Hồi Tưởng Về Người Đội Trưởng đầu Tiên Của Đội Việt Nam Tuyên ...
Có thể bạn quan tâm
Từ giao liên của Bác Hồ đến Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội Việt Nam
Ngày 22/12/2014, Quân đội Nhân dân Việt Nam tròn 70 tuổi, đang ngày càng trưởng thành, vững mạnh trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nhưng nhiều người vẫn bồi hồi khi nhớ về Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân non trẻ những ngày đầu thành lập, chỉ với 34 con người, chia làm 3 đội vũ trang.
Người đội trưởng đầu tiên – Thiếu tướng Hoàng Sâm, đã ra đi gần 40 năm. Những tài liệu còn lại về ông đến giờ còn rất ít. Những nhân chứng, những đồng đội từng sát cánh bên ông một thời, hầu như cũng không còn ai. Thượng tá Hoàng Sùng - con trai Thiếu tướng Hoàng Sâm, ngậm ngùi chia sẻ: “Cha tôi hi sinh khi chị em tôi còn rất nhỏ. Những câu chuyện về ông, chúng tôi chỉ được biết qua những lời kể ít ỏi của mẹ và của những người bạn đã cùng vào sinh ra tử với cha”.
Sinh thời, Thiếu tướng Hoàng Sâm (tên thật là Trần Văn Kỳ) luôn tự hào vì khi 12 tuổi, ông đã vinh dự được biết và đi theo Bác Hồ hoạt động. Năm 1927, ông theo cha mẹ sang Thái Lan sinh sống. Bác Hồ từ Pháp về Xiêm hoạt động, lấy bí danh là Thầu Chín. Thấy cậu bé Trần Văn Kỳ thông minh, nhanh nhẹn, đồng chí Thầu Chín đã chọn Trần Văn Kỳ làm liên lạc viên. Cậu bé 12 tuổi với khí chất sẵn có, lại may mắn được Bác giác ngộ đã từ biệt cha mẹ, dấn thân trên con đường lý tưởng của mình không một chút băn khoăn, đắn đo.
Những năm ấy, Trần Văn Kỳ đã đi theo đồng chí Thầu Chín đến khắp các tỉnh của Thái Lan để hoạt động cách mạng cho đến khi đồng chí Thầu Chín bị mật vụ Xiêm phát hiện, trục xuất khỏi Thái Lan. Cái tên Hoàng Sâm cũng là do chính Bác Hồ đặt cho liên lạc viên nhí của mình. Tháng 2/1941, khi Bác Hồ trở về nước lãnh đạo cách mạng, Hoàng Sâm cùng với đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp đã được Người tin tưởng chọn là những người bảo vệ Người từ Trung Quốc về Pắc Bó – Cao Bằng.
Khi còn ở Việt Bắc, với đồng bào dân tộc nơi này, Thiếu tướng Hoàng Sâm như một huyền thoại. Họ nói, ông cưỡi ngựa giỏi không kém bất cứ người dân tộc nào, và có tài bắn súng bằng hai tay xuất sắc như một xạ thủ thứ thiệt. Có một câu chuyện rằng khi đó, Tạ Đình Đề là một xạ thủ nổi tiếng, có thể bắn tắt điếu thuốc lá trên vành môi người đứng xa 20m.
Một hôm hứng khởi, vì muốn thử súng mới, lại đúng dịp xạ thủ Tạ Đình Đề có mặt ở Liên khu 3, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã gọi Tạ Đình Đề ra thi bắn, với rất nhiều “trọng tài” là các cán bộ Liên khu. Mục tiêu là chùm sung rừng cách xa 20m, mỗi người bắn 3 viên. Kết quả, Thiếu tướng Hoàng Sâm là người chiến thắng.
Họ còn nói ông là người mà khiến cả những trùm phỉ khét tiếng nhất vùng Việt Bắc cũng phải tâm phục, không dám nhũng nhiễu người dân trong vùng, đem lại sự bình yên cho nhân dân khắp vùng Hà Quảng. Vùng biên giới Việt - Trung những năm trước Cách mạng Tháng Tám có nhiều toán thổ phỉ vũ trang hoành hành, nhũng nhiễu nhân dân.
Thiếu tướng Hoàng Sâm (bên trái) cùng Đại tướng Văn Tiến Dũng hồi trẻ. |
Năm 1939, Châu ủy Hà Quảng phải phát động phong trào chống phỉ, đồng thời vận động những người dân vì nghèo đói đi theo phỉ trở về làm ăn lương thiện. Những tên trùm phỉ khét tiếng nhất ngày đó là anh em Voòng A Sáng, Voòng A Sính, Châu Sla Tham (Châu ba mắt), Lỳ Xíu, là những cái tên mà khiến bất cứ người dân nào chỉ cần nghe tên thôi cũng khiếp sợ. Chúng phần lớn là người Trung Quốc sống sát biên giới, sang Việt Nam cướp bóc, nhũng nhiễu nhân dân.
Có lần, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã một mình xông vào động phỉ để thuyết phục hai trùm phỉ Voòng A Sáng và Voòng A Sính. Một mình giữa hang ổ của phỉ, ông không hề run sợ. Không biết ông đã nói những gì, nhưng khi ông ra khỏi hang, Voòng A Sáng và Voòng A Sính đã cắt máu ăn thề, kết nghĩa anh em với ông.
Nghe kể về ông, tên Lỳ Xíu đã kéo quân đến Pắc Bó đòi gặp ông Trần (Hoàng Sâm) và ông Lê (Thiếu tướng Lê Quảng Ba) để thi bắn súng. Sau khi bị thua trước Hoàng Sâm và bị ông thuyết phục, Lý Xìu cũng nhận Hoàng Sâm làm anh kết nghĩa. Nạn phỉ vùng biên giới Việt - Trung được dẹp yên từ đó.
Người cha tướng lĩnh trong ký ức con trai
Trở thành một trong mười vị tướng đầu tiên của Quân đội khi còn rất trẻ, nhưng Thiếu tướng Hoàng Sâm lại cưới vợ rất muộn. Thấy ông mải mê hoạt động cách mạng mà quên chuyện riêng tư, Bác Hồ đã tác thành cho hai vợ chồng ông. Bà Mỹ Lệ - vợ ông và ông sau này vẫn mãi biết ơn mối nhân duyên ấy, vì nhờ có sự quan tâm của Bác mà ông bà đã có những năm tháng hạnh phúc bên nhau cho đến ngày ông qua đời.
Trong cuộc đời người đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, điều nuối tiếc duy nhất, có lẽ chính là việc ông đã hy sinh khi mới 53 tuổi, khi mà ông vẫn đang tràn đầy khát khao được phục vụ cho đất nước. Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh năm 1968, ở mặt trận Bình Trị Thiên. Khi đó người con trai út của ông mới lên 7 tuổi nên kí ức của những người con về cha không nhiều.
Trong ký ức của Thượng tá Hoàng Sùng, cha anh - Tướng Hoàng Sâm là người nổi tiếng chiều con: “Ông chiều con đến nỗi, chị em chúng tôi muốn ăn một cái kẹo, muốn mua một cái áo mới, thì đều xin bố chứ không xin mẹ. Nhưng bố tôi cũng rất nghiêm. Chị tôi đi sơ tán, học ở tận Hưng Yên, những lần bố tôi có chuyến đi công tác xuống đó, mẹ tôi xin cho chị đi nhờ, ông không bao giờ đồng ý. Ông bảo xe của công, không thể dùng vào việc riêng. Bố tôi hết công tác ở đơn vị này, lại sang công tác ở đơn vị khác. Sau này tôi đi học ở Trường Thiếu sinh quân, nên bố con cũng rất ít gặp nhau. Nhưng năm 1968, khi tôi 16 tuổi, bố tôi được lệnh vào Nam chiến đấu, tôi đã được bố cho tiễn đến Thanh Hóa. Ngày đó, khi tiễn bố, tôi đã nung nấu ý định đi theo ông để được sát cánh bên ông, bảo vệ ông. Nhưng ông kiên quyết không đồng ý, dặn tôi phải ở lại ráng học hành và chăm sóc cho mẹ. Cha con tôi chia tay trong một rừng thông ở Thanh Hóa mà chẳng ngờ rằng đó là cuộc chia ly mãi mãi”.
Thiếu tướng Hoàng Sâm cùng gia đình. |
Những ngày trước khi Tướng Hoàng Sâm lên đường vào chiến trường miền Nam, vợ ông lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Khi đó bà hỏi chồng: “Chiến trường đang ác liệt như thế, anh đi rồi nếu chẳng may không về, ai nuôi 5 đứa con nhỏ?”. Ông trả lời ngắn gọn, đầy tin tưởng: “Anh chết, thì các con đã có em, đã có Đảng, đã có Nhà nước lo. Chúng nhất định nên người”.
Khi vào Nam, Tướng Hoàng Sâm hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên - một trong những mặt trận khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Tháng 12/1968, căn hầm nơi ông đang bàn việc bị trúng bom, không một ai sống sót. Khi cả gia đình đang ở nơi sơ tán thì vợ ông bỗng nhận được tin báo ông đang ra Hà Nội và yêu cầu cả gia đình về.
Thượng tá Hoàng Sùng kể: “Dù Bộ Quốc phòng không hề nói bố tôi đã hi sinh, nhưng vừa nhận được tin báo là mẹ tôi khóc. Mẹ bảo bố ra giờ này có nghĩa là bố hi sinh rồi. Bố tôi được đưa về Bệnh viện 108, trong một cái thùng tôn, vượt qua gần một nghìn cây số bom đạn. Người duy nhất được nhìn mặt bố tôi là Bác Hồ. Cả mẹ tôi và chị em chúng tôi đều không được nhìn mặt bố lần cuối.
Trong tang lễ bố tôi, khi Bác Hồ đến viếng, mẹ tôi vừa khóc vừa nắm chặt tay Bác. Bà hỏi Người: “Cháu chỉ hỏi Bác một câu thôi: Người nằm trong quan tài kia có phải anh Hoàng Sâm không?”. Bác trả lời: “Tôi hứa với cô, đó chắc chắn là anh Hoàng Sâm”.
Sau này chúng tôi mới biết khi nghe tin bố tôi nằm xuống ở mặt trận Bình Trị Thiên, Bác Hồ đã quả quyết yêu cầu: “Bằng mọi giá phải đưa được Hoàng Sâm về Hà Nội”. Nhưng bố tôi bị bom, thi thể không còn lành lặn. Có lẽ vì lý do đó, Bác và các lãnh đạo Nhà nước đã không cho chúng tôi được nhìn mặt ông lần cuối, tránh cho chúng tôi những nỗi ám ảnh sau này”.
Sau ngày Tướng Hoàng Sâm hy sinh, vợ ông một mình gánh vác cả gia đình, nuôi 5 người con nên người. Nhưng bà chưa bao giờ than phiền bất cứ điều gì, chỉ nói đi nói lại một điều với con cái: "Đôi khi mẹ ước bố con không phải một vị Tướng, mà chỉ cần là một người nông dân, một anh bán thịt bình thường cũng được”. Có lẽ bà ao ước thế, vì bà nghĩ rằng nếu chồng bà chỉ là một anh bán thịt, một người nông dân, thì có lẽ bà vẫn có chồng, các con bà vẫn có bố bên cạnh để chia sẻ, bảo ban, chăm sóc.
Nhưng niềm tự hào về người chồng, người cha đã mất vẫn luôn là điều lớn lao nhất trong ký ức những người thân của Thiếu tướng Hoàng Sâm. Mỗi khi những đồng đội cũ ghé qua thắp hương cho ông, kể những kỷ niệm về ông, những chiến công của ông, vợ con ông lại thêm tự hào về người chồng, người cha đã khuất của mình.
Từ khóa » Hoàng Sâm Hi Sinh
-
Thiếu Tướng Hoàng Sâm - đội Trưởng đầu Tiên - Media Báo QĐND
-
Thiếu Tướng Hoàng Sâm - Người Con ưu Tú Của Quảng Bình
-
Chuyện Về Hoàng Sâm, Vị Thiếu Tướng đầu Tiên Của QĐNDVN
-
15/12/1968 THIẾU TƯỚNG HOÀNG SÂM ĐỘI TRƯỞNG ... - Facebook
-
Chuyện Về Thiếu Tướng Hoàng Sâm - Báo Quảng Bình điện Tử
-
Hoàng Sâm Chinh Phục Xạ Thủ Tạ Đình Đề
-
[DOC] Hoàng Sâm - Vị Tướng Nhiều Tài Năng, Huyền Thoại
-
Cuộc đời Oai Hùng Của Thiếu Tướng Hoàng Sâm - Dân Việt
-
Tướng Hoàng Sâm Qua Chuyện Kể Của Người đội Viên Ngày ấy
-
Tướng HOÀNG SÂM - Người Khiến Xạ Thủ TẠ ĐÌNH ĐỀ Phục Sát ...
-
Thiếu Tướng Hoàng Sâm: Huyền Thoại Về Tài Năng Quân Sự
-
Trần Hoàng Sâm - Sở GD&ĐT Ninh Bình
-
HOÀNG SÂM - Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam