm Văn Đồng (khoá III) cùng các đồng chí Phan Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Ba (khoá II)… được cử về tăng cường cho Nam Bộ. Khoảng gần giữa năm 1927, Kỳ bộ Nam Kỳ của HộiViệt Nam Cách mạng thanh niên được thành lập tại Sài Gòn, gồm có Phan Trọng Bình (Bí thư), Ngô Thiêm, Nguyễn Văn Lợi, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Pháp.

Sau khi Kỳ bộ Nam Kỳ của Thanh niên được thành lập, việc xây dựng cơ sở Thanh niên ở các tỉnh, huyện được đẩy mạnh. Khi Thành bộ Sài Gòn của Thanh niên ra đời, Tôn Đức Thắng được cử giữ trọng trách là Bí thư. Thanh niên đi vào phong trào cách mạng, làm cho phong trào có bước phát triển mạnh. Trong điều kiện đó, tổ chức cơ sở của Thanh niên phát triển và được củng cố. Đến năm 1929, ở Nam Kỳ đã có 19 chi bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Những năm 1926-1927, Công hội Sài Gòn do Tôn Đức Thắng sáng lập đã thực sự đóng vai trò là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Sài Gòn và cả ở Nam Kỳ. Đến giữa năm 1927, tổ chức Thanh niên của Sài Gòn đã có tới 30 người, cùng lúc đó ở Hà Nội, Nam Định là 40 người, Nghệ Tĩnh là 30 người, Thái Bình là 20 người, Hải Phòng, Hà Bắc, mỗi nơi là 10 người…

Thực hiện chủ trương “vô sản hoá” (từ 1928) của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, địa bàn hoạt động của Công hội Sài Gòn là nơi tiếp nhận và giúp đỡ những cán bộ của Hội đi “vô sản hoá” bí mật ở các nhà máy, xí nghiệp – như Ngô Gia Tự hoạt động tại bến cảng Sài Gòn, Lê Văn Lương và Hoàng Quốc Việt “vô sản hoá” ở xưởng Faci, Phan Trọng Quảng vào làm ở xưởng kéo xe… Những hoạt động tích cực của Thanh niên trong “vô sản hoá” chẳng những rèn luyện các chiến sĩ Thanh niên thành đại biểu chân chính của giai cấp, của dân tộc, mà chính họ đã mang tới cho phong trào công nhân hệ tư tưởng cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tạo bước phát triển nhảy vọt của phong trào công nhân và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Những năm 1926-1928, phong trào công nhân Sài Gòn - Gia Định và Nam Kỳ có nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu như cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền Phú Riềng (tháng 8 và 9-1927), Nhà máy Nước đá Larue (tháng 2-1928), Nhà máy In Portail Sài Gòn (tháng 5-1928), Đồn điền cao su Cam Tiêm (tháng 9-1928), Hãng Dầu Nhà Bè (tháng 11-1928)… Những phong trào này đã thúc đẩy An Nam Cộng sản Đảng ra đời vào năm 1929, góp phần ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.

Tôn Đức Thắng cũng có bước ngoặt lớn trong cuộc đời cách mạng của mình. Với việc tham gia và trở thành cán bộ trọng yếu trong Kỳ bộ Nam Kỳ và Thành bộ Sài Gòn củaHội Việt Nam Cách mạng thanh niên, từ đây Tôn Đức Thắng thực sự vững vàng trên con đường cách mạng được định hướng bởi chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vĩ đại.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ, thì Công hội do Tôn Đức Thắng sáng lập và lãnh đạo thực sự là cơ sở “vật chất” để cho tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh (Thanh niên là đại diện) - yếu tố “tinh thần” - gắn bó và lan toả. Sự gặp gỡ của hai yếu tố này tạo ra bước phát triển về chất của phong trào công nhân ở Nam Kỳ nói riêng, của phong trào cách mạng Nam Kỳ nói chung. Từ đây, phong trào được dẫn dắt bởi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Từ khóa » Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên ở Hà Nội